Lễ Vượt Qua
Lễ Vượt Qua (Passover) là lễ trọng thể đầu tiên trong 3 kỳ 7 lễ trọng thể được ghi chép trong Kinh Thánh. Được giữ vào buổi chiều tối ngày 14 tháng 1 thánh lịch, rơi vào khoảng tháng 3 đến tháng 4 theo lịch Gregory (dương lịch). Lễ Vượt Qua thuộc vào kỳ Lễ Bánh Không Men, tức là kỳ 1 khi phân loại 7 lễ trọng thể thành 3 kỳ (Lễ Bánh Không Men, Lễ Bảy Tuần Lễ, Lễ Lều Tạm).
Lễ Vượt Qua | |
---|---|
Tên gọi | Lễ Vượt Qua, Passover |
Ngày tháng | Chiều tối ngày 14 tháng 1 thánh lịch |
Khởi nguyên | Giải phóng khỏi xứ Êdíptô |
Nghi thức Cựu Ước | Rưới huyết chiên và ăn thịt chiên quay trên lửa |
Nghi thức Tân Ước | Ăn bánh và uống rượu nho tượng trưng cho thịt và huyết của Đức Chúa Jêsus sau nghi thức rửa chân. |
Ứng nghiệm lời tiên tri | Giải phóng ra khỏi thế gian tội ác |
Phước lành | Sự tha tội, sự sống đời đời, được bảo vệ khỏi tai ương, làm trọn vẹn điều răn thứ nhất |
Lễ Vượt Qua là lẽ thật cốt lõi của giao ước mới do Đức Chúa Trời lập nên vì sự cứu rỗi nhân loại. Vào chiều tối ngày 14 tháng 1 thánh lịch, Đức Chúa Jêsus Christ đã giữ Lễ Vượt Qua cùng với các môn đồ bằng bánh và rượu nho tượng trưng cho thịt và huyết của Ngài, bởi đó Ngài lập ra giao ước mới. Người dân Ysơraên thời đại Cựu Ước đã giữ Lễ Vượt Qua rồi được giải phóng khỏi xứ Êdíptô (Ai Cập) và đi vào xứ Canaan. Cũng vậy, các thánh đồ thời đại Tân Ước giữ Lễ Vượt Qua giao ước mới để nhận được sự sống đời đời, được giải phóng khỏi thế gian tội ác rồi đi vào Nước Thiên Đàng.
Khởi nguyên và ý nghĩa của Lễ Vượt Qua
Khởi nguyên và ý nghĩa
Lễ Vượt Qua bắt nguồn từ lịch sử người dân Ysơraên đang làm nô lệ trong xứ Êdíptô đã được bảo hộ khỏi tai vạ và được giải phóng nhờ giữ Lễ Vượt Qua. Ngay cả tên gọi của Lễ Vượt Qua có nghĩa là “Vượt qua tai vạ” cũng bắt nguồn từ lịch sử này. Trong tiếng Hán gọi là “Du Việt (Du 逾: quá, vượt ra ngoài, việt 越: vượt quá)” có nghĩa là “vượt qua”. Theo tiếng Hêbơrơ gọi Lễ Vượt Qua là Pesach (פֶּסַח),[1] được phát sinh từ động từ Pasach (פָּסַח)[2] có nghĩa là “đi qua” hoặc “vượt qua”. Còn trong tiếng Hy Lạp là Pasca (πασχα), tiếng Anh là Passover. Tất cả đều mang ý nghĩa là “vượt qua (tai vạ)”.
Cách viết Lễ Vượt Qua theo từng ngôn ngữ
Lễ Vượt Qua được đề cập đến trong Xuất Êdíptô Ký được viết theo từng ngôn ngữ như sau.
Ngôn ngữ | Biểu thị |
---|---|
Tiếng Hêbơrơ | Pesach (פֶּסַח) |
Tiếng Gờréc | Pasca (πασχα) |
Tiếng Hàn | 유월절 (Một số bản dịch là 과월절) |
Tiếng Anh | Passover |
Tiếng Tây Ban Nha | Pascua |
Tiếng Hà Lan | het Joodse Paasfeest |
Tiếng Na Uy | påske |
Tiếng Đức | Pạssah•fest |
Tiếng Latinh | Pascha |
Tiếng Nga | еврейская пасха |
Tiếng Romania | Pesah |
Tiếng Mông Cổ | Дээгүүр өнгөрөх баяр |
Tiếng Swahili | Pasaka ya Kiyahudi |
Tiếng Thụy Điển | påskhögtid |
Tiếng Ukraine | Песах |
Tiếng Ý | pasqua ebraica |
Tiếng Indonesia | Paskah |
Tiếng Nhật | 過越祭 (すぎこしさい) |
Tiếng Trung (giản thể) | 逾越节 |
Tiếng Cộng Hòa Séc | pesach |
Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ | Fısıh Bayramı, Hamursuz Bayramı |
Tiếng Pherơsơ (Ba Tư) | فصح[fesh] |
Tiếng Bồ Đào Nha | páscoa |
Tiếng Ba Lan | Pascha (święto w judaizmie) |
Tiếng Pháp | Pâque |
Tiếng Phần Lan | pääsiäinen |
Tiếng Hungary | Páska |
Lễ Vượt Qua thời đại Cựu Ước
Nghi thức
Bắt chiên đực giáp niên, rồi quay trên lửa và ăn với bánh không men cùng rau đắng vào buổi chiều tối ngày 14 tháng 1 thánh lịch. Thịt chiên không được để đến sáng mai. Không được bẻ gãy xương của chiên con Lễ Vượt Qua.[3][4][5]
Lịch sử Lễ Vượt Qua vào thời đại Cựu Ước
- Xuất Êdíptô
Lễ Vượt Qua được giữ lần đầu tiên vào thời đại Môise khoảng thế kỷ 15 TCN. Đức Chúa Trời đã giáng mười tai vạ xuống xứ Êdíptô nhằm giải phóng người dân Ysơraên khỏi sinh hoạt nô lệ trong xứ Êdíptô suốt 400 năm. Trong đó, Ngài đã khiến dân Ysơraên giữ Lễ Vượt Qua trước khi giáng xuống tai vạ thứ mười, là tai vạ giết chết các con đầu lòng.
... ấy là lễ Vượt qua của Ðức Giêhôva. Ðêm đó ta sẽ đi qua xứ Êdíptô, hành hại mọi con đầu lòng xứ Êdíptô, từ người ta cho đến súc vật; ta sẽ xét đoán các thần của xứ Êdíptô; ta là Ðức Giêhôva. Huyết bôi trên nhà các ngươi ở, sẽ dùng làm dấu hiệu; khi ta hành hại xứ Êdíptô, thấy huyết đó, thì sẽ vượt qua, chẳng có tai nạn hủy diệt các ngươi. Các ngươi hãy ghi ngày đó làm kỷ niệm; trải các đời hãy giữ làm một lễ cho Ðức Giêhôva, tức là một lễ lập ra đời đời.
Vào buổi chiều tối ngày 14 tháng 1 thánh lịch, dân Ysơraên bắt chiên đực giáp niên không tì vết, lấy huyết nó bôi lên hai cây cột và mày cửa nhà, rồi ăn thịt chiên quay trên lửa.[6] Trong đêm Lễ Vượt Qua, tai vạ đã giáng xuống giết chết hết thảy mọi con đầu lòng trong nhà của người Êdíptô. Từ con trưởng của Pharaôn cho đến con trưởng của người bị tù, kể cả con đầu lòng của súc vật đều chết, và có tiếng than khóc lớn ở Êdíptô.[7] Còn người dân Ysơraên giữ Lễ Vượt Qua thì được bảo hộ khỏi tai ương theo lời hứa của Đức Chúa Trời và không có nhà nào bị chết cả. Ngày hôm sau, người dân Ysơraên ra khỏi Êdíptô trong niềm vui được tự do và giải phóng, họ khởi hành hướng đến Canaan vùng đất hứa.
- Thời đại đồng vắng
Sau khi được giải phóng khỏi xứ Êdíptô, người dân Ysơraên hoàn thành công việc dựng nên đền tạm vào ngày 1 tháng 1 năm sau,[8] và giữ Lễ Vượt Qua lần thứ hai vào ngày 14 tháng đó trong đồng vắng Sinai.[9] Đối với những người không thể giữ Lễ Vượt Qua do bị ô uế bởi xác chết hoặc mắc đi xa, Đức Chúa Trời đã cho họ giữ Lễ Vượt Qua theo cùng một lệ định đồng nhất vào buổi chiều tối ngày 14 tháng 2. Thêm vào đó, Ngài cảnh báo rằng người dân của Đức Chúa Trời nhất định phải giữ Lễ Vượt Qua, người nào không giữ Lễ Vượt Qua sẽ bị truất khỏi vòng dân sự.[10]
Tuy nhiên, trong Kinh Thánh không có ghi chép nào cho thấy dân Ysơraên đã giữ Lễ Vượt Qua trong suốt 38 năm đi trên đồng vắng sau khi giữ Lễ Vượt Qua vào năm thứ hai. Đến cuối thời đại đồng vắng, Đức Chúa Trời phán dặn dân Ysơraên phải làm phép cắt bì ngay trước khi vượt qua sông Giôđanh để tiến vào Giêricô. Ấy là vì hết thảy mọi người nam trên 20 tuổi ra khỏi xứ Êdíptô đều đã chết trong đồng vắng, ngoại trừ Giôsuê và Calép,[11] còn những người sinh ra trong đồng vắng vẫn chưa chịu phép cắt bì.[12] Vì duy chỉ những người chịu phép cắt bì mới được giữ Lễ Vượt Qua, nên việc họ không chịu phép cắt bì có nghĩa là họ đã không giữ Lễ Vượt Qua trong suốt thời gian đó.[13] Sau khi chịu phép cắt bì và giữ Lễ Vượt Qua tại đồng bằng Giêricô, dân Ysơraên đã tiến vào xứ Canaan trong năm đó.[14]
- Thời vua Êxêchia
Chúng ta có thể tìm thấy lịch sử quyền năng của Đức Chúa Trời được tỏ ra bởi Lễ Vượt Qua vào thời đại vua Êxêchia, khoảng 800 năm sau thời đại Môise. Êxêchia là vua thứ 13 của vương quốc Nam Giuđa. Đương thời, nước Ysơraên đã bị phân chia thành vương quốc Nam Giuđa và vương quốc Bắc Ysơraên.
Vua Êxêchia ngay khi lên ngôi đã quyết định giữ Lễ Vượt Qua với tấm lòng mong muốn quốc gia được bình ổn và được nhận sự bảo hộ của Đức Chúa Trời. Êxêchia đã sai các trạm đến toàn lãnh thổ Nam Giuđa và Bắc Ysơraên để rao truyền tin tức hãy trở lên Giêrusalem đặng giữ Lễ Vượt Qua. Tuy nhiên, sau khi vương quốc bị phân chia, hầu như người dân Bắc Ysơraên đã không hề giữ Lễ Vượt Qua trong suốt 250 năm, nên họ đã chê cười và nhạo báng các trạm đưa tin. Rốt cuộc, chỉ người dân Nam Giuđa đã giữ Lễ Vượt Qua cùng một số người dân Bắc Ysơraên đã đến Giêrusalem.[15] Sau khi giữ Lễ Vượt Qua, người dân phá hủy bàn thờ dâng tế lễ cho hình tượng và thần khác mà họ đã từng hầu việc bấy lâu nay.[16]
Ba năm sau, Asiri (Assyria), một cường quốc hùng mạnh lúc bấy giờ, đã xâm lược Bắc Ysơraên. Họ bao vây thủ đô Samari và chiếm lấy chỉ trong vòng 3 năm vây hãm. Bắc Ysơraên, nơi không giữ Lễ Vượt qua, đã bị tiêu diệt hoàn toàn vào khoảng năm 721 TCN.[17] Kinh Thánh giải thích về nguyên nhân sâu xa khiến Bắc Ysơraên bị hủy diệt là vì họ đã phản bội giao ước của Đức Chúa Trời.[18]
Năm thứ 14 đời Êxêchia, quân đội Asiri cũng xâm lược Nam Giuđa, chinh phục nhiều thành ấp và tiến đến bao vây thủ đô Giêrusalem. Đức Chúa Trời đã hứa sự cứu rỗi cho Nam Giuđa, nơi giữ Lễ Vượt Qua nên Ngài đã sai thiên sứ đến tiêu diệt quân đội của Asiri. 185.000 quân lính bị giết chỉ trong một đêm và quân đội Asiri phải rút lui.[19] Nam Giuđa đã được bảo vệ khỏi tai vạ theo như lời hứa được chứa đựng trong Lễ Vượt Qua và thoát khỏi nguy cơ diệt vong.
- Thời đại Giôsia
Vương quốc Nam Giuđa sau thời vua Êxêchia đã không giữ Lễ Vượt Qua và lại dựng lên những hình tượng mà Êxêchia đã phá hủy. Giôsia, chắt của Êxêchia, là vua thứ 16 của nước Nam Giuđa, đã đọc sách luật pháp được tìm thấy trong khi sửa chữa đền thờ vào năm thứ 18 sau khi lên ngôi, và đã nhận ra Lễ Vượt Qua.[20] Sau khi Giôsia và dân sự quyết tâm giữ Lễ Vượt Qua, họ đã hủy phá các hình tượng mà họ từng không biết và hầu việc trong đền thờ của Đức Chúa Trời.[21] Khi giữ Lễ Vượt Qua xong, họ trừ diệt hết thảy mọi hình tượng thấy được trong đất Ysơraên và Giuđa. Từ thời các quan xét cho tới khi ấy, đã không hề có ai giữ Lễ Vượt Qua như Giôsia đã giữ. Vì thế, Giôsia được ghi chép trong Kinh Thánh là vị vua hết lòng, hết ý, hết sức mình làm theo trọn vẹn mọi luật pháp của Đức Chúa Trời.[22]
Lễ Vượt Qua thời đại Tân Ước
Nghi thức
Sau khi cử hành nghi thức rửa chân vào buổi tối ngày 14 tháng 1 thánh lịch,[23] thì ăn bánh và uống rượu nho tượng trưng cho thịt và huyết của Đức Chúa Jêsus là thực thể của chiên con Lễ Vượt Qua.[24]
Lễ Vượt Qua giao ước mới của Đức Chúa Jêsus Christ
Lịch sử dân Ysơraên được giải phóng khỏi xứ Êdíptô sau khi giữ Lễ Vượt Qua là lời tiên tri về việc Đức Chúa Jêsus Christ lập ra Lễ Vượt Qua giao ước mới để giải phóng nhân loại khỏi thế gian tội ác. Đức Chúa Jêsus Christ sai Phierơ và Giăng đi chuẩn bị Lễ Vượt Qua vào ngày người ta bắt chiên, tức ngày 14 tháng 1 thánh lịch.[25] Vào buổi tối hôm ấy, Đức Chúa Jêsus Christ đã giữ Lễ Vượt Qua cùng với các môn đồ sau khi trực tiếp rửa chân cho họ tại phòng cao của Mác.[23] Đức Chúa Jêsus Christ đã phán rằng bánh của Lễ Vượt Qua là thịt Ngài, và rượu nho của Lễ Vượt Qua là huyết Ngài đã đổ ra cho nhiều người được tha tội,[24] và tuyên bố giao ước mới.
Ðến giờ, Ngài ngồi bàn ăn, các sứ đồ cùng ngồi với Ngài. Ngài phán rằng: Ta rất muốn ăn lễ Vượt qua nầy với các ngươi trước khi ta chịu đau đớn... Ðoạn, Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn xong, bẻ ra phân phát cho môn đồ, mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, đã vì các ngươi mà phó cho; hãy làm sự nầy để nhớ đến ta. Khi ăn xong, Ngài cũng làm như vậy, lấy chén đưa cho môn đồ, mà phán rằng: Chén nầy là giao ước mới trong huyết ta vì các ngươi mà đổ ra.
Đức Chúa Jêsus Christ đã nhấn mạnh về rượu nho của Lễ Vượt Qua rằng “Chén nầy là giao ước mới trong huyết ta”, và cũng phán rằng rất muốn ăn Lễ Vượt Qua này. Điều này cho biết rằng Lễ Vượt Qua giao ước mới chính là trọng tâm của giao ước mới. Vào hôm sau ngày Lễ Vượt Qua, Đức Chúa Jêsus Christ đã hy sinh trên thập tự giá với tư cách là thực thể của chiên con Lễ Vượt Qua. Quân lính La Mã đã đánh gãy xương của hai tên trộm cướp bị treo trên thập tự giá bên tả và bên hữu Đức Chúa Jêsus, nhưng Đức Chúa Jêsus không bị đánh gãy xương, mà bị đâm vào sườn bằng giáo. Điều này là sự ứng nghiệm lời tiên tri rằng chẳng nên bẻ gãy những xương của chiên Lễ Vượt Qua.[26]
Hội Thánh sơ khai giữ gìn giao ước mới
Lịch sử giữ Lễ Vượt Qua lần thứ hai trong đồng vắng Sinai vào năm kế tiếp sau khi dân Ysơraên ra khỏi Êdíptô là lời tiên tri về sự các sứ đồ và các thánh đồ Hội Thánh sơ khai sẽ giữ Lễ Vượt qua giao ước mới vào buổi chiều tối ngày 14 tháng giêng thánh lịch hàng năm sau khi Đức Chúa Jêsus thăng thiên. Sứ đồ Phaolô nhấn mạnh rằng chúng ta phải giữ Lễ Vượt Qua vì Đấng Christ đã hy sinh với tư cách là thực thể của chiên con Lễ Vượt Qua.[27] Sứ đồ còn rao truyền rằng mỗi khi ăn bánh và uống rượu nho vào đêm mà Đức Chúa Jêsus bị bắt, tức là vào đêm Lễ Vượt Qua thì kỷ niệm sự hy sinh của Đức Chúa Jêsus và phải giữ Lễ Vượt Qua cho đến ngày Chúa đến.
Vả, tôi có nhận nơi Chúa điều tôi đã dạy cho anh em: Ấy là Đức Chúa Jêsus, trong đêm Ngài bị nộp (Lễ Vượt Qua), lấy bánh, tạ ơn, rồi bẻ ra mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, vì các ngươi mà phó cho; hãy làm điều nầy để nhớ ta... Chén nầy là sự giao ước mới trong huyết ta; hễ khi nào các ngươi uống, hãy làm điều nầy để nhớ ta. Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến.
Phước lành của Lễ Vượt Qua
Nước Thiên Đàng
Lịch sử 40 năm trong đồng vắng của người dân Ysơraên sau khi ra khỏi xứ Êdíptô cho thấy trước những sự kiện sẽ xảy ra vào thời đại Tân Ước.[28] Người dân Ysơraên được giải phóng khỏi xứ Êdíptô sau khi giữ Lễ Vượt Qua, rồi trải qua cuộc sống đồng vắng trong 40 năm và đi vào xứ Canaan, lịch sử ấy chính là lời tiên tri về việc các thánh đồ thời đại Tân Ước được giải thoát khỏi thế gian tội ác nhờ giữ Lễ Vượt Qua, sau khi trải qua đồng vắng đức tin, họ sẽ được đi vào Nước Thiên Đàng, là xứ Canaan phần linh hồn.[29][30]
Giống như không có bất cứ ghi chép nào về việc người dân Ysơraên giữ Lễ Vượt Qua cho đến tận trước khi họ đi vào xứ Canaan sau khi giữ Lễ Vượt Qua lần thứ hai trong đồng vắng Sinai, thì kể cả vào thời đại Tân Ước, Lễ Vượt Qua đã không được giữ trong suốt khoảng 1600 năm từ sau Hội nghị tôn giáo Nicaea vào năm 325. Dân Ysơraên đã giữ Lễ Vượt Qua ngay trước khi đi vào Canaan. Đây là lời tiên tri cho thấy rằng các thánh đồ thời đại Tân Ước sẽ khôi phục Lễ Vượt Qua giao ước mới đã không được giữ trong suốt khoảng thời gian dài, ngay trước khi đi vào Nước Thiên Đàng, là xứ Canaan trên trời.[31] Giống như dân Ysơraên đã giữ Lễ Vượt Qua rồi được đi vào Canaan, các thánh đồ giữ Lễ Vượt Qua giao ước mới vào thời đại Tân Ước mới có thể đi vào Nước Thiên Đàng là xứ Canaan phần linh hồn.
Sự tha tội
Kinh Thánh chép rằng nhân loại phải chịu sự chết vì tội lỗi.[32] Nhân loại không thể tránh khỏi sự chết, suốt đời bị trói buộc và làm nô lệ cho tội lỗi.[33] Con đường duy nhất được giải phóng khỏi tội lỗi là nhờ vào công lao huyết quý báu của Đấng Christ đổ ra trên thập tự giá.[34] Đức Chúa Jêsus Christ phán rằng rượu nho của Lễ Vượt Qua chính là huyết Ngài đã đổ ra cho nhiều người được tha tội. Vì thế, chúng ta phải giữ Lễ Vượt Qua thì mới được nhận lấy huyết của Đấng Christ và được nhận sự tha tội. Người dân Ysơraên giữ Lễ Vượt Qua vào thời đại Cựu Ước rồi được giải phóng khỏi Êdíptô, giống như vậy người giữ Lễ Vượt Qua giao ước mới vào thời đại Tân Ước sẽ được giải phóng khỏi thế gian tội ác.[35]
Sự sống đời đời
Nếu tội lỗi - nguyên nhân dẫn đến sự chết, bị biến mất đi thì chúng ta sẽ được sự sống đời đời. Vì thế, nếu được nhận sự tha tội thì sẽ được nhận phước lành sự sống đời đời. Bởi đó, Đức Chúa Jêsus Christ đã phán rằng ai ăn thịt và uống huyết Ngài bằng cách giữ gìn Lễ Vượt Qua giao ước mới thì được sự sống đời đời.
Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng họ rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không ăn thịt của Con người, cùng không uống huyết Ngài, thì chẳng có sự sống trong các ngươi đâu. Ai ăn thịt và uống huyết ta thì được sự sống đời đời; nơi ngày sau rốt, ta sẽ khiến người đó sống lại.
Sở dĩ Ngài ban sự sống đời đời thông qua Lễ Vượt Qua giao ước mới là vì Nước Thiên Đàng - nơi mà nhân loại đang trông mong chính là nơi không có sự chết.[36] Bằng thân thể sự chết không thể tránh khỏi cái chết vào một lúc nào đó thì không thể đi vào Nước Thiên Đàng, nên Đức Chúa Trời mới ban cho người dân của Ngài phước lành sự sống đời đời thông qua Lễ Vượt Qua giao ước mới.
Tai vạ vượt qua
Lễ Vượt Qua là dấu quyền năng của Đức Chúa Trời khiến cho tai vạ vượt qua. Trong Kinh Thánh có ghi chép lịch sử người dân của Đức Chúa Trời được bảo vệ khỏi tai vạ sau khi giữ Lễ Vượt Qua. Dân Ysơraên giữ Lễ Vượt Qua vào đương thời Xuất Êdíptô đã được bảo hộ trong tai vạ giết chết các con đầu lòng,[37] khi quân đội Asiri tấn công vương quốc Nam Giuđa, vua Êxêchia và dân Giuđa đã giữ Lễ Vượt Qua nên được bảo hộ bởi sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời.[15][19]
Vào thời đại Tân Ước, những người giữ Lễ Vượt Qua giao ước mới được bảo vệ khỏi tai vạ cuối cùng. Người nào ăn thịt và uống huyết của Đức Chúa Jêsus Christ thông qua bánh và rượu nho của Lễ Vượt Qua sẽ là sở hữu của Đức Chúa Trời vì được ở trong Đức Chúa Trời.[38] Đức Chúa Trời đã hứa rằng sẽ bảo hộ những người thuộc sở hữu của Ngài khỏi tai vạ.[39]
Làm hoàn thành điều răn thứ nhất
Lời “Trước mặt ta ngươi chớ có các thần khác” là điều răn thứ nhất trong Mười Điều Răn, có bao gồm mệnh lệnh rằng chớ hầu việc thần khác và chỉ hầu việc Đức Chúa Trời mà thôi. Lễ Vượt Qua là lẽ thật đặc biệt khiến cho các thần khác bị hủy diệt và chỉ còn lại Đức Chúa Trời. Ấy là vì từ thời Xuất Êdíptô, Lễ Vượt qua đã được thiết lập như là ngày giáng hình phạt xuống các thần khác.[37] Khi tất cả các thần khác bị xét đoán bởi Lễ Vượt Qua, thì chỉ còn lại Đức Chúa Trời, nếu nhận biết và giữ Lễ Vượt Qua thì sẽ không hầu việc các thần khác mà chỉ hầu việc Đức Chúa Trời thôi. Lịch sử các thần của Êdíptô bị hủy diệt vào đêm Lễ Vượt Qua trong thời đại Môise và lịch sử các hình tượng bị trừ diệt, người dân chỉ hầu việc Đức Chúa Trời sau khi giữ Lễ Vượt Qua vào thời đại Êxêchia và Giôsia là các sự việc điển hình. Ngay cả vào thời đại Tân Ước, nếu giữ Lễ Vượt Qua giao ước mới thì có thể giữ trọn vẹn điều răn thứ nhất của Đức Chúa Trời.
Xem thêm
Video liên quan
- Giảng đạo: Lễ tiệc thánh Lễ Vượt Qua mà Ngài phán dặn hãy giữ
Chú thích
- ↑ 6453. pesach, Bible Hub
- ↑ 6452. pasach, Bible Hub
- ↑ “Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:1-7”.
Hãy giữ tháng lúa trổ làm lễ Vượt qua cho Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi, vì ấy trong tháng lúa trỗ, mà Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi, đương ban đêm đem ngươi ra khỏi xứ Êdíptô. Tại trong nơi mà Đức Giêhôva sẽ chọn để danh Ngài ở, ngươi phải dùng con sinh bằng bầy chiên và bầy bò, dâng làm lễ Vượt qua cho Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi. Với lễ Vượt qua, chớ ăn bánh pha men;... thịt con sinh mà ngươi đã giết lúc chiều của ngày thứ nhứt, thì chớ để đến sáng mai. Ngươi không được giết con sinh về lễ Vượt qua trong một thành nào mà Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi ban cho ngươi; nhưng chỉ trong nơi mà Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi sẽ chọn để danh Ngài ở; ấy là nơi mà ngươi phải giết con sinh về lễ Vượt qua, vào lối chiều, vừa khi mặt trời lặn, nhằm giờ mà ngươi đã ra khỏi xứ Êdíptô. Phải nấu thịt con sinh, và ăn tại trong nơi mà Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi sẽ chọn, rồi sáng mai trở về trại mình.
- ↑ “Dân Số Ký 9:11-12”.
Mấy người đó phải giữ lễ nầy ngày mười bốn tháng hai, vào buổi chiều tối, ăn bánh không men cùng rau đắng, chớ nên để chi còn dư lại đến sáng mai, và cũng chẳng nên bẻ gãy những xương; phải giữ theo mọi luật lệ về lễ Vượt qua vậy.
- ↑ “Xuất Êdíptô Ký 12:42-47”.
... Đức Giêhôva phán cùng Môise và Arôn rằng: Đây là luật lệ về lễ Vượt qua... Lễ đó chỉ ăn nội trong nhà; ngươi đừng đem thịt ra ngoài, và cũng đừng làm gãy một cái xương nào. Hết thảy hội chúng Ysơraên phải giữ lễ Vượt qua.
- ↑ “Xuất Êdíptô Ký 12:5-11”.
Các ngươi hãy bắt hoặc trong bầy chiên, hoặc trong bầy dê, chiên con đực hay là dê con đực... đoạn để dành cho đến ngày mười bốn tháng nầy; rồi cả hội chúng Ysơraên sẽ giết nó, vào lối chiều tối. Họ sẽ lấy huyết đem bôi trên hai cây cột và mày cửa của nhà nào ăn thịt chiên con đó. Đêm ấy họ sẽ ăn thịt chiên quay với bánh không men và rau đắng... ấy là lễ Vượt qua của Đức Giêhôva.
- ↑ “Xuất Êdíptô Ký 12:29-30”.
Vả, khi giữa đêm, Ðức Giêhôva hành hại mọi con đầu lòng tại xứ Êdíptô, từ thái tử của Pharaôn ngồi trên ngai mình, cho đến con cả người bị tù, và hết thảy con đầu lòng của súc vật... có tiếng kêu la inh ỏi trong xứ Êdíptô, vì chẳng một nhà nào là không có người chết.
- ↑ “Xuất Êdíptô Ký 40:17”.
Ðến ngày mồng một tháng giêng về năm thứ hai, thì đền tạm đã dựng.
- ↑ “Dân Số Ký 9:1-5”.
Tháng giêng năm thứ hai, sau khi ra khỏi xứ Êdíptô, Ðức Giêhôva lại phán cùng Môise trong đồng vắng Sinai rằng: Dân Ysơraên phải giữ lễ Vượt qua theo kỳ nhứt định. Các ngươi phải giữ lễ đó theo kỳ nhứt định... Dân Ysơraên giữ lễ Vượt qua trong tuần tháng giêng; ngày mười bốn, vào buổi chiều tối, tại đồng vắng Sinai, làm y mọi điều Ðức Giêhôva đã phán dặn Môise.
- ↑ “Dân Số Ký 9:9-13”.
Đức Giêhôva bèn phán cùng Môise rằng: hãy nói cùng dân Ysơraên rằng: Khi một người trong vòng các ngươi hay là trong vòng hậu đại các ngươi bị ô uế vì cớ xác chết, hoặc mắc đi xa, thì cũng buộc phải giữ lễ Vượt qua cho Ðức Giêhôva. Mấy người đó phải giữ lễ nầy ngày mười bốn tháng hai, vào buổi chiều tối... phải giữ theo mọi luật lệ về lễ Vượt qua vậy. Nhưng còn ai tinh sạch và không có đi xa, nếu chẳng giữ lễ Vượt qua thì sẽ bị truất khỏi dân sự mình...
- ↑ “Dân Số Ký 14:29-30”.
những thây các ngươi sẽ ngã nằm trong đồng vắng nầy. Các ngươi mà người ta đã tu bộ, hết thảy bao nhiêu cũng vậy, từ hai mươi tuổi sắp lên, là những kẻ đã lằm bằm cùng ta, thì chẳng hề được vào xứ mà ta đã thề cho các ngươi ở, ngoại trừ Calép, con trai của Giêphunê, và Giôsuê, con trai của Nun.
- ↑ “Giôsuê 5:2-5”.
Trong lúc đó Ðức Giêhôva phán cùng Giôsuê rằng: Hãy sắm sửa dao bằng đá lửa, và làm phép cắt bì lần thứ nhì cho dân Ysơraên... Nầy là cớ Giôsuê làm phép cắt bì cho họ: Các người nam trong dân chúng đã ra khỏi xứ Êdíptô, tức là các chiến sĩ, đều đã chết dọc đường trong đồng vắng, sau khi ra khỏi xứ Êdíptô. Vả, hết thảy dân chúng mà đã ra khỏi xứ Êdíptô đều có chịu phép cắt bì; nhưng sau khi ra khỏi xứ Êdíptô người ta không có làm phép cắt bì cho một ai trong những người sanh ra dọc đường tại nơi đồng vắng.
- ↑ “Xuất Êdíptô Ký 12:48”.
Khi một khách ngoại bang nào kiều ngụ nhà ngươi, muốn giữ lễ Vượt qua của Ðức Giêhôva, thì mọi người nam của họ phải chịu phép cắt bì; đoạn, họ mới được đến gần giữ lễ nầy, và được coi như người sanh trong xứ. Nhưng ai không chịu phép cắt bì, thì chẳng được ăn đâu.
- ↑ “Giôsuê 5:10-12”.
Dân Ysơraên đóng trại tại Ghinh ganh trong đồng bằng Giêricô và giữ lễ Vượt qua nhằm ngày mười bốn tháng nầy, vào lối chiều tối... vậy, dân Ysơraên không có mana nữa, nhưng trong năm đó ăn những thổ sản của Canaan.
- ↑ 15,0 15,1 “II Sử Ký 30:1-12”.
Êxêchia sai sứ đến cả Ysơraên và Giuđa, cũng viết thư cho người Épraim và người Manase, đòi chúng tới đền Đức Giêhôva, tại Giêrusalem, đặng giữ lễ Vượt qua cho Giêhôva Đức Chúa Trời của Ysơraên... Các trạm đi thành nầy qua thành kia, trong khắp xứ Épraim, Manase, và cho đến đất Sabulôn; song người ta chê cười nhạo báng chúng. Dầu vậy, cũng có mấy người trong Ase, Manase, và Sabulôn chịu hạ mình xuống và đến Giêrusalem. Đức Chúa Trời cũng cảm động người Giuđa, đồng lòng vâng mạng lịnh của vua và các quan trưởng đã truyền ra, theo lời của Đức Giêhôva.
- ↑ “II Sử Ký 31:1”.
Khi các việc ấy đã xong, những người Ysơraên có mặt tại đó đi ra các thành Giuđa, đập bể những trụ thờ, đánh đổ các thần Asêra, phá dỡ những nơi cao, và các bàn thờ trong khắp đất Giuđa, Bêngiamin, Épraim, và Manase, cho đến khi đã phá hủy hết thảy. Đoạn, hết thảy dân Ysơraên ai nấy đều trở về thành mình, về nơi sản nghiệp mình.
- ↑ "Introduction to 1-2 Kings", ESV
- ↑ “II Các Vua 18:9-12”.
Xảy ra năm thứ tư đời Êxêchia, nhằm năm thứ bảy đời Ôsê, con trai Êla, vua Ysơraên, thì Sanhmanasa, vua Asiri, đi lên đánh Samari và vây nó. Cuối ba năm, người hãm lấy: ấy vậy nhằm năm thứ sáu đời Êxêchia, năm thứ chín đời Ôsê, vua Ysơraên, thì Samari bị chiếm lấy. Vua Asiri đem dân Ysơraên qua Asiri, đặt tại Chala và trên bờ Chabo, sông xứ Gôxan, cùng trong các thành của Mêđi; ấy vì chúng không có vâng theo lời phán của Giêhôva Ðức Chúa Trời mình, nhưng bội giao ước Ngài, không khứng nghe, và chẳng làm theo các điều mà Môise, tôi tớ của Ðức Giêhôva, đã truyền cho.
- ↑ 19,0 19,1 “II Các Vua 19:30-35”.
Vua đứng trên tòa, lập giao ước trước mặt Đức Giêhôva, hứa đi theo Đức Giêhôva, hết lòng hết ý gìn giữ những điều răn, chứng cớ, và luật lệ của Ngài, và làm hoàn thành lời giao ước đã chép trong sách này. Cả dân sự đều ưng lời giao ước ấy. Vua bèn truyền lịnh cho thầy tế lễ thượng phẩm Hinhkia, cho mấy thầy phó tế, và các người giữ cửa đền thờ, cất khỏi đền thờ của Đức Giêhôva hết thảy những khí giới người ta làm đặng cúng thờ Baanh, Áttạttê, và cả cơ binh trên trời. Người bảo thiêu các vật đó ngoài Giêrusalem trong đồng ruộng Xếtrôn, rồi đem tro nó đến Bêtên.
- ↑ “II Các Vua 22:3-11”.
Năm thứ mười tám đời Giôsia... cho thợ sửa sang các nơi hư nứt của đền thờ... Thầy tế lễ thượng phẩm Hinhkia nói với thơ ký Saphan rằng: Tôi đã tìm được quyển Luật pháp trong đền thờ Đức Giêhôva... Vua vừa nghe các lời của sách luật pháp, liền xé quần áo mình.
- ↑ “II Các Vua 23:3-4”.
Vua đứng trên tòa, lập giao ước trước mặt Đức Giêhôva, hứa đi theo Đức Giêhôva, hết lòng hết ý gìn giữ những điều răn, chứng cớ, và luật lệ của Ngài, và làm hoàn thành lời giao ước đã chép trong sách này. Cả dân sự đều ưng lời giao ước ấy. Vua bèn truyền lịnh cho thầy tế lễ thượng phẩm Hinhkia, cho mấy thầy phó tế, và các người giữ cửa đền thờ, cất khỏi đền thờ của Đức Giêhôva hết thảy những khí giới người ta làm đặng cúng thờ Baanh, Áttạttê, và cả cơ binh trên trời. Người bảo thiêu các vật đó ngoài Giêrusalem trong đồng ruộng Xếtrôn, rồi đem tro nó đến Bêtên.
- ↑ “II Các Vua 23:21-25”.
Vua bèn truyền lịnh cho cả dân sự rằng: Hãy giữ lễ Vượt qua cho Giêhôva Ðức Chúa Trời của các ngươi, tùy theo các lời đã chép trong sách giao ước. Trong lúc các quan xét đã xét đoán Ysơraên... thật chẳng hề có giữ một lễ Vượt qua nào giống như lễ Vượt qua giữ cho Ðức Giêhôva tại Giêrusalem, nhằm năm thứ mười tám đời vua Giôsia. Giôsia cũng trừ diệt những đồng cốt và thầy bói, những thêraphim, và hình tượng, cùng hết thảy sự gớm ghiếc thấy trong xứ Giuđa và tại thành Giêrusalem... Trước Giôsia, chẳng có một vua nào hết lòng, hết ý, hết sức mình, mà tríu mến Đức Giêhôva, làm theo trọn vẹn luật pháp của Môise; và sau người cũng chẳng có thấy ai giống như người nữa.
- ↑ 23,0 23,1 “Giăng 13:4-15”.
Kế đó, Ngài đổ nước vào chậu, và rửa chân cho môn đồ... Vậy, nếu ta là Chúa là Thầy, mà đã rửa chân cho các ngươi thì các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau. Vì ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi.
- ↑ 24,0 24,1 “Mathiơ 26:19-28”.
Môn đồ làm y như lời Ðức Chúa Jêsus đã dạy mà dọn lễ Vượt qua. Đến tối, Ngài ngồi ăn với mười hai sứ đồ... Khi đương ăn, Ðức Chúa Jêsus lấy bánh, tạ ơn rồi, bẻ ra đưa cho môn đồ mà rằng: Hãy lấy ăn đi, nầy là thân thể ta. Ngài lại lấy chén, tạ ơn rồi, đưa cho môn đồ mà rằng: Hết thảy hãy uống đi; vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội.
- ↑ “Luca 22:7-8”.
Ðến ngày lễ ăn bánh không men, là ngày người ta phải giết con sinh làm lễ Vượt qua, Ðức Chúa Jêsus sai Phierơ và Giăng đi, mà phán rằng: Hãy đi dọn lễ Vượt qua cho chúng ta ăn.
- ↑ “Giăng 19:32-36”.
Vậy, quân lính lại, đánh gãy chân người thứ nhứt, rồi đến người kia, tức là kẻ cùng bị đóng đinh với Ngài. Khi quân lính đến nơi Đức Chúa Jêsus, thấy Ngài đã chết rồi, thì không đánh gãy ống chân Ngài; nhưng có một tên lính lấy giáo đâm ngang sườn Ngài, tức thì máu và nước chảy ra... Vì điều đó xảy ra, cho được ứng nghiệm lời Kinh thánh nầy: Chẳng một cái xương nào của Ngài sẽ bị gãy.
- ↑ “I Côrinhtô 5:7-8”.
Vì Đấng Christ là con sinh lễ Vượt qua của chúng ta, đã bị giết rồi. Vậy thì, chúng ta hãy giữ lễ (Lễ Vượt Qua).
- ↑ “I Côrinhtô 10:1-11”.
... Song phần nhiều trong vòng họ không đẹp lòng Đức Chúa Trời, nên đã ngã chết nơi đồng vắng... Những sự ấy có nghĩa hình bóng, và họ đã lưu truyền để khuyên bảo chúng ta là kẻ ở gần cuối cùng các đời.
- ↑ “Hêbơrơ 3:15-19”.
trong khi còn nói rằng: Ngày nay nếu các ngươi nghe tiếng Ngài, Thì chớ cứng lòng, như lúc nổi loạn, Vả, ai là kẻ nghe tiếng Ngài rồi nổi loạn, há chẳng phải những người nhờ Môi-se dẫn ra khỏi xứ Êdíptô sao? Đức Chúa Trời đã giận ai trong bốn mươi năm? Há chẳng phải giận những kẻ phạm tội, mà thây họ đã ngã trong đồng vắng sao? Ngài lại thề với ai rằng không được vào sự yên nghỉ của Ngài? Há chẳng phải với những người không vâng lời sao? Vả, chúng ta thấy những người ấy không thể vào đó được vì cớ không tin.
- ↑ “Hêbơrơ 4:6-11”.
Như vậy, vì đã dành cho mấy người phải vào đó, và vì những kẻ nghe tin lành ấy trước nhứt đã không vào đó bởi chẳng tin... Vậy thì còn lại một ngày yên nghỉ cho dân Đức Chúa Trời. Vì ai vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời, thì nghỉ công việc mình, cũng như Đức Chúa Trời đã nghỉ công việc của Ngài vậy. Vậy, chúng ta phải gắng sức vào sự yên nghỉ đó, hầu cho không có một người nào trong chúng ta theo gương kẻ chẳng tin kia mà vấp ngã.
- ↑ “Êsai 25:6-9”.
Đức Giêhôva vạn quân sẽ ban cho mọi dân tộc, tại trên núi nầy, một tiệc yến đồ béo, một diên rượu ngon... Ngài đã nuốt sự chết đến đời đời... Trong ngày đó, người ta sẽ nói rằng: Kìa, ấy là Đức Chúa Trời chúng ta; chúng ta đã mong đợi Ngài, và Ngài sẽ cứu chúng ta. Ấy là Đức Giêhôva; chúng ta đã mong đợi Ngài, chúng ta sẽ nức lòng mừng rỡ và đồng vui về sự cứu rỗi của Ngài!
- ↑ “Rôma 6:23”.
Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Ðức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Ðức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta.
- ↑ “Giăng 8:34”.
Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai phạm tội lỗi là tôi mọi của tội lỗi.
- ↑ “Êphêsô 1:7”.
Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài.
- ↑ “Rôma 8:1-2”.
Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Ðức Chúa Jêsus Christ; vì luật pháp của Thánh Linh sự sống đã nhờ Ðức Chúa Jêsus Christ buông tha tôi khỏi luật pháp của sự tội và sự chết.
- ↑ “Khải Huyền 21:1-4”.
Đoạn, tôi thấy trời mới và đất mới... Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi.
- ↑ 37,0 37,1 “Xuất Êdíptô Ký 12:11-13”.
... ấy là lễ Vượt qua của Đức Giêhôva. Đêm đó ta sẽ đi qua xứ Êdíptô, hành hại mọi con đầu lòng xứ Êdíptô, từ người ta cho đến súc vật; ta sẽ xét đoán các thần của xứ Êdíptô; ta là Đức Giêhôva. Huyết bôi trên nhà các ngươi ở, sẽ dùng làm dấu hiệu; khi ta hành hại xứ Êdíptô, thấy huyết đó, thì sẽ vượt qua, chẳng có tai nạn hủy diệt các ngươi.
- ↑ “Giăng 6:56”.
Người nào ăn thịt ta và uống huyết ta, thì ở trong ta, và ta ở trong người.
- ↑ “Êsai 43:1-2”.
... Ðừng sợ, vì ta đã chuộc ngươi. Ta đã lấy tên ngươi gọi ngươi; ngươi thuộc về ta. Khi ngươi vượt qua các dòng nước, ta sẽ ở cùng; khi ngươi lội qua sông, sẽ chẳng che lấp. Khi ngươi bước qua lửa, sẽ chẳng bị cháy, ngọn lửa chẳng đốt ngươi. Vì ta là Giêhôva Ðức Chúa Trời ngươi.