Đức Chúa Jêsus Christ

Từ Từ điển tri thức Hội Thánh của Đức Chúa Trời
Bước tới điều hướng Bước tới tìm kiếm
Đức Chúa Jêsus Christ đứng trước Philát. Tác phẩm của Mihály Munkácsy (1844-1900).

Đức Chúa Jêsus Christ (Jesus Christ) vốn là bản thể Đức Chúa Trời, là Đấng Cứu Chúa đã mặc lấy xác thịt và hy sinh trên thập tự giá vào 2000 năm trước để cứu rỗi nhân loại.[1] Ngài đã rao giảng Tin Lành của Nước Thiên Đàng và lập ra chế độ giao ước mới trong suốt 3 năm chức vụ Tin Lành kể từ khi chịu phép Báptêm vào năm 30 tuổi. Ngài bị dân Giuđa và các nhà lãnh đạo tôn giáo đương thời chống đối và bị bắt bởi đám đông vào đêm mà Ngài lập ra Lễ Vượt Qua giao ước mới chứa đựng sự tha tội và sự sống đời đời, rồi hy sinh trên thập tự giá vào ngày hôm sau. Ngài đã phục sinh sau ba ngày và giao phó sứ mệnh truyền bá Tin Lành Nước Thiên Đàng cho các môn đồ, và Ngài thăng thiên sau 40 ngày. Toàn bộ cuộc đời của Đức Chúa Jêsus là quá trình ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh Thánh, là sự hy sinh và tình yêu thương dành cho nhân loại. Huyết hy sinh mà Đức Chúa Jêsus Christ đổ ra trên thập tự giá đã mở ra con đường cứu rỗi hầu cho nhân loại được rửa sạch tội lỗi và tiến bước đến Nước Thiên Đàng.

Ý nghĩa của Jêsus Christ

Jêsus Christ nghĩa là “Đấng Cứu Chúa Jêsus”, là xưng hô được kết hợp bởi danh từ riêng “Jêsus” - một trong những tên của người Ysơraên và từ “Christ” nghĩa là Đấng Cứu Chúa, tức “Đấng chịu xức dầu”. “Jêsus” trong tiếng Hêbơrơ là “Yehoshua” (יְהוֹשֻׁעַַ) có nghĩa là “Đức Giêhôva cứu rỗi”. Cũng có khi được sử dụng là Yeshua (יֵשׁוּעַ). Christ là từ “Christós (Χριστός)” trong tiếng Gờréc nghĩa là “Đấng được xức dầu” và bắt nguồn bởi động từ tiếng Gờréc “chrio (χρίω)” nghĩa là “xức dầu”.[2] Từ đồng nghĩa với từ Christ là Mêsi cũng mang ý nghĩa là “Đấng chịu xức dầu”. Mêsi là từ trong tiếng Aram tương đương với “Mashiach (מָשִׁיחַ)” trong tiếng Hêbơrơ được phát sinh từ động từ “mashach (מָשַׁח)” nghĩa là “xức dầu”.[3][4][5]

Hình dáng và hoàn cảnh sinh hoạt

Đức Chúa Jêsus Christ trong xưởng mộc của Giôsép. Tác phẩm của Matteo Pagano

Ngày nay, ngoại hình của Đức Chúa Jêsus Christ thường được miêu tả bằng hình ảnh thần bí và đẹp đẽ thông qua các tác phẩm nghệ thuật hoặc các phương tiện truyền thông.[6][7] Song, dung mạo của Đức Chúa Jêsus được ghi chép trong Kinh Thánh lại hết sức bình thường.[8][9] Tên “Jêsus” là một tên gọi khá phổ biến của người Giuđa đương thời,[10] hoàn cảnh sinh hoạt của Đức Chúa Jêsus cũng không ở trong điều kiện đáng để người ta tôn kính. Đức Chúa Jêsus có vẻ ngoài chẳng có gì đáng ngưỡng mộ. Ngài làm nghề thợ mộc với gia đình phần xác thịt và sinh hoạt ăn uống thường ngày như người bình phàm. Đôi lúc lại không rửa tay trước khi ăn hoặc cũng có khi ở cùng với hạng người bị đối xử tệ bạc.[11][12][13] Những khía cạnh xác thịt này đã trở thành lý do khiến người Giuđa và các nhà lãnh đạo tôn giáo đương thời bắt bớ Đức Chúa Jêsus.

Cuộc đời của Đức Chúa Jêsus Christ

Trong sách Êsai có lời tiên tri rằng Đức Chúa Trời sẽ giáng sinh với tư cách là một con trẻ. Tác phẩm vào khoảng thế kỷ thứ 18. Không rõ tác giả.

Cuộc đời của Đức Chúa Jêsus là một chuỗi sự khổ nạn từ khi sinh ra cho đến khi trút hơi thở trên thập tự giá. Khi mới sinh ra, Ngài đã bị vua Hêrốt đe dọa tính mạng,[14] và sau khi chịu phép Báptêm vào năm 30 tuổi, Ngài phải đối mặt với sự cám dỗ của ma quỉ.[15] Kể từ đó, trong quá trình rao giảng Tin Lành Nước Thiên Đàng, nhiều người đã đối nghịch Ngài bởi cớ Ngài là “người”.[16] Vào chính đêm thiết lập Lễ Vượt Qua giao ước mới, Ngài đã bị phản bội bởi môn đồ Giuđa Íchcariốt.[17] Đức Chúa Jêsus bị bắt giữ bởi quân lính, bị kéo đến trước tòa công luận, và bị đóng đinh trên thập tự giá sau khi chịu mọi sự chế giễu, nhạo báng, tra tấn bằng đòn roi một cách thê thảm.[18] Ngài đã làm trọn vẹn giao ước của Lễ Vượt Qua giao ước mới chứa đựng thịt và huyết của Ngài trên thập tự giá.[19] Đức Chúa Jêsus đã phục sinh sau ba ngày và mở ra sứ mệnh truyền bá Tin Lành cho các môn đồ trước khi thăng thiên.[20][21] Cuộc đời của Đức Chúa Jêsus được xâu chuỗi bởi sự hy sinh vô hạn và khổ nạn cùng cực, đã tạo nên lịch sử phục hưng cho Hội Thánh sơ khai và chiếu sự sáng cứu rỗi cho nhân loại.

Giáng sanh

Sự giáng sanh của Đức Chúa Jêsus được ứng nghiệm theo lời tiên tri trong Kinh Thánh Cựu Ước. Theo lời tiên tri của ÊsaiMichê được ghi chép vào khoảng năm 700 TCN, Đức Chúa Jêsus được chịu thai bởi Đức Thánh Linh thông qua người nữ đồng trinh Mari và đã giáng sanh trong chuồng ngựa tại Bếtlêhem.[22][23] Sau khi nghe tin tức về sự ra đời của Đấng Christ từ các bác sĩ phương Đông, vua Hêrốt đã ra lệnh giết hết thảy con trai từ hai tuổi sấp xuống, nhưng Đức Chúa Jêsus đã ẩn náu qua xứ Êdíptô nhờ sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời.[14][24] Dầu có bất cứ điều gì cản trở sự đến của Đấng Cứu Chúa đi chăng nữa thì cũng không thể thay đổi được kế hoạch mà Đức Chúa Trời đã dự định.[25][26]

Bắt đầu cuộc đời Tin Lành (Báptêm)

Đức Chúa Jêsus bắt đầu chức vụ mình vào năm 30 tuổi sau khi chịu phép Báptêm bởi Giăng Báptít.[27] Giăng Báptít, người làm phép Báptêm cho Đức Chúa Jêsus, là nhân vật đã nhận lấy sứ mệnh của Êli, tức là người dọn đường cho Đấng Christ đến trong xác thịt.[28][29][30] Sau khi chịu phép Báptêm bởi Giăng Báptít, Đức Chúa Jêsus đến nơi đồng vắng cầu nguyện kiêng ăn trong suốt 40 ngày đêm. Sau khi cầu nguyện kiêng ăn, Ngài chịu sự cám dỗ của ma quỉ, nhưng Ngài đã kiên quyết đẩy lùi mọi sự cám dỗ bằng lời Kinh Thánh.[15]

Rao giảng Tin Lành Nước Thiên Đàng

Đấng Christ chữa lành kẻ mù. Tác phẩm của Eustache Le Sueur.

Sau khi chiến thắng sự cám dỗ của ma quỉ, Đức Chúa Jêsus bắt đầu rao giảng Tin Lành Nước Thiên Đàng.[31] Ngài chữa lành người bệnh và đưa ra cánh tay của sự cứu rỗi cho những người bị xem thường. Đức Chúa Jêsus cầu nguyện từ sáng sớm, đi khắp các làng để truyền đạo, và cho mọi người biết đến phước lành phần linh hồn dẫn đến Nước Thiên Đàng.[32] Song, người Giuđa và các nhà lãnh đạo tôn giáo đương thời đã bàn luận về mặt xác thịt của Đức Chúa Jêsus và đối nghịch Ngài. Cũng có lần họ lượm đá định ném Đức Chúa Jêsus vì là “người” mà xưng là “Đức Chúa Trời”.[16] Thậm chí, ngay cả người thân của Đức Chúa Jêsus cũng xem Ngài là người bị mất trí và định cầm giữ Ngài.[33] Ngay cả trong sự miệt thị bắt bớ, Đức Chúa Jêsus vẫn thương xót loài người và đi khắp các thành và làng mạc để rao giảng Tin Lành Nước Thiên Đàng.[34]

Tuần lễ khổ nạn (Sự vào thành Giêrusalem - Khổ nạn thập tự giá)

“Tuần lễ khổ nạn” tức là một tuần kể từ ngày Đức Chúa Jêsus cưỡi lừa con vào thành Giêrusalem đến ngày Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá rồi qua đời. Trong Tuần lễ khổ nạn, sau khi giữ Lễ Vượt Qua giao ước mới cùng các môn đồ, Đức Chúa Jêsus bị quân lính bắt vào chính đêm hôm đó và trải qua khổ nạn cùng cực cho đến ngày hôm sau, rồi bị hy sinh trên thập tự giá. Sự khổ nạn của Đức Chúa Jêsus đã được ứng nghiệm theo lời tiên tri của đấng tiên tri Êsai, trong đó có chứa đựng tình yêu thương của Đấng Christ vì sự cứu rỗi của loài người.

Công việc của Đức Chúa Jêsus trong tuần lễ khổ nạn
Thứ Công việc Nội dung
Chủ nhật Vào thành Giêrusalem • Đức Chúa Jêsus cưỡi lừa con mà vào thành Giêrusalem.[35]
• Khi Ngài đi vào thành, đám đông trải áo và rải các nhánh cây trên đường, vẫy nhánh cây cọ để chào đón Ngài.[36]
Thứ 2 Rủa sả cây vả và dọn sạch đền thờ • Rủa sả cây vả không ra trái. Sau đó, cây vả bị chết khô.[37]
• Quở trách và đuổi những kẻ buôn bán trong đền thờ.[38]
Thứ 3

Thứ 4

Dạy dỗ bằng lời tiên tri và ví dụ Tranh luận với các nhà lãnh đạo tôn giáo
• Dùng lời của Đức Chúa Trời để chỉ ra sai lầm của các nhà lãnh đạo tôn giáo đang tranh cãi.[39]

Lời tiên tri về tận thế và tái lâm
• Ngài cho các môn đồ biết điềm báo về sự diệt vong của thành Giêrusalem, sự tái lâm và ngày tận thế.
• Tiên tri về tai vạ sẽ xảy ra vào ngày tận thế và sự xuất hiện của christ giả.[40]
• Ngài phán “Hãy học lời ví dụ về cây vả” - điềm báo về sự tái lâm.[41]
• Các nhà lãnh đạo tôn giáo âm mưu tìm cách giết Đức Chúa Jêsus, Giuđa Íchcariốt đã tìm dịp để nộp Đức Chúa Jêsus sau khi lãnh 30 đồng bạc từ họ.[42]
Thứ 5 Lễ Vượt Qua cuối cùng Lễ Vượt Qua giao ước mới cùng giữ với các môn đồ
• Đức Chúa Jêsus sai PhierơGiăng đi dọn Lễ Vượt Qua.[43]
• Trước khi diễn ra lễ tiệc thánh Lễ Vượt Qua, Ngài cử hành nghi thức rửa chân bằng cách rửa chân cho các môn đồ.[44]
• Khi ăn lễ tiệc thánh Lễ Vượt Qua, Ngài phán rằng hãy ăn bánh và uống rượu nho của Lễ Vượt Qua tượng trưng cho thịt và huyết của Ngài mà lập ra giao ước sự tha tội.[19]
• Đức Chúa Jêsus tiên tri rằng một trong các môn đồ sẽ phản bội Ngài và rằng Phierơ sẽ chối Ngài.[45][46]


Đức Chúa Jêsus bị bắt sau khi cầu nguyện ở vườn Ghếtsêmanê
• Vào đêm Lễ Vượt Qua, Ngài tha thiết cầu nguyện trên đồi Ghếtsêmanê trong khi nghĩ đến sự đau đớn sắp phải chịu. Các môn đồ vẫn ngủ say mà không biết gì.[47]
• Đám đông đi cùng Giuđa Íchcariốt đến bắt giữ Đức Chúa Jêsus.[17]
• Các môn đồ thảy đều chạy trốn. Đức Chúa Jêsus bị dẫn đến thầy tế lễ thượng phẩm Caiphe và bị tra hỏi, bị nhổ nước bọt và bị đấm.[48]
• Phierơ từng gắng sức bảo vệ Đức Chúa Jêsus đã chối Ngài ba lần. Khi nghe tiếng gà gáy lúc sớm mai thì nhớ lại lời Đức Chúa Jêsus nên đã khóc lóc thảm thiết.[49]

Thứ 6 Khổ nạn thập tự giá Bị tra khảo liên tục và chịu khổ nạn
• Buổi sớm mai ngày Lễ Bánh Không Men - là hôm sau Lễ Vượt Qua, thầy cả thượng phẩm và các trưởng lão hội nghị cùng nhau đặng giết Đức Chúa Jêsus. Họ điệu Ngài đến quan tổng đốc Philát.[50]
• Philát không tìm được tội lỗi gì của Đức Chúa Jêsus, nên đã định tha Ngài theo tiền lệ là thả một tù nhân vào ngày lễ. Khi Philát hỏi họ muốn tha cho ai giữa kẻ giết người Baraba và Đức Chúa Jêsus, cả dân chúng đều la lên rằng thả Baraba và đóng đinh Đức Chúa Jêsus trên thập tự giá. Philát đã phán quyết đóng đinh Đức Chúa Jêsus.[51]
• Sau khi Đức Chúa Jêsus bị đánh đòn và chế giễu bởi quân lính, Ngài đã vác thập tự giá và bị kéo đến đồi Gôgôtha.[52]

Đức Chúa Jêsus qua đời trên thập tự giá
• Vào giờ thứ ba (khoảng 9 giờ sáng), quân lính đóng đinh tay và chân của Đức Chúa Jêsus vào thập tự giá. Trên đầu Ngài có một bản án ghi dòng chữ “Vua dân Giuđa”.[53]
• Chịu đau đớn suốt 6 tiếng bị treo trên thập tự giá, vào giờ thứ 9 (khoảng 3 giờ chiều), Đức Chúa Jêsus đã trút hơi thở sau khi nói lời cuối cùng rằng “Mọi sự đã được trọn”.[54]
• Vào khoảnh khắc Ngài qua đời, bức màn trong nơi thánh bị xé làm hai từ trên chí dưới.[55]

Chôn trong mộ của người giàu tên Giôsép
• Một người giàu tên là Giôsép xin Philát cho nhận xác Đức Chúa Jêsus. Ông bọc xác Ngài bằng vải liệm sạch sẽ và đặt vào một cái huyệt mới đục trong tảng đá, rồi lăn một hòn đá lớn để lấp cửa mồ.[56]

Sự phục sinh và thăng thiên

Đức Chúa Jêsus chịu chết trên thập tự giá và phục sinh sau ba ngày. Kế đó, trước khi thăng thiên, Ngài thức tỉnh các môn đồ về những lời tiên tri trong Kinh Thánh và phán dặn họ phải rao truyền Tin Lành cho muôn dân.[57][58] Trên bờ biển Tibêriát, Ngài đã phán với Phierơ rằng “Hãy chăn chiên Ta” và dặn dò hãy chăm sóc cho các thánh đồ.[59] Ngày thứ 40 kể từ khi phục sinh, trước khi thăng thiên, Đức Chúa Jêsus đã để lại lời phán dặn cho các môn đồ rằng đừng ra khỏi thành Giêrusalem và hãy trở thành nhân chứng của Ngài tại xứ Samari cho đến tận cùng trái đất.[21] Các môn đồ đã từng tuyệt vọng vì sự chết của Đức Chúa Jêsus, nay đã được xác lập lại đức tin vững chắc thông qua sự phục sinh và thăng thiên của Đức Chúa Jêsus. Trong khi họ dạn dĩ rao truyền về Đấng Christ ở mọi nơi, tại Hội Thánh sơ khai đã xảy ra lịch sử Tin Lành vượt trội.

Lời tiên tri Kinh Thánh

Đức Chúa Jêsus phán rằng Kinh Thánh làm chứng về Đấng Cứu Chúa.[60] Khi Đức Chúa Jêsus phán lời này là thời điểm trước khi Kinh Thánh Tân Ước được ghi chép, cho nên “Kinh Thánh” tại đây là Kinh Thánh Cựu Ước. Trong Kinh Thánh Cựu Ước có nhiều lời tiên tri rằng Đức Chúa Jêsus sẽ đến với tư cách là Đấng Cứu Chúa. Trong số đó, sách Êsai đã tiên tri rằng Giêhôva Đức Chúa Trời sẽ mặc xác thịt mà đến đất này với tư cách là Đấng Cứu Chúa. Đấng làm ứng nghiệm lời tiên tri này chính là Đức Chúa Jêsus. Thế nhưng, người Giuđa lúc bấy giờ đã chỉ nhìn xem khía cạnh xác thịt của Đức Chúa Jêsus và đối nghịch với Ngài, rồi đóng đinh Đấng Mêsi mà họ hằng trông đợi lên thập tự giá. Song, các sứ đồ đã nhìn trông lời tiên tri Kinh Thánh và tiếp nhận Đức Chúa Jêsus là Đấng Cứu Chúa.

Đấng Christ mà Kinh Thánh làm chứng

Đức Chúa Jêsus cùng với các môn đồ trên đường đến Emmaút. Tác phẩm của Adolf Zimmermann (1799-1859).

Chứng cớ xác thực nhất cho thấy rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ chính là những công việc mà Đức Chúa Jêsus làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh Thánh. Đức Chúa Jêsus đã làm ứng nghiệm hết thảy lời tiên tri trong Kinh Thánh kể từ khi sinh ra cho đến tận sau khi chịu khổ hình trên thập tự giá.

Đức Chúa Jêsus đã làm chứng rằng Ngài là Đấng Cứu Chúa thông qua Kinh Thánh. Khi Giăng Báptít hỏi “Ngài có phải là Đấng phải đến chăng?”, Ngài cũng cho nghe lời tiên tri trong Kinh Thánh.[61] Ngay cả khi các môn đồ trên đường đi Emmaút không nhận ra Ngài, Ngài cũng đã làm chứng về mình bằng Kinh Thánh.[57] Các sứ đồ như Giăng, Phaolô cũng đã tin chắc vào Đấng Christ thông qua Kinh Thánh và tuyên bố danh của Đức Chúa Jêsus cho khắp thế gian.[62][1]

Đức Chúa Jêsus vốn là bản thể Đức Chúa Trời Cha

Dù Đức Chúa Jêsus đã đến trong hình dáng xác thịt nhưng Ngài vốn dĩ là bản thể Đức Chúa Trời.[1] Chứng cớ cho thấy Đức Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời Cha (Đức Giêhôva) được ghi chép rất nhiều trong Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước. Các sứ đồ nhận biết bản thể của Đức Chúa Jêsus thông qua Kinh Thánh và đã làm chứng rằng Đức Chúa Jêsus đến trong xác thịt chính là Đức Chúa Trời.[63]

Sở dĩ Đức Chúa Trời toàn tri toàn năng, Đấng đáng được nhận vinh hiển mà lại mặc lấy xác thịt bình phàm và đến trái đất này, là vì sự cứu rỗi của nhân loại. Vì loài người là sự tồn tại không thể tránh khỏi sự chết vì tội lỗi,[64] nên Đức Chúa Trời đã đến trong xác thịt để chịu thay sự chết mà lẽ ra loài người phải trả vì tội lỗi của mình. Giao ước mới là luật pháp đặc biệt mà Đức Chúa Jêsus đã lập ra bằng thịt và huyết quý báu của Ngài để loài người có thể nhận được sự tha tội và đi vào sự sống đời đời. Trong Kinh Thánh Cựu Ước, có lời tiên tri rằng Giêhôva Đức Chúa Trời sẽ lập giao ước mới, là luật pháp ban cho sự tha tội.[65]

Dưới đây là một phần nội dung trong Kinh Thánh làm chứng rằng Đức Chúa Jêsus vốn dĩ là bản thể Đức Chúa Trời Cha.

Danh xưng Giải thích Câu Kinh Thánh
Ðức Chúa Trời Cha Sách Êsai trong Kinh Thánh Cựu Ước có lời chép rằng Đấng Cứu Chúa giáng sanh như một con trai, con trẻ chính là “Đức Chúa Trời quyền năng, là Cha đời đời”. Vì thế, Đức Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời Cha. Đấng được gọi là “Cha” chính là Giêhôva Đức Chúa Trời.[66][67] Êsai 9:5
Emmanuên Lời tiên tri về Emmanuên được tiên tri trong Kinh Thánh Cựu Ước đã được ứng nghiệm bởi Đức Chúa Jêsus. Emmanuên nghĩa là “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”. Điều này nghĩa là Đức Chúa Jêsus chính là Đức Chúa Trời Cha. Êsai 7:14,
Mathiơ 1:19-23
Đấng Cứu Chúa Trong Kinh Thánh Cựu Ước, được chép rằng Giêhôva Đức Chúa Trời là Đấng Cứu Chúa duy nhất, còn trong Kinh Thánh Tân Ước chép rằng duy chỉ Đức Chúa Jêsus là Đấng Cứu Chúa. Điều này nghĩa là Giêhôva Đức Chúa Trời vào thời đại Đức Cha chính là Đức Chúa Jêsus vào thời đại Đức Con. Êsai 43:11,
Công Vụ Các Sứ Đồ 4:11-12
Chúa của ngày Sabát Trong Kinh Thánh Cựu Ước, Giêhôva Đức Chúa Trời phán rằng “ngày Sabát ta”, còn trong Kinh Thánh Tân Ước, Đức Chúa Jêsus phán rằng Ngài là Chúa của ngày Sabát. Điều này có nghĩa là Đức Chúa Jêsus chính là Giêhôva Đức Chúa Trời, là Chúa của ngày Sabát.

Xuất Êdíptô ký 31:13, Mác 2:28

Anpha và Ômêga Chữ cái Hy Lạp Anpha và Ômêga có nghĩa là đầu tiên và cuối cùng. Thế mà trong sách Khải Huyền có chép rằng cả Giêhôva Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jêsus đều là Anpha và Ômêga. Nghĩa là Đức Chúa Jêsus và Giêhôva Đức Chúa Trời là một Đấng đồng nhất. Khải Huyền 1:8;
22:13

Lý do Đức Chúa Trời đến trong xác thịt

  • Giá chuộc để cứu rỗi nhân loại
Đức Chúa Jêsus phán rằng Ngài chính là giá chuộc để cứu rỗi nhân loại.[68] Sứ đồ Phaolô nói rằng Đức Chúa Jêsus đã chứng thực tình yêu thương của Ngài bằng cách chết vì loài người là kẻ tội nhân.[69] Chúng ta có thể hiểu được điều này thông qua luật pháp Cựu Ước, là hình bóng. Vào thời đại Cựu Ước, người dân nhận được sự tha tội thông qua sự hy sinh của thú vật như chiên hoặc dê khi dâng tế lễ. Tương tự như vậy, vào thời đại Tân Ước, Đức Chúa Jêsus là Đấng không có tội lỗi chi hết, đã hy sinh vì tội lỗi của nhân loại.[70][71] Một ví dụ điển hình là sự hy sinh của chiên con Lễ Vượt Qua trong thời đại Cựu Ước. Giống như người dân Ysơraên thoát khỏi sự chết nhờ thịt và huyết của chiên con vào Lễ Vượt Qua,[72] thì nhờ thịt và huyết của Đức Chúa Jêsus được hứa trong Lễ Vượt Qua giao ước mới mà nhân loại được thoát khỏi sự chết và được sự sống đời đời.[73][74] Vào ngày Lễ Vượt Qua, Đức Chúa Jêsus đã lập giao ước mới bằng cách giao ước bánh là thân thể Ngài và rượu nho là huyết Ngài, rồi qua ngày hôm sau, Ngài đã hoàn thành giao ước bởi sự hy sinh xẻ thịt và đổ huyết ra trên thập tự giá.
  • Giao ước mới
Một lý do khác khiến Đức Chúa Jêsus phải đến trong xác thịt là để lập giao ước mới, tức lẽ thật sự sống. Sách Giêrêmi trong Kinh Thánh Cựu Ước đã tiên tri rằng Giêhôva Đức Chúa Trời sẽ lập một giao ước mới,[65] mà Đấng làm ứng nghiệm điều này chính là Đức Chúa Jêsus. Ngoài ra, trong sách Malachi có lời tiên tri rằng Giêhôva Đức Chúa Trời sẽ đến với tư cách là sứ giả của giao ước,[75] và lời tiên tri này cũng được ứng nghiệm bởi Đức Chúa Jêsus, là Đấng đã lập giao ước mới. Đích thân Đức Chúa Trời đã đến trong xác thịt và lập ra chế độ giao ước mới, ban cho nhân loại sự tha tội và sự sống đời đời.[19]
  • Ngài làm gương trên con đường đi đến Nước Thiên Đàng
Đức Chúa Jêsus đã đến trong xác thịt mà nhân loại có thể nhìn thấy được và đích thân làm gương trên con đường đi đến Nước Thiên Đàng. Mọi công việc của Đức Chúa Jêsus đều có liên quan mật thiết đến sự cứu rỗi của nhân loại. Lễ Vượt Qua giao ước mới là công việc tiêu biểu. Dù Đức Chúa Jêsus là Đấng không có tội lỗi gì, nhưng Ngài đã giữ Lễ Vượt Qua giao ước mới để nhân loại có thể nhận được sự tha tội.[73] Trước khi giữ lễ tiệc thánh Lễ Vượt Qua, Ngài đã hạ mình rửa chân cho các môn đồ bởi nghi thức rửa chân.[44] Về điều này, Đức Chúa Jêsus phán rằng “Ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi.”[76] Ngoài ra, Đức Chúa Jêsus đã làm gương về con đường của sự cứu rỗi cho các môn đồ thông qua việc Ngài chịu phép Báptêm, là nghi thức của sự tha tội,[77] Ngài cũng giữ luật lệ ngày Sabát theo thói quen và cầu nguyện,[78] cũng như truyền bá Tin Lành Nước Thiên Đàng.[32] Hết thảy công việc mà Ngài đã cho thấy trong suốt khoảng thời gian cuộc đời Tin Lành của Ngài đều chứa đựng ý muốn hầu cho loài người có thể đạt đến Nước Thiên Đàng nhờ làm theo tấm gương đó. Đây là việc bất khả năng nếu như Đức Chúa Trời không đến trong xác thịt.

Sự dạy dỗ của Đức Chúa Jêsus Christ

Đấng Christ dạy dỗ trong đền thờ. Tác phẩm của O. A. Stemler and Bess Bruce Cleaveland.

Đức Chúa Jêsus đã ban sự dạy dỗ bằng tình yêu thương và sự hy sinh trong suốt cuộc đời Tin Lành của Ngài để dẫn dắt nhân loại đến Nước Thiên Đàng. Đức Chúa Jêsus đã đến như là thực thể của tế lễ hy sinh trong thời đại Cựu Ước. Ngài đã hoàn thành chế độ của giao ước mới bằng cách đổ huyết hy sinh trên thập tự giá. Ngài làm thức tỉnh về giá trị của vương quốc trên trời bằng cách gieo trồng niềm trông mong Nước Thiên Đàng và cho chúng ta biết sự thật rằng Đức Chúa Trời là “Cha chúng tôi ở trên trời”. Dù Ngài vốn là bản thể của Đức Chúa Trời nhưng Ngài đã làm gương về đạo lý của sự hầu việc và khiêm tốn. Trước khi thăng thiên về trời, Ngài đã để lại “sứ mệnh truyền bá Tin Lành” cho các môn đồ.

Chế độ giao ước mới

Giao ước mới là lẽ thật sự sống mà Đức Chúa Jêsus đã thiết lập vì sự cứu rỗi của nhân loại vào thời đại Tân Ước. Giao ước cũ của thời đại Cựu Ước là hình bóng còn giao ước mới là thực thể. Giống như các thú vật bị đổ huyết hy sinh thế cho tội lỗi của dân sự vào thời đại Cựu Ước, thì vào thời đại Tân Ước, Đức Chúa Jêsus là thực thể của tế lễ hy sinh đã đổ huyết hy sinh trên thập tự giá thay thế cho tội lỗi của nhân loại, bởi đó Ngài làm hoàn thành chế độ giao ước mới. Các lễ trọng thể giao ước mới mà Đức Chúa Jêsus đã dạy dỗ được ghi chép trong Kinh Thánh, điển hình là ngày Sabát - lễ trọng thể hàng tuần và các lễ trọng thể hàng năm (3 kỳ 7 lễ trọng thể) như Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ TuầnLễ Lều Tạm v.v...[78][73][79][80] Trong đó, Lễ Vượt Qua giao ước mới mà Đức Chúa Jêsus đã giữ cùng các môn đồ vào đêm trước khi Ngài qua đời trên thập tự giá, là lễ trọng thể chứa đựng lời hứa về sự tha tội và sự sống đời đời. Nếu nhận biết sự quan phòng của Đức Chúa Trời được chứa đựng trong lễ trọng thể này thì chúng ta có thể hiểu được rằng giao ước mới chính là tình yêu thương của Đức Chúa Trời, và tình yêu thương là sự làm trọn luật pháp.

  • Lễ Vượt Qua giao ước mới
Lễ tiệc thánh Lễ Vượt Qua được biết đến như là “Bữa ăn tối cuối cùng”.
Lễ tiệc thánh Lễ Vượt Qua được biết đến như là “Bữa ăn tối cuối cùng”.

Bức tranh nổi tiếng “Bữa ăn tối cuối cùng” của Leonardo Davinci (1452-1519) là bức họa mô tả cảnh bữa tiệc cuối cùng với các môn đồ trước khi Đức Chúa Jêsus hy sinh trên thập tự giá. Tên gọi theo Kinh Thánh của bữa tiệc này là Lễ Vượt Qua giao ước mới. Kinh Thánh ghi chép rằng Đức Chúa Jêsus đã “rất muốn ăn Lễ Vượt Qua này”.[81] Sở dĩ Đức Chúa Jêsus tha thiết mong muốn đến thế là vì Lễ Vượt Qua có liên quan trực tiếp đến sự cứu rỗi nhân loại. Loài người là sự tồn tại không tránh khỏi sự chết vì tội lỗi nhưng lại có thể được cứu chuộc nhờ mặc lấy huyết Đấng Christ.[64][82][83] Đức Chúa Jêsus phán rằng bánh và rượu nho của Lễ Vượt Qua là thịt và huyết Ngài, và hứa ban cho sự tha tội cùng sự sống đời đời thông qua Lễ Vượt Qua.[73][74] Lời phán ban cho thịt và huyết của Ngài vào ngày Lễ Vượt Qua giao ước mới ấy không chỉ dừng lại bởi sự giao ước. Ngày hôm sau, Đức Chúa Jêsus đã làm trọn lời giao ước Lễ Vượt Qua bởi sự xẻ thịt và đổ huyết trên thập tự giá.[84] Bởi sự hy sinh trên thập tự giá thế cho tội lỗi của nhân loại, Đức Chúa Jêsus đã mở ra con đường của sự tha tội và cứu rỗi cho nhân loại.

Đoạn, Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn xong, bẻ ra phân phát cho môn đồ, mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, đã vì các ngươi mà phó cho; hãy làm sự nầy để nhớ đến ta. Khi ăn xong, Ngài cũng làm như vậy, lấy chén đưa cho môn đồ, mà phán rằng: Chén nầy là giao ước mới trong huyết ta vì các ngươi mà đổ ra.

- Luca 22:19-20

  • Điều răn mới là sự yêu thương

Đức Chúa Jêsus ban cho các môn đồ điều răn mới là “Các ngươi hãy yêu thương nhau.”[85] Điều răn mới và Lễ Vượt Qua giao ước mới có mối quan hệ không thể tách rời. Chúng ta có thể hiểu được điều này thông qua nguyên lý tình yêu thương ẩn chứa trong Lễ Vượt Qua giao ước mới. Đức Chúa Jêsus đã hầu cho các thánh đồ trở nên một thân thể với Ngài bằng cách cho họ ăn thịt và uống huyết Ngài bởi Lễ Vượt Qua giao ước mới. Thông qua lễ trọng thể này, các thánh đồ được trở nên một thân trong Đấng Christ.[86] Dù không biết yêu thương người khác vì bản chất là tội nhân, nhưng các thánh đồ trở nên một thể bởi giữ gìn Lễ Vượt Qua giao ước mới thì có thể yêu thương lẫn nhau như bản thân mình.

Thì ra, bởi sự dự phần chung vào thân thể và huyết của Ðức Chúa Jêsus, hết thảy mọi anh em trở thành một thân thể trong Ðức Chúa Jêsus, nhờ đó hết thảy anh em chúng ta đều có thể yêu thương lẫn nhau như yêu chính bản thân mình vậy. ... Bây giờ chúng ta đã trở thành một thân thể trong Ðức Chúa Jêsus rồi mà còn nỡ nào có thể ghét thân thể mình được hay sao? Tuy chúng ta đã không biết yêu nhau do tính chất căn bản của chúng ta là tội lỗi, nhưng vì thịt và huyết của Ðức Chúa Jêsus đang chảy ở trong chúng ta, nên chúng ta yêu thương anh em được.
— An Xang Hồng, Chương 31 Chế độ của giao ước mới, "Sự Mầu Nhiệm của Đức Chúa Trời và Ngọn Suối Nước Sự Sống", NXB Mênchixêđéc, 2016, trang 210

Sự trông mong Nước Thiên Đàng

Đức Chúa Jêsus dạy dỗ về sự tồn tại và giá trị của Nước Thiên Đàng mà loài người chưa từng biết. Ngài đã gieo trồng sự trông mong về Nước Thiên Đàng thông qua các lời ví dụ[87] như “của báu chôn trong đám ruộng”, “ngọc châu tốt” v.v..., và còn cho biết về tư cách của người được đi vào Nước Thiên Đàng thông qua Bài giảng trên núi. Ngài phán rằng Nước Thiên Đàng là nơi dành cho những “kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình”, “kẻ làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời”.[88][89] Ngài cũng dạy rằng hãy tích lũy của cải trên trời và hướng tấm lòng mình đến Nước Thiên Đàng.[90] Đức Chúa Jêsus cho biết rằng Nước Thiên Đàng là nơi không có sự chết, đau đớn hay nước mắt đối với nhân loại, vốn là những người đang sinh sống trong khi tưởng rằng trái đất này là tất cả.[91]

Mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và chúng ta

Thông qua Kinh lạy Cha, Đức Chúa Jêsus đã làm sáng tỏ mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và các thánh đồ chính là mối quan hệ giữa “Cha” và “các con cái”.[92] Từ “cha” là cách xưng hô được dùng trong gia đình. Giống như có tồn tại gia đình phần xác thịt ở dưới đất, thì cũng có tồn tại gia đình phần linh hồn ở trên trời.[93][94][95][96] Điều này ám chỉ rằng Đức Chúa Trời và thánh đồ có mối quan hệ được kết nối bởi tình yêu thương như là “gia đình” phần linh hồn.

Khiêm tốn và hầu việc

Đức Chúa Jêsus rửa chân cho các môn đồ trước lễ tiệc thánh Lễ Vượt Qua. Ngài đã cho thấy tấm gương hạ mình khiêm tốn và hầu việc.
Đức Chúa Jêsus rửa chân cho các môn đồ trước lễ tiệc thánh Lễ Vượt Qua. Ngài đã cho thấy tấm gương hạ mình khiêm tốn và hầu việc.

Lời dạy dỗ về sự khiêm tốn và hầu việc mà Đức Chúa Jêsus ban cho được ghi chép nhiều chỗ trong Kinh Thánh. Đức Chúa Jêsus đưa ra lời ví dụ “cầu nguyện của người Pharisi và người thâu thuế” để giáo huấn rằng hễ ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.[97] Hơn nữa, Đức Chúa Jêsus đã dạy dỗ phép đạo của sự khiêm tốn và hầu việc bằng cách đích thân Ngài làm gương. Tiêu biểu là nghi thức rửa chân được cử hành trước khi dự tiệc thánh Lễ Vượt Qua. Đương thời, rửa chân cho ai đó là công việc của kẻ có thân phận thấp hèn như tôi tớ.[98][99] Thế mà, đích thân Đức Chúa Jêsus đã rửa chân cho các môn đồ.[44] Về điều này, Đức Chúa Jêsus phán rằng “Ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi.”[76]

Sứ mệnh truyền bá Tin Lành

Trước khi thăng thiên, Đức Chúa Jêsus đã để lại sứ mệnh truyền bá Tin Lành cho các môn đồ. Ngài đã hỏi Phierơ ba lần rằng “Ngươi yêu ta chăng?”, và mỗi khi Phierơ trả lời rằng “Tôi yêu Chúa”, thì Ngài lại phán dạy rằng hãy chăm sóc các thánh đồ được ví như con chiên.[59] Hơn nữa, Đức Chúa Jêsus còn dặn dò về việc truyền bá Tin Lành rằng “Hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báptêm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi.”[20] Kể từ đó, các sứ đồ đã rao truyền Tin Lành giao ước mới ra khắp mọi nơi theo sự dạy dỗ của Đức Chúa Jêsus và gắng sức cứu rỗi linh hồn.

Xem thêm

Chú thích

  1. 1,0 1,1 1,2 “Philíp 2:5-8”. Hãy có đồng một tâm tình như Ðấng Christ đã có, Ngài vốn có hình Ðức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Ðức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi... Ngài đã hiện ra như một người.
  2. "5547. Christos," Bible Hub, Christos: the Anointed One, Messiah, Christ; Word Origin: from chrió
  3. "Từ gốc của Christ", Dictionary.com
  4. Đấng Christ, Đức Chúa Jêsus, "Từ điển Kinh Thánh CLP, NXB Văn học Cơ Đốc giáo, 2003, trang 149, Đấng Christ nghĩa là Đấng chịu xức dầu (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:38), Jêsus nghĩa là Đấng Cứu Chúa (Mathiơ 1:21, 25; Luca 1:31)
  5. "4899. mashiach," Bible Hub, Word Origin: from mashach, Definition: anointed
  6. “Khuôn mặt thật của Đức Chúa Jêsus trong bức tranh nổi tiếng là gì?”. Korea Times. 26 tháng 11 năm 2020. Trong bối cảnh chủ nghĩa nhân văn thời kỳ Phục hưng coi trọng giá trị con người, đã xuất hiện hình ảnh Đức Chúa Jêsus cường tráng trong tác phẩm “Sự phán xét cuối cùng” của Michelangelo, hay Đức Chúa Jêsus với vẻ đẹp tao nhã và lý tưởng trong tác phẩm “Bữa ăn tối cuối cùng” của Leonardo. Tuy nhiên, Hy Lạp và La Mã cổ đại là nguồn cảm hứng nghệ thuật cho các nghệ sĩ thời kỳ Phục hưng. Dù có những trường hợp ngoại lệ, nhưng Đức Chúa Jêsus cũng được thể hiện bằng hình ảnh nam tính thanh tú phỏng theo bức tượng điêu khắc của các vị thần Olympus trong thần thoại cổ đại. Đương nhiên, ngoại hình của chính những người châu Âu đương thời cũng được phản ánh phần nào. Bởi vì văn hóa nghệ thuật Phục hưng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ ở phương Tây, nên hình ảnh Đức Chúa Jêsus trong các tác phẩm nghệ thuật thời Phục hưng cũng được tiếp nối trong lịch sử nghệ thuật sau đó.
  7. Sarah Pruitt, "The Ongoing Mystery of Jesus's Face," HISTORY, Feb. 20. 2019., The long-haired, bearded image of Jesus that emerged beginning in the fourth century A.D. was influenced heavily by representations of Greek and Roman gods, particularly the all-powerful Greek god Zeus. At that point, Jesus started to appear in a long robe, seated on a throne (such as in the fifth-century mosaic on the altar of the Santa Pudenziana church in Rome), sometimes with a halo surrounding his head.
  8. “Êsai 53:1-2”. Ai tin điều đã rao truyền cho chúng ta, và cánh tay Đức Giêhôva đã được tỏ ra cho ai? Người đã lớn lên trước mặt Ngài như một cái chồi, như cái rễ ra từ đất khô. Người chẳng có hình dung, chẳng có sự đẹp đẽ; khi chúng ta thấy người, không có sự tốt đẹp cho chúng ta ưa thích được.
  9. An Xang Hồng, Chương 11 Về Ðức Chúa Jêsus, "Sự Mầu Nhiệm của Đức Chúa Trời và Ngọn Suối Nước Sự Sống", NXB Mênchixêđéc, 2016, trang 81, 700 năm trước khi Ðức Chúa Jêsus đến thế gian, đấng tiên tri Êsai đã ghi chép lời trên (Êsai 53:1-2) để tả về hình dáng Ðức Chúa Jêsus mà sẽ đến sau 700 năm nữa. Qua Kinh Thánh, chúng ta thấy được rằng sinh hoạt và hoàn cảnh đời sống của Ðức Chúa Jêsus đã không được tốt lành đến nỗi những người đương thời chẳng thể ưa thích được. Ðối với những người dân Ysơraên đương thời, hết thảy mọi sự trong đời sống của Ðức Chúa Jêsus đều bị coi như khuyết điểm.
  10. “Côlôse 4:11”. Giêsu gọi là Giúctu cũng có lời thăm anh em. Trong những người chịu cắt bì...
  11. “Mathiơ 13:55-56”. Có phải là con người thợ mộc chăng? Mẹ người có phải là Mari, và anh em người là Giacơ, Giôsép, Simôn, Giuđê chăng? Chị em người đều ở giữa chúng ta chăng? Bởi đâu mà người nầy được mọi điều ấy như vậy?
  12. “Luca 11:37-38”. Đức Chúa Jêsus đang phán, có một người Pharisi mời Ngài về nhà dùng bữa. Ngài vào ngồi bàn. Người Pharisi thấy Ngài không rửa trước bữa ăn, thì lấy làm lạ.
  13. “Luca 15:1-2”. Hết thảy các người thâu thuế và người có tội đến gần Đức Chúa Jêsus đặng nghe Ngài giảng. Các người Pharisi và các thầy thông giáo lằm bằm mà nói rằng: Người nầy tiếp những kẻ tội lỗi, và cùng ăn với họ!
  14. 14,0 14,1 “Mathiơ 2:16-18”. Vua Hêrốt thấy mình đã bị mấy thầy bác sĩ đánh lừa, thì tức giận quá, bèn sai giết hết thảy con trai từ hai tuổi sấp xuống ở thành Bếtlêhem và cả hạt.
  15. 15,0 15,1 “Mathiơ 4:1-11”. Bấy giờ, Ðức Thánh Linh đưa Ðức Chúa Jêsus đến nơi đồng vắng, đặng chịu ma quỉ cám dỗ.
  16. 16,0 16,1 “Giăng 10:30-33”. Ta với Cha là một. Người Giuđa lại lượm đá đặng ném Ngài... Ngươi là người, mà tự xưng là Đức Chúa Trời.
  17. 17,0 17,1 “Mathiơ 26:47-56”. Khi Ngài còn đương phán, xảy thấy Giuđa là một người trong mười hai sứ đồ đến với một bọn đông người cầm gươm và gậy, mà các thầy tế lễ cả và các trưởng lão trong dân đã sai đến. Đứa phản Ngài đã trao cho bọn đó dấu nầy: Người nào mà tôi sẽ hôn, ấy là người đó, hãy bắt lấy. Tức thì Giuđa đến gần Đức Chúa Jêsus, mà rằng: Chào thầy! Rồi hôn Ngài... Khi ấy, hết thảy môn đồ bỏ Ngài mà trốn đi.
  18. “Mathiơ 26:57-27:44”.
  19. 19,0 19,1 19,2 “Luca 22:19-20”. Đoạn, Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn xong, bẻ ra phân phát cho môn đồ, mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, đã vì các ngươi mà phó cho; hãy làm sự nầy để nhớ đến ta. Khi ăn xong, Ngài cũng làm như vậy, lấy chén đưa cho môn đồ, mà phán rằng: Chén nầy là giao ước mới trong huyết ta vì các ngươi mà đổ ra.”
  20. 20,0 20,1 “Mathiơ 28:19-20”. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báptêm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.
  21. 21,0 21,1 “Công Vụ Các Sứ Đồ 1:3-9”. Sau khi chịu đau đớn rồi, thì trước mặt các sứ đồ, Ngài lấy nhiều chứng cớ tỏ ra mình là sống, và hiện đến với các sứ đồ trong bốn mươi ngày, phán bảo những sự về nước Đức Chúa Trời... Nhưng khi Ðức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giêrusalem, cả xứ Giuđê, xứ Samari, cho đến cùng trái đất. Ngài phán bấy nhiêu lời rồi, thì được cất lên trong lúc các người đó tìm xem Ngài, có một đám mây tiếp Ngài khuất đi, không thấy nữa.
  22. “Êsai 9:5”. Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ lùng, là Đấng Mưu luận, là Đức Chúa Trời Quyền năng, là Cha Đời đời, là Chúa Bình an.
  23. “Michê 5:2”. Hỡi Bếtlêhem Éprata, ngươi ở trong hàng ngàn Giuđa là nhỏ lắm, song từ nơi ngươi sẽ ra cho ta một Ðấng cai trị trong Ysơraên; gốc tích của Ngài từ đời xưa, từ trước vô cùng.
  24. “Mathiơ 2:13-15”. Sau khi mấy thầy đó đi rồi, có một thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giôsép trong chiêm bao, mà truyền rằng: Hãy chờ dậy, đem con trẻ và mẹ Ngài trốn qua nước Êdíptô, rồi cứ ở đó cho tới chừng nào ta bảo ngươi; vì vua Hêrốt sẽ kiếm con trẻ ấy mà giết. Giôsép bèn chờ dậy, đem con trẻ và mẹ Ngài đang ban đêm lánh qua nước Êdíptô. Người ở đó cho tới khi vua Hêrốt băng, hầu cho ứng nghiệm lời Chúa đã dùng đấng tiên tri mà phán rằng: Ta đã gọi Con ta ra khỏi nước Êdíptô.
  25. “Êsai 14:24, 27”. Đức Giêhôva vạn quân đã thề rằng: Chắc thật, sự ta đã định sẽ xảy đến, điều ta đã toan sẽ đứng vững... Vì Đức Giêhôva vạn quân đã toan định, thì ai bãi đi được? Tay Ngài đã giang ra, thì ai day lại được?
  26. An Xang Hồng, Chương 4 Môise và Ðức Chúa Jêsus, Sự Mầu Nhiệm của Đức Chúa Trời và Ngọn Suối Nước Sự Sống", NXB Mênchixêđéc, 2016, trang 28, Còn Ðức Chúa Jêsus vừa giáng sinh đã bị vua Hêrốt tìm cách giết đi, bằng việc truyền lệnh giết hết thảy mọi con trai từ hai tuổi sấp xuống ở thành Bếtlêhem và cả hạt (Mathiơ 2:16). Dầu vậy, giống như Môise đã ẩn náu vào cung đình của Pharaôn, Ðức Chúa Jêsus cũng ẩn náu sang xứ Êdíptô (Mathiơ 2:14, Xuất Êdíptô Ký 2:5-10). Vậy nên, dù Satan làm mọi cách phá phách sao đi nữa, nó cũng không thể nào khiến thay đổi được mục đích mà Ðức Chúa Trời dự định.
  27. “Luca 3:21-23”. Vả, khi hết thảy dân chúng đều chịu phép báptêm, Ðức Chúa Jêsus cũng chịu phép báptêm... Khi Ðức Chúa Jêsus khởi sự làm chức vụ mình thì Ngài có độ ba mươi tuổi.
  28. “Êsai 40:3”. Có tiếng kêu rằng: Hãy mở đường trong đồng vắng cho Ðức Giêhôva; hãy ban bằng đường cái trong đất hoang cho Ðức Chúa Trời chúng ta!
  29. “Malachi 4:5-6”. Nầy, ta sẽ sai đấng tiên tri Êli đến cùng các ngươi trước ngày lớn và đáng sợ của Đức Giêhôva chưa đến. Người sẽ làm cho lòng cha trở lại cùng con cái, lòng con cái trở lại cùng cha.
  30. “Mathiơ 17:12-13”. Nhưng ta phán cùng các ngươi rằng: Êli đã đến rồi, và người ta không nhận biết, song họ lại xử với người theo ý muốn mình; Con người phải chịu khốn khổ bởi họ cũng như vậy. Môn đồ bèn hiểu rằng Ngài nói đó là nói về Giăng Báptít.
  31. “Mathiơ 4:17”. Từ lúc đó, Đức Chúa Jêsus khởi giảng dạy rằng: Các ngươi hãy ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần.
  32. 32,0 32,1 “Mác 1:35-38”. áng hôm sau trời còn mờ mờ, Ngài chờ dậy, bước ra, đi vào nơi vắng vẻ, và cầu nguyện tại đó... Ngài phán: Chúng ta đi nơi khác, trong những làng xung quanh đây, để ta cũng giảng đạo ở đó nữa; vì ấy là cốt tại việc đó mà ta đã đến.
  33. “Mác 3:21”. Những bạn hữu Ngài nghe vậy, bèn đến để cầm giữ Ngài; vì người ta nói Ngài đã mất trí khôn.
  34. “Mathiơ 9:35-36”. Đức Chúa Jêsus đi khắp các thành, các làng, dạy dỗ trong các nhà hội, giảng tin lành nước Đức Chúa Trời, và chữa lành các thứ tật bịnh. Khi Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương xót, vì họ cùng khốn, và tan lạc như chiên không có kẻ chăn.
  35. “Mác 11:1-2”. Khi tới gần thành Giêrusalem, bên làng Bêphagiê và làng Bêthani, ngang núi Ôlive, Đức Chúa Jêsus sai hai môn đồ đi, và phán rằng: Hãy đi đến làng ngay trước mặt các ngươi; vừa khi vào đó, thấy một con lừa con đương buộc, chưa có ai cỡi; hãy mở nó ra, dắt về cho ta.
  36. “Mác 11:7-11”. Hai người dắt lừa con về cho Đức Chúa Jêsus, lấy áo mình trải trên nó; rồi Ngài cỡi lên. Nhiều người trải áo mình trên đường; lại có kẻ rải nhánh cây chặt trong đồng ruộng. Người đi trước kẻ theo sau đều la lên rằng: Hôsana! Đáng khen ngợi cho Đấng nhân danh Chúa mà đến! Phước cho nước đến, là nước vua Đavít, tổ phụ chúng ta! Hôsana ở trên nơi rất cao!
  37. “Mác 11:12-14, 19-21”. Đoạn, đến thành Giêrusalem; Đức Chúa Jêsus vào đền thờ, đuổi những kẻ buôn bán ở đó, lại lật đổ bàn những người đổi bạc, và ghế những kẻ bán bồ câu. Ngài cấm không cho ai được đem đồ gì đi ngang qua đền thờ. Rồi Ngài dạy dỗ chúng mà rằng: Há chẳng có lời chép: Nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân hay sao? Nhưng các ngươi đã làm thành cái hang trộm cướp.
  38. “Mác 11:15-19”. Đoạn, đến thành Giêrusalem; Đức Chúa Jêsus vào đền thờ, đuổi những kẻ buôn bán ở đó, lại lật đổ bàn những người đổi bạc, và ghế những kẻ bán bồ câu. Ngài cấm không cho ai được đem đồ gì đi ngang qua đền thờ. Rồi Ngài dạy dỗ chúng mà rằng: Há chẳng có lời chép: Nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân hay sao? Nhưng các ngươi đã làm thành cái hang trộm cướp.
  39. “Luca 20:21-26”. Chúng tôi có nên nộp thuế cho Sê-sa hay không? Song Đức Chúa Jêsus biết mưu họ, thì đáp rằng... Vậy thì của Sêsa hãy trả lại cho Sêsa, của Đức Chúa Trời hãy trả lại cho Đức Chúa Trời. Trước mặt dân chúng, họ không bắt lỗi lời Ngài phán chi được; và lấy lời đáp của Ngài làm lạ, thì nín lặng.
  40. “Mathiơ 24:3-8”. Xin Chúa phán cho chúng tôi biết lúc nào những sự đó sẽ xảy ra? Và có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận thế. Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hãy giữ, kẻo có kẻ dỗ dành các ngươi. Vì nhiều người sẽ mạo danh ta đến mà nói rằng: Ta là Đấng Christ; và sẽ dỗ dành nhiều người. Các ngươi sẽ nghe nói về giặc và tiếng đồn về giặc: Hãy giữ mình, đừng bối rối, vì những sự ấy phải đến; song chưa là cuối cùng đâu. Dân nầy sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia; nhiều chỗ sẽ có đói kém và động đất. Song mọi điều đó chỉ là đầu sự tai hại.
  41. “Mathiơ 24:32-33”. Hãy nghe lời ví dụ về cây vả, vừa lúc nhành non, lá mới đâm, thì các ngươi biết mùa hạ gần tới. Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy, khá biết rằng Con người gần đến, Ngài đương ở trước cửa.
  42. “Mác 14:10-11”. Bấy giờ, Giuđa Íchcariốt là một trong mười hai sứ đồ, đến nơi các thầy tế lễ cả, để nộp Đức Chúa Jêsus cho. Họ vui lòng mà nghe, và hứa cho nó tiền bạc; rồi Giuđa tìm dịp tiện để nộp Ngài.
  43. “Luca 22:7-13”. Đến ngày lễ ăn bánh không men, là ngày người ta phải giết con sinh làm lễ Vượt qua, Đức Chúa Jêsus sai Phierơ và Giăng đi, mà phán rằng: Hãy đi dọn lễ Vượt qua cho chúng ta ăn... Hai môn đồ đi, quả gặp những điều như Ngài đã phán, bèn dọn lễ Vượt qua.
  44. 44,0 44,1 44,2 “Giăng 13:1-7”. Trước ngày lễ Vượt qua, Ðức Chúa Jêsus biết giờ mình phải lìa thế gian đặng trở về cùng Ðức Chúa Trời Cha đến rồi; Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng... đứng dậy khỏi bàn, cởi áo ra, lấy khăn vấn ngang lưng mình. Kế đó, Ngài đổ nước vào chậu, và rửa chân cho môn đồ, lại lấy khăn mình đã vấn mà lau chân cho.
  45. “Giăng 13:21”. Khi Ðức Chúa Jêsus đã phán như vậy rồi, thì tâm thần Ngài bối rối, bèn tỏ ra rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, một người trong các ngươi sẽ phản ta.
  46. “Giăng 13:36-38”. Phierơ thưa rằng... Tôi liều sự sống tôi vì Chúa! Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi liều sự sống ngươi vì ta sao! Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, khi gà chưa gáy, ngươi đã chối ta ba lần!
  47. “Mathiơ 26:36-40”. Rồi Đức Chúa Jêsus cùng môn đồ đi đến một chỗ kêu là Ghếtsêmanê. Ngài phán rằng: Hãy ngồi đây đợi ta đi cầu nguyện đằng kia... Kế đó, Ngài trở lại với môn đồ, thấy đang ngủ, thì Ngài phán cùng Phierơ rằng: Thế thì các ngươi không tỉnh thức với ta trong một giờ được!
  48. “Mathiơ 26:59-68”. Bấy giờ các thầy tế lễ cả và cả tòa công luận kiếm chứng dối về Ngài, cho được giết Ngài. Dầu có nhiều người làm chứng dối có mặt tại đó, song tìm không được chứng nào cả... Các ngươi vừa nghe lời phạm thượng đó, thì nghĩ làm sao?... Họ bèn nhổ trên mặt Ngài, đấm Ngài, lại có kẻ vả Ngài.
  49. “Luca 22:60-62”. Nhưng Phierơ cãi rằng: Hỡi người, ta không biết ngươi nói chi! Đương lúc Phierơ còn nói, thì gà liền gáy; Chúa xây mặt lại ngó Phierơ. Phierơ nhớ lại lời Chúa đã phán cùng mình rằng: Hôm nay trước khi gà chưa gáy, ngươi sẽ chối ta ba lần; rồi đi ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.
  50. “Mathiơ 27:1-2”. Đến sáng mai, các thầy tế lễ cả và các trưởng lão trong dân hội nghị nghịch cùng Đức Chúa Jêsus để giết Ngài. Khi đã trói Ngài rồi, họ đem nộp cho Philát, là quan tổng đốc.
  51. “Mathiơ 27:24-26”. Philát thấy mình không thắng nổi chi hết, mà sự ồn ào càng thêm, thì lấy nước rửa tay trước mặt thiên hạ, mà nói rằng: Ta không có tội về huyết của người nầy; điều đó mặc kệ các ngươi. Hết thảy dân chúng đều đáp rằng: Xin huyết người lại đổ trên chúng tôi và con cái chúng tôi! Philát bèn tha tên Baraba cho chúng; và khiến đánh đòn Đức Chúa Jêsus, đoạn giao Ngài ra để đóng đinh trên cây thập tự.
  52. “Mathiơ 27:30-31”. Họ nhổ trên Ngài, và lấy cây sậy đánh đầu Ngài. Khi đã nhạo báng Ngài rồi, thì họ cổi áo điều ra mà mặc áo của Ngài lại, rồi đem Ngài đi đóng đinh trên cây thập tự.
  53. “Mathiơ 27:35-37”. Họ đã đóng đinh Ngài trên cây thập tự rồi, thì bắt thăm mà chia nhau áo xống của Ngài... Phía trên đầu Ngài họ để cái bảng đề chữ chỉ về án Ngài, rằng: Người Nầy Là Jêsus, Vua Dân Giuđa.
  54. “Giăng 19:30”. Khi Ðức Chúa Jêsus chịu lấy giấm ấy rồi, bèn phán rằng: Mọi việc đã được trọn; rồi Ngài gục đầu mà trút linh hồn.
  55. “Mathiơ 27:51-53”. Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, khắp cả xứ đều tối tăm mù mịt... Ðức Chúa Jêsus lại kêu lên một tiếng lớn nữa, rồi trút linh hồn. Và nầy, cái màn trong đền thờ bị xé ra làm hai từ trên chí dưới, đất thì rúng động, đá lớn bể ra.
  56. “Mathiơ 27:57-60”. Đến chiều tối, có một người giàu, ở thành Arimathê, tên là Giôsép, chính là một môn đồ của Đức Chúa Jêsus, đến nơi Philát mà xin xác Đức Chúa Jêsus. Philát bèn truyền cho. Giôsép lấy xác Ngài bọc trong tấm vải liệm trắng, và đưa để trong một cái huyệt mới mà người đã khiến đục cho mình trong hòn đá; đoạn, lăn một hòn đá lớn đến trước cửa mồ, rồi đi.
  57. 57,0 57,1 “Luca 24:25-27”. Hỡi những kẻ dại dột, có lòng chậm tin lời các đấng tiên tri nói! Há chẳng phải Ðấng Christ chịu thương khó thể ấy, mới được vào sự vinh hiển mình sao? Ðoạn, Ngài bắt đầu từ Môise rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh thánh.
  58. “Mác 16:15-16”. Ngài phán cùng các sứ đồ rằng: Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin lành cho mọi người. Ai tin và chịu phép báptêm, sẽ được rỗi; nhưng ai chẳng tin sẽ bị đoán phạt.
  59. 59,0 59,1 “Giăng 21:15-17”. Khi ăn rồi, Đức Chúa Jêsus phán cùng Simôn Phierơ rằng: Hỡi Simôn, con Giôna, ngươi yêu ta hơn những kẻ nầy chăng? Phierơ thưa rằng: Lạy Chúa, phải, Chúa biết rằng tôi yêu Chúa. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy chăn những chiên con ta.
  60. “Giăng 5:39”. Các ngươi dò xem Kinh thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời: Ấy là Kinh thánh làm chứng về ta vậy.
  61. “Mathiơ 11:2-5”. Khi Giăng ở trong ngục nghe nói về các công việc của Đấng Christ, thì sai môn đồ mình đến thưa cùng Ngài rằng: Thầy có phải là Đấng phải đến, hay là chúng tôi còn phải đợi đấng khác chăng? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hãy về, thuật lại cùng Giăng những điều các ngươi nghe và thấy: Kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, kẻ phung được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết được sống lại, kẻ khó khăn được nghe giảng tin lành.
  62. “Giăng 1:1, 14”. Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời... Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha.
  63. “I Timôthê 2:5”. Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Jêsus Christ, là người.
  64. 64,0 64,1 “Rôma 6:23”. tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Ðức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Ðức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta.”
  65. 65,0 65,1 “Giêrêmi 31:31-34”. Ðức Giêhôva phán: Nầy, những ngày đến, bấy giờ ta sẽ lập một giao ước mới với nhà Ysơraên và với nhà Giuđa... Đức Giêhôva phán: Ta sẽ tha sự gian ác chúng nó, và chẳng nhớ tội chúng nó nữa.
  66. “Êsai 63:16”. Thật Ngài là Cha chúng tôi, dầu Ápraham chẳng biết chúng tôi, Ysơraên cũng chẳng nhận chúng tôi; hỡi Ðức Giêhôva, Ngài là Cha chúng tôi, danh Ngài là Ðấng Cứu chuộc chúng tôi từ trước đời đời.
  67. “Êsai 64:8”. Hỡi Đức Giêhôva, dầu vậy, bây giờ Ngài là Cha chúng tôi!
  68. “Mathiơ 20:28”. Ấy vậy, Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người.
  69. “Rôma 5:6-9”. Thật vậy, khi chúng ta còn yếu đuối, Đấng Christ đã theo kỳ hẹn chịu chết vì kẻ có tội. Vả, họa mới có kẻ chịu chết vì người nghĩa; dễ thường cũng có kẻ bằng lòng chết vì người lành. Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.
  70. “Hêbơrơ 4:14-15”. Ấy vậy, vì chúng ta có thầy tế lễ thượng phẩm lớn đã trải qua các từng trời, tức là Đức Chúa Jêsus, Con Đức Chúa Trời... Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội.
  71. An Xang Hồng, Chương 2 3 kỳ 7 lễ trọng thể, "Sự Mầu Nhiệm của Đức Chúa Trời và Ngọn Suối Nước Sự Sống", NXB Mênchixêđéc, 2016, trang 22, Thập tự giá đã làm cho hết thảy các lễ trọng thể đều được trọn vẹn cùng một lúc. Huyết báu của Ngài chính là huyết của chiên Lễ Vượt Qua; cùng là huyết của bò con - của lễ chuộc tội cho các thầy tế lễ; cùng là huyết của dê đực - của lễ chuộc tội cho cả dân chúng. Bởi vậy, Ðấng Christ trở thành của lễ chuộc tội đời đời (Hêbơrơ 13:10-12, Rôma 3:25)... Vậy, sự việc thập tự giá được làm dấu chứng đời đời của giao ước mới, và chúng ta kỷ niệm các ngày ấy cho đến ngày tận thế (I Côrinhtô 11:26, Êsai 33:20, Sôphôni 3:18).
  72. “Xuất Êdíptô Ký 12:10-14”. Ấy là lễ Vượt qua của Đức Giêhôva. Đêm đó ta sẽ đi qua xứ Êdíptô, hành hại mọi con đầu lòng xứ Êdíptô, từ người ta cho đến súc vật; ta sẽ xét đoán các thần của xứ Êdíptô; ta là Đức Giêhôva. Huyết bôi trên nhà các ngươi ở, sẽ dùng làm dấu hiệu; khi ta hành hại xứ Êdíptô, thấy huyết đó, thì sẽ vượt qua, chẳng có tai nạn hủy diệt các ngươi.
  73. 73,0 73,1 73,2 73,3 “Mathiơ 26:19-28”. Môn đồ làm y như lời Đức Chúa Jêsus đã dạy mà dọn lễ Vượt qua... Khi đương ăn, Đức Chúa Jêsus lấy bánh, tạ ơn rồi, bẻ ra đưa cho môn đồ mà rằng: Hãy lấy ăn đi, nầy là thân thể ta. Ngài lại lấy chén, tạ ơn rồi, đưa cho môn đồ mà rằng: Hết thảy hãy uống đi; vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội.”
  74. 74,0 74,1 “Giăng 6:53-54”. Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng họ rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không ăn thịt của Con người, cùng không uống huyết Ngài, thì chẳng có sự sống trong các ngươi đâu. Ai ăn thịt và uống huyết ta thì được sự sống đời đời; nơi ngày sau rốt, ta sẽ khiến người đó sống lại.
  75. “Malachi 3:1”. Nầy, ta sai sứ giả ta, người sẽ dọn đường trước mặt ta; và Chúa mà các ngươi tìm kiếm sẽ thình lình vào trong đền thờ Ngài, tức là thiên sứ của sự giao ước mà các ngươi trông mong. Nầy, Ngài đến, Đức Giêhôva vạn quân phán vậy.
  76. 76,0 76,1 “Giăng 13:15”. Vì ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi.
  77. “Luca 3:3-21”. Giăng bèn dạo qua hết thảy miền lân cận sông Giôđanh, giảng dạy phép báptêm về sự ăn năn để được tha tội... Vả, khi hết thảy dân chúng đều chịu phép báptêm, Ðức Chúa Jêsus cũng chịu phép báptêm. Ngài đương cầu nguyện thì trời mở ra.
  78. 78,0 78,1 “Luca 4:16”. Đức Chúa Jêsus đến thành Naxarét, là nơi dưỡng dục Ngài, theo thói quen, nhằm ngày Sabát, Ngài vào nhà hội, đứng dậy và đọc.
  79. “Công Vụ Các Sứ Đồ 2:1-41”. Đến ngày lễ Ngũ tuần, môn đồ nhóm họp tại một chỗ... Phierơ trả lời rằng: Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Ðức Chúa Jêsus chịu phép báptêm, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Ðức Thánh Linh... Vậy, những kẻ nhận lời đó đều chịu phép báptêm; và trong ngày ấy, có độ ba ngàn người thêm vào Hội thánh.
  80. “Giăng 7:2-37”. Vả, ngày lễ của dân Giu đa, gọi là lễ Lều tạm gần đến... Ngày sau cùng, là ngày trọng thể trong kỳ lễ, Ðức Chúa Jêsus ở đó, đứng kêu lên rằng: Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống.
  81. “Lu-ca 22:15”. Ngài phán rằng: Ta rất muốn ăn lễ Vượt Qua nầy với các ngươi trước khi ta chịu đau đớn.
  82. “Êphêsô 1:7”. Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài.
  83. “I Phierơ 1:18-19”. Vì biết rằng chẳng phải bởi vật hay hư nát như bạc hoặc vàng mà anh em đã được chuộc khỏi sự ăn ở không ra chi của tổ tiên truyền lại cho mình, bèn là bởi huyết báu Ðấng Christ, dường như huyết của chiên con không lỗi không vít.
  84. “Giăng 19:34”. nhưng có một tên lính lấy giáo đâm ngang sườn Ngài, tức thì máu và nước chảy ra.
  85. “Giăng 13:34”. Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy.
  86. “I Côrinhtô 10:16-17”. Cái chén phước lành mà chúng ta chúc phước, há chẳng phải là thông với huyết của Ðấng Christ sao? Cái bánh mà chúng ta bẻ, há chẳng phải là thông với thân thể của Ðấng Christ sao? Vì chỉ có một cái bánh, chúng ta dầu nhiều, cũng chỉ một thân thể; bởi chưng chúng ta đều có phần chung trong một cái bánh.
  87. “Mathiơ 13:44-46”. Nước Thiên Đàng giống như của báu chôn trong một đám ruộng kia. Một người kia tìm được thì giấu đi, vui mừng mà trở về, bán hết gia tài mình, mua đám ruộng đó. Nước thiên đàng lại giống như một người lái buôn kiếm ngọc châu tốt, khi đã tìm được một hột châu quí giá, thì đi bán hết gia tài mình mà mua hột châu đó.
  88. “Mathiơ 5:3, 10”. Phước cho những kẻ có lòng khó khăn, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!... Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!
  89. “Mathiơ 7:21-23”. Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi. Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhân danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta.
  90. “Mathiơ 6:20-21”. Nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy. Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó.
  91. “Khải Huyền 21:4”. Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi.
  92. “Mathiơ 6:9”. Vậy các ngươi hãy cầu như vầy: Lạy Cha chúng tôi ở trên trời.
  93. “Hêbơrơ 8:5”. Và giữ sự thờ phượng, sự thờ phượng đó chẳng qua là hình và bóng của những sự trên trời mà thôi.
  94. “Hêbơrơ 12:9”. Cha về phần xác sửa phạt, mà chúng ta còn kinh sợ thay, huống chi Cha về phần hồn, chúng ta há chẳng càng nên vâng phục lắm để được sự sống sao?
  95. “II Côrinhtô 6:18”. Ta sẽ làm Cha các ngươi, Các ngươi làm con trai con gái ta, Chúa Toàn năng phán như vậy.
  96. “Galati 4:26”. Nhưng thành Giêrusalem ở trên cao là tự do, và ấy là mẹ chúng ta.
  97. “Luca 18:9-14”.
  98. John W. Parker, The Bible Cyclopaedia: Or, Illustrations of the Civil and Natural History of the Sacred Writings, by Reference to the Manners, Customs, Rites, Traditions, Antiquities, and Literature of Eastern Nations, 1843, p.1340, WASHING OF FEET. The orientals used to wash the feet of strangers who came from off a journey, because they commonly walked with their legs bare, their feet being defended by sandals only. (Gen. 18. 4;24. 32; and 43. 24.) This office was commonly performed by servants and slaves. ... Our Saviour after his last supper, gave his final lesson of humility by washing his disciples' feet. (John 13. 5, 6)
  99. Mrs. Humphrey Ward, A Guide to Jewish History, ceremonies, manners, and customs, ancient and modern, in the form of question and answer, by the authoress of "the Child's Guide to Knowledge.", Simpkin Marshall, 1834, p.109, Q. Why is the ceremony of washing the feet so often mentioned in the Old and New Testament? A. There were good reasons for this custom; because, then and now, in Eastern countries, they travelled barefoot, or only with sandals, which were open at the top; therefore, the first compliment offered to a stranger on his arrival, was to bring him water to wash his feet; slaves usually performed this office, but Jesus Christ did it to his disciples the night before the Passover, to give them an example of humility.