Siôn và lễ trọng thể
Siôn và lễ trọng thể có mối quan hệ không thể tách rời. Sở dĩ như vậy là vì Siôn là nơi Đức Chúa Trời đã quy định như địa điểm giữ các kỳ lễ trọng thể của Đức Chúa Trời một cách chí thánh. Vào thời đại Cựu Ước, người dân Ysơraên đã được nhận phước lành bởi việc dâng tế lễ tại Siôn vào các ngày lễ trọng thể theo luật pháp của Môise. Các thánh đồ ngày nay sẽ được nhận lãnh phước lành sự sống đời đời khi gìn giữ các lễ trọng thể giao ước mới tại Siôn phần linh hồn. Vào thời đại Tân Ước, Đức Chúa Jêsus đã dựng nên Siôn phần linh hồn bằng các kỳ lễ trọng thể của giao ước mới. Trong lễ trọng thể của Đức Chúa Trời có 7 lễ trọng thể hàng năm là Lễ Vượt Qua, Lễ Bánh Không Men, Lễ Trái Đầu Mùa (Lễ Phục Sinh), Lễ Bảy Tuần Lễ (Lễ Ngũ Tuần), Lễ Kèn Thổi, Đại Lễ Chuộc Tội và Lễ Lều Tạm, và có ngày Sabát là lễ trọng thể hàng tuần.
Ý nghĩa của Siôn
Siôn vốn là một ngọn đồi ở khu vực Palestine, nơi vị vua thứ hai của Ysơraên là Đavít đã lấy làm thủ đô sau khi chinh phục thành Siôn. Sau khi vua Salômôn xây dựng đền thờ của Đức Chúa Trời ở khu vực đó, thì Siôn là chỉ về nơi có đền thờ của Đức Chúa Trời.
Vào thời đại Tân Ước, Đức Chúa Jêsus là vua Đavít phần linh hồn[1] đã dựng nên Siôn phần linh hồn. Về điều này, Kinh Thánh Cựu Ước đã tiên tri rằng Đức Chúa Trời sẽ ngự ở “Siôn” đời đời[2] và Ngài sẽ ban phước lành sự sống đời đời.[3]
Hãy nhìn xem Siôn, là thành của các kỳ lễ trọng thể chúng ta!... Vì Ðức Giêhôva sẽ ở đó với chúng ta trong sự oai nghi... Dân cư sẽ không nói rằng: Tôi đau. Kẻ ở trong nó sẽ được tha tội.
Siôn được nói đến ở đây là Siôn phần linh hồn, vì phước lành của sự tha tội và sự sống đời đời được ban cho bởi sự đến của Đức Chúa Jêsus vào thời đại Tân Ước.[4] Đặc điểm lớn nhất của Siôn phần linh hồn chính là nơi giữ các kỳ lễ trọng thể của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh dạy dỗ rằng Đức Chúa Trời sẽ ngự cùng và ban phước lành sự tha tội trong Siôn. Vì tiền công của tội lỗi là sự chết,[5] nên phải nhận được sự tha tội thì sự chết mới biến mất và nhận lãnh được sự sống đời đời. Để nhận được sự cứu rỗi, chúng ta phải tìm đến “Siôn”, là Hội Thánh lẽ thật giữ các lễ trọng thể của Đức Chúa Trời. Muốn vậy thì trước tiên cần phải tìm hiểu cụ thể về lễ trọng thể của Đức Chúa Trời.
Lễ trọng thể được giữ tại Siôn
Trong các lễ trọng thể mà Đức Chúa Trời phán lệnh hãy giữ gồm có ngày Sabát là lễ trọng thể hàng tuần, và 3 kỳ lễ trong một năm là Lễ Bánh Không Men, Lễ Bảy Tuần Lễ và Lễ Lều Tạm.[6] Trong Xuất Êdíptô Ký, Lễ Bảy Tuần Lễ được biểu hiện là Lễ Mùa Màng, còn Lễ Lều Tạm thì được biểu hiện là Lễ Mùa Gặt.[7] Được gọi là 3 kỳ lễ không có nghĩa là chỉ có 3 lễ trọng thể, nhưng nếu phân loại một cách chi tiết thì có tất thảy 7 lễ trọng thể. (Lêvi Ký chương 23) 3 kỳ lễ trọng thể là tên gọi lễ trọng thể tiêu biểu khi chia 7 lễ trọng thể thành 3 kỳ lễ lớn. Vì vậy có thể gọi các lễ trọng thể hàng năm của Đức Chúa Trời là “3 kỳ 7 lễ trọng thể”.
Lễ trọng thể thuộc kỳ 1 bao gồm Lễ Vượt Qua và Lễ Bánh Không Men, lễ trọng thể kỳ 2 gồm có Lễ Trái Đầu Mùa và Lễ Bảy Tuần Lễ, lễ trọng thể kỳ 3 gồm Lễ Kèn Thổi, Đại Lễ Chuộc Tội và Lễ Lều Tạm.
Đức Chúa Trời đã định ra các lễ trọng thể tùy theo công việc của Môise từ khi Xuất Êdíptô cho đến khi dựng nên đền tạm. Các ngày lễ trọng thể không đơn thuần là lịch sử đã qua, mà là lời tiên tri về những việc mà Đức Chúa Jêsus sẽ làm trong tương lai. Vì Đức Chúa Jêsus là Đấng đã đến với tư cách là “một đấng tiên tri như Môise”, nên công việc của Môise là hình bóng bày tỏ về công việc của Đức Chúa Jêsus.[8][9][10] Sau đây là khởi nguyên và sự ứng nghiệm lời tiên tri về 7 lễ trọng thể được lập ra theo công việc của Môise.
Lễ Vượt Qua
- Ngày tháng: Chiều tối ngày 14 tháng 1 thánh lịch.
- Khởi nguyên: Dân Ysơraên từng làm nô lệ tại xứ Êdíptô đã được giải phóng bởi quyền năng của Lễ Vượt Qua. (Xuất Êdíptô Ký chương 12)
- Ứng nghiệm lời tiên tri: Dân Ysơraên bị bắt làm nô lệ tại xứ Êdíptô là hình bóng cho thấy hình ảnh nhân loại đang làm tôi mọi của tội lỗi về phần linh hồn trên thế gian tội ác này.[11] Nhờ giữ Lễ Vượt Qua bằng thịt và huyết của chiên con thông qua Môise, dân Ysơraên đã được giải phóng khỏi xứ Êdíptô. Điều này là lời tiên tri cho thấy người dân của Đức Chúa Trời sẽ được giải phóng khỏi thế gian tội ác nhờ giữ gìn Lễ Vượt Qua thông qua Đức Chúa Jêsus Christ. Vào ngày này, Đức Chúa Jêsus là thực thể của chiên con Lễ Vượt Qua,[12] đã lập ra giao ước mới trong khi ban phước lành sự tha tội và sự sống đời đời bởi bánh và rượu nho, tượng trưng cho thịt và huyết của Ngài.[13][14]
Lễ Bánh Không Men
- Ngày tháng: Ngày 15 tháng 1 thánh lịch.
- Khởi nguyên: Hôm sau ngày giữ Lễ Vượt Qua, dân Ysơraên ra khỏi xứ Êdíptô và trải qua hoạn nạn cho đến khi vượt qua Biển Đỏ.[15]
- Ứng nghiệm lời tiên tri: Người dân Ysơraên đã giữ Lễ Bánh Không Men bằng cách ăn bánh không men trong vòng bảy ngày để ghi nhớ sự hoạn nạn này.[16][17] Đức Chúa Jêsus đã làm ứng nghiệm lời tiên tri bởi sự Ngài trải qua sự gian khổ từ sau đêm giữ Lễ Vượt Qua cuối cùng với các môn đồ và đau đớn vì bị treo trên thập tự giá vào ngày hôm sau. Đến thời đại Tân Ước, chúng ta đồng tham vào sự khổ nạn của Đấng Christ bằng cách kiêng ăn vào ngày này.[18]
Lễ Trái Đầu Mùa (Lễ Phục Sinh)
- Ngày tháng: Ngày hôm sau ngày Sabát đầu tiên (Chủ nhật đầu tiên) sau Lễ Bánh Không Men
- Khởi nguyên: Người dân Ysơraên đã vượt qua Biển Đỏ một cách bình an vô sự, còn quân đội Êdíptô đuổi theo phía sau đã bị chôn vùi trong lòng biển.[19]
- Ứng nghiệm lời tiên tri: Sự kiện Môise cùng với dân sự đi xuống Biển Đỏ biểu tượng cho việc Đức Chúa Jêsus đi xuống mồ, còn sự đi lên khỏi Biển Đỏ biểu tượng cho sự Đức Chúa Jêsus sẽ phục sinh khỏi mồ mả. Giống như trong thời đại Cựu Ước, bó lúa đầu mùa được dâng lên Đức Chúa Trời vào Chủ nhật - hôm sau ngày Sabát đến sau Lễ Bánh Không Men,[20] Đức Chúa Jêsus đã trở thành trái đầu mùa của những kẻ ngủ[21] và phục sinh vào Chủ nhật.[22]
Lễ Bảy Tuần Lễ (Lễ Ngũ Tuần)
- Ngày tháng: Ngày thứ 50 kể từ Lễ Trái Ðầu Mùa
- Khởi nguyên: Môise lên núi Sinai để nhận lấy bảng đá Mười Điều Răn lần thứ nhất.[23]
- Ứng nghiệm lời tiên tri: Đức Chúa Jêsus đổ xuống Thánh Linh vào Lễ Ngũ Tuần, là ngày thứ 50 kể từ ngày Ngài phục sinh.[24] Nhờ đó mà lịch sử phục hưng lớn đã diễn ra trong Hội Thánh sơ khai.
Lễ Kèn Thổi
- Ngày tháng: Ngày 1 tháng 7 thánh lịch.
- Khởi nguyên: Khi Môise lên núi Sinai để nhận lấy Mười Điều Răn lần thứ nhất và ở đó suốt 40 ngày, dân Ysơraên đã làm ra hình tượng con bò vàng và thờ lạy nó. Trông thấy cảnh tượng ấy, Môise đã liệng bể bảng đá Mười Điều Răn mà mình đã đem xuống. Nội trong ngày đó đã có 3000 người chết.[25] Sau đó, dân sự ăn năn hối cải về tội lỗi mình và lột bỏ hết đồ trang sức. Bởi việc cầu nguyện cho dân sự, Môise đã được nhận hai bảng đá Mười Điều Răn lần thứ hai và đem xuống núi vào ngày 10 tháng 7 thánh lịch.[26] Đức Chúa Trời đã quy định ngày Môise nhận lấy Mười Điều Răn lần thứ hai là Đại Lễ Chuộc Tội, và định ra Lễ Kèn Thổi vào 10 ngày trước đó, hầu cho dân sự thổi tiếng kèn ăn năn để chuẩn bị cho Đại Lễ Chuộc Tội.
- Ứng nghiệm lời tiên tri: Lịch sử người dân Ysơraên trở nên hư hỏng mà thờ lạy con bò vàng khi thấy Môise lên núi chậm xuống là lời tiên tri về việc vào thời đại Tân Ước, Hội Thánh bị hư hỏng mà giữ các ngày của thần mặt trời khi thời gian trôi qua, sau khi Đức Chúa Jêsus rời khỏi thế gian. Giống như tiếng kèn thổi lên để cho biết về Đại Lễ Chuộc Tội, thì phong trào Tái Lâm của Đức Chúa Jêsus đã diễn ra nhằm kêu gọi sự ăn năn.
Đại Lễ Chuộc Tội
- Ngày tháng: Ngày 10 tháng 7 thánh lịch.
- Khởi nguyên: Ngày Môise nhận lấy hai bảng đá Mười Điều Răn lần thứ hai và trở xuống.[26]
- Ứng nghiệm lời tiên tri: Giống như Mười Điều Răn đã được ban lại vào Đại Lễ Chuộc Tội, thì công việc trung bảo của Đấng Christ cũng được bắt đầu lại vào Đại Lễ Chuộc Tội ngày 22 tháng 10 năm 1844 (ngày 10 tháng 7 thánh lịch).
Đại Lễ Chuộc Tội trong Cựu Ước đã được tiến hành bởi nghi thức chất mọi tội lỗi của dân sự trên đầu con dê Axasên và thả nó ra nơi đồng vắng.[27] Đây là lời tiên tri về sự Satan, được biểu tượng bởi con dê Axasên, sẽ gánh lấy tội lỗi của tất thảy loài người và bị giam cầm nơi vực sâu, rồi bị quăng vào hồ lửa địa ngục.
Lễ Lều Tạm
- Ngày tháng: Ngày 15-22 tháng 7 thánh lịch
- Khởi nguyên: Sau khi nhận lấy Mười Điều Răn lần thứ hai trở xuống, Môise đã rao truyền cho dân Ysơraên ý muốn của Đức Chúa Trời về việc dựng nên đền tạm. Từ ngày 15 của tháng đó, trong vòng bảy ngày, dân sự đã đem đến nguyên vật liệu của đền tạm một cách dư dật.[28]
- Ứng nghiệm lời tiên tri: Vào Lễ Lều Tạm, người dân Ysơraên dựng nên nhà lều bằng nhánh cây rậm, rồi ở lại đó trong vòng một tuần và hết sức vui mừng.[29][30] Vì các nguyên vật liệu đền thờ và nhánh cây biểu tượng cho các thánh đồ được cứu rỗi[31][32][33][34] nên Lễ Lều Tạm là lời tiên tri về công việc Tin Lành nhóm lại các thánh đồ được cứu rỗi.
Hội Thánh lẽ thật giữ lễ trọng thể
Vào thời đại Cựu Ước, người dân Ysơraên được nhận phước lành trong khi giữ các kỳ lễ trọng thể của Đức Chúa Trời ở Siôn theo luật pháp của Môise.[35] Đến thời đại Tân ước, Hội Thánh dâng thờ phượng một cách chí thánh[36][37] và giữ 3 kỳ 7 lễ trọng thể theo tấm gương của Đức Chúa Jêsus là Siôn phần linh hồn, nơi duy nhất chúng ta có thể nhận lãnh phước lành sự sống đời đời.
Ngày nay, Hội Thánh lẽ thật giữ lễ trọng thể của Đức Chúa Trời theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh duy chỉ là Hội Thánh của Đức Chúa Trời Hiệp Hội Truyền Giáo Tin Lành Thế Giới.[38]
Xem thêm
Giảng đạo liên quan
- Giảng đạo: Siôn - nơi giữ lễ trọng thể
Chú thích
- ↑ “Luca 1:31-33”.
Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Jêsus. Con trai ấy sẽ nên tôn trọng, được xưng là Con của Ðấng Rất Cao; và Chúa, là Ðức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Ðavít là tổ phụ Ngài...
- ↑ “Thi Thiên 132:13-14”.
Vì Đức Giêhôva đã chọn Siôn; Ngài ước Siôn làm nơi ở của Ngài; Đây là nơi an nghỉ ta đời đời; Ta sẽ ngụ ở đây, vì ta có ước ao như thế.
- ↑ “Thi Thiên 133:1-3”.
Lại khác nào sương móc Hẹtmôn Sa xuống các núi Siôn; Vì tại đó Đức Giêhôva đã ban phước, Tức là sự sống cho đến đời đời.
- ↑ “Giăng 10:10”.
còn ta (Đức Chúa Jêsus) đã đến, hầu cho chiên được sự sống và được sự sống dư dật.
- ↑ “Rôma 6:23”.
Vì tiền công của tội lỗi là sự chết.
- ↑ “Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:16-17”.
Mọi người nam trong các ngươi, mỗi năm ba lần, phải ra mắt Giêhôva Ðức Chúa Trời ngươi, tại nơi mà Ngài sẽ chọn: tức là nhằm lễ bánh không men, lễ bảy tuần và lễ lều tạm...
- ↑ “Xuất Êdíptô Ký 23:14-17”.
Mỗi năm ba kỳ ngươi sẽ giữ lễ kính ta. Ngươi hãy giữ lễ bánh không men... Ngươi hãy giữ lễ mùa màng... và giữ lễ mùa gặt... Mỗi năm ba kỳ các người nam phải đến trước mặt Chúa, tức là Đức Giêhôva.
- ↑ “Phục Truyền Luật Lệ Ký 18:18-19”.
ta sẽ lập lên cho chúng một đấng tiên tri như ngươi (Môise), thuộc trong anh em chúng...
- ↑ “Công Vụ Các Sứ Đồ 3:20-24”.
hầu cho kỳ thơ thái đến từ Chúa, và Chúa sai Ðấng Christ đã định cho các ngươi, tức là Jêsus... Môise có nói rằng: Chúa là Ðức Chúa Trời chúng ta sẽ dấy lên trong anh em các ngươi một Ðấng tiên tri như ta; các ngươi phải nghe theo mọi điều Ngài sẽ phán dặn... Hết thảy các tiên tri đã phán, từ Samuên và các đấng nối theo người, cũng đều có rao truyền những ngày nầy nữa.
- ↑ Tham khảo: Môise và Ðức Chúa Jêsus
- ↑ “Giăng 8:32-34”.
Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai phạm tội lỗi là tôi mọi của tội lỗi.
- ↑ “I Côrinhtô 5:7”.
Vì Đấng Christ là con sinh lễ Vượt qua của chúng ta, đã bị giết rồi.
- ↑ “Mathiơ 26:17-28”.
Môn đồ làm y như lời Đức Chúa Jêsus đã dạy mà dọn lễ Vượt qua... Khi đương ăn, Ðức Chúa Jêsus lấy bánh, tạ ơn rồi, bẻ ra đưa cho môn đồ mà rằng: Hãy lấy ăn đi, nầy là thân thể ta. Ngài lại lấy chén, tạ ơn rồi, đưa cho môn đồ mà rằng: Hết thảy hãy uống đi; vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội.
- ↑ “Luca 22:7-20”.
Chén nầy là giao ước mới trong huyết ta vì các ngươi mà đổ ra.
- ↑ “Xuất Êdíptô Ký 14:1-25”.
Vả, khi Pharaôn đến gần, dân Ysơraên ngước mắt lên, thấy dân Êdíptô đuổi theo, bèn lấy làm hãi hùng, kêu van Đức Giêhôva.
- ↑ “Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:3”.
Với lễ Vượt qua, chớ ăn bánh pha men; trong bảy ngày ngươi sẽ ăn bánh không men, tức là bánh hoạn nạn, đặng giữ lễ ấy, vì ngươi ra khỏi xứ Êdíptô vội vàng; hầu cho trọn đời ngươi nhớ ngày mình đã ra khỏi xứ Êdíptô.
- ↑ “Lêvi Ký 23:5-6”.
qua ngày rằm tháng nầy, ấy là lễ bánh không men để kính trọng Ðức Giêhôva; các ngươi sẽ ăn bánh không pha men trong bảy ngày.
- ↑ “Mác 2:20”.
Song tới kỳ chàng rể phải đem đi khỏi họ, trong ngày đó họ sẽ kiêng ăn.
- ↑ “Xuất Êdíptô Ký 14:26-31”.
người Êdíptô chạy trốn bị nước chận; vậy Đức Giêhôva xô họ xuống giữa biển. Thế thì, nước trở lại bao phủ binh xa, lính kỵ của cả đạo binh Pharaôn đã theo dân Ysơraên xuống biển, chẳng còn sót lại một ai. Song dân Ysơraên đi giữa biển như trên đất cạn; nước làm thành vách ngăn bên hữu và bên tả...
- ↑ “Lêvi Ký 23:10-12”.
Hãy truyền cho dân Ysơraên rằng: Khi nào các ngươi đã vào xứ mà ta sẽ ban cho, và đã gặt mùa màng rồi, thì hãy đem đến cho thầy tế lễ một bó lúa đầu mùa của các ngươi. Qua ngày sau lễ sabát, thầy tế lễ sẽ dâng bó lúa đưa qua đưa lại trước mặt Đức Giêhôva, hầu cho bó lúa đó được nhậm.
- ↑ “I Côrinhtô 15:20”.
Nhưng bây giờ, Ðấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ.
- ↑ “Mác 16:9”.
Vả, Đức Chúa Jêsus đã sống lại buổi sớm mai ngày thứ nhứt trong tuần lễ.
- ↑ “Xuất Êdíptô Ký 24:12-18”.
Đức Giêhôva phán cùng Môise rằng: Hãy lên núi, đến cùng ta và ở lại đó; ta sẽ ban cho ngươi bảng đá, luật pháp và các điều răn của ta đã chép đặng dạy dân sự... Môise vào giữa đám mây, lên núi, ở tại đó trong bốn mươi ngày và bốn mươi đêm.
- ↑ “Công Vụ Các Sứ Đồ 2:1-4”.
Ðến ngày lễ Ngũ tuần, môn đồ nhóm họp tại một chỗ... Hết thảy đều được đầy dẫy Ðức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như Ðức Thánh Linh cho mình nói.
- ↑ “Xuất Êdíptô Ký 32:1-28”.
người nhận lấy nơi tay họ, và dùng đục làm thành một con bò đúc. Dân chúng nói rằng: Hỡi Ysơraên! Nầy là các thần của ngươi đã đem ngươi ra khỏi xứ Êdíptô... Môise thấy bò con và sự nhảy múa, bèn nổi giận, liệng hai bảng chứng khỏi tay mình, bể ra nơi chân núi... trong ngày đó có chừng ba ngàn người bị chết.
- ↑ 26,0 26,1 “Xuất Êdíptô Ký 34:1-35”.
Đức Giêhôva phán cùng Môise rằng: Hãy đục hai bảng đá như hai bảng trước; rồi ta sẽ viết trên hai bảng nầy các lời đã ở nơi hai bảng kia, mà ngươi đã làm bể... Môise ở đó cùng Đức Giêhôva trong bốn mươi ngày và bốn mươi đêm, không ăn bánh, cũng không uống nước; Đức Giêhôva chép trên hai bảng đá các lời giao ước, tức là mười điều răn.
- ↑ “Lêvi Ký 16:8-10”.
Ðoạn, Arôn bắt thăm cho hai con dê đực, một thăm về phần Ðức Giêhôva, một thăm về phần Axasên... rồi thả nó ra nơi đồng vắng đặng nó về Axasên.
- ↑ “Xuất Êdíptô Ký 36:3-5”.
Trước mặt Môise, họ thâu các lễ vật của dân Ysơraên đã đem đến, để làm các công việc định dùng và sự tế lễ nơi thánh.
- ↑ “Lêvi Ký 23:39-43”.
Hết thảy ai sanh trong dòng Ysơraên sẽ ở nơi trại trong bảy ngày.
- ↑ “Nêhêmi 8:9-18”.
Cả hội chúng của những kẻ bị bắt làm phu tù được trở về bèn cất những nhà lều, và ở trong đó. Từ đời Giôsuê, con trai của Nun, cho đến ngày ấy, dân Ysơraên chẳng có làm gì giống như vậy. Bèn có sự rất vui mừng... Chúng ăn lễ bảy ngày...
- ↑ “Khải Huyền 3:12”.
Kẻ nào thắng, ta sẽ cho làm trụ trong đền Ðức Chúa Trời ta...
- ↑ “Êphêsô 2:20-22”.
Anh em đã được dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri... cả cái nhà đã dựng lên trên đá đó (Đức Chúa Jêsus Christ), sắp đặt cách hẳn hoi, để làm nên một đền thờ thánh trong Chúa. Ấy, anh em cũng nhờ Ngài mà được dự phần vào nhà đó, đặng trở nên nhà ở của Ðức Chúa Trời trong Thánh Linh.
- ↑ “Êsai 60:21”.
Còn dân ngươi, hết thảy sẽ là công bình. Họ sẽ hưởng được xứ nầy đời đời; ấy là nhánh ta đã trồng, việc tay ta làm, để ta được vinh hiển.
- ↑ “Êsai 61:3”.
hầu cho những kẻ ấy được xưng là cây của sự công bình, là cây Ðức Giêhôva đã trồng để được vinh hiển.
- ↑ “Lêvi Ký 23:1”.
Đức Giêhôva lại phán cùng Môise rằng: Hãy truyền cho dân Ysơraên rằng: Nầy là những ngày lễ của Đức Giêhôva các ngươi hãy rao truyền ra là các hội thánh.
- ↑ “Rôma 12:1”.
... khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Ðức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em.
- ↑ “Giăng 4:23-24”.
Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: Ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy. Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.
- ↑ “Hội Thánh của Đức Chúa Trời Hiệp Hội Truyền Giáo Tin Lành Thế Giới "Khắc phục Covid-19 cần có tình yêu thương thực tiễn"”. Woman Chosun. tháng 4 năm 2021.
Lễ Vượt Qua (逾越節, Passover) chứa đựng ý nghĩa “Tai vạ vượt qua”. Trước hôm hy sinh trên thập tự giá, Đức Chúa Jêsus phán rằng “Ta rất muốn ăn Lễ Vượt Qua này với các ngươi”, và Ngài đã giữ Lễ Vượt Qua với các môn đồ như Phierơ, Giăng v.v... Ngài phán rằng hãy ăn bánh và uống rượu nho của Lễ Vượt Qua tượng trưng cho Thịt và Huyết của Đấng Christ, và lập điều này làm giao ước mới, hứa sẽ ban sự tha tội và sự sống đời đời (Mathiơ chương 26, Luca chương 22, Giăng chương 6). Thế nhưng ngày nay, duy nhất chỉ có Hội Thánh của Đức Chúa Trời là nơi giữ gìn Lễ Vượt Qua giao ước mới theo sự dạy dỗ của Đức Chúa Jêsus Christ.