Ngày Sabát

Từ Từ điển tri thức Hội Thánh của Đức Chúa Trời
Bước tới điều hướng Bước tới tìm kiếm
Đức Chúa Trời đã quy định ngày Sabát là điều răn thứ tư trong Mười Điều Răn. Tác phẩm của Guido Reni: <Môise cầm bảng đá Mười Điều Răn>.

Ngày Sabát (安息日, Sabbath) là điều răn của Đức Chúa Trời, bắt nguồn từ việc Đức Chúa Trời nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy sau 6 ngày sáng tạo. Đức Chúa Trời phán rằng “Hãy nhớ ngày Sabát đặng làm nên ngày thánh”, là điều răn thứ tư trong Mười Điều Răn.

Đức Chúa Jêsus đã làm gương giữ ngày Sabát của giao ước mới. Các sứ đồ và các thánh đồ Hội Thánh sơ khai cũng giữ ngày Sabát của giao ước mới theo tấm gương ấy. Kinh Thánh ghi chép rằng phải giữ ngày Sabát cho đến ngày tận cùng của thế gian. Ngày Sabát là dấu giữa Đức Chúa Trời và người dân, cũng là lời tiên tri về sự nghỉ ngơi đời đời, nên những người giữ ngày Sabát của giao ước mới mới có thể đi vào Nước Thiên Đàng.

Từ gốc

Ngày Sabát có nghĩa là “ngày nghỉ ngơi bình an”. Được gọi là Shabbat (שַׁבָּת)[1] theo tiếng Hêbơrơ, là từ phái sinh từ chữ Shabat (שָׁבַת),[2] có nghĩa là “ngừng làm việc” hoặc “nghỉ ngơi”.[3] Còn trong tiếng Hy Lạp được gọi là Sabbaton (σαββάτων) theo phiên âm từ tiếng Hêbơrơ.

Nguồn gốc của ngày Sabát

Ngày Sabát bắt nguồn từ việc Đức Chúa Trời nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy sau 6 ngày sáng tạo. Tác phẩm của Julius Schnorr von Crolsfeld: <Ngày thứ bảy sáng tạo> trong “Kinh Thánh qua tranh”.

Ngày Sabát bắt nguồn từ việc Đức Chúa Trời nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy, sau khi dựng nên trời đất trong vòng 6 ngày vào lúc ban đầu. Đức Chúa Trời ban phước cho ngày thứ bảy và đặt làm ngày thánh.[4] Điều này có nghĩa là những người giữ ngày thứ bảy Sabát sẽ được nhận lãnh phước lành và mặc lấy sự nên thánh.[5] Vào thời đại của Môise, Đức Chúa Trời đã quy định ngày Sabát là điều răn thứ tư trong Mười Điều Răn và đặt làm ngày kỷ niệm quyền năng của Đấng Sáng Tạo.

Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh. Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày; nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi... chớ làm công việc chi hết; vì trong sáu ngày Đức Giêhôva đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ: vậy nên Đức Giêhôva đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh.

- Xuất Êdíptô Ký 20:8–11

Mỗi khi Đức Chúa Trời phán về điều răn “Hãy giữ ngày Sabát”, Ngài lại đề cập đến lịch sử dựng nên trời đất.[6] Mỗi khi chúng ta giữ gìn ngày Sabát, Đức Chúa Trời khiến chúng ta ghi nhớ quyền năng của Đức Chúa Trời là Đấng Sáng Tạo. Việc gìn giữ ngày Sabát một cách chí thánh chính là phương pháp đúng đắn để hầu việc Đức Chúa Trời, Đấng Sáng Tạo đã dựng nên muôn vật.

Ngày Sabát của Cựu Ước

Trong thời đại Cựu Ước, các thầy tế lễ bắt con chiên đực rồi dâng làm của lễ thiêu vào ngày Sabát, cũng dâng của lễ chay và lễ quán bằng bột ngũ cốc và dầu với một lượng nhất định.[7] Hơn nữa, họ cũng làm mười hai ổ bánh rồi đặt trên một cái bàn thanh sạch trước mặt Đức Chúa Trời.[8] Còn dân sự thì giữ ngày Sabát bằng cách không làm bất cứ việc gì.[9] Không chỉ người dân mà kể cả gia súc cũng không làm việc, và thậm chí còn không được nổi lửa.[10]

Ngày Sabát của Tân Ước

  • Đức Chúa Jêsus Christ đã giữ ngày Sabát
Đức Chúa Jêsus chữa lành người bệnh trong ngày Sabát. Tác phẩm của Carl Heinrich Bloch: <Đức Chúa Jêsus chữa lành người bệnh>.

Ngày Sabát trong luật pháp Cựu Ước là hình bóng về những việc sẽ xảy đến vào thời đại Tân Ước.[11][12] Việc bắt chiên để dâng tế lễ đổ huyết vào ngày Sabát là hình bóng cho thấy trước rằng Đức Chúa Jêsus sẽ đích thân chịu sự khổ nạn đổ huyết vì sự cứu rỗi của nhân loại với tư cách là thực thể của của lễ hy sinh trong thời đại Cựu Ước.[13] Do đó, vào thời đại Tân Ước, khi thực thể đã xuất hiện rồi, thì việc dâng thú vật làm của lễ thiêu vào ngày Sabát sẽ không còn nữa. Đức Chúa Jêsus dạy dỗ rằng không cần thiết phải bắt chiên để dâng tế lễ vào mỗi ngày Sabát như người ta đã từng thực hiện trong đền thờ Giêrusalem vào thời đó, mà phải dâng thờ phượng bằng tâm thần và lẽ thật.[14] Ngài cũng cho thấy tấm gương dâng thờ phượng vào ngày Sabát theo như Kinh Thánh.

Đức Chúa Jêsus đến thành Naxarét, là nơi dưỡng dục Ngài. Theo thói quen, nhằm ngày Sabát, Ngài vào nhà hội, đứng dậy và đọc.

- Luca 4:16

Tuy Đức Chúa Jêsus là thầy tế lễ thượng phẩm phần linh hồn,[15] nhưng Ngài đã không bắt chiên để giữ ngày Sabát như các thầy tế lễ trong Cựu Ước mà dùng Kinh Thánh để giảng luận trong nhà hội. Khi xem biểu hiện “theo thói quen” thì có thể biết được sự thật rằng Ngài đã giữ mọi ngày Sabát như thế chứ không phải chỉ một hai lần.[16][17]

Luật pháp cấm làm việc trong ngày Sabát cũng đã được Đức Chúa Jêsus thay đổi. Những người Giuđa vốn cố chấp với luật pháp Cựu Ước, đã chỉ trích Đức Chúa Jêsus vi phạm ngày Sabát khi thấy các môn đồ của Đức Chúa Jêsus bứt bông lúa mì mà ăn hoặc thấy Đức Chúa Jêsus chữa lành cho người bệnh vào ngày Sabát. Song, Đức Chúa Jêsus là Chúa của ngày Sabát. Ngài đã biện hộ cho hành động của các môn đồ và đích thân làm điều lành, chữa lành cho người bệnh.[18] Vì phương pháp dâng thờ phượng lên Đức Chúa Trời vào ngày Sabát đã được thay đổi hoàn toàn nên các thánh đồ vào thời đại Tân Ước đã dâng thờ phượng bằng tâm thần và lẽ thật vào mỗi ngày Sabát theo tấm gương của Đức Chúa Jêsus.[19]

  • Các sứ đồ đã giữ ngày Sabát

Ngay cả sau khi Đức Chúa Jêsus thăng thiên, các sứ đồ và các thánh đồ Hội Thánh sơ khai vẫn giữ ngày Sabát của Tân Ước. Kể cả Phaolô, người đã tin vào Đấng Christ và trở thành sứ đồ sau khi Đức Chúa Jêsus thăng thiên, cũng đã làm theo tấm gương của Đức Chúa Jêsus và giữ ngày Sabát hàng tuần theo thói quen.[20]

Phaolô tới nhà hội theo thói quen mình, và trong ba ngày Sabát biện luận với họ, lấy Kinh thánh cắt nghĩa và giải tỏ tường về Đấng Christ phải chịu thương khó, rồi từ kẻ chết sống lại. Người nói rằng Đấng Christ nầy, tức là Đức Chúa Jêsus mà ta rao truyền cho các ngươi.

- Công Vụ Các Sứ Đồ 17:2–3

Sứ đồ Phaolô đã nói rằng “Hãy bắt chước tôi cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ”.[21] Các thánh đồ vào thời đại Tân Ước phải giữ ngày Sabát một cách chí thánh theo tấm gương của các sứ đồ và vâng phục lời dạy dỗ của Đức Chúa Jêsus.

  • Ngày Sabát phải giữ cho đến tận thế

Đức Chúa Jêsus đã ban lời dạy dỗ rằng phải giữ ngày Sabát cho đến tận thế.

Ngài đương ngồi trên núi Ôlive, môn đồ tới riêng cùng Ngài, và nói rằng: Xin Chúa phán cho chúng tôi biết lúc nào những sự đó sẽ xảy ra? Và có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận thế... Hãy cầu nguyện cho các ngươi khỏi trốn tránh nhằm lúc mùa đông hay là ngày Sabát; vì lúc ấy sẽ có hoạn nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa.

- Mathiơ 24:3–21

Khi các môn đồ hỏi về ngày tận thế, Đức Chúa Jêsus đã phán rằng hãy cầu nguyện để khỏi phải trốn tránh nhằm lúc mùa đông hay là ngày Sabát vào lúc hoạn nạn lớn cuối cùng chưa từng có từ khi sáng thế và sau này cũng không hề có nữa. Sở dĩ Ngài phán rằng hãy cầu nguyện để không xảy ra hoạn nạn vào mùa đông là vì thời tiết lạnh giá trong mùa đông sẽ tăng thêm sự đau đớn cho các thánh đồ. Và lý do Ngài phán rằng hãy cầu nguyện để sự ấy không xảy ra vào ngày Sabát là vì nếu hoạn nạn xảy ra vào ngày Sabát thì các thánh đồ không thể dâng thờ phượng trọn vẹn lên Đức Chúa Trời. Lời này có nghĩa là chúng ta phải giữ ngày Sabát cho đến ngày tận thế, là lúc hoạn nạn cuối cùng xảy ra.

Đức Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời, Đấng biết sự cuối cùng từ buổi đầu tiên.[22] Nếu như không cần thiết phải giữ ngày Sabát cho đến tận thế thì không có lý do gì mà Đức Chúa Jêsus lại phán rằng “Hãy cầu nguyện hầu cho các ngươi khỏi trốn tránh nhằm ngày Sabát”.

Chủ trương rằng không cần phải giữ ngày Sabát vào thời đại Tân Ước là hành vi chống đối sự dạy dỗ của Đức Chúa Jêsus. Trong Kinh Thánh hoàn toàn không có căn cứ nào cho thấy ngày Sabát đã bị xóa bỏ vào thời đại Tân Ước hoặc sau khổ nạn thập tự giá của Đức Chúa Jêsus. Các thánh đồ phải ghi nhớ sự dạy dỗ của Đức Chúa Jêsus và giữ ngày Sabát một cách chí thánh cho đến ngày tận thế.

Phước lành của ngày Sabát

Dấu của người dân Đức Chúa Trời

Ngày Sabát là một dấu hiệu rõ ràng để có thể nhận biết người dân của Đức Chúa Trời. Bởi việc giữ ngày Sabát, các thánh đồ nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng làm cho họ nên thánh, và Đức Chúa Trời cũng công nhận những người giữ ngày Sabát là người dân của Ngài.[23]

Phần ngươi, hãy nói cùng dân Ysơraên rằng: Nhứt là các ngươi hãy giữ ngày sabát ta, vì là một dấu giữa ta và các ngươi, trải qua mọi đời, để thiên hạ biết rằng ta, là Ðức Giêhôva, làm cho các ngươi nên thánh. Vậy, hãy giữ ngày sabát, vì là một ngày thánh cho các ngươi. Kẻ nào phạm đến ngày đó, phải bị xử tử; kẻ nào làm một việc chi trong ngày đó, cũng sẽ bị truất khỏi vòng dân sự. Người ta sẽ làm công việc trong sáu ngày, nhưng qua ngày thứ bảy là ngày sabát, tức là ngày nghỉ, biệt riêng ra thánh cho Đức Giêhôva. Trong ngày sabát hễ ai làm một việc chi sẽ bị xử tử.

- Xuất Êdíptô Ký 31:13–15

Trong thời đại Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã bày tỏ ý muốn dứt khoát về ngày Sabát đến mức phán lệnh rằng kẻ nào không giữ ngày Sabát sẽ bị xử tử.[24] Điều này chứa đựng ý chí của Đức Chúa Trời, Đấng biệt riêng người dân của Ngài ra thánh để dẫn dắt họ đi đến sự cứu rỗi thông qua ngày Sabát.

Ngày vui mừng và hân hỉ

Đấng tiên tri Êsai đã liệt kê các phước lành sẽ đến với những người giữ ngày Sabát trong sách Êsai chương 56.

Phước thay cho người làm điều đó, và con người cầm vững sự đó, giữ ngày Sabát đặng đừng làm ô uế, cấm tay mình không làm một điều ác nào... Những kẻ hoạn hay giữ các ngày Sabát ta, lựa điều đẹp lòng ta, cầm vững lời giao ước ta. Thì ta sẽ ban cho họ tại trong nhà ta và trong tường ta một chỗ, và một danh tốt hơn danh của con trai con gái; ta lại sẽ ban cho họ một danh đời đời chẳng hề dứt đi. Các dân ngoại về cùng Đức Giêhôva, đặng hầu việc Ngài, đặng yêu mến danh Đức Giêhôva, đặng làm tôi tớ Ngài; tức là hết thảy những kẻ giữ ngày Sabát cho khỏi làm ô uế và cầm vững lời giao ước ta, thì ta sẽ đem họ lên trên núi thánh ta, làm cho họ vui mừng trong nhà cầu nguyện ta. Của lễ thiêu và hy sinh họ dâng trên bàn thờ ta, sẽ được nhận lấy; vì nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc.

- Êsai 56:2–7

Đức Chúa Trời phán rằng Ngài sẽ dẫn dắt những người giữ ngày Sabát lên núi thánh của Đức Chúa Trời và làm cho họ được vui mừng, Ngài cũng sẽ nhận lấy tế lễ (thờ phượng) của họ nữa. Tại chương 58 cũng được chép rằng những người tôn trọng và giữ ngày Sabát sẽ tìm được sự vui thích trong Đức Chúa Trời.[25]

Lời tiên tri về sự nghỉ ngơi đời đời

Ngày Sabát là lời tiên tri về sự nghỉ ngơi đời đời sẽ được hưởng trên Nước Thiên Đàng trong tương lai.[26] Lịch sử 6 ngày sáng tạo được ghi chép trong Sáng Thế Ký là lời tiên tri cho biết việc Đức Chúa Trời sẽ sáng tạo phần linh hồn trong khoảng 6000 năm.[27] Lịch sử Đức Chúa Trời nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy sau khi kết thúc công việc sáng tạo 6 ngày là lời tiên tri về ngàn năm Sabát sẽ đến sau khi kết thúc công cuộc cứu chuộc của Đức Chúa Trời. Về việc ngàn năm Sabát sẽ đến sau khi công cuộc cứu chuộc kết thúc, sứ đồ Giăng đã biểu hiện rằng “họ sẽ trị vì trong một ngàn năm”.[28] Tuy các thánh đồ được nhận sự cứu rỗi sẽ trị vì đời đời,[29] nhưng đã định ra quãng thời gian và biểu hiện là 1000 năm để cho biết rằng có công cuộc cứu chuộc trong suốt 6000 năm trước ngàn năm Sabát. Điều này giống như làm việc trong 6 ngày trước ngày Sabát, và làm nông trong 6 năm trước năm Sabát.[30]

Ngàn năm Sabát được tiếp nối bởi sự nghỉ ngơi đời đời. Vì vậy, khi xem sách Sáng Thế Ký thì không có đề cập đến sự kết thúc của ngày thứ bảy sau 6 ngày sáng tạo. 6 ngày đầu tiên đều có lời giải thích rằng “Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ mấy”,[31] nhưng đến ngày thứ bảy thì lại không có ghi chép rằng “Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ bảy”. Điều này có nghĩa là sự nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy biểu tượng cho sự nghỉ ngơi đời đời. Ngày Sabát là lời tiên tri về sự nghỉ ngơi đời đời, nên các thánh đồ giữ ngày Sabát hàng tuần một cách chí thánh mới có thể đi vào Nước Thiên Đàng để được hưởng sự nghỉ ngơi đời đời.

Ngày Sabát trong Kinh Thánh là Thứ Bảy

Ngày Sabát, ngày được Đức Chúa Trời quy định từ thời sáng thế, được ban phước và làm nên thánh chính là ngày thứ bảy. Có vô số hội thánh ngày nay đang thờ phượng vào Chủ nhật, nhưng theo nhiều chứng cớ trong Kinh Thánh và lịch sử thì ngày Sabát trong Kinh Thánh, tức là ngày thờ phượng một cách đúng đắn chính là Thứ Bảy.

Đức Chúa Jêsus đã phục sinh vào sáng sớm Chủ nhật, là một hôm sau ngày Sabát. Tác phẩm của Heinrich Hoffmann: <Đức Chúa Jêsus phục sinh và Mari Mađơlen>.
  • Căn cứ 1. Kinh Thánh

Khi xem chế độ tuần lễ ngày nay thì thấy rằng ngày thứ bảy - ngày Sabát là Thứ Bảy. Chúng ta có thể biết được điều này thông qua cảnh phục sinh của Đức Chúa Jêsus trong Kinh Thánh.

Ngày Sabát qua rồi... Vả, Ðức Chúa Jêsus đã sống lại buổi sớm mai ngày thứ nhứt trong tuần lễ, thì trước hết hiện ra cho Mari Mađơlen, là người mà Ngài đã trừ cho khỏi bảy quỉ dữ.

- Mác 16:1-9

Kinh Thánh ghi chép rằng Đức Chúa Jêsus đã phục sinh vào ngày thứ nhất sau ngày Sabát, tức là vào hôm sau ngày Sabát, thế mà ngày Đức Chúa Jêsus phục sinh lại là ngày Chủ nhật. Vì vậy, trong Kinh Thánh tiếng Anh bản TEV, Tin Lành Mác 16:9 đã chép là “After Jesus rose from death early on Sunday... (Sau khi Ðức Chúa Jêsus sống lại từ sự chết lúc sáng sớm Chủ nhật)”. Còn trong “Kinh Thánh Hiện Đại tiếng Việt” thì ghi chép rằng “Sau khi sống lại sáng sớm Chúa Nhật”. Nếu hôm sau ngày Sabát là Chủ nhật thì ngày Sabát, tức ngày trước đó phải là Thứ Bảy. Do đó, ngày Sabát trong Kinh Thánh là Thứ Bảy.

  • Căn cứ 2. Giáo lý của giáo hội công giáo

Giáo hội công giáo La Mã, nơi giữ thờ phượng ngày Chủ nhật cũng thừa nhận rằng ngày Sabát trong Kinh Thánh là Thứ Bảy.

Không cần đề cập đến những điều khác, mỗi Cơ Ðốc nhân chúng ta đều bắt buộc phải thánh hóa Chủ nhật và giữ ngày này khỏi những việc làm thế gian không cần thiết, đúng không? Chẳng phải thờ phượng ngày này là việc làm thiêng liêng nhất của chúng ta sao? Nhưng nếu đọc Kinh Thánh từ Sáng Thế Ký cho đến Khải Huyền, chúng ta không tìm ra được một dòng nào cho phép sự thánh hóa Chủ nhật. Ngày Sabát trong Kinh Thánh là Thứ Bảy chứ không phải Chủ nhật.
— James C. Gibbons, The Faith of Our Fathers, trang 72-73
Tôi đã đọc Kinh Thánh từ chương đầu tiên của Sáng Thế Ký đến chương cuối cùng của Khải Huyền mà không tìm thấy một câu nào phán phải giữ ngày Chúa nhật nên thánh cả. Đã được chép trong Kinh Thánh rằng hãy giữ ngày Thứ Bảy, tức là ngày cuối cùng, chứ không phải hãy giữ ngày Chủ nhật, là ngày đầu tiên trong tuần.
— John A. O’Brien, The Faith of Millions, Our Sunday Visitor, Inc., 1974, trang 137

Không thể tìm thấy bất kỳ một câu nào trong Kinh Thánh chép rằng hãy dâng thờ phượng vào Chủ nhật. Ngày Sabát trong Kinh Thánh rõ ràng là Thứ Bảy.

  • Căn cứ 3. Ghi chép lịch sử

Chúng ta có thể biết được sự thật ngày Sabát trong Kinh Thánh là Thứ Bảy khi so sánh hai ghi chép lịch sử về cuộc chinh phục Giêrusalem vào năm 63 SCN của Pompey - một tướng quân La Mã.

Josephus - nhà sử học Do Thái ở thế kỷ thứ 1 ghi chép rằng Pompey đã lợi dụng việc người Giuđa không làm việc vào ngày thứ bảy - ngày Sabát để chinh phục Giêrusalem. Pompey đã dẫn đầu quân đội và bao vây đền thờ Giêrusalem khi đoán biết rằng người Giuđa chỉ phòng thủ chứ không tấn công vào ngày thứ bảy - ngày Sabát. Quân đội La Mã đã tiến hành lấp khe núi và hào xung quanh đền thờ, đồng thời vận chuyển vũ khí tấn công thành mà không gặp bất kỳ sự cản trở nào. Kết cục là đền thờ Giêrusalem đã bị chiếm đóng chỉ trong 3 tháng.[32] Nhà sử học La Mã Dio Cassius sống vào đầu thế kỷ thứ 3 đã viết về sự kiện tương tự rằng vì người Giuđa không làm việc vào “ngày sao Thổ” nên người La Mã đã có cơ hội đánh đổ tường thành.[33]

Điều này nghĩa là ngày thứ bảy - ngày Sabát mà người Giuđa giữ gìn là ngày sao Thổ đối với người La Mã, tức là Thứ Bảy. Cho nên ngày Sabát mà Đức Chúa Jêsus và các sứ đồ gìn giữ rõ ràng là Thứ Bảy.

  • Căn cứ 4. Ngôn ngữ thường nhật

Một số ngôn ngữ để lại dấu vết của ngày Sabát là Thứ Bảy. Trong tiếng Tây Ban Nha, Thứ Bảy là sábado, cũng có ý nghĩa là ngày Sabát. Sau đây là các trường hợp về ngôn ngữ vẫn còn lại dấu vết của tên gọi ngày Sabát theo tiếng Hêbơrơ trong từ ngữ mang ý nghĩa là Thứ Bảy.

Ngôn ngữ Cách viết của Thứ Bảy
Tiếng Tây Ban Nha sábado
Tiếng Bồ Đào Nha sábado
Tiếng Ý sabato
Tiếng Hy Lạp Σάββατο
Tiếng Ba Lan sobota
Tiếng Croatia subota
Tiếng Bulgaria събота
Tiếng Indonesia hari Sabtu

Lập trường của các giáo phái về ngày Sabát

Giáo Giuđa

Ngày Sabát của giáo Giuđa bắt đầu lúc mặt trời lặn vào Thứ Sáu và kết thúc lúc mặt trời lặn vào Thứ Bảy. Luật pháp Cựu Ước ở Ysơraên là không được làm việc vào ngày Sabát, nên các cơ quan công quyền, nhà hàng và cửa hiệu đều đóng cửa vào ngày Sabát, còn giao thông công cộng như xe buýt và tàu điện đều bị ngưng hoạt động.[34] Trong gia đình thường thắp hai ngọn nến trước khi mặt trời lặn vào Thứ Sáu, và khi ngày Sabát bắt đầu thì họ tổ chức một bữa tiệc với bánh và rượu nho thường dùng trong ngày Sabát, được gọi là “Hala”. Những người Giuđa theo phái chính thống tuân thủ tuyệt đối ngày Sabát thì nghiêm cấm kể cả việc bật hoặc tắt công tắc điện, nên có nhiều ngôi nhà đã lắp đặt thiết bị đèn tự động. Các khách sạn và chung cư cao tầng cũng được trang bị thang máy tự động dừng ở mỗi tầng vào ngày Sabát dù hành khách không bấm nút.[35]

Hãng hàng không quốc gia Ysơraên El Al Air cũng không khai thác các chuyến bay vào ngày Sabát. Vì sân bay và máy bay đều tạm dừng cất cánh và hạ cánh, nên các hãng hàng không phải điều chỉnh lịch bay đến Ysơraên vào trước hoặc sau ngày Sabát. Tại những khu vực sinh sống của người Giuđa theo phái chính thống, họ chắn các lối ra vào trong ngày Sabát để ngăn không cho người nước ngoài hoặc người từ địa phương khác lái xe vào. Bởi nếu có trường hợp lái xe vào, người Giuđa ở đó sẽ ném đá và phá hủy xe.[36]

Thiên chúa giáo

Mặc dù ngày Sabát trong Kinh Thánh là Thứ Bảy, nhưng dưới quyền lực của thiên chúa giáo, giáo lý thờ phượng vào ngày Chúa nhật (Chủ nhật) đã được tạo ra.

Bởi vì Thứ Bảy, chứ không phải là Chủ nhật đã được nói rõ trong Kinh Thánh rồi, nên thật là khó hiểu khi những người tự xưng rằng mình tuân theo Kinh Thánh và không thuộc thiên chúa giáo, lại đi thờ phượng Chủ nhật thay vì Thứ Bảy. Thật sự là mâu thuẫn! Nhưng thực ra điều này đã trở thành thói quen phổ biến vào khoảng 15 thế kỷ trước khi đạo tin lành ra đời rồi. Họ (đạo tin lành) vẫn tiếp tục giữ theo thói quen này, mặc dù Chủ nhật dựa trên quyền lực thiên chúa giáo chứ không dựa vào minh chứng trong Kinh Thánh.
— John A. O’Brien, The Faith of Millions, Our Sunday Visitor, Inc., 1974

Mặc dù Chủ nhật là ngày tôn kính mặt trời, nhưng họ lại chủ trương các Cơ Đốc nhân thời sơ khai đã coi Chủ nhật là ngày của Chúa theo tiền lệ và đã kỷ niệm sự phục sinh của Đấng Christ cùng sự giáng lâm của Thánh Linh vào Chủ nhật.[37]

Kể cả điều răn liên quan đến ngày Sabát trong Mười Điều Răn cũng bị biến đổi khác với Kinh Thánh. Giáo hội công giáo sử dụng Mười Điều Răn do giám mục Augustine và một số giáo phụ phân loại vào khoảng thế kỷ thứ 5. Sự phân loại này đã đặt ra điều răn “Hãy giữ ngày Chúa nhật” thay cho điều răn “Hãy nhớ ngày Sabát đặng làm nên ngày thánh”.[38]

Đạo tin lành

Theo chương 21 của “Bản Tuyên xưng đức tin của Westminster” là sách giáo lý chứa đựng tín ngưỡng của chủ nghĩa Calvin, hội thánh tin lành chủ trương rằng “Ngày Sabát là ngày cuối cùng của một tuần (Thứ Bảy) từ lúc sáng thế cho đến khi Đấng Christ phục sinh, nhưng đã được đổi thành ngày đầu tiên trong tuần (Chủ nhật) sau khi Đấng Christ phục sinh”.[39] Họ chủ trương rằng Công Vụ Các Sứ Đồ 20:7[40]I Côrinhtô 16:2[41] là lời ghi chép về việc Hội Thánh sơ khai đã dâng thờ phượng Chúa nhật vào Chủ nhật, là ngày đầu tiên mỗi tuần.[42] Thế nhưng, Công Vụ Các Sứ Đồ chương 20 là cảnh kỷ niệm Lễ Phục Sinh, còn I Côrinhtô chương 16 chỉ là lời khuyên nhủ về cách thức dâng hiến đặc biệt để giúp đỡ các thánh đồ trong thành Giêrusalem, chứ không phải là ghi chép về sự thờ phượng vào Chủ nhật hàng tuần.

Giáo hội Cơ Đốc phục lâm

Giáo hội Cơ Đốc phục lâm ngày thứ bảy (Cơ Đốc phục lâm) coi thời gian bắt đầu của một ngày là khi mặt trời lặn theo như phong tục của người Giuđa và nghĩ rằng từ khi mặt trời lặn vào Thứ Sáu cho đến khi mặt trời lặn vào Thứ Bảy là ngày Sabát, nên họ dâng thờ phượng vào buổi tối Thứ Sáu, buổi sáng và buổi chiều Thứ Bảy.[43] Giáo hội Cơ Đốc phục lâm lấy lời chép rằng ngày Sabát là dấu giữa Đức Chúa Trời và người dân Ngài mà chủ trương rằng ngày Sabát là “ấn của Đức Chúa Trời”.[44]

Hội Thánh của Đức Chúa Trời giữ ngày Sabát

Lễ thờ phượng tại Đền Thánh Giêrusalem Mới Pangyo - Hội Thánh của Đức Chúa Trời Hiệp Hội Truyền Giáo Tin Lành Thế Giới.
Lễ thờ phượng tại Đền Thánh Giêrusalem Mới Pangyo - Hội Thánh của Đức Chúa Trời Hiệp Hội Truyền Giáo Tin Lành Thế Giới.

Hội Thánh của Đức Chúa Trời Hiệp Hội Truyền Giáo Tin Lành Thế Giới là nơi duy nhất trên thế giới giữ ngày Sabát theo giao ước mới mà Đức Chúa Jêsus và các sứ đồ từng giữ.[45] Theo cách tính thời gian của Kinh Thánh, một ngày bắt đầu khi mặt trời mọc, vì vậy Hội Thánh dâng lễ thờ phượng vào buổi sáng, buổi chiều và buổi tối ngày Sabát vào Thứ Bảy. Vào ngày Sabát, Hội Thánh của Đức Chúa Trời kỷ niệm quyền năng của Đức Chúa Trời Êlôhim là Đấng Sáng Tạo, đồng thời tin rằng ngày Sabát là dấu giữa Đức Chúa Trời và người dân của Ngài, là biểu tượng cho sự nghỉ ngơi đời đời.

Xem thêm

Video liên quan

  • Giảng đạo: Ngày Sabát và phước lành của Đức Chúa Trời

  • Quý vị đi hội thánh vào ngày nào?

Chú thích

  1. 7676. shabbath, Bible Hub
  2. 7673. shabath, Bible Hub
  3. “Sáng Thế Ký 2:2”. Ngày thứ bảy, Ðức Chúa Trời làm xong các công việc Ngài đã làm, và ngày thứ bảy, Ngài nghỉ các công việc Ngài đã làm.
  4. “Sáng Thế Ký 2:1-3”. Ấy vậy, trời đất và muôn vật đã dựng nên xong rồi. Ngày thứ bảy, Ðức Chúa Trời làm xong các công việc Ngài đã làm, và ngày thứ bảy, Ngài nghỉ các công việc Ngài đã làm. Rồi, Ngài ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày thánh; vì trong ngày đó, Ngài nghỉ các công việc đã dựng nên và đã làm xong rồi.
  5. “Êsai 56:2”. Phước thay cho người làm điều đó, và con người cầm vững sự đó, giữ ngày Sabát đặng đừng làm ô uế, cấm tay mình không làm một điều ác nào!
  6. “Xuất Êdíptô Ký 31:16-17”. Ấy vậy, dân Ysơraên sẽ giữ ngày sabát trải các đời của họ, như một giao ước đời đời. Ấy là một dấu đời đời cho ta cùng dân Ysơraên, vì Ðức Giêhôva đã dựng nên trời và đất trong sáu ngày, qua ngày thứ bảy Ngài nghỉ và lấy sức lại.
  7. “Dân Số Ký 28:9-10”. Ngày sabát, ngươi phải dâng hai chiên con đực giáp năm, không tì vít, và hai phần mười êpha bột lọc nhồi dầu làm của lễ chay với lễ quán cặp theo. Ấy là của lễ thiêu về mỗi ngày sabát, ngoại trừ của lễ thiêu hằng hiến và lễ quán cặp theo.
  8. “Lêvi Ký 24:5-8”. Ngươi cũng phải lấy bột lọc, hấp mười hai ổ bánh; mỗi ổ cân nặng hai phần mười êpha; đoạn sắp ra hai hàng sáu ổ trên cái bàn bằng vàng ròng trước mặt Đức Giêhôva... Mỗi ngày sabát, người ta sẽ sắp bánh nầy trước mặt Đức Giêhôva luôn luôn, do nơi dân Ysơraên cung cấp; ấy là một giao ước đời đời.
  9. “Xuất Êdíptô Ký 20:8-10”. Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh. Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày; nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giêhôva Ðức Chúa Trời ngươi: trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái, tôi trai tớ gái, súc vật của ngươi, hoặc khách ngoại bang ở trong nhà ngươi, đều chớ làm công việc chi hết.
  10. “Xuất Êdíptô Ký 35:3”. Nhằm ngày sabát chớ nổi lửa trong nhà nào của các ngươi hết.
  11. “Hêbơrơ 10:1”. Vả, luật pháp chỉ là bóng của sự tốt lành ngày sau, không có hình thật của các vật...
  12. “Côlôse 2:16-17”. Vì vậy, chớ có ai đoán xét anh em về của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sabát, ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Ðấng Christ.
  13. “Hêbơrơ 10:11-12”. Phàm thầy tế lễ mỗi ngày đứng hầu việc và năng dâng của lễ đồng một thức, là của lễ không bao giờ cất tội lỗi được, còn như Ðấng nầy, đã vì tội lỗi dâng chỉ một của lễ, rồi ngồi đời đời bên hữu Ðức Chúa Trời.
  14. “Giăng 4:21-23”. Đức Chúa Jêsus phán rằng... giờ đến, khi các ngươi thờ lạy Cha, chẳng tại trên hòn núi nầy, cũng chẳng tại thành Giêrusalem... Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: Ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy.
  15. “Hêbơrơ 5:8-10”. Dầu Ngài là Con, cũng đã học tập vâng lời bởi những sự khốn khổ mình đã chịu, và sau khi đã được làm nên trọn vẹn rồi, thì trở nên cội rễ của sự cứu rỗi đời đời cho kẻ vâng lời Ngài, lại có Ðức Chúa Trời xưng Ngài là thầy tế lễ thượng phẩm theo ban Mênchixêđéc.
  16. “Mác 1:21”. Kế đó, đi đến thành Cabênaum; nhằm ngày Sabát, tức thì Ðức Chúa Jêsus vào nhà hội, khởi dạy dỗ tại đó.
  17. “Luca 6:6”. Một ngày Sabát khác, Ðức Chúa Jêsus vào nhà hội dạy dỗ.
  18. “Mathiơ 12:1-14”. Lúc đó, nhằm ngày Sabát, Đức Chúa Jêsus đi qua giữa đồng lúa mì; các môn đồ đói, bứt bông lúa mà ăn. Người Pharisi thấy vậy, bèn nói cùng Ngài rằng: Kìa, môn đồ thầy làm điều không nên làm trong ngày Sabát. Song Ngài đáp rằng... Hay là các ngươi không đọc trong sách luật, đến ngày Sabát, các thầy tế lễ trong đền thờ phạm luật ngày đó, mà không phải tội sao? Vả lại, ta phán cùng các ngươi, tại chỗ nầy có một đấng tôn trọng hơn đền thờ... vì Con người là Chúa ngày Sabát... Có kẻ hỏi Ngài rằng: Trong ngày Sabát, có phép chữa kẻ bịnh hay không? Ấy là họ có ý kiếm dịp kiện Ngài... Vậy, trong ngày Sabát có phép làm việc lành. Đoạn, Ngài phán cùng người tay teo rằng: Hãy giơ tay ra. Người liền giơ tay, thì tay nầy cũng lành như tay kia.
  19. “Giăng 13:15”. Vì ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi.
  20. “Công Vụ Các Sứ Đồ 18:4”. Hễ đến ngày Sabát, thì Phaolô giảng luận trong nhà hội, khuyên dỗ người Giuđa và người Gờréc.
  21. “I Côrinhtô 11:1”. Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy.
  22. “Êsai 46:10”. Ta đã rao sự cuối cùng từ buổi đầu tiên, và đã nói từ thuở xưa những sự chưa làm nên. Ta phán rằng: Mưu của ta sẽ lập, và ta sẽ làm ra mọi sự ta đẹp ý.
  23. “Êxêchiên 20:10-12”. Vậy ta đã làm cho chúng nó ra khỏi đất Êdíptô, và đem chúng nó đến nơi đồng vắng. Ta ban cho chúng nó luật lệ của ta, và làm cho chúng nó biết mạng lịnh ta, là điều nếu người ta làm theo thì được sống bởi nó. Ta cũng cho chúng nó những ngày Sabát ta làm một dấu giữa ta và chúng nó, đặng chúng nó biết rằng ta là Ðức Giêhôva biệt chúng nó ra thánh.
  24. “Dân Số Ký 15:32-36”. Vả, dân Ysơraên đương ở tại đồng vắng, gặp một người lượm củi trong ngày sabát... Đức Giêhôva bèn phán cùng Môise rằng: Người nầy phải phạt xử tử, cả hội chúng hãy ném đá người ngoài trại quân. Vậy, cả hội chúng đem người ra ngoài trại quân mà ném đá, và người chết, y như Đức Giêhôva phán dặn Môise.
  25. “Êsai 58:13–14”. Nếu ngươi ngừa giữ chân mình trong ngày Sabát, không làm vừa ý mình trong ngày thánh của ta; nếu ngươi xưng ngày Sabát là ngày vui thích, coi ngày thánh của Ðức Giêhôva là đáng kính; nếu ngươi tôn trọng ngày đó, không đi đường riêng mình, không theo ý riêng mình, và không nói lời riêng mình, bấy giờ ngươi sẽ lấy Ðức Giêhôva làm vui thích, ta sẽ làm cho ngươi cỡi lên các nơi cao trên đất, và lấy sản nghiệp của Giacốp, tổ phụ ngươi, mà nuôi ngươi; vì miệng Ðức Giêhôva đã phán vậy.
  26. “Hêbơrơ 4:4-6”. Vì luận về ngày thứ bảy, có chép rằng: Ngày thứ bảy Đức Chúa Trời nghỉ cả các công việc Ngài. Lại một chỗ khác có chép rằng: Chúng nó sẽ chẳng hề vào sự yên nghỉ ta. Như vậy, vì đã dành cho mấy người phải vào đó, và vì những kẻ nghe tin lành ấy trước nhứt đã không vào đó bởi chẳng tin.
  27. “II Phierơ 3:8”. Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ nên quên rằng ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày.
  28. “Khải Huyền 20:4”. Kế đó, tôi thấy linh hồn những kẻ đã phải chết chém vì sự làm chứng cho Ðức Chúa Jêsus và vì lời Ðức Chúa Trời, linh hồn những kẻ chẳng thờ lạy con thú cùng hình tượng nó, chẳng nhận dấu hiệu nó, hoặc trên trán hoặc trên tay. Các người ấy được sống và trị vì với Ðấng Christ trong một ngàn năm.
  29. “Khải Huyền 22:5”. Và chúng sẽ không cần đến ánh sáng đèn hay ánh sáng mặt trời, vì Chúa là Ðức Chúa Trời sẽ soi sáng cho; và chúng sẽ trị vì đời đời.
  30. “Lêvi Ký 25:3-5”. Trong sáu năm, ngươi sẽ gieo ruộng và hớt nho mình, cùng thâu hoạch thổ sản. Nhưng năm thứ bảy sẽ là năm sabát, để cho đất nghỉ, tức là một năm sabát cho Đức Giêhôva; ngươi chẳng nên gieo ruộng mình hay là hớt nho mình; chẳng nên gặt lại những chi đã tự mọc lên sau khi mùa màng, và đừng hái nho của vườn nho không hớt sửa: ấy sẽ là một năm cho đất nghỉ.
  31. “Sáng Thế Ký 1:5”. Ðức Chúa Trời đặt tên sự sáng là ngày; sự tối là đêm. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ nhứt.
  32. Flavius Josephus, "Chapter 4.," The Antiquities of the Jews Book XIV From the Death of Queen Alexandra to the Death of Antigonus, William Whiston trans., W. Bowyer for the author, 1737, And had it not been our practice, from the days of our forefathers, to rest on the seventh day, this bank could never have been perfected, by reason of the opposition the Jews would have made; for though our law gives us leave then to defend ourselves against those that begin to fight with us and assault us, yet does it not permit us to meddle with our enemies while they do any thing else. Which thing when the Romans understood, on those days which we call Sabbaths they threw nothing at the Jews, nor came to any pitched battle with them; but raised up their earthen banks, and brought their engines into such forwardness, that they might do execution the next day.
  33. Cassius Dio, "Chaps. 16," Roman History Volume III: Book XXXVII, Earnest Cary et al. trans., Loeb Classical Library, 1914, if they had continued defending it on all days alike, he could not have got possession of it. As it was, they made an excavation of what are called the days of Saturn, and by doing no work at all on those days afforded the Romans an opportunity in this interval to batter down the wall. The latter, on learning of this superstitious awe of theirs, made no serious attempts the rest of the time, but on those days, when they came round in succession, assaulted most vigorously. Thus the defenders were captured on the day of Saturn, without making any defence, and all the wealth was plundered.
  34. SHABBAT IN JERUSALEM, Tourist Israel
  35. Shabbat’s Work Prohibition, My Jewish Learning
  36. The Rough Guide to Jerusalem, Daniel Jacobs, pg. 26, Rough Guides; 2nd edition, October 19, 2009
  37. Settings of Silver: An Introduction to Judaism, Stephen M. Wylen, pg. 129, ''Paulist Press''; Second Edition, July 1, 2000
  38. The Sabbath or the Lord's Day, Catholic News Agency
  39. The Catholic Ten Commandments, Catholic Answers, March 1, 2004
  40. “Công Vụ Các Sứ Đồ 20:7”. Ngày thứ nhất trong tuần lễ, chúng ta đang nhóm lại để bẻ bánh.
  41. “I Côrinhtô 16:2”. Cứ ngày đầu tuần lễ, mỗi một người trong anh em khá tùy sức mình chắt lót được bao nhiêu thì để dành tại nhà mình, hầu cho khỏi đợi khi tôi đến rồi mới góp.
  42. Sunday, New Advent
  43. Tham khảo: Quy định ngày tháng trong Kinh Thánh
  44. The Sealing, Giáo hội Cơ đốc phục lâm
  45. Tổng hội trưởng mục sư Kim Joo Cheol, Hội Thánh của Đức Chúa Trời Hiệp Hội Truyền Giáo Tin Lành Thế Giới cho biết rằng “Chúng tôi lấy tình yêu thương của Đức Chúa Trời làm nền tảng để tạo ra một thế giới không có bất cứ ai bị đơn độc", 《Monthly Chosun》, 2020. Số tháng 3, "― Thoạt nhìn, điều đáng chú ý là không có thập tự giá trong Hội Thánh và họ thờ phượng vào Thứ Bảy. Đó cũng là hình ảnh của Hội Thánh sơ khai. “Khi thời gian trôi qua, nhiều lẽ thật đã biến mất khỏi tâm trí của mọi người và đã bị thay đổi, nhưng chúng tôi đang giữ theo lời dạy của Đức Chúa Trời và trân trọng điều răn và các kỳ lễ trọng thể của Đức Chúa Trời, bao gồm cả ngày Sabát và Lễ Vượt Qua mà Đức Chúa Jêsus cùng các môn đồ của Ngài đã giữ trong Hội Thánh sơ khai. Đức Chúa Trời đã phán rằng ‘Hãy nhớ ngày nghỉ (ngày Sabát) đặng làm nên ngày thánh’, và ngày Sabát trong Kinh Thánh là Thứ Bảy, tức là ngày thứ bảy trong tuần. Vì thế, chúng tôi cũng giữ lễ thờ phượng vào ngày Sabát.”"