Ðức Thánh Linh
Thánh Linh (Holy Spirit) nghĩa là Thần Linh chí thánh, là một biểu hiện chung để chỉ Thần Linh của Đức Chúa Trời, và còn được gọi là Thánh Thần. Trong Kinh Thánh, Thánh Linh được xuất hiện lần đầu trong chương đầu tiên của sách Sáng Thế Ký. “Thần Đức Chúa Trời” trong câu “Thần Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước” (Sáng Thế Ký 1:2) chính là “Thánh Linh”. Từ “Ruach” (רוּחַ)[1] trong tiếng Hêbơrơ nghĩa là “thần” hoặc “linh”, được ghi chép bằng tiếng Gờréc là “pneuma” (πνεῦμα)[2] trong Kinh Thánh Tân Ước. Ruach hay pneuma đều có nghĩa là “gió”, “hơi thở”, “hô hấp”.
Thánh Linh là gì?
Thánh Linh vốn là Thần Linh của Đức Chúa Trời, là Đấng cầu nguyện[3] và lo lắng[4] cho các thánh đồ, chứ không phải là một năng lượng hoạt động vô hình. Ngài vốn là bản thể của Đức Chúa Trời trong Ba Vị Thánh Nhất Thể cùng với Đức Cha và Đức Con. Từ thời thái cổ đến nay, Ngài đã luôn ở cùng với người dân của Đức Chúa Trời và làm công việc trải qua các đời,[5][6] Ngài đã mặc lấy xác thịt là Đức Chúa Jêsus vào 2000 năm trước.[7] Kinh Thánh tiên tri rằng Đức Thánh Linh sẽ xuất hiện vào những ngày sau rốt để ban nước sự sống cho loài người.[8] Mặt khác, khi các thánh đồ Cơ Đốc giáo nhận lấy năng lực Tin Lành từ Đức Chúa Trời thì cũng biểu hiện một cách ngắn gọn “được nhận lãnh Thánh Linh”.[9]
Đức Thánh Linh là ai?
Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời ở thể thần linh
Thánh Linh chính là Thần Linh của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời và Thần Linh của Đức Chúa Trời không phải là sự tồn tại khác nhau mà là cùng một Đấng. Ấy là vì Đức Chúa Trời vốn là Thần.
Đức Chúa Trời là Thần.
Thần linh bên trong chúng ta chính là bản thân chúng ta, và có thể hiểu hết mọi tâm tư của chúng ta. Cũng vậy, vì Đức Thánh Linh chính là bản thân Đức Chúa Trời, nên có thể thông hiểu mọi việc thậm chí cả đến sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời. Giả sử Thánh Linh và Đức Chúa Trời là sự tồn tại khác nhau thì việc này là không thể. Vì nếu không phải là Ðức Chúa Trời, thì chẳng ai biết sự trong Ðức Chúa Trời.[10]
Đức Thánh Linh và Đức Con Jêsus là một Đấng
Kinh Thánh Cựu Ước đã tiên tri rằng Đức Chúa Trời Cha sẽ mặc lấy áo xác thịt và sanh ra trên đất này như một con trẻ.[11] Đấng làm ứng nghiệm lời tiên tri này là Đức Chúa Jêsus,[12] và trong Tin Lành Mathiơ cũng biểu hiện rằng Ngài được chịu thai bởi Đức Thánh Linh.[7] Khi xem xét một cách tổng hợp thì thấy rằng Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh là một Đấng, nghĩa là Đức Chúa Jêsus chính là bản thân Đức Thánh Linh. Lời Đức Chúa Jêsus và Đức Thánh Linh là một Đấng cũng được xác minh ở nhiều chỗ trong Kinh Thánh.
- Sứ đồ Phaolô nói rằng Đức Thánh Linh cầu nguyện thay cho các thánh đồ, và ngay lập tức lại chép rằng Đức Chúa Jêsus cầu khẩn thay cho các thánh đồ.
Cũng một lẽ ấy, Ðức Thánh Linh giúp cho sự yếu đuối chúng ta. Vì chúng ta chẳng biết sự mình phải xin đặng cầu nguyện cho xứng đáng; nhưng chính Ðức Thánh Linh lấy sự thở than không thể nói ra được mà cầu khẩn thay cho chúng ta. Ðấng dò xét lòng người hiểu biết ý tưởng của Thánh Linh là thể nào, vì ấy là theo ý Ðức Chúa Trời mà Ngài cầu thế cho các thánh đồ vậy... Ai sẽ lên án họ ư? Ðức Chúa Jêsus Christ là Ðấng đã chết, và cũng đã sống lại nữa, Ngài đang ngự bên hữu Ðức Chúa Trời, cầu nguyện thế cho chúng ta.
- Sứ đồ Phierơ nói rằng Kinh Thánh được ghi chép bởi sự cảm động của Đức Thánh Linh, rồi ở chỗ khác lại nói là đã tiên tri do được cảm động bởi Thánh Linh của Đấng Christ.
Trước hết, phải biết rõ rằng chẳng có lời tiên tri nào trong Kinh thánh lấy ý riêng giải nghĩa được. Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời.
Các đấng tiên tri đã tìm tòi suy xét, và đã nói tiên tri về ân điển định sẵn cho anh em: nghĩa là tìm cho biết thời kỳ nào và thời kỳ cách nào mà Thánh Linh Đấng Christ ở trong lòng mình đã chỉ cho, là khi làm chứng trước về sự đau đớn của Đấng Christ và về sự vinh hiển sẽ theo sau.
- Việc mà Đức Thánh Linh đã làm được biểu hiện như là công việc mà Đức Chúa Jêsus hoặc là Thánh Linh của Đức Chúa Jêsus đã làm.
Vì Ðức Thánh Linh đã cấm truyền đạo trong cõi Asi... nhưng Thánh Linh của Ðức Chúa Jêsus không cho phép.
Thông qua lời này, chúng ta có thể hiểu được rằng Đức Chúa Jêsus và Đức Thánh Linh là một Đấng.
Đức Thánh Linh là Đấng Cứu Chúa thời đại Đức Thánh Linh
Đức Thánh Linh cũng được sử dụng như một biểu hiện chỉ về Đức Chúa Jêsus Tái Lâm, tức là Đấng Cứu Chúa thời đại Đức Thánh Linh. Chúng ta có thể tìm thấy câu Kinh Thánh minh chứng cho điều này ở nhiều chỗ.
- Danh của Đức Thánh Linh được đề cập cùng với danh của Đức Cha, Đấng Cứu Chúa vào thời đại Đức Cha và danh của Đức Con, Đấng Cứu Chúa vào thời đại Đức Con. Điều này có nghĩa là danh của Đức Thánh Linh chính là danh của Đấng Cứu Chúa vào thời đại Đức Thánh Linh.
Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báptêm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.
Thêm vào đó, trong sách Khải Huyền tiên tri rằng “danh của Đức Thánh Linh” là “danh mới của Đức Chúa Jêsus”.[13][14] Rốt cuộc, “Đức Thánh Linh” trong sách Tin Lành Mathiơ chương 28 câu 19 chính là “Đức Chúa Jêsus Tái Lâm” - Đấng Cứu Chúa của thời đại Đức Thánh Linh.
- Trong Khải Huyền chương 19 có lời tiên tri rằng vào những ngày sau rốt, Chiên Con và vợ Ngài sẽ xuất hiện và tổ chức lễ tiệc cưới.
Chúng ta hãy hớn hở vui mừng, tôn vinh Ngài; vì lễ cưới Chiên Con đã tới, và vợ Ngài đã sửa soạn... Thiên sứ phán cùng tôi rằng: Hãy chép: Phước thay cho những kẻ được mời đến dự tiệc cưới Chiên Con!
“Chiên Con” là Đức Chúa Jêsus,[15] và vì là Chiên Con xuất hiện cùng với Vợ Ngài vào những ngày sau rốt nên ấy là Đức Chúa Jêsus Tái Lâm. Bởi vì Đức Chúa Jêsus Sơ Lâm đã không xuất hiện cùng với vợ. Thế nhưng, cùng trong sách Khải Huyền tại chương 22 lại tiên tri rằng “Thánh Linh và Vợ Mới” xuất hiện để ban nước sự sống cho loài người chứ không phải “Chiên Con và Vợ Ngài”. Điều này có nghĩa là Đức Chúa Jêsus Tái Lâm chính là Thánh Linh.
Thánh Linh và vợ mới cùng nói: Hãy đến! Kẻ nào nghe cũng hãy nói rằng: Hãy đến! Ai khát, khá đến. Kẻ nào muốn, khá nhận lấy nước sự sống cách nhưng không.
- Đức Chúa Jêsus phán rằng Ngài sẽ sai Đấng Yên Ủi đến là để chỉ về sự đến của Ngài với một danh khác.
Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên ủi khác, để ở với các ngươi đời đời, tức là Thần lẽ thật... nhưng các ngươi biết Ngài, vì Ngài vẫn ở với các ngươi và sẽ ở trong các ngươi. Ta (Đức Chúa Jêsus) không để cho các ngươi mồ côi đâu, ta sẽ đến cùng các ngươi. Còn ít lâu, thế gian chẳng thấy ta nữa, nhưng các ngươi sẽ thấy ta; vì ta sống thì các ngươi cũng sẽ sống.
Đức Chúa Jêsus phán rằng sẽ sai Đấng Yên Ủi đến, nhưng ngay sau đó lại phán rằng chính Ngài sẽ đến, điều đó có nghĩa là Đức Chúa Jêsus sẽ đến một lần nữa với tư cách là Đấng Yên Ủi. Trong Kinh Thánh, “Đấng Yên Ủi” sẽ đến vào ngày sau tức là Đức Thánh Linh.[16] Thông qua lời này, chúng ta cũng có thể hiểu được rằng Đức Chúa Jêsus Tái Lâm chính là Đức Thánh Linh.
Sự hiểu lầm và sự thật về Đức Thánh Linh
Đức Thánh Linh có phải là một năng lực hoạt động tựa như sóng điện từ hoặc năng lượng không?
Có người chủ trương rằng Đức Thánh Linh chỉ đơn thuần là động lực hoặc năng lượng hoạt động của Đức Chúa Trời. Song, Kinh Thánh cho thấy một cách rõ ràng rằng Đức Thánh Linh là Đấng có cảm xúc và suy nghĩ.
Làm chứng | Câu Kinh Thánh và nội dung | |
---|---|---|
Ngài buồn rầu. | Câu Kinh Thánh | "Anh em chớ làm buồn cho Ðức Thánh Linh của Ðức Chúa Trời, vì nhờ Ngài anh em được ấn chứng đến ngày cứu chuộc." (Êphêsô 4:30) |
Nội dung | Đức Thánh Linh phán xét và lo lắng về hành vi sai trái của các thánh đồ. | |
Ngài cũng than thở, cầu nguyện và cũng suy nghĩ. | Câu Kinh Thánh | "Cũng một lẽ ấy, Đức Thánh Linh giúp cho sự yếu đuối chúng ta. Vì chúng ta chẳng biết sự mình phải xin đặng cầu nguyện cho xứng đáng; nhưng chính Đức Thánh Linh lấy sự thở than không thể nói ra được mà cầu khẩn thay cho chúng ta. Đấng dò xét lòng người hiểu biết ý tưởng của Thánh Linh là thể nào, vì ấy là theo ý Đức Chúa Trời mà Ngài cầu thế cho các thánh đồ vậy." (Rôma 8:26-27) |
Nội dung | Việc than thở chỉ có thể được thực hiện bởi sự tồn tại có suy nghĩ và cảm xúc. Hơn nữa, cầu khẩn cho chúng ta nghĩa là có tấm lòng thấu hiểu và lo lắng những sự khó khăn của các thánh đồ, có năng lực giao tiếp để suy nghĩ về nội dung cầu khẩn. Biểu hiện “ý tưởng” của Thánh Linh cũng bổ sung cho điều này. | |
Ngài phán lời cho các thánh đồ. | Câu Kinh Thánh | "Đức Thánh Linh phán cùng Philíp rằng: Hãy lại gần và theo kịp xe đó." (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:29) "Phierơ còn đương ngẫm nghĩ về sự hiện thấy đó, thì Đức Thánh Linh phán cùng người rằng: Kìa, có ba người đương tìm ngươi. Vậy, hãy đứng dậy, xuống mà đi với họ, chớ hồ nghi, vì ta đã sai họ đó." (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:19-20) |
Nội dung | Chính Đức Thánh Linh là Đấng phán lời một cách cụ thể về những việc mà Philíp và Phierơ phải làm. Điều này có nghĩa rằng Đức Thánh Linh là Đấng có thể suy nghĩ về những điều Ngài sẽ phán, và có thể bày tỏ suy nghĩ ấy. |
Các thiên sứ có đóng vai trò như Đức Thánh Linh không?
Một số người hiểu lầm rằng không có sự khác biệt lớn giữa thiên sứ và Đức Thánh Linh, hoặc cho rằng thiên sứ cũng đóng vai trò của Đức Thánh Linh. Tuy nhiên, giữa thiên sứ và Đức Thánh Linh có một sự khác biệt lớn về căn bản.
- Trong Kinh Thánh, các thiên sứ được chi chép là số nhiều,[17] còn Đức Thánh Linh chỉ là một Đấng.[18][19]
- Các thiên sứ có thể phạm tội làm trái ý muốn của Ðức Chúa Trời, và cũng có thể bị giam vào địa ngục,[20] lại cũng có thể bị xét đoán bởi các thánh đồ được cứu rỗi.[21] Thế nhưng, không có chỗ nào ghi chép Đức Thánh Linh bị phán xét.
- Khi xem xét lời rằng ngay cả thiên sứ cũng ước ao xem thấu và cảm thán Tin Lành được rao truyền bởi sự cảm động của Đức Thánh Linh,[22] thì thấy rằng các thiên sứ không biết được ý định kỳ diệu của Đức Chúa Trời. Thế nhưng Đức Thánh Linh lại thông biết cả đến sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời.[10]
Phải nói được tiếng lạ thì mới là nhận được Thánh Linh chăng?
Trước tiên, cần phải xem xét ý nghĩa của biểu hiện “đã nhận lấy Thánh Linh”. “Thánh Linh” ở đây chỉ ra “sự ban cho Thánh Linh”, chứ không chỉ ra “Đức Chúa Trời trong thể thần linh”. Khi Đức Thánh Linh ở cùng thì năng lực của Thánh Linh bày tỏ ra. Năng lực hay tài năng thể này được gọi là “ân tứ của Thánh Linh”.[23] “Ân tứ” nghĩa là món quà mà Đức Thánh Linh ban cho bởi ân huệ của Ngài. “Nhận lấy ân tứ của Thánh Linh” thường được diễn đạt ngắn gọn là “nhận lấy Thánh Linh”. Nguyên nhân khiến hiểu nhầm rằng Đức Thánh Linh là một thứ giống như năng lượng của Đức Chúa Trời hoặc sóng điện từ là vì người ta không phân biệt được cụ thể giữa Thánh Linh và ân tứ của Thánh Linh.
Một số người chủ trương rằng khi nhận lấy Thánh Linh (nói chính xác hơn là “khi nhận lấy ân tứ của Thánh Linh”) thì nói tiếng lạ chính là chứng cớ chắc cho sự ấy. Đương nhiên trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ có ghi chép việc các sứ đồ giữ Lễ Ngũ Tuần đã được nhận lãnh sung mãn Thánh Linh và rao giảng Tin Lành bằng các thứ tiếng khác theo như Đức Thánh Linh cho mình nói.[24] Thế nhưng, nói tiếng lạ không phải là ân tứ duy nhất mà Đức Thánh Linh ban cho. Dù chỉ có một Đức Thánh Linh, nhưng có nhiều loại ân tứ mà Đức Thánh Linh ban cho mỗi người,[25] vì vậy không thể nói rằng duy chỉ việc nói tiếng lạ là chứng cớ cho thấy đã nhận được Thánh Linh.
Công việc của Đức Thánh Linh
Đối với những người được Đức Thánh Linh ngự cùng, thì năng lực của Thánh Linh sẽ được tỏ ra, và công cuộc cứu rỗi đáng ngạc nhiên được diễn ra. Nếu Thánh Linh vào Cựu Ước chủ yếu giáng xuống cho những người đặc biệt như các quan xét hoặc các đấng tiên tri để ban cho họ năng lực tiên tri và năng lực giải quyết khó khăn, thì vào thời đại Tân Ước, năng lực Thánh Linh được ban cho hết thảy các môn đồ đã gắng sức cầu nguyện.[24] Thời đại mà Thánh Linh làm công việc được mở ra thông qua hết thảy những người được tinh khiết bởi huyết của Đấng Christ, không chỉ là một hoặc hai người.[26][25][27]
Công việc của Thánh Linh vào thời kỳ Hội Thánh sơ khai
Khi thăng thiên về trời, Đức Chúa Jêsus đã dặn dò rằng “Đừng ra khỏi thành Giêrusalem cho đến khi Thánh Linh giáng xuống, hãy ở đó chờ điều Cha đã hứa.”[28] Các môn đồ đã nhóm lại và gắng sức cầu nguyện trong thành Giêrusalem như lời dặn dò ấy.[29]
Vào ngày thứ 50 kể từ khi Đức Chúa Jêsus phục sinh, thình lình có tiếng gió thổi ào ào đầy khắp nhà môn đồ ngồi, và có lưỡi bằng lửa rời rạc từng cái một đậu trên mỗi người. Năng lực của Đức Thánh Linh đã giáng trên các môn đồ.[24]
Các môn đồ được ban cho năng lực Thánh Linh, bắt đầu rao giảng Tin Lành bằng thứ tiếng của nước khác mà thậm chí bản thân họ cũng không biết. Lịch sử 3000 người ăn năn và chịu phép Báptêm chỉ trong một ngày đã xảy ra khi họ nghe được tin tức Tin Lành mà các sứ đồ rao truyền bằng ngôn ngữ của mỗi nước.[30] Khi số lượng người tin Đức Chúa Jêsus cứ càng ngày càng tăng lên nhanh chóng, các nhà lãnh đạo tôn giáo Giuđa đã gọi các môn đồ đến để đe dọa và bắt nhốt họ. Thế nhưng, các sứ đồ đã không khuất phục mà càng dạn dĩ đồng lòng hiệp ý hơn trong việc rao truyền lời của Đức Chúa Trời. Kể từ đó, Tin Lành vốn chỉ ở trong nước Giuđa đã lan truyền ra khắp thế giới.
Lời tiên tri về Thánh Linh mưa cuối mùa
Kinh Thánh tiên tri rằng vào thời đại Đức Thánh Linh, công cuộc của Đức Thánh Linh sẽ nóng cháy hơn gấp 7 lần so với thời kỳ Hội Thánh sơ khai.[31] Sau đây là phương pháp để có thể nhận lãnh Thánh Linh.
- Vào đương thời Đức Chúa Jêsus Sơ Lâm, ân huệ của Thánh Linh được ban cho những người tin và tiếp nhận Đức Chúa Jêsus. Còn vào thời đại Đức Thánh Linh thì phải tin và tiếp nhận Thánh Linh và Vợ Mới, là Đấng Cứu Chúa thời đại Đức Thánh Linh mới có thể nhận lãnh được Thánh Linh. Vì việc nhận biết Đức Chúa Trời là điều kiện để nhận được Thánh Linh mưa cuối mùa.
Chúng ta khá nhìn biết Đức Giêhôva; Hãy gắng sức nhìn biết Ngài. Sự hiện đến của Ngài là chắc chắn như sự hiện ra của mặt trời sớm mai; Ngài sẽ đến với chúng ta như mưa, như mưa cuối mùa tưới đất.
- Ôsê 6:3
- Đấng tiên tri Xachari đã tiên tri rằng Đức Chúa Trời sẽ đổ Thánh Linh mưa cuối mùa vào ngày sau,[32][33] đồng thời dạy dỗ phương pháp để nhận lãnh Thánh Linh.
Xảy ra hết thảy những kẻ nào còn sót lại trong mọi nước lên đánh Giêrusalem, sẽ lên đó hàng năm đặng thờ lạy trước mặt Vua, là Đức Giêhôva vạn quân, và giữ lễ lều tạm. Trong những họ hàng trên đất, kẻ nào đã chẳng lên Giêrusalem đặng thờ lạy trước mặt Vua, là Đức Giêhôva vạn quân, thì sẽ không có mưa (Thánh Linh) trên chúng nó.
Nếu dò xem về vấn đề linh hồn, thì biết được rằng loài người vốn là tội nhân.[34] Nhưng nếu thân thể được tinh sạch bởi huyết của Đấng Christ nhờ giữ gìn các lễ trọng thể của giao ước mới, thì thân thể của chúng ta được trở nên đền thờ của Đức Chúa Trời có Đức Thánh Linh ngự trị.[35] Vì thế, đã được tiên tri rằng những người giữ Lễ Lều Tạm sẽ nhận được mưa, tức là Thánh Linh. Để minh chứng cho điều này, Đức Chúa Jêsus cũng truyền đạo mỗi ngày tại đền thờ trong kỳ Lễ Lều Tạm, và phán rằng “Hãy nhận lãnh Thánh Linh” vào ngày cuối cùng của Lễ Lều Tạm.[36]
- Rốt cuộc, chúng ta phải cầu khẩn, xin Đức Chúa Trời ban cho năng lực của Thánh Linh.
Hãy cầu mưa nơi Đức Giêhôva trong kỳ mưa cuối mùa, thì Đức Giêhôva sẽ làm chớp và ban mưa xuống dồi dào, cho ai nấy được rau cỏ ngoài đồng.
Xem thêm
Chú thích
- ↑ "רוּחַ," Bible Hub
- ↑ "pneuma," Bible Hub
- ↑ “Rôma 8:26-27”.
Cũng một lẽ ấy, Đức Thánh Linh giúp cho sự yếu đuối chúng ta. Vì chúng ta chẳng biết sự mình phải xin đặng cầu nguyện cho xứng đáng; nhưng chính Đức Thánh Linh lấy sự thở than không thể nói ra được mà cầu khẩn thay cho chúng ta. Đấng dò xét lòng người hiểu biết ý tưởng của Thánh Linh là thể nào, vì ấy là theo ý Đức Chúa Trời mà Ngài cầu thế cho các thánh đồ vậy.
- ↑ “Êphêsô 4:30”.
Anh em chớ làm buồn cho Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì nhờ Ngài anh em được ấn chứng đến ngày cứu chuộc.
- ↑ “II Samuên 23:1-2”.
Nầy là lời sau hết của Đavít... Thần của Đức Giêhôva đã cậy miệng ta mà phán, và lời của Ngài ở nơi lưỡi miệng ta.
- ↑ “Công Vụ Các Sứ Đồ 8:29”.
Ðức Thánh Linh phán cùng Philíp rằng: Hãy lại gần và theo kịp xe đó.
- ↑ 7,0 7,1 “Mathiơ 1:18-23”.
Vả, sự giáng sanh của Ðức Chúa Jêsus Christ đã xảy ra như vầy: Khi Mari, mẹ Ngài, đã hứa gả cho Giôsép, song chưa ăn ở cùng nhau, thì người đã chịu thai bởi Ðức Thánh Linh... Mọi việc đã xảy ra như vậy, để cho ứng nghiệm lời Chúa đã dùng đấng tiên tri mà phán rằng: Nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, và sanh một con trai, Rồi người ta sẽ đặt tên con trai đó là Emmanuên; nghĩa là: Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.
- ↑ “Khải Huyền 22:17”.
Thánh Linh và vợ mới cùng nói: Hãy đến! Kẻ nào nghe cũng hãy nói rằng: Hãy đến! Ai khát, khá đến. Kẻ nào muốn, khá nhận lấy nước sự sống cách nhưng không.
- ↑ “Công Vụ Các Sứ Đồ 2:18, 33”.
Phải, trong những ngày đó, ta sẽ đổ Thần ta khắp trên các đầy tớ trai và gái ta, Chúng nó đều nói lời tiên tri... Vậy, sau khi Ngài đã được đem lên bên hữu Đức Chúa Trời, và từ nơi Cha đã nhận lấy Đức Thánh Linh mà Cha đã hứa ban cho, thì Ngài đổ Đức Thánh Linh ra, như các ngươi đang thấy và nghe.
- ↑ 10,0 10,1 “I Côrinhtô 2:10-11”.
Ðức Chúa Trời đã dùng Ðức Thánh Linh để bày tỏ những sự đó cho chúng ta, vì Ðức Thánh Linh dò xét mọi sự, cả đến sự sâu nhiệm của Ðức Chúa Trời nữa. Vả, nếu không phải là thần linh trong lòng người, thì ai biết sự trong lòng người? Cũng một lẽ ấy, nếu không phải là Thánh Linh của Ðức Chúa Trời, thì chẳng ai biết sự trong Ðức Chúa Trời.
- ↑ “Êsai 9:5-6”.
Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Ðấng Lạ Lùng, là Ðấng Mưu luận, là Ðức Chúa Trời Quyền Năng, là Cha Ðời Ðời, là Chúa Bình an. Quyền cai trị và sự bình an của Ngài cứ thêm mãi không thôi, ở trên ngôi Ðavít và trên nước Ngài, đặng làm cho nước bền vững, và lập lên trong sự chánh trực công bình, từ nay cho đến đời đời. Thật, lòng sốt sắng của Ðức Giêhôva vạn quân sẽ làm nên sự ấy!
- ↑ “Luca 1:31-33”.
Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là JÊSUS. Con trai ấy sẽ nên tôn trọng, được xưng là Con của Ðấng Rất Cao; và Chúa, là Ðức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Ðavít là tổ phụ Ngài. Ngài sẽ trị vì đời đời nhà Giacốp, nước Ngài vô cùng.
- ↑ “Khải Huyền 3:12”.
ta lại sẽ lấy danh Đức Chúa Trời ta, danh của thành Đức Chúa Trời ta, là Giêrusalem mới từ trên trời, bởi Đức Chúa Trời ta mà xuống, cùng danh mới ta (Đức Chúa Jêsus), mà viết trên người.
- ↑ “Khải Huyền 2:17”.
Kẻ nào thắng, ta sẽ ban cho mana đương giấu kín; và ta sẽ cho nó hòn sỏi trắng, trên đó có viết một tên mới, ngoài kẻ nhận lấy không ai biết đến.
- ↑ “Giăng 1:29”.
Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình, thì nói rằng: Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi.
- ↑ “Giăng 14:26”.
Nhưng Ðấng Yên ủi, tức là Ðức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh ta sai xuống, Ðấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi.
- ↑ “Hêbơrơ 1:14”.
Các thiên sứ há chẳng phải đều là thần hầu việc Ðức Chúa Trời, đã được sai xuống để giúp việc những người sẽ hưởng cơ nghiệp cứu rỗi hay sao?
- ↑ “Êphêsô 4:4”.
Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh.
- ↑ “I Côrinhtô 12:13”.
Vì chưng chúng ta hoặc người Giuđa, hoặc người Gờréc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báptêm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa.
- ↑ “II Phierơ 2:4”.
Vả, nếu Ðức Chúa Trời chẳng tiếc các thiên sứ đã phạm tội, nhưng quăng vào trong vực sâu, tại đó họ bị trói buộc bằng xiềng nơi tối tăm để chờ sự phán xét.
- ↑ “I Côrinhtô 6:3”.
Anh em chẳng biết chúng ta sẽ xét đoán các thiên sứ sao? Huống chi việc đời nầy!
- ↑ “I Phierơ 1:12”.
Vì anh em mà truyền ra những điều đó, là những điều hiện nay đã rao cho anh em, bởi những người nhờ Đức Thánh Linh từ trên trời sai xuống, mà giảng Tin lành cho anh em; các thiên sứ cũng ước ao xem thấu những sự đó.
- ↑ “Công Vụ Các Sứ Đồ 1:6-8”.
Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giêrusalem, cả xứ Giuđê, xứ Samari, cho đến cùng trái đất.
- ↑ 24,0 24,1 24,2 “Công Vụ Các Sứ Đồ 2:1-4”.
Phierơ trả lời rằng: Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Ðức Chúa Jêsus chịu phép báptêm, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Ðức Thánh Linh... Vậy, những kẻ nhận lời đó đều chịu phép báptêm; và trong ngày ấy, có độ ba ngàn người thêm vào Hội thánh.
- ↑ 25,0 25,1 “I Côrinhtô 12:4-11”.
Vả, có các sự ban cho khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Thánh Linh... Vả, người nầy nhờ Đức Thánh Linh, được lời nói khôn ngoan; kẻ kia nhờ một Đức Thánh Linh ấy, cũng được lời nói có tri thức. Bởi một Đức Thánh Linh, cho người nầy được đức tin; cũng bởi một Đức Thánh Linh ấy, cho kẻ kia được ơn chữa tật bịnh; người thì được làm phép lạ; kẻ thì được nói tiên tri; người thì được phân biệt các thần; kẻ thì được nói nhiều thứ tiếng khác nhau, người thì được thông giải các thứ tiếng ấy. Mọi điều đó là công việc của đồng một Đức Thánh Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người.
- ↑ “Rôma 8:9”.
Về phần anh em, nếu thật quả Thánh Linh Ðức Chúa Trời ở trong mình, thì không sống theo xác thịt đâu, nhưng theo Thánh Linh, song nếu ai không có Thánh Linh của Ðấng Christ, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài.
- ↑ “Hêbơrơ 6:4”.
Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Ðức Thánh Linh.
- ↑ “Công Vụ Các Sứ Đồ 1:4-5”.
Lúc ở với các sứ đồ, Ngài dặn rằng đừng ra khỏi thành Giêrusalem, nhưng phải ở đó chờ điều Cha đã hứa, là điều các ngươi đã nghe ta nói. Vì chưng Giăng đã làm phép báptêm bằng nước, nhưng trong ít ngày, các ngươi sẽ chịu phép báptêm bằng Đức Thánh Linh.
- ↑ “Công Vụ Các Sứ Đồ 1:12-14”.
Bấy giờ, các người đó từ núi gọi là ôlive trở về thành Giêrusalem... bèn lên một cái phòng cao kia... Hết thảy những người đó bền lòng đồng một ý mà cầu nguyện với các người đàn bà, và Mari là mẹ Ðức Chúa Jêsus cùng anh em Ngài.
- ↑ “Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38-41”.
Phierơ trả lời rằng: Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Ðức Chúa Jêsus chịu phép báptêm, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Ðức Thánh Linh... Vậy, những kẻ nhận lời đó đều chịu phép báptêm; và trong ngày ấy, có độ ba ngàn người thêm vào Hội thánh.
- ↑ “Êsai 30:26”.
Sáng mặt trăng sẽ chói lói như sáng mặt trời, và sự sáng mặt trời sẽ lớn hơn bảy lần, như vốn là sự sáng của bảy ngày, trong ngày Đức Giêhôva buộc dấu vít của dân Ngài, và chữa lành vết thương nó.
- ↑ “Xachari 13:1”.
Trong ngày đó sẽ có một suối mở ra cho nhà Ðavít và dân cư Giêrusalem, vì tội lỗi và sự ô uế.
- ↑ “Xachari 14:8”.
Xảy ra trong ngày đó, nước sống sẽ ra từ Giêrusalem, phân nửa chảy về biển đông, phân nửa chảy về biển tây, trong mùa hạ và mùa đông đều có.
- ↑ “I Giăng 1:8-10”.
Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta. Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.
- ↑ “I Côrinhtô 3:16-17”.
Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong anh em sao? Vì có ai phá hủy đền thờ của Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời sẽ phá hủy họ; vì đền thờ của Đức Chúa Trời là thánh, mà chính anh em là đền thờ.
- ↑ “Giăng 7:37-39”.
Ngày sau cùng, là ngày trọng thể trong kỳ lễ, Ðức Chúa Jêsus ở đó, đứng kêu lên rằng: Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống. Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh thánh đã chép vậy. Ngài phán điều đó chỉ về Ðức Thánh Linh mà người nào tin Ngài sẽ nhận lấy (bởi bấy giờ Đức Thánh Linh chưa ban xuống, vì Đức Chúa Jêsus chưa được vinh hiển).