Đavít

Từ Từ điển tri thức Hội Thánh của Đức Chúa Trời
Phiên bản vào lúc 07:26, ngày 25 tháng 9 năm 2023 của Ngocanh63 (thảo luận | đóng góp)
Bước tới điều hướng Bước tới tìm kiếm
Đavít
David, דָּוִד
<Vua Đavít>, Peter Paul Rubens
Thời đạiThế kỷ 11-10 TCN
Mối quan hệ gia đìnhCha Ysai
Con trai (người kế vị) Salômôn
Công việc (đặc điểm)Vị vua thứ hai của nước Ysơraên
Khu vực hoạt độngGiêrusalem
Thời gian trị vì40 năm
Công việc chủ yếuChinh phục thành Siôn (Giêrusalem)
Mở rộng lãnh thổ
Thiết lập lại thể chế
Ghi chép nhiều phần trong “Thi Thiên”

Đavít (tiếng Anh: David, tiếng Hêbơrơ: דָּוִד, tiếng Ả Rập: داود) là vị vua thứ 2 của vương quốc Ysơraên thống nhất vào thế kỷ thứ 11 TCN, lên ngôi vào năm 30 tuổi và trị vì trong 40 năm. Đavít đã được Đức Chúa Trời chọn làm vua với tư cách là người làm vừa lòng Đức Chúa Trời.[1]

Đavít được nhớ đến như là vị vua vĩ đại nhất của Ysơraên, người đã hết lòng yêu mến Đức Chúa Trời. Kể cả trong lịch sử của Ysơraên, Đavít nắm giữ vị trí độc tôn với tư cách là vị vua lý tưởng đã thiết lập nên triều đại vững mạnh. Đavít đã thống nhất mười hai chi phái Ysơraên vốn thường xuyên xảy ra xung đột thành một quốc gia dựa trên niềm tin vào Đức Giêhôva, và ông cũng đặt Giêrusalem làm thủ đô. Bằng cách tăng cường sức mạnh quân sự, ông đã lập ra một thời kỳ thái bình không có sự xâm lược của ngoại bang. Sách II SamuênI Sử Ký từ chương 11 đến chương 29 của Kinh Thánh có ghi chép chi tiết về lịch sử trị vì của Đavít.

Sau thời đại của Salômôn (con trai Đavít), nước Ysơraên bị chia cắt thành hai miền nam bắc. Khi bị xâm lược bởi thế lực bên ngoài, người Giuđa đã mong chờ một Đấng Mêsi mạnh mẽ như Đavít xuất hiện. Kinh Thánh Cựu Ước đã ghi chép nhiều lời tiên tri miêu tả Đấng Mêsi xuất hiện vào ngày sau với tư cách là vua Đavít.

Cuộc đời của Đavít

Xuất thân

<Người chăn chiên Đavít>, Elizabeth Jane Gardner, 1859

Đavít sinh ra trong chi phái Giuđa, là con trai út của Ysai, chắt của Bôô và người nữ Môáp là Rutơ.[2] Sách I Samuên cho biết Đavít có 7 người anh trai,[3] trong khi I Sử Ký chỉ đề cập đến 6 cái tên (Êliáp, Abinađáp, Simêa, Nathanaên, Rađai và Ôxem). Về một người còn lại, có nhiều suy đoán rằng cái tên này đã được bỏ qua vì là nhân vật không quan trọng vào đương thời hoặc là do mất sớm nên cái tên này đã bị loại ra. Đavít cũng có hai người chị em gái là Xêrugia và Abigain.[4]

Cậu thiếu niên Đavít là người chăn chiên chăm sóc bầy chiên của cha mình là Ysai. Hễ có sư tử hay gấu đến tha một con chiên thì Đavít đuổi theo và cứu chiên khỏi chúng.[5]

Vị vua được Đức Chúa Trời lựa chọn

Đavít chịu xức dầu bởi Samuên. Victor Biennoury, 1842
Tượng điêu khắc Đavít. Andrea del Verrocchio, 1476

Đức Chúa Trời sớm đã lựa chọn Đavít làm vua thế cho Saulơ, người không vâng phục. Tuy Đavít vẫn còn là một thiếu niên, nhưng Đức Chúa Trời, Đấng không xem bề ngoài mà xem xét trọng tâm tấm lòng đã bí mật sai đấng tiên tri Samuên đến xức dầu cho Đavít. Sau đó, Đavít được thần của Đức Chúa Trời cảm động, được Saulơ chọn để làm người gảy đàn và hầu việc vì Saulơ bị ác thần quấy rối (I Samuên chương 16).

Trong cuộc chiến giữa Ysơraên với người Philitin, gã khổng lồ Gôliát người Philitin đã lớn tiếng xúc phạm Đức Chúa Trời và dân Ysơraên. Bấy giờ các binh sĩ Ysơraên ai nấy đều sợ hãi và không một ai dám tiến lên. Đúng lúc ấy, Đavít đang đến đồn để làm việc cha mình là Ysai sai bảo, liền nổi giận và đối mặt với Gôliát. Đavít ném cục đá bằng trành trúng nơi trán Gôliát và hạ gục hắn. Ngay sau đó, dân Philitin hồn bay phách tán và bị quân đội Ysơraên đánh bại. Với chiến thắng này, Đavít nổi lên như một anh hùng đã giải cứu Ysơraên (I Samuên chương 17).

Cuộc sống trốn chạy

Đavít trở thành quan tướng trong đạo quân của Saulơ, trở thành người bạn thân thiết của Giônathan, con trai Saulơ, và kết hôn con gái của Saulơ là Micanh. Đavít lập được nhiều công trạng trong mỗi trận chiến và được nhiều người yêu mến. Điều này khiến cho Saulơ nảy sinh lòng ghen tị và nhiều lần lập mưu giết Đavít. Cuối cùng, Đavít buộc phải chạy trốn khỏi Saulơ (I Samuên chương 18-20).

Đavít chạy trốn đến Nóp, là thành của các thầy tế lễ, lấy bánh của thầy tế lễ và gươm của Gôliát từ thầy tế lễ Ahimêléc. Sau đó, Saulơ đã giết 85 thầy tế lễ ở thành Nóp, cùng hết thảy từ đàn ông đến đàn bà, già trẻ và đến cả gia súc với lý do là vì họ đã cung cấp thức ăn và vũ khí cho Đavít. Như vậy, Saulơ đã bày tỏ ý định quyết không buông tha cho bất cứ ai giúp đỡ hay che giấu cho Đavít.

Khi Đavít đi đến cùng Akích, vua Gát trong xứ Philitin, các tôi tớ người Philitin nhận ra Đavít, nên Đavít đã giả điên để thoát khỏi mối nguy hiểm. Khi Đavít chạy trốn đến Môáp ở phía đông Ysơraên, nhà tiên tri Gát đã truyền ý muốn của Đức Chúa Trời khuyên người trở lại đất Giuđa. Đavít vâng theo lời và trở về xứ Giuđa, nhưng cuộc sống trốn chạy của người vẫn tiếp tục (I Samuên chương 21-23).

Những nơi Đavít chạy trốn đến là Rama, Nóp, hang đá Ađulam, rừng Hêrết, hoang mạc Xíp và đồng vắng Ênghêđi. Nơi này cũng có nhiều người đến ẩn náu giống như Đavít. Phàm kẻ nào bị cùng khốn, kẻ nào mắc nợ, và những người có lòng bị sầu khổ đều nhóm hiệp lại cùng Đavít. Đavít trở thành quan trưởng của họ.[6] Họ thiết lập mối quan hệ hữu nghị với các dân tộc bằng cách bảo vệ dân bản xứ khỏi những tên trộm, đánh đuổi những kẻ cướp bóc và thu hồi những đồ vật bị cướp.[7] Dù đã hai lần có cơ hội giết vua Saulơ, nhưng Đavít đã không giết Saulơ với lý do Saulơ là “người được Đức Giêhôva xức dầu”.[8][9]

Lên ngôi vua

Saulơ và Giônathan chết trong trận chiến với dân Philitin. Đavít than khóc sầu thảm và kiêng ăn. Ông làm bài ca thương về Saulơ và Giônathan mà truyền dạy cho những người thuộc chi phái Giuđa (II Samuên chương 1).

Sau đó, Đavít trở thành vua của chi phái Giuđa vào năm 30 tuổi tại Hếprôn. Ở phía Bắc, Ápne, quan tổng binh của Saulơ đã lập Íchbôsết, là con trai của Saulơ làm vua và cho cai trị 11 chi phái ở Mahanaim. Íchbôsết bị các cận vệ ám sát chỉ sau 2 năm kể từ khi lên ngôi (II Samuên chương 2-4). Khi các trưởng lão của 11 chi phái ở phía Bắc đến cùng Đavít tại Hếprôn và xức dầu cho người, Đavít chính thức được công nhận là vua của toàn bộ 12 chi phái Ysơraên.[10] Ngôi vị của Đavít kéo dài trong 40 năm.[11]

Sau khi trở thành vua của Ysơraên, Đavít đã có ý định di dời thủ đô đến Giêrusalem. Đavít chiếm lấy đồn Siôn, một pháo đài tự nhiên vốn thuộc về dân Giêbusít cho đến tận khi ấy và đặt làm thủ đô mới.[12] Ông cũng cho dời hòm giao ước, là biểu tượng tối cao trong tín ngưỡng của Ysơraên.[13]

Lịch sử gia đình

Trong một cuộc chiến tranh chinh phạt, Đavít đã đem lòng yêu mến Bát Sêba, vợ của tướng quân Uri, nên đã ra lệnh cho tổng binh Giôáp khiến cho Uri, chồng của Bát Sêba bị chết trong chiến trận. Bát Sêba trở thành vợ Đavít và sinh cho người một con trai, nhưng đấng tiên tri Nathan đã khiển trách Đavít về việc ác của ông và nói rằng con trai ông sẽ không sống được lâu. Đavít đã ăn năn một cách sâu sắc về tội lỗi của bản thân. Tuy đứa con trai đó đã chết, nhưng Bát Sêba lại sinh cho Đavít một người con trai khác. Đó chính là Salômôn (II Samuên chương 11-12).

Hơn nữa, để hợp nhất các nhóm khác nhau và tạo thành vương quốc, Đavít đã lấy vợ trong số họ và sanh nhiều con cái, nhưng mối quan hệ giữa các con không được tốt đẹp. Con trai thứ ba là Ápsalôm đã giết chết Amnôn, người anh cùng cha khác mẹ của mình, vì Amnôn đã làm nhục Tama, em gái ruột của Ápsalôm. Ápsalôm đã làm hòa với Đavít, cha mình sau khi chịu lưu đày trở về. Ápsalôm nhận được sự yêu mến của dân sự và các thuộc hạ, bèn phản nghịch với Đavít. Đavít phải chạy trốn khỏi Ápsalôm, nhưng cuối cùng đạo quân của Ápsalôm bị thất trận, còn Ápsalôm bị quan tổng binh Giôáp giết chết. Đavít đã than khóc người mà rằng “Ápsalôm, con ta ơi!” (II Samuên chương 13-18).

Người kế tự

<Đavít trao quyền trượng cho Salômôn>, Cornelis de Vos, 1640

Một cuộc chiến giành quyền kế vị nổ ra khi Đavít đã cao tuổi. Salômôn được định sẵn là người nối ngôi Đavít và sẽ xây dựng đền thờ của Đức Chúa Trời,[14] nhưng Ađônigia là con trưởng trong số các con trai còn sống của Đavít tự nghĩ rằng mình sẽ trở thành vua và mở tiệc mừng kế thừa ngôi vị. Nghe được tin tức này, Đavít lập tức cho Salômôn được xức dầu thông qua thầy tế lễ Xađốc để lập người làm vua (I Các Vua chương 1). Trước khi qua đời, Đavít đã dạy dỗ Salômôn bí quyết để có thể sống một cuộc sống đầy phước lành và trăn trối rằng “Hãy giữ điều Giêhôva Đức Chúa Trời muốn con giữ, để đi trong đường lối Ngài, gìn giữ những luật pháp, điều răn, mạng lịnh, và sự dạy dỗ của Ngài, y như đã chép trong luật pháp của Môise, hầu cho con làm điều chi hay là đi nơi nào cũng đều được thành công”.[15]

Thành tựu của Đavít

Chinh phục Siôn (Giêrusalem)

Ysơraên từng được liên kết một cách lỏng lẻo dưới hình thức liên minh giữa các chi phái trong khoảng 200 năm kể từ khi họ định cư ở Canaan sau khi xuất Êdíptô. Việc thiếu một trung tâm hành chính và chính trị cũng là vấn đề lớn. Điểm chung duy nhất giữa các bộ tộc Ysơraên chính là niềm tin vào Đức Giêhôva. Để xây dựng tình đoàn kết giữa các bộ tộc Ysơraên và khiến cho dân sự liên hiệp ở cấp quốc gia thì nhất thiết cần có thủ đô để làm trung tâm của tín ngưỡng quốc gia. Đavít đã chọn thành Siôn, Giêrusalem - thành trung tâm của người Giêbusít, nơi mà người dân Ysơraên vẫn chưa chiếm được. Nơi này nằm trên một sườn núi, là pháo đài kiên cố bất khả xâm phạm mà không ai có thể chinh phục được kể cả trong cuộc chiến lâu dài.[16]

Ngay sau khi lên làm vua, Đavít đã hãm lấy đồn Siôn. Tuy không rõ lối đi nào đã được sử dụng, nhưng họ đã leo lên bức tường đá theo đường để lấy nước và chiếm được một cách dễ dàng. Thành Siôn còn được gọi là “thành Đavít”.[12] Giêrusalem, nơi có thành Siôn, trở thành thủ đô của nước Ysơraên thống nhất. Sau đó, Đavít đã dời hòm giao ước từ nhà của Ôbết Êđôm, người Gát, đến thủ đô mới.[13]

Mở rộng lãnh thổ

Các vùng đất mà Đavít đã chinh phục

Khi nghe tin Đavít lên làm vua, quân đội Philitin đã hai lần liên tiếp tấn công Ysơraên. Quân đội của Đavít đã đẩy lùi quân đội Philitin và đuổi theo họ đến bờ biển.[17] Đavít đã dấy lên cuộc chiến chinh phục Philitin, khiến người Philitin đầu hàng và sáp nhập lãnh thổ Philitin vào lãnh thổ của Ysơraên. Hơn nữa, Đavít cũng xây dựng một đế quốc bằng cách chinh phục các nước xung quanh có thể sẽ đe dọa đến sự an nguy của Ysơraên sau này như Aram - Đamách ở phía bắc (Syria ngày nay), Ammôn và Môáp ở phía đông (Jordan ngày nay), Êđôm ở phía nam (I Sử Ký chương 18-20). Kinh Thánh ghi chép rằng “Đavít đi đến đâu, thì Đức Chúa Trời cũng khiến cho người được thắng”.[18]

Chuẩn bị xây dựng đền thờ

Đavít mua lại sân đạp lúa của Arauna, William Hole

Đavít bận lòng về việc mình ngự trong cung bằng gỗ bá hương, còn hòm giao ước của Đức Chúa Trời thì ở dưới màn trướng, nên người mong muốn xây cất một đền thờ cho Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đẹp lòng về tấm lòng ấy của Đavít nên đã cho phép đền thờ được xây dựng thông qua Salômôn, con trai của Đavít.[19]
Vào cuối thời kỳ trị vì của mình, Đavít đã mua lại sân đạp lúa của Ọtnan (hay Arauna), là người Giêbusít (II Samuên chương 24). Nơi này chính là núi Môria mà xưa kia Ápraham định dâng Ysác làm của lễ thiêu theo lời phán của Đức Chúa Trời. Tại đó, Ápraham đã bắt con chiên đực để dâng tế lễ thay cho Ysác bởi ân huệ của Đức Chúa Trời.[20] Đavít dùng sân đạp lúa của Ọtnan làm vùng đất xây dựng đền thờ. Ông đã sắm sửa thiết kế đền thờ, tài sản cũng như thu gom nguyên vật liệu xây dựng đền thờ và để lại cho Salômôn (I Sử Ký chương 22, chương 28-29). Sau này, khi Salômôn xây xong đền thờ thì đã cho dời hòm giao ước từ thành Đavít, tức là từ thành Siôn vào trong đền thờ.[21]

Phân định các chức vụ phụng sự đền thờ

Phụng sự đền thờ là sứ mệnh được giao phó cho chi phái Lêvi. Đavít phân định những người Lêvi phụng sự trong đền thờ một cách có hệ thống như thầy tế lễ, đội tán dương (một dàn hợp xướng quy mô lớn gồm 4000 người, và 288 người chỉ đạo chuyên môn), kẻ canh cửa đền thờ và cai quản kho vật thánh. Đavít cũng sắp xếp các chức vụ cần thiết trong đền thờ như quan đốc lý và quan xét (I Sử Ký chương 23-27).

Ghi chép nhiều phần trong “Thi Thiên”

Những người ghi chép lại các bài thơ của Đavít (Tác phẩm điêu khắc bằng ngà voi vào thế kỷ 11)

Đavít có tài năng vượt trội về âm nhạc và thơ ca. Ông đã trực tiếp sáng tác nhạc và lời các bài ca cũng như để lại nhiều bài thơ. Một số bài ca và thơ của Đavít vẫn còn trong sách “Thi Thiên” của Kinh Thánh Cựu Ước. 73 trong số 150 chương của “Thi Thiên” (Thi Thiên 3–9, 11–32, 34–41, 51–65, 68–70, 86, 101, 103, 108–110, 122, 124, 131, 133, 138–145) có liên quan đến Đavít.

Bài học

Đức tin trông cậy vào Đức Chúa Trời

Đavít đánh bại Gôliát. Domenico Fetti , khoảng năm 1620

Ngay từ khi còn nhỏ, Đavít đã có đức tin trông cậy tuyệt đối vào Đức Chúa Trời. Đavít khi còn là thiếu niên đã chiến đấu với tên tướng Gôliát người Philitin. Đavít không dựa vào gươm, giáo, khiên hay áo giáp để xông trận, nhưng người nhờ cậy vào Đức Chúa Trời và chỉ cầm trên tay một cái trành ném đá, rồi tiến lên đánh gục Gôliát.[22] Vì đức tin của Đavít không hề thay đổi nên Đức Chúa Trời đã luôn ở cùng và giúp đỡ Đavít.[23]

Rày tôi biết Ðức Giêhôva cứu đấng chịu xức dầu của Ngài; Từ trên trời thánh Ngài sẽ trả lời người, Nhờ quyền năng cứu rỗi của tay hữu Ngài. Kẻ nầy nhờ cậy xe cộ, kẻ khác nhờ cậy ngựa, Nhưng chúng tôi nhờ cậy danh Giêhôva, là Đức Chúa Trời chúng tôi.

- Thi Thiên 20:6–7

Cảm tạ trong mọi sự

Đavít chơi đàn hạc cho Saulơ. Jan van den Hoecke

Có rất nhiều thử thách và gian khổ phía sau cuộc đời của vị vua Đavít vĩ đại. Song Đavít không lằm bằm trong bất cứ khoảnh khắc nào, mà ngược lại đã luôn cảm tạ và tán dương Đức Chúa Trời. Vì ông tin rằng dù hiện tại có khó khăn đi chăng nữa nhưng cuối cùng Đức Chúa Trời cũng sẽ ban phước lành cho.

[Thơ Đavít làm, khi người giả bộ điên dại trước mặt Abimêléc, và bị người đuổi đi] Tôi sẽ chúc tụng Đức Giêhôva luôn, Sự khen ngợi Ngài hằng ở nơi miệng tôi. Linh hồn tôi sẽ khoe mình về Đức Giêhôva, Những người hiền từ sẽ nghe, và vui mừng. Hãy cùng tôi tôn trọng Đức Giêhôva, Chúng ta hãy cùng nhau tôn cao danh của Ngài. Tôi đã tìm cầu Đức Giêhôva, Ngài đáp lại tôi, Giải cứu tôi khỏi các điều sợ hãi... Sư tử tơ bị thiếu kém, và đói; Nhưng người nào tìm cầu Đức Giêhôva sẽ chẳng thiếu của tốt gì.

- Thi Thiên 34:1–10

Tấm lòng hướng đến Đức Chúa Trời

<Bài ca và điệu múa của vua Đavít lúc di chuyển Hòm giao ước>, Pieter van Lint

Đavít được ghi chép trong Kinh Thánh là người yêu mến Đức Chúa Trời hơn bất cứ ai khác. Khi hòm giao ước vào trong thành Siôn, Đavít thậm chí không xem mình là vua, mà đã nhảy múa hết sức trước mặt Đức Chúa Trời trong niềm vui mừng được hầu việc Ngài.[13] Hơn nữa, khi bản thân đang ngự trong cung điện đẹp đẽ bằng gỗ bá hương, ông đã cảm thấy bận lòng khi hòm giao ước của Đức Chúa Trời đang ở trong đền tạm bằng màn trướng, nên Đavít lên kế hoạch xây dựng đền thờ. Trông thấy tấm lòng hết sức kính trọng Đức Chúa Trời của Đavít như vậy, Đức Chúa Trời cũng quý trọng và thương yêu Đavít.

Khi vua đã ngự trong cung mình, và Đức Giêhôva đã giải cứu người khỏi các kẻ thù nghịch chung quanh mình, khiến cho người được bình an, thì vua nói cùng tiên tri Nathan rằng: Hãy xem, ta ngự trong cái cung bằng bá hương, còn hòm của Đức Chúa Trời lại ở dưới màn trướng... Đức Giêhôva vạn quân có phán như vầy: Ta đã gọi ngươi từ giữa đồng cỏ, từ nơi ngươi chăn chiên, đặng lập ngươi làm kẻ dẫn dắt dân Ysơraên của ta. Ta đã ở cùng ngươi trong mọi công việc người làm, tuyệt diệt các kẻ thù nghịch ngươi khỏi trước mặt ngươi, khiến cho ngươi được danh lớn như danh người sang trọng của thế gian.

- II Samuên 7:1–9

Yêu mến điều răn của Đức Chúa Trời hơn vàng ròng

Trong cuộc đời của mình, Đavít luôn lấy luật pháp, điều răn và phép đạo của Đức Chúa Trời làm sự vui mừng. Đavít yêu mến mạng lịnh của Đức Chúa Trời hơn cả vàng ròng và vâng phục theo.

Luật pháp của Đức Giêhôva là trọn vẹn, bổ linh hồn lại; Sự chứng cớ Đức Giêhôva là chắc chắn, làm cho kẻ ngu dại trở nên khôn ngoan. Giềng mối của Đức Giêhôva là ngay thẳng, làm cho lòng vui mừng. Điều răn của Đức Giêhôva trong sạch, làm cho mắt sáng sửa. Sự kính sợ Đức Giêhôva là trong sạch, hằng còn đến đời đời; Các mạng lịnh của Đức Giêhôva là chân thật, thảy đều công bình cả. Các điều ấy quí hơn vàng, thật báu hơn vàng ròng; Lại ngọt hơn mật, hơn nước ngọt của tàng ong. Các điều ấy dạy cho kẻ tôi tớ Chúa được thông hiểu; Ai gìn giữ lấy, được phần thưởng lớn thay.

- Thi Thiên 19:7–11

Trong tình huống có thể giết chết Saulơ, là người đang tìm bắt mình trong khi đang phải sống trốn chạy, Đavít đã không giết Saulơ với lý do vì Saulơ là “người được Đức Giêhôva xức dầu”. Ấy là vì ông đã tôn trọng và coi ý muốn của Đức Chúa Trời cao hơn cả suy nghĩ đến sự an nguy và lập trường của bản thân mình.[9]

Đavít và Đấng Christ

Tượng Đavít bằng đá cẩm thạch. Michelangelo, 1501-1504

Các đấng tiên tri thời đại Cựu Ước đã miêu tả Đấng Mêsi là dòng dõi của Đavít, và cũng tiên tri rằng Đức Chúa Trời sẽ trực tiếp xuất hiện trên thế gian này với tư cách là Đấng Mêsi bằng cách ví với vua Đavít. Đấng làm ứng nghiệm lời tiên tri này chính là Đức Chúa Jêsus.[24]

Lời tiên tri của Êsai

  • “Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ lùng, là Đấng Mưu luận, là Đức Chúa Trời Quyền năng, là Cha Đời đời, là Chúa Bình an. Quyền cai trị và sự bình an của Ngài cứ thêm mãi không thôi, ở trên ngôi Đavít và trên nước Ngài, đặng làm cho nước bền vững, và lập lên trong sự chánh trực công bình, từ nay cho đến đời đời. Thật, lòng sốt sắng của Đức Giêhôva vạn quân sẽ làm nên sự ấy!” (Êsai 9:5-6)
  • “Có một chồi sẽ nứt lên từ gốc Ysai, một nhánh từ rễ nó sẽ ra trái. Thần của Đức Giêhôva sẽ ngự trên Ngài, tức là thần khôn ngoan và thông sáng, thần mưu toan và mạnh sức, thần hiểu biết và kính sợ Đức Giêhôva... Xảy ra trong ngày đó, rễ Ysai đứng lên làm cờ cho muôn dân, các nước đều tìm đến Ngài, nơi an nghỉ của Ngài sẽ được vinh hiển.” (Êsai 11:1–10)
  • “Ấy vậy, ngôi sẽ bởi sự nhân từ mà bền lập; và trong trại Ðavít sẽ có một Ðấng lấy lẽ thật ngồi lên, sẽ đoán xét, sẽ tìm sự ngay thẳng, và vội vàng làm sự công bình.” (Êsai 16:5)
  • “... Ta sẽ lập với các ngươi một giao ước đời đời tức là sự nhân từ chắc thật đã hứa cùng Đavít.” (Êsai 55:3)

Lời tiên tri của Giêrêmi

  • “Đức Giêhôva phán: Nầy, những ngày đến, bấy giờ ta sẽ dấy lên cho Đavít một Nhánh công bình. Ngài sẽ cai trị làm vua, lấy cách khôn ngoan mà ăn ở, làm sự chánh trực công bình trong đất. Ðương đời vương đó, Giuđa sẽ được cứu; Ysơraên sẽ ở yên ổn, và người ta sẽ xưng danh Ðấng ấy là: Ðức Giêhôva sự công bình chúng ta!” (Giêrêmi 23:5–6)
  • “nhưng chúng nó sẽ hầu việc Giêhôva Ðức Chúa Trời mình, và Ðavít, vua mình, mà ta sẽ dấy lên cho.” (Giêrêmi 30:9)
  • “Trong những ngày ấy và kỳ đó, ta sẽ khiến nẩy lên một Nhánh của sự công bình cho Đavít; Đấng ấy sẽ làm ra sự công bình chánh trực trong đất nầy. Trong những ngày đó, Giuđa sẽ được cứu; Giêrusalem sẽ ở an ổn; danh nó sẽ được xưng rằng: Đức Giêhôva, sự công bình chúng ta...” (Giêrêmi 33:15-17)

Lời tiên tri của Êxêchiên

  • “Ta sẽ lập trên chúng nó chỉ một kẻ chăn, người sẽ chăn chúng nó, tức là Ðavít, tôi tớ ta. Ấy là người sẽ chăn chúng nó, người sẽ làm kẻ chăn chúng nó. Ta, Đức Giêhôva, sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó, còn Đavít, tôi tớ ta, sẽ làm vua giữa chúng nó. Ta, Đức Giêhôva, đã phán vậy.” (Êxêchiên 34:23–24)
  • “Tôi tớ ta là Đavít sẽ làm vua trên chúng nó. Hết thảy chúng nó sẽ có chỉ một kẻ chăn; chúng nó sẽ bước theo các mạng lịnh của ta; chúng nó sẽ gìn giữ các luật lệ của ta và làm theo. Chúng nó sẽ ở đất mà ta đã ban cho tôi tớ ta là Giacốp, và là đất tổ phụ con người đã ở. Chúng nó, con cái chúng nó, và con cái của con cái chúng nó sẽ ở đó cho đến đời đời; tôi tớ ta là Đavít sẽ làm vua chúng nó mãi mãi.” (Êxêchiên 37:24–25)

Lời tiên tri của Ôsê

  • “... và Ðavít vua mình. Chúng nó sẽ kính sợ mà trở về cùng Ðức Giêhôva, và được ơn Ngài trong những ngày sau rốt.” (Ôsê 3:5)

Xem thêm

Liên kết ngoài

Chú thích

  1. “Công Vụ Các Sứ Đồ 13:22”. đoạn, Ngài bỏ vua đó, lại lập Ðavít làm vua, mà làm chứng về người rằng: Ta đã tìm thấy Ðavít con của Giesê, là người vừa lòng ta, người sẽ tuân theo mọi ý chỉ ta.
  2. “Mathiơ 1:5–6”. Sanhmôn bởi Raháp sanh Bôô. Bôô bởi Rutơ sanh Ôbết. Ôbết sanh Giesê; Giesê sanh vua Đavít.
  3. “I Samuên 16:10–11”. Ysai biểu bảy con trai mình đi qua trước mặt Samuên như vậy; thì Samuên nói cùng Ysai rằng: Đức Giêhôva chẳng chọn một ai trong chúng nó. Đoạn, Samuên nói cùng Ysai rằng: Hết thảy con trai ngươi là đó sao? Ysai đáp rằng: Hãy còn đứa con út, nhưng nó đi chăn chiên. Samuên nói: Hãy sai gọi nó; chúng ta không ngồi ăn trước khi nó đến.
  4. “I Sử Ký 2:13–16”. Ysai sanh con đầu lòng là Êliáp, con thứ nhì là Abinađáp, thứ ba là Simêa, thứ tư là Nathanaên, thứ năm là Rađai, thứ sáu là Ôxem, thứ bảy là Đavít. Còn Xêrugia và Abigain là chị em của những người ấy...
  5. “I Samuên 17:34–35”. Ðavít tâu cùng Saulơ rằng: Khi tôi tớ vua chăn chiên của cha mình, hễ có sư tử hay là con gấu đến tha một con chiên của bầy, thì tôi đuổi theo, đánh nó, rứt con chiên khỏi miệng nó; hễ nó cất lên cự tôi, tôi nắm râu nó, đánh và giết nó đi.
  6. “I Samuên 22:2”. Phàm kẻ nào bị cùng khốn, kẻ nào mắc nợ, và những người có lòng bị sầu khổ cũng đều nhóm họp cùng người, và người làm đầu họ. Ấy vậy, chung quanh người có chừng bốn trăm nguời.
  7. "David," Encyclopaedia Britannica
  8. “II Samuên 24:11–12”. Vậy, cha ôi! hãy xem cái vạt áo tơi cha mà tôi cầm trong tay; bởi vì tôi có vạt áo tơi của cha, mà không giết cha, thì nhân đó khá biết và nhận rằng nơi tôi chẳng có sự ác, hoặc sự phản nghịch, tôi chẳng có phạm tội gì với cha. Còn cha, lại săn mạng sống tôi để cất nó đi. Đức Giêhôva sẽ đoán xét cha và tôi, Đức Giêhôva sẽ báo thù cha cho tôi, nhưng tôi không tra tay vào mình cha.
  9. 9,0 9,1 I Samuên 26:7–12 "Vậy, Đavít và Abisai lúc ban đêm, vào giữa quân lính, thấy Saulơ đương ngủ, nằm trong đồn, cây giáo cặm dưới đất tại nơi đầu giường. Ápne và quân lính nằm ở xung quanh người... Nhưng Đavít bảo Abisai rằng: Đừng giết người; ai có thế tra tay trên kẻ chịu xức dầu của Đức Giêhôva mà không bị phạt?... Ta xin ngươi chỉ hãy lấy cây giáo nơi đầu giường người cùng cái bình nước, rồi chúng ta hãy đi. Như vậy, Đavít lấy cây giáo và bình nước nơi đầu giường của Saulơ, rồi hai người đi. Không ai thấy hay là biết, và cũng chẳng ai tỉnh thức; hết thảy đều ngủ, vì Đức Giêhôva đã khiến sự ngủ mê giáng trên chúng.”
  10. “II Samuên 5:1–3”. Bấy giờ, hết thảy các chi phái Ysơraên đến cùng Đavít tại Hếprôn, mà nói rằng: Chúng tôi đây vốn là cốt nhục của vua. Đã từ xưa, khi Saulơ còn cai trị chúng tôi, chính vua đã dắt Ysơraên ra trận và đem họ về. Đức Giêhôva có phán cùng vua rằng: Ngươi sẽ chăn dân sự ta, và làm vua của Ysơraên. Vậy, hết thảy các trưởng lão Ysơraên đến cùng vua tại Hếprôn; vua Đavít lập giao ước với họ tại Hếprôn, trước mặt Đức Giêhôva, và chúng xức dầu cho Đavít làm vua của Ysơraên.
  11. “II Samuên 5:4-5”. Khi Ðavít khởi trị vì, tuổi đã được ba mươi; người cai trị bốn mươi năm. Tại Hếprôn, Ðavít trị vì trên Giuđa bảy năm sáu tháng; rồi tại Giêrusalem, người trị vì trên cả dân Ysơraên và Giuđa ba mươi ba năm.
  12. 12,0 12,1 II Samuên 5:6–9 Vua và các thủ hạ kéo đến Giêrusalem, đánh dân Giêbusít, vốn ở tại xứ nầy... Nhưng Đavít hãm lấy đồn Siôn: ấy là thành Đavít... Đavít ở trong đồn, đặt tên là thành Đavít; người xây vách tứ vi từ Milô trở về trong.
  13. 13,0 13,1 13,2 “II Samuên 6:12–21”. Đavít bèn đi thỉnh hòm của Đức Chúa Trời ở nhà Ôbết Êđôm đến trong thành Đavít cách rất vui mừng. Khi những người khiêng hòm của Đức Chúa Trời đã đi sáu bước, thì Đavít tế một con bò đực và một con thú mập béo. Đavít mặc áo êphót vải gai, nhảy múa hết sức tại trước mặt Đức Giêhôva. Ấy Đavít và cả nhà Ysơraên lấy tiếng vui mừng và tiếng kèn thổi mà thỉnh hòm của Đức Giêhôva lên là như vậy... Đavít đáp với Micanh rằng: Ấy tại trước mặt Đức Giêhôva, là Đấng đã chọn lấy ta làm hơn cha nàng và cả nhà người, lập ta làm vua chúa Ysơraên, là dân của Đức Giêhôva; phải, trước mặt Đức Giêhôva, ta có hát múa.
  14. “I Sử Ký 22:9–10”. Kìa, con trai mà ngươi sẽ sanh ra, nó sẽ là người thái bình; ta sẽ ban bình an cho nó; các thù nghịch ở bốn phía nó sẽ chẳng khuấy rối nó; vì tên nó sẽ là Salômôn; trong đời nó ta sẽ ban sự thái bình an tịnh cho Ysơraên. Nó sẽ cất một cái đền cho danh ta; nó sẽ làm con trai ta, ta sẽ làm cha nó; và ta sẽ lập ngôi nước nó trên Ysơraên được bền vững đời đời.
  15. “I Các Vua 2:1–3”. Khi ngày của Đavít hầu trọn, người truyền lịnh cho Salômôn, con trai mình, mà rằng: Ta hầu đi con đường chung của cả thế gian, khá mạnh dạn và nên người trượng phu! Hãy giữ điều Giêhôva Đức Chúa Trời muốn con giữ, để đi trong đường lối Ngài, gìn giữ những luật pháp, điều răn, mạng lịnh, và sự dạy dỗ của Ngài, y như đã chép trong luật pháp của Môise, hầu cho con làm điều chi hay là đi nơi nào cũng đều được thành công.
  16. Jean-Pierre Isbouts, 《Kinh Thánh và lịch sử》, dịch bởi Lee Sang Won, NXB Taurus, 2010, trang 178-183
  17. “II Samuên 5:17–25”. Khi dân Philitin biết Đavít đã chịu xức dầu làm vua Ysơraên rồi, thì kéo ra đặng đánh người... Vậy, Đavít kéo đến BaanhPhêrátsim, là nơi người đánh dân đó; và người nói rằng: Đức Giêhôva đã đánh vỡ các kẻ thù nghịch tôi khỏi trước mặt tôi khác nào nước chảy. Bởi cớ đó, người đặt tên chỗ nầy là Baanh Phêrátsim... Dân Philitin trở lại lần thứ nhì, và bủa ra trong trũng Rêphaim... Đavít làm mọi điều Đức Giêhôva đã phán dặn người; người đánh đuổi dân Philitin từ Ghêba cho đến Ghêxe.
  18. “II Samuên 8:6”. ... Hễ nơi nào Ðavít đi đến, thì Ðức Giêhôva cho người được thắng.
  19. “I Sử Ký 22:6–10”. Bấy giờ, Đavít gọi Salômôn, con trai mình, truyền dặn người cất một cái đền cho Giêhôva Đức Chúa Trời của Ysơraên. Đavít nói với Salômôn rằng: Hỡi con, ta có ý muốn xây cất một cái đền cho danh Giêhôva Đức Chúa Trời ta; nhưng có lời của Đức Giêhôva phán cùng ta rằng: ngươi đã đổ huyết ra nhiều, đánh những giặc lớn lao; vậy vì ngươi đã đổ huyết ra nhiều trên đất tại trước mặt ta, nên ngươi sẽ chẳng cất đền cho danh ta. Kìa, con trai mà ngươi sẽ sanh ra, nó sẽ là người thái bình: ta sẽ ban bình an cho nó; các thù nghịch ở bốn phía nó sẽ chẳng khuấy rối nó; vì tên nó sẽ là Salômôn; trong đời nó ta sẽ ban sự thái bình an tịnh cho Ysơraên. Nó sẽ cất một cái đền cho danh ta; nó sẽ làm con trai ta, ta sẽ làm cha nó; và ta sẽ lập ngôi nước nó trên Ysơraên được bền vững đời đời.
  20. “Sáng Thế Ký 22:2–13”. Ðức Chúa Trời phán rằng: Hãy bắt đứa con một ngươi yêu dấu, là Ysác, và đi đến xứ Môria, nơi đó dâng đứa con làm của lễ thiêu ở trên một hòn núi kia mà ta sẽ chỉ cho... Thiên sứ phán rằng: Ðừng tra tay vào mình con trẻ và chớ làm chi hại đến nó; vì bây giờ ta biết rằng ngươi thật sự kính sợ Ðức Chúa Trời, bởi cớ không tiếc với ta con ngươi, tức là con một ngươi. Ápraham nhướng mắt lên, xem thấy sau lưng một con chiên đực, sừng mắc trong bụi cây, bèn bắt con chiên đực đó dâng làm của lễ thiêu thay cho con mình.
  21. “I Các Vua 8:1, 6”. Bấy giờ, Salômôn vời đến mình, ở tại Giêrusalem, các trưởng lão Ysơraên, hết thảy các quan trưởng của chi phái, và những trưởng tộc của Ysơraên, đặng rước hòm giao ước của Ðức Giêhôva từ thành của Ðavít, tức là Siôn... Những thầy tế lễ đem hòm giao ước của Ðức Giêhôva đến nơi nó, trong nơi chí thánh, dưới cánh chêrubim.
  22. “I Samuên 17:45–54”. Ðavít đáp cùng người Philitin rằng: Ngươi cầm gươm, giáo, lao mà đến cùng ta; còn ta, ta nhân danh Ðức Giêhôva vạn binh mà đến, tức là Ðức Chúa Trời của đạo binh Ysơraên, mà ngươi đã sỉ nhục... Khắp thế gian sẽ biết rằng Ysơraên có một Đức Chúa Trời; và quân lính nầy sẽ thấy rằng Đức Giêhôva không giải cứu bằng gươm, hoặc bằng giáo; vì Đức Giêhôva là Chúa của chiến trận, và Ngài sẽ phó các ngươi vào tay chúng ta. Xảy khi người Philitin đứng dậy, xơm tới đón Đavít, Đavít vội vàng chạy về hướng hàng trận quân nghịch đặng đón người Philitin. Đavít thò tay vào túi mình, lấy một cục đá, ném nó bằng trành, trúng nơi trán người Philitin. Cục đá lọt thấu trong trán, Gôliát té úp mặt xuống đất...
  23. “I Sử Ký 17:8”. phàm nơi nào ngươi đã đi, ta vẫn ở cùng ngươi, trừ diệt các thù nghịch khỏi trước mặt ngươi; ta sẽ làm cho ngươi được danh lớn, như danh của kẻ cao trọng ở trên đất.
  24. “Luca 1:31”. Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Jêsus. Con trai ấy sẽ nên tôn trọng, được xưng là Con của Ðấng Rất Cao; và Chúa, là Ðức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Ðavít là tổ phụ Ngài.