Lệnh nghỉ việc vào Chủ nhật
Lệnh nghỉ Chủ nhật là sắc lệnh do hoàng đế La Mã Constantine I ban hành vào năm 321, với nội dung về việc nghỉ ngơi vào Chủ nhật, là ngày của mặt trời. Trước khi lệnh nghỉ Chủ nhật được tuyên bố, chỉ có hội thánh La Mã và một số hội thánh chịu sự ảnh hưởng của hội thánh La Mã đã giữ thờ phượng vào Chủ nhật từ thế kỷ thứ 2. Tuy nhiên, kể từ sau năm 321, hết thảy các hội thánh đều giữ thờ phượng vào Chủ nhật. Lệnh nghỉ Chủ nhật được ban hành bởi quyền uy của hoàng đế đã dẫn đến kết quả là xóa bỏ lễ thờ phượng ngày Sabát mà Đức Chúa Jêsus Christ và các sứ đồ đã giữ gìn, và xác lập sự thờ phượng Chủ nhật.
Constantine đã thi hành chính sách ưu đãi Cơ Đốc giáo, nhưng không phải vì thuần túy tin vào Cơ Đốc giáo mà bởi ông ta đã lựa chọn Cơ Đốc giáo làm phương tiện để thống nhất đế quốc với mưu đồ chính trị. Trong lệnh nghỉ Chủ nhật có chứa đựng ý đồ của Constantine định thống nhất đạo thần mặt trời, là tôn giáo thần thánh hóa ngày Chủ nhật, với các thế lực Cơ Đốc giáo (hội thánh Tây phương) vốn xa rời sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời và giữ thờ phượng vào Chủ nhật.
Tuyên bố lệnh nghỉ Chủ nhật
Hoàng đế Constantine đã chính thức công nhận Cơ Đốc giáo là một trong những tôn giáo hợp pháp của đế quốc thông qua sắc lệnh Milan vào năm 313, từ đó đã mở ra chính sách ưu đãi Cơ Đốc giáo. Ông đã miễn nghĩa vụ quân sự và thuế cho các chức sắc của Cơ Đốc giáo, đồng thời hợp pháp hóa việc hiến tặng tài sản cho giáo hội Cơ Đốc giáo. Đây là quyền lợi mà các thầy tế lễ của ngoại đạo đã có trước đó, nên không phải là đặc quyền được trao riêng cho Cơ Đốc giáo.[1] Lệnh nghỉ Chủ nhật do Constantine ban hành vào ngày 7 tháng 3 năm 321, được truyền đạt thông qua “Bộ luật Justinianus” biên soạn vào thế kỷ 6.
“ “Mọi quan án, thị dân và người thợ phải nghỉ vào Chủ nhật là ngày mặt trời tôn nghiêm (Sunday)!” Nhưng người nông dân vẫn có thể làm ruộng mà không bị cản trở. Bởi vì đôi khi ngày này là ngày thuận tiện nhất để gieo hạt hay thu hoạch. ... Ngày 7 tháng 3 năm 321 SCN.”
Sắc lệnh của Constantine (Bộ luật Justinianus <Cod. Justinianus>, Ⅲ xii 3)“ — A Lion Handbook, 《The History of Christianity》, Song Kwang Taek dịch, NXB Lời Sự Sống, 1997, trang 144
Thông qua biểu hiện “ngày mặt trời tôn nghiêm” trong sắc lệnh này, có thể thấy Constantine đã nhận thức rằng Chủ nhật là ngày thờ lạy thần mặt trời hơn là ngày thờ phượng của Cơ Đốc giáo. Tôn giáo có sức ảnh hưởng nhất ở La Mã lúc bấy giờ là đạo Mithra, đạo sùng bái thần mặt trời Mithra. Đạo Mithra coi Chủ nhật là ngày thánh. Lệnh nghỉ vào Chủ nhật không chỉ là chính sách nâng đỡ cho các Cơ Đốc nhân ở khu vực La Mã vốn dâng thờ phượng vào Chủ nhật từ sau thế kỷ thứ 2, mà còn cho những người theo đạo Mithra, chiếm phần đông trong dân số La Mã đương thời.
Ý đồ của Constantine
Tư tưởng của Constantine
Một số Cơ Đốc nhân chủ trương rằng hoàng đế Constantine đã cải đạo sang Cơ Đốc giáo và có đức tin chân thật đối với Đức Chúa Trời. Song, ông ta đã trì hoãn việc làm phép rửa tội cho đến cuối đời,[2] cố tình coi thần mặt trời mà mình yêu thích nhất và Đấng Christ của Cơ Đốc giáo là một vị thần đồng nhất.
“ Constantine đã liên tục giữ chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm ngoại bang, với danh hiệu là Pontifex Maximus (chức vụ tối cao trong giới tôn giáo La Mã), và trong suốt một thập kỷ, đồng tiền của ông có biểu tượng của thần ngoại bang, là thần mặt trời bất diệt mà ông yêu thích nhất... Sự hiểu biết về việc tôn kính mặt trời, một tôn giáo từ trước thời Constantine là điều rất quan trọng... Mặt khác, Constantine đã liên tục coi mặt trời đồng nhất với Đức Chúa Trời của Cơ Đốc giáo. Niềm tin này dễ dàng được đánh đồng hơn bởi xu hướng của các nhà văn và họa sĩ Cơ Đốc giáo sử dụng hình ảnh mặt trời trong các bức tranh miêu tả về Đấng Christ. Đối với họ, Đấng Christ là nguồn của sự sáng và sự cứu rỗi, và trong bức tranh khảm ở một ngôi mộ vào thế kỷ thứ 3, được tìm thấy dưới Thánh đường thánh Phierơ ở Rome đã mô tả Đấng Christ như là thần mặt trời đang cưỡi trên cỗ xe ngựa. Vào năm 321, khi Constantine quy định ngày thứ nhất trong tuần là ngày nghỉ, ông đã đặt tên ngày đó là “ngày tôn kính mặt trời (Sunday)” “ — A Lion Handbook, 《The History of Christianity》, Song Kwang Taek dịch, NXB Lời Sự Sống, 1997, trang 130-131
“Pontifex Maximus” là tên gọi bằng tiếng Latinh chỉ về thầy tế lễ tối cao trong giới chức tư tế của nhà nước La Mã. Constantine vẫn giữ danh hiệu này cho đến tận khi chết. Ngoài ra, trên solidus - một loại đồng tiền vàng của đế quốc La Mã từng được lưu hành, có khắc hình ảnh thần mặt trời.
Phương tiện để hợp nhất đế quốc
Vì mục đích chính trị, Constantine đã chọn Cơ Đốc giáo làm công cụ để củng cố quyền lực của mình và thống nhất đế quốc La Mã. Khi Constantine lên ngôi phó hoàng đế, La Mã theo thể chế Tứ đầu chế (Tetrarchy), phân chia đế quốc thành 4 khu vực, được cai trị bởi 2 hoàng đế và 2 phó hoàng đế. Vốn muốn thống nhất đế quốc La Mã đang liên tục phân tranh và không muốn quyền lực của mình bị cướp mất, Constantine đã coi Cơ Đốc giáo tin vào một thần duy nhất là phù hợp với mục đích của mình. Một nhà sử học Nhật Bản có tầm ảnh hưởng trong lịch sử học về đế chế Byzantine đã trích dẫn sách Rôma chương 13[3] và nhận xét rằng “Tôi nghĩ sự kết hợp giữa đế quốc La Mã và Cơ Đốc giáo là một điều hiển nhiên” và “Đối với người cai trị thì thật khó để tìm thấy một sự dạy dỗ nào khác phù hợp được đến thế”.[4] Sự dạy dỗ của Kinh Thánh giáo huấn rằng quyền lực của người cai trị đến từ Đức Chúa Trời và nên làm theo người cầm quyền, ấy là điều thỏa mãn nhu cầu của Constantine vốn mong muốn một tồn tại trao quyền lực không thể lay chuyển cho hoàng đế.
Hơn nữa, đối với Constantine, Cơ Đốc giáo là phương tiện để gắn kết toàn bộ đế quốc La Mã thành một.
“ Chắc hẳn là Constantine đã bắt đầu với suy nghĩ rõ ràng về việc sẽ ủng hộ hội thánh, tuy nhiên dù làm được như vậy, thì việc xoa dịu những người ngoại đạo cũng rất cần thiết. Theo đó, chính sách được thống nhất tại Milan là một sự công nhận tất thảy các tôn giáo là hoàn toàn bình đẳng. Tuy nhiên, Constantine càng ngày càng ủng hộ các Cơ Đốc nhân hơn trong khi trị vì; và chúng ta có thể đưa ra kết luận rằng mục đích của ông ta là nhằm khiến Cơ Đốc giáo đóng vai trò của xi măng để gắn kết toàn đế quốc thành một khối. “ — J. W. C. Wand, 《Sử Hội Thánh (Tập 1)》, Lee Jang Sik dịch, Hội Văn thư Cơ Đốc giáo Đại Hàn, 2000, trang 192
Thay vì đàn áp các Cơ Đốc nhân ngày càng tăng trong đế quốc La Mã, Constantine đã tìm cách hợp nhất các thế lực tôn giáo đa thần vốn có, dựa trên trọng tâm là thế lực Cơ Đốc giáo bằng cách biến Cơ Đốc giáo thành nền tảng hỗ trợ cho mình. Lệnh nghỉ vào Chủ nhật cũng là chính sách xuất phát từ mưu đồ này. Constantine đã ban hành lệnh nghỉ vào Chủ nhật như là một diệu kế nhằm thống nhất đạo thần mặt trời đang thần thánh hóa ngày Chủ nhật, với Cơ Đốc giáo (hội thánh Tây phương) vốn sớm từ bỏ sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời mà đang giữ thờ phượng Chủ nhật.
Ảnh hưởng của lệnh nghỉ vào Chủ nhật
Xác lập thờ phượng Chủ nhật
Vào đầu thế kỷ thứ 2, hội thánh Tây phương có trung tâm là La Mã đang được vận hành bởi nòng cốt là các tín đồ ngoại bang, đã có ác cảm mạnh mẽ với giáo Giuđa vì đã đóng đinh Đức Chúa Jêsus trên thập tự giá và liên tục bắt bớ Cơ Đốc giáo. Khi hai cuộc chiến tranh Do Thái nổ ra và đế quốc La Mã theo đuổi chính sách đàn áp người Giuđa, các tín đồ hội thánh Tây phương đã nghĩ rằng không nhất thiết phải chịu thêm nhiều sự bắt bớ từ đế quốc La Mã bởi cố giữ ngày Sabát mà họ đang giữ cùng một ngày với giáo Giuđa. Họ cũng có suy nghĩ rằng nếu lấy Chủ nhật, là ngày thánh của đạo thần mặt trời Mithra vốn được yêu thích nhất ở La Mã lúc bấy giờ làm ngày thờ phượng, thì sẽ dễ dàng chiếm được cảm tình của người La Mã hơn, tránh được sự bắt bớ và khiến người La Mã cải đạo nhiều hơn. Do đó, hội thánh La Mã đã bắt đầu giữ thờ phượng vào Chủ nhật thay cho ngày Sabát từ đầu thế kỷ 2.
Hội thánh Tây phương đã làm ra nhiều lý lẽ đa dạng để hợp lý hóa cho việc thờ phượng vào Chủ nhật. Để ủng hộ Cơ Đốc giáo, vào khoảng năm 150, Justinus, một nhà biện giáo đã cải đạo từ ngoại giáo sang Cơ Đốc giáo, đã giải thích cho hoàng đế La Mã Antoninus Pius (tại vị: năm 138-161) trong Lời biện giải tập 1 rằng “Vì ngày Đức Chúa Trời bắt đầu sáng tạo thế gian và ngày Đức Chúa Jêsus Christ phục sinh là ngày của mặt trời, tức là ngày thứ nhất trong tuần, nên các Cơ Đốc nhân dâng thờ phượng vào ngày này”.[5]
Như thế, hội thánh Tây phương đã sớm từ bỏ ngày Sabát của giao ước mới và thờ phượng vào Chủ nhật, nhưng Hội Thánh Đông phương vẫn giữ ngày Sabát Thứ Bảy theo tấm gương của Đức Chúa Jêsus và các sứ đồ cho đến khi lệnh nghỉ Chủ nhật được ban hành.[6][7]
“ Thế kỷ thứ 2, thời đại sau sứ đồ (năm 100-313)
Về thời gian thờ phượng, lễ thờ phượng ngày Sabát đã được kéo dài cho đến thời kỳ này với tư cách là thờ phượng hàng tuần, nhưng dần dần bị thay thế bằng ngày thứ nhất trong tuần, tức là Chủ nhật, vào cuối thời kỳ này.“ — Song Nak Won, 《Sử Hội Thánh》, NXB Lee Geon, 1981, trang 101
“ Constantine Đại đế ban ra sắc lệnh đầu tiên, bắt buộc công vụ hành chính và tư pháp nghỉ vào Chủ nhật, rồi cấm việc huấn luyện quân đội và cấm xem công diễn vào ngày này. Song, ông không có ý định chuyển chế độ ngày Sabát của Cựu Ước sang Chủ nhật. Ở Đông phương vẫn giữ Thứ Bảy là ngày Sabát. “ — Lee Jong Gi,《Sử hội thánh》,NXB Văn hóa Sejong, 1992, trang 145
Tuy nhiên, với việc ban hành lệnh nghỉ Chủ nhật, và cưỡng chế mọi người dân trong đế quốc phải nghỉ vào Chủ nhật bởi quyền uy của hoàng đế, kể cả hội thánh Đông phương cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thờ phượng vào Chủ nhật.
“ Ý nghĩa quan trọng nhất của chính sách này là việc ban hành pháp lệnh quy định Chủ nhật là ngày thờ phượng vào năm 321. Pháp lệnh này là sự công nhận ngày của Chúa như là một ngày lễ bình đẳng với ngày lễ của ngoại đạo, sự đặc thù của nó được tỏ ra thông qua sự nghỉ việc vào Chủ nhật. Song, ngày này không mang bất kỳ tên gọi nào mang tính Cơ Đốc giáo, nhưng chỉ được gọi đơn thuần là ngày đáng tôn kính,[8] và về điều này không người ngoại đạo nào có thể phản đối được. “ — J. W. C. Wand, 《Sử Hội Thánh (Tập 1)》, Lee Jang Sik dịch, Hội Văn thư Cơ Đốc giáo Đại Hàn, 2000, trang 193
Lệnh nghỉ Chủ nhật đã trở thành cơ hội để Cơ Đốc giáo chính thức xác lập việc thờ phượng Chủ nhật. Khi Cơ Đốc giáo bị bắt bớ, họ đã giữ vững lẽ thật như ngày Sabát v.v..., nhưng khi sự bắt bớ chấm dứt và được ưu đãi hơn, thì kể cả các hội thánh Đông phương vốn tuân thủ ngày Sabát cũng đã khuất phục trước đạo thần mặt trời của La Mã. Việc thờ phượng vào Chủ nhật không bắt nguồn từ sự dạy dỗ của Đức Chúa Jêsus hay các sứ đồ, mà là điều răn của loài người được xác lập dựa trên quyền uy của hoàng đế.
Sự lan rộng của chế độ ngày nghỉ lễ vào Chủ Nhật
Sau thời Constantine, Cơ đốc giáo đã nắm giữ vị trí vững chắc hơn trong đế quốc La Mã. Năm 392, hoàng đế Theodosius tuyên bố Cơ Đốc giáo (Công giáo theo tín điều Nicaea) là quốc giáo trên toàn lãnh thổ đế quốc La Mã, và cấm toàn bộ lễ thờ phượng của các tôn giáo khác. Khi tư tưởng của công giáo La Mã chiếm vị trí trung tâm, các quy định về ngày Chủ nhật trở nên nghiêm ngặt hơn. Tại công đồng Orléans năm 538, việc làm nông vào Chủ nhật bị cấm toàn bộ, và tại công đồng Narbonne năm 589, việc lao động vào Chủ nhật bị cấm tuyệt đối.[9]
Chế độ ngày nghỉ vào Chủ nhật cũng phổ biến ở các nước Tây Âu tích cực đón nhận công giáo La Mã. Đại đế Carolus (Charlemagne) của vương quốc Frank đã đưa ra pháp lệnh vào năm 789 nhằm chỉ định Chủ nhật là ngày thờ phượng và ngày nghỉ ngơi, đồng thời cấm mọi công việc lao động chân tay.
Các nhà cải cách tôn giáo thế kỷ 16 đã chỉ trích giáo hội công giáo La Mã và kêu gọi tự do tín ngưỡng, nhưng họ đã không thể tìm lại được ngày Sabát của giao ước mới, và thờ phượng Chủ nhật vẫn được duy trì y nguyên. Chế độ ngày nghỉ vào Chủ nhật được những người theo Thanh giáo tiếp nối, kế thừa mạch của những nhà cải cách tôn giáo. Vào thế kỷ 17, những người theo Thanh giáo di cư từ Anh sang Mỹ để tìm kiếm tự do tôn giáo, đã tuân thủ nghiêm ngặt việc thờ phượng vào Chủ nhật, đồng thời thi hành luật cấm các hoạt động như buôn bán, du lịch, diễn kịch và lễ hội v.v... vào Chủ nhật. Luật này còn được gọi là “luật Chủ nhật (Sunday law) hoặc “luật xanh (blue law)”. Ở một số địa phương tại Mỹ, nơi truyền thống này vẫn còn sót lại đến ngày nay, người ta không thể mua bán rượu hoặc một số loại hàng hóa vào Chủ nhật .[10]
Luật Chủ nhật tại Mỹ đã dần suy yếu về mức độ theo dòng chảy thời gian. Tuy nhiên, do sự bành trướng của thực dân Anh, là quê hương của những người theo Thanh giáo, và việc truyền giáo nước ngoài của Anh và Mỹ, v.v... chế độ nghỉ việc vào Chủ nhật đã lan rộng khắp châu Á và châu Phi. Ngoại trừ một số quốc gia Hồi giáo hiện đang thờ phượng vào thứ Sáu và người Ysơraên nghỉ ngơi vào thứ Bảy theo ngày Sabát của giáo Giuđa, hầu hết các quốc gia đều chỉ định Chủ nhật là ngày nghỉ.[11][12]
Xem thêm
Video liên quan
- Video kênh chính thức Church of God TUBE: Tìm ra sự thật ẩn giấu của thờ phượng Chúa nhật
Chú thích
- ↑ Lee Seung Hee, 〈Chính sách tôn giáo và đức tin của Hoàng đế Constantine (năm 306-324)〉,《Nghiên cứu lịch sử cổ đại phương Tây》 Tập 38, Hiệp hội lịch sử và văn hóa cổ đại Hàn Quốc, 2014, trang 132-133, “Ông [Constantine ] miễn công vụ và thuế cho các chức sắc, và vào năm 321, đã chấp thuận hợp pháp quyền thừa kế. Ông cũng trao các đặc quyền bằng cách chuyển giao quyền tài phán dân sự cho các giám mục. ... Tuy nhiên, các đặc quyền được miễn công vụ và thuế cũng như quyền thừa kế đã được các linh mục ngoại giáo hưởng thụ. Ngoài ra, việc công nhận quyền tài phán dân sự chỉ tạo cơ hội để tự giải quyết các tranh chấp trong các tổ chức Cơ Đốc giáo chứ không thể coi là trao đặc quyền cho nhà thờ”.
- ↑ John Julius Norwich, 《Biên niên sử Byzantine 1: Sự sáng lập và sự hỗn loạn》, Nam Kyung Tae dịch, 1. Nhà xuất bản Bada, 2007, trang 52-55, "Sự cải đạo của Constantine đã thực sự hoàn toàn chưa? ... Hình ảnh của ông gắn liền với mặt trời bất khả chiến bại tiếp tục được khắc họa trên tiền xu cho đến ít nhất là năm 324. Và quan trọng hơn, ông vẫn còn do dự về việc chịu lễ rửa tội. Sau đó, ông hoãn lễ rửa tội cho đến khoảng một phần tư thế kỷ sau là lúc ngay trước khi ông qua đời. Thái độ của ông có thể xuất phát từ những cân nhắc chính trị ở một mức độ nào đó.”
- ↑ “Rôma 13:1-2”.
Mọi người phải vâng phục các đấng cầm quyền trên mình; vì chẳng có quyền nào mà không đến bởi Đức Chúa Trời, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định. Cho nên ai chống cự quyền phép, tức là đối địch với mạng lịnh Đức Chúa Trời đã lập; và những kẻ đối địch thì chuốc lấy sự phán xét vào mình.
- ↑ Koichi Inoue, 《Rome sống sót, Đế chế Byzantine》, Lee Kyung Deok dịch, Another World, 2010, trang 46-49.
- ↑ Yoo Chung Hee, 《Nghiên cứu bữa ăn tối cuối cùng của Jêsus và lễ tiệc thánh trong Hội Thánh sơ khai》, Viện nghiên cứu Thần học Woori, 1999, trang 152-158, “[Justinus, Lời biện giải tập 1] 67, 7. Tất cả chúng ta đều có một cuộc họp cộng đồng vào Chủ nhật. Đó là bởi vì Chủ nhật là ngày đầu tiên Đức Chúa Trời tạo dựng thế giới bằng cách thay đổi bóng tối và vật chất, và cũng bởi vì Đức Chúa Jêsus Christ, Đấng Cứu Chúa của chúng ta, đã sống lại từ cõi chết vào cùng ngày đó. Nghĩa là, họ (người Do Thái) đã đóng đinh Đấng Christ vào đêm trước Thứ Bảy, và vào hôm sau thứ Bảy, tức là vào Chủ nhật, Ngài hiện ra với các sứ đồ và môn đồ của Ngài và dạy họ những gì chúng tôi đã truyền lại cho các bạn để xem xét.”
- ↑ “Luca 4:16”.
Đức Chúa Jêsus đến thành Naxarét, là nơi dưỡng dục Ngài. Theo thói quen, nhằm ngày Sabát, Ngài vào nhà hội, đứng dậy và đọc.
- ↑ “Công Vụ Các Sứ Đồ 17:2-3”.
Phaolô tới nhà hội theo thói quen mình, và trong ba ngày Sabát biện luận với họ, lấy Kinh thánh cắt nghĩa và giải tỏ tường về Đấng Christ phải chịu thương khó, rồi từ kẻ chết sống lại. Người nói rằng Đấng Christ nầy, tức là Đức Chúa Jêsus mà ta rao truyền cho các ngươi.
- ↑ Trong sách bản gốc tiếng Anh không phải là “ngày mừng đáng tôn kính” mà được ghi chép bằng tiếng Latinh là “dies venerabilis solis (ngày mặt trời tôn nghiêm)”
- ↑ Jörg Lüfke, 《Lịch sử của thời gian và quyền lực》,Kim Yong Heon dịch, Alma, 2011, trang 86-87, “Các quyết định (đã được điều chỉnh thường xuyên) về canh tác, tức là về việc cày, cắt nho trong vườn nho, mùa gặt và đập lúa, điều này có nghĩa là bạn không nên làm những việc này vào ngày Chúa nhật để được đến nhà thờ nhiều hơn và nhận được ân sủng cầu nguyện. - Pháp chế Hội Thánh của Hội đồng Orleans, Điều 31”, “Hội đồng Narbonne năm 589 đã quy định việc cấm làm việc với những điều khoản nghiêm ngặt không có lựa chọn, tức là thậm chí không cho phép sử dụng các công cụ. “Không ai, dù tự do hay nô lệ, Gothic, La Mã, Syria, Hy Lạp hay Do Thái, được làm bất kỳ công việc nào vào Ngày của Chúa, cũng như không được kéo dây cương con bò trừ khi bắt buộc phải làm như vậy. - Pháp chế Hội Thánh của Hội đồng Narbonne, Điều 4.”
- ↑ "Quận Bergen, New Jersey, các cửa hàng đóng cửa vào Chủ Nhật", (Econovill), 2021. 11. 13., “Hiện tại, Quận Bergen là khu vực duy nhất ở New Jersey duy trì luật xanh (blue law), có nghĩa là các nhà bán lẻ không thể hoạt động vào Chủ nhật ngoại trừ các tiệm bánh, hiệu thuốc và cửa hàng tạp hóa nơi có thể mua thực phẩm hoặc thuốc thiết yếu. Các sản phẩm như đồ chơi trẻ em, quần áo, chảo rán không thể mua được. Một số vùng của nước Mỹ vẫn có luật xanh, nhưng chúng rất hạn chế: ở Đồi Chapel, Bắc Carolina, bạn không thể mua rượu vào Chủ nhật và ở Bắc Dakota, bạn không thể mua ô tô.”
- ↑ "Ở các nước Hồi giáo, Thứ Sáu là ngày lễ và Chủ nhật là ngày thường?)", 《Mediain News》, 2022. 1. 3., “Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) tuyên bố sẽ coi Thứ Bảy và Chủ nhật là ngày nghỉ lễ kể từ tháng 1 năm 2022 và quy định này hiện đang được thực hiện. ... Đã có khá nhiều quốc gia Hồi giáo (những quốc gia có đa số người theo đạo Hồi) từ lâu đã coi Chủ nhật là ngày nghỉ lễ và Thứ Sáu là ngày thường. Ví dụ như Tunisia, Morocco, Mauritania và Lebanon ở Bắc Phi, Kazakhstan ở Liên Xô cũ và các quốc gia có đa số người Hồi giáo khác ở Trung Á và Malaysia (phần lớn các tỉnh, bao gồm cả khu vực đô thị), Indonesia ở Đông Nam Á, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là những quốc gia có đa số người Hồi giáo. Ở những nước này, thứ Sáu được coi là ngày thường và Chủ nhật được coi là ngày nghỉ lễ.”
- ↑ "Ysơraên đóng cửa tiệm vào Thứ Bảy", (Maeil Business), 2007. 1. 19., “Ngày Sabát là một trong những nền văn hóa độc đáo nhất của Ysơraên. Về nguyên tắc, không nên làm việc gì vào ngày Sabát, nghĩa đen là ngày nghỉ ngơi. Vì vậy, ngày Sabát bắt đầu vào tối thứ Sáu và kết thúc vào tối thứ Bảy, được coi là ngày cuối tuần đối với người Ysơraên. Các cơ quan công cộng và các công ty nói chung cũng nghỉ vào thứ Sáu và thay vào đó, một tuần bắt đầu vào Chủ nhật.”