Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ
Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ là cách gọi Đức Chúa Trời mang hình nam và Đức Chúa Trời mang hình nữ. Nhiều người quen thuộc với Đức Chúa Trời Cha nhưng khá lạ lẫm về Đức Chúa Trời Mẹ. Song, Kinh Thánh làm chứng về sự tồn tại của Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ từ Sáng Thế Ký cho đến Khải Huyền. Đức Chúa Jêsus Christ đã dạy dỗ rằng Đức Chúa Trời là “Cha chúng tôi ở trên trời”, còn sứ đồ Phaolô đã ghi chép trong sách Galati rằng “Mẹ chúng ta ở trên cao (trên trời)”.
Hình ảnh của Đức Chúa Trời, người nam cùng người nữ
Loài người được sáng tạo theo hình ảnh của Đức Chúa Trời
Chứng cớ về Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ đã xuất hiện từ chương đầu tiên của Kinh Thánh trong sách Sáng Thế Ký. Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất. Vào ngày thứ sáu, ngày cuối cùng dựng nên trời đất, Đức Chúa Trời đã làm ra loài người, là vật thọ tạo cuối cùng.
Ðức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất. Ðức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Ðức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ.
Đức Chúa Trời tự xưng là “Chúng Ta”. Kết quả của việc làm nên loài người như hình ảnh và theo tượng của Đức Chúa Trời, là “người nam” và “người nữ” đã được tạo ra. Điều này nghĩa là có tồn tại của Đức Chúa Trời mang hình nam và Đức Chúa Trời mang hình nữ.
Cũng có chủ trương rằng “Chúng Ta” là Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh tức là Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Nếu theo chủ trương ấy, thì một Đấng trong Ba Ngôi chí thánh phải mang hình nữ. Bởi vì loài người được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời là người nam và người nữ. Hơn nữa, nếu “Chúng Ta” là Đức Chúa Trời Ba Ngôi tồn tại như các cá thể (hoặc vị cách) khác nhau, thì phải có ba loại người được dựng nên. Nhưng Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh chỉ là một Đức Chúa Trời Cha mang hình nam theo như chứng cớ trong Kinh Thánh về Ba Vị Thánh Nhất Thể. Theo đó, có tồn tại hai Đức Chúa Trời - Đấng sáng tạo trời đất và làm nên loài người theo hình ảnh “Chúng Ta”, là Đức Chúa Trời mang hình nam và Đức Chúa Trời mang hình nữ.
Tuy trong Kinh Thánh cũng có lời ghi chép rằng “chỉ có một Đức Chúa Trời”,[1] nhưng những nội dung như thế không thể chứng minh rằng duy chỉ có Đức Chúa Trời Cha tồn tại. Dù Ađam và Êva - người nam và người nữ được dựng nên như hình và theo tượng của Đức Chúa Trời là hai người, nhưng Kinh Thánh ghi chép họ là “một người”, “một thịt”.[2][3] Cũng giống như Ađam và Êva được sáng tạo theo hình ảnh của Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ được biểu hiện là “một thịt”, thì Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ cũng tồn tại là hai Đấng, nhưng vẫn có thể nói là “một Đức Chúa Trời”.
Êlôhim, danh từ số nhiều chỉ về Đức Chúa Trời
Trong Kinh Thánh Cựu Ước bản gốc tiếng Hêbơrơ, Đức Chúa Trời được ghi chép là “Êlôhim (אֱלֹהִים)” khoảng 2500 lần. Đức Chúa Trời - Đấng sáng tạo trời đất và loài người trong Sáng Thế Ký cũng là “Êlôhim”.[4] Êlôhim là từ có ý nghĩa tương ứng với “các thần” hoặc “các Đức Chúa Trời”, là hình thức kết hợp danh từ số ít “Êlôah (אֱלוֹהַּ)” nghĩa là “thần” hoặc “Đức Chúa Trời” và hậu tố số nhiều “im (יםִ)”. Tức là Đức Chúa Trời không chỉ có một Đức Chúa Trời Cha thôi, mà có từ hai Đấng trở lên.
Ðức Chúa Trời Cha, Ðức Chúa Trời Mẹ
2000 năm trước, Đức Chúa Jêsus đã bày tỏ sự thật rằng có Đức Chúa Trời Cha ở trên trời.
Các ngươi hãy cầu như vầy: Lạy Cha chúng tôi ở trên trời.
Nối tiếp sự dạy dỗ của Đức Chúa Jêsus, sứ đồ Phaolô đã chép rằng có Mẹ của các thánh đồ ở trên trời.
Nhưng thành Giêrusalem ở trên cao (trên trời) là tự do, và ấy là mẹ chúng ta.
“Chúng ta” chỉ ra các thánh đồ được cứu rỗi, bao gồm cả sứ đồ Phaolô. Đối với các thánh đồ được cứu rỗi, không chỉ có Đức Chúa Trời Cha mà còn có “Mẹ chúng ta” tức là Đức Chúa Trời Mẹ nữa.
Nguyên lý muôn vật và thần tánh của Đức Chúa Trời
Nguyên lý ra đời của sự sống
Đức Chúa Trời phán rằng Ngài đã sáng tạo muôn vật chứa đựng ý muốn của Ngài,[5] và có thể được biết một cách rõ ràng thần tánh của Đức Chúa Trời thông qua muôn vật.[6]
Khi dò xem nguyên lý ra đời của sự sống trong muôn vật thì thấy rằng hầu hết các sinh vật sống đều được nhận lấy sự sống thông qua cha mẹ của chúng. Loài người cũng giống như vậy. Điều này cho biết sự thật rằng sự sống đời đời phần linh hồn cũng được ban cho bởi Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ.[7]
Chế độ gia đình
Cha là cách xưng hô được sử dụng trong gia đình, dùng để chỉ người đàn ông có con cái. Để một người đàn ông được gọi là “cha” thì người ấy nhất định phải có con cái. Đức Chúa Trời được gọi là Cha, điều đó nghĩa là Ngài có con cái. Đức Chúa Trời gọi các thánh đồ được cứu rỗi là “con trai con gái Ta”.
Thì ta sẽ tiếp nhận các ngươi: Ta sẽ làm Cha các ngươi, Các ngươi làm con trai con gái ta, Chúa Toàn năng phán như vậy.
Một mình người cha thì không thể sinh con. Việc mang thai và cuối cùng ban sự sống cho con cái là vai trò của người mẹ. Nếu không có mẹ thì không thể có con cái, và nếu không có con cái thì cũng không thể có cha. Danh xưng “cha” là tiền đề cho sự tồn tại của con cái và người mẹ. Danh xưng “Đức Chúa Trời Cha” cũng là minh chứng cho sự tồn tại của Đức Chúa Trời Mẹ.
Nhưng thành Giêrusalem ở trên cao (trên trời) là tự do, và ấy là mẹ chúng ta.
Giống như gia đình được cấu thành bởi cha, mẹ, con trai, con gái thì trong gia đình Nước Thiên Đàng cũng có các thành viên là Đức Chúa Trời Cha, Đức Chúa Trời Mẹ và các con cái (thánh đồ).
Đấng Cứu Chúa thời đại Đức Thánh Linh là Thánh Linh và Vợ Mới
Tiệc cưới Nước Thiên Đàng
Sách Khải Huyền là sách tiên tri mà sứ đồ Giăng đã ghi chép khi trông thấy sự mặc thị về những việc sẽ xảy ra trong tương lai.[8] Trong đó, có sự mặc thị về tiệc cưới Nước Thiên Đàng. Đó là nội dung về lễ cưới Chiên Con đã tới và vợ Ngài đã sửa soạn, phước thay cho những người được mời đến dự tiệc cưới.
Vì lễ cưới Chiên Con đã tới, và vợ Ngài đã sửa soạn, đã cho người được mặc áo sáng láng tinh sạch bằng vải gai mịn (vải gai mịn tức là công việc công bình của các thánh đồ). Thiên sứ phán cùng tôi rằng: Hãy chép: Phước thay cho những kẻ được mời đến dự tiệc cưới Chiên Con!
“Chiên Con” chỉ ra Đức Chúa Jêsus,[9] mà nội dung trên là lời tiên tri về Chiên Con sẽ xuất hiện một lần nữa sau thời Đức Chúa Jêsus Sơ Lâm, nên Chiên Con trong câu này là Đức Chúa Jêsus Tái Lâm. “Những người được mời” nghĩa là các thánh đồ được nhận lãnh phước lành sự sống đời đời. Còn Chiên Con là chàng rể cùng xuất hiện với vợ Ngài là Vợ Mới. Tại Khải Huyền chương 21 đã chép rằng người vợ mới cưới, tức là Vợ Chiên Con, là Giêrusalem từ trên trời xuống.
Một vị trong bảy thiên sứ đã cầm bảy bát đựng đầy bảy tai nạn cuối cùng, đến gần tôi, bảo rằng: Hãy đến, ta sẽ chỉ cho ngươi thấy người vợ mới cưới là vợ Chiên Con... chỉ cho tôi thấy thành thánh, là Giêrusalem, từ trên trời, ở nơi Đức Chúa Trời mà xuống.
Giêrusalem trên trời biểu tượng cho Đức Chúa Trời Mẹ.[10] Sứ đồ Giăng đã biểu hiện sự Đức Chúa Trời Mẹ ở trên trời đến trái đất này bằng hình ảnh “Giêrusalem từ trên trời xuống”, và sự xuất hiện của Vợ Mới trong tiệc cưới Nước Thiên Đàng.
Nói cách khác, tiệc cưới Nước Thiên Đàng là lời tiên tri về Đức Chúa Trời Cha - Đấng Christ Tái Lâm và Đức Chúa Trời Mẹ - Vợ của Ngài, sẽ đến thế gian này và dẫn dắt các thánh đồ đến với sự cứu rỗi, nhờ đó các thánh đồ được hưởng vinh hiển của Nước Thiên Đàng.
Thánh Linh và Vợ Mới ban nước sự sống
Chiên Con và Vợ Ngài trong Khải Huyền chương 19 được gọi là Thánh Linh và Vợ Mới trong Khải Huyền chương 22.
Thánh Linh và vợ mới cùng nói: Hãy đến! Kẻ nào nghe cũng hãy nói rằng: Hãy đến! Ai khát, khá đến. Kẻ nào muốn, khá nhận lấy nước sự sống cách nhưng không.
Đây là lời tiên tri về Thánh Linh và Vợ Mới xuất hiện và ban nước sự sống. Thánh Linh là Đức Chúa Trời Cha, là Đấng nhất thể với Đức Cha và Đức Con. Theo đó, Vợ của Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời Mẹ. Mục đích Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ xuất hiện là để ban nước sự sống cho nhân loại, tức là ban cho sự sống đời đời. Vào thời đại Cựu Ước, Đức Giêhôva ban nước sự sống;[11] cách đây 2000 năm trước thì Đức Chúa Jêsus ban nước sự sống,[12][13] và vào thời đại Đức Thánh Linh cuối cùng này thì Thánh Linh và Vợ Mới ban nước sự sống. Điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ chính là Đấng Cứu Chúa ở thời đại Đức Thánh Linh.
Video liên quan
- Giảng đạo: Ðức Chúa Trời Cha, Ðức Chúa Trời Mẹ
- Đức Chúa Trời ẩn chứa trong muôn vật
Xem thêm
- Ðức Chúa Trời Cha
- Đức Chúa Trời Mẹ
- Lý do gọi Đức Chúa Trời là Cha
- Sứ mệnh của Êli
- Thánh Linh và Vợ Mới
- Gia đình Nước Thiên Đàng
- Tiệc Cưới Nước Thiên Ðàng
Liên kết ngoài
- Trang web Đấng Christ An Xang Hồng
- Trang web Hội Thánh của Đức Chúa Trời Hiệp Hội Truyền Giáo Tin Lành Thế Giới
Chú thích
- ↑ “I Timôthê 6:15”.
là sự mà Đấng Chủ tể hạnh phước và có một đến kỳ sẽ tỏ ra, là Vua của mọi vua, Chúa của mọi chúa,
- ↑ “Rôma 5:12–15”.
Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian... Nhưng từ Ađam cho đến Môise, sự chết đã cai trị cả đến những kẻ chẳng phạm tội giống như tội của Ađam... Vì nếu bởi tội lỗi của chỉ một người mà mọi kẻ khác đều phải chết...
- ↑ “Sáng Thế Ký 2:22–24”.
Giêhôva Đức Chúa Trời dùng xương sườn đã lấy nơi Ađam làm nên một người nữ... Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một thịt.
- ↑ “Genesis 1:1”. Bible Hub.
בְּרֵאשִׁ֖ית בָּרָ֣א אֱלֹהִ֑ים אֵ֥ת הַשָּׁמַ֖יִם וְאֵ֥ת הָאָֽרֶץ
- ↑ “Khải Huyền 4:11”.
vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý muốn Chúa mà muôn vật mới có và đã được dựng nên.
- ↑ “Rôma 1:20”.
bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài, Cho nên họ không thể chữa mình được.
- ↑ “I Giăng 2:25”.
Lời hứa mà chính Ngài đã hứa cùng chúng ta, ấy là sự sống đời đời.
- ↑ “Khải Huyền 1:1”.
Sự mặc thị của Ðức Chúa Jêsus Christ mà Ðức Chúa Trời đã ban cho Ngài đặng đem tỏ ra cùng tôi tớ Ngài những điều kíp phải xảy đến, thì Ngài đã sai thiên sứ đến tỏ những điều đó cho Giăng, tôi tớ Ngài.
- ↑ “Giăng 1:29”.
Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình, thì nói rằng: Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi.
- ↑ “Galati 4:26”.
Nhưng thành Giêrusalem ở trên cao (trên trời) là tự do, và ấy là mẹ chúng ta.
- ↑ “Giêrêmi 2:13”.
Dân ta đã làm hai điều ác: chúng nó đã lìa bỏ ta (Đức Giêhôva), là nguồn nước sống, mà tự đào lấy hồ, thật, hồ nứt ra, không chứa nước được.
- ↑ “Giăng 4:14”.
Nhưng uống nước ta (Jêsus) sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó văng ra cho đến sự sống đời đời.
- ↑ “Giăng 7:37”.
Ngày sau cùng, là ngày trọng thể trong kỳ lễ, Ðức Chúa Jêsus ở đó, đứng kêu lên rằng: Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống.