Thời kỳ tái lâm của Đức Chúa Jêsus
Thời kỳ tái lâm của Đức Chúa Jêsus là một vấn đề được quan tâm hàng đầu trong giới Cơ Đốc giáo. 2000 năm trước, các môn đồ cũng tò mò về thời kỳ tái lâm của Đức Chúa Jêsus. Đức Chúa Jêsus đã phán rằng Ngài sẽ tái lâm vào thời điểm gần đến ngày phán xét cuối cùng, là lúc các thánh đồ được đi vào Nước Thiên Đàng.[1][2] Và Ngài đã tiên tri về thời kỳ tái lâm thông qua ví dụ về cây vả. Dù không nói rõ ngày tháng một cách cụ thể, nhưng ví dụ về cây vả là điềm báo mang tính quyết định cho biết thời kỳ tái lâm của Đức Chúa Jêsus
Trong Kinh Thánh Tân Ước có xuất hiện hai lời ví dụ về cây vả liên quan đến Đức Chúa Jêsus. Một là sự kiện rủa sả cây vả (Cursing the fig tree) được ghi chép trong sách Tin Lành Mathiơ và Tin Lành Mác, hai là ví dụ về cây vả không có trái (Parable of the Barren Fig Tree) được ghi chép trong sách Tin Lành Luca. Những lời ví dụ về cây vả được ghi chép trong các sách Tin Lành được liên kết với lời tiên tri cho biết về sự diệt vong và lập lại nước Ysơraên, cũng như thời kỳ tái lâm của Đức Chúa Jêsus.
Thời kỳ tái lâm của Đức Chúa Jêsus và lời ví dụ về cây vả
Hãy nghe lời ví dụ về cây vả
Các môn đồ đã hỏi Đức Chúa Jêsus về thời kỳ và điềm báo cho sự tái lâm của Ngài.[3] Đức Chúa Jêsus giải thích điềm báo bằng lời phán rằng “Hãy nghe lời ví dụ về cây vả”.
Khi ấy, điềm Con người sẽ hiện ra ở trên trời, mọi dân tộc dưới đất sẽ đấm ngực, và thấy Con người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà xuống. Ngài sẽ sai thiên sứ mình dùng tiếng kèn rất lớn mà nhóm lại những kẻ đã được lựa chọn của Ngài ở khắp bốn phương, từ cuối phương trời nầy cho đến tận phương kia. Hãy nghe lời ví dụ về cây vả, vừa lúc nhành non, lá mới đâm, thì các ngươi biết mùa hạ gần tới. Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy, khá biết rằng Con người gần đến, Ngài đương ở trước cửa.
Khi Đức Chúa Jêsus tái lâm, Ngài sẽ ngự đến trên đám mây và nhóm lại các thánh đồ. Lời “ngự đến trên đám mây” nghĩa là Ngài sẽ tái lâm trong hình ảnh loài người giống như Đức Chúa Jêsus lúc bấy giờ. Ví dụ về cây vả là lời tiên tri liên quan đến thời kỳ tái lâm của Đức Chúa Jêsus, nghĩa là khi cây vả có nhành non lá mới đâm thì Con Người tức là Đấng Christ Tái Lâm ngự đến.
Sự kiện rủa sả cây vả
Trong sách Tin Lành Mathiơ và Tin Lành Mác có xuất hiện câu chuyện cây vả bị rủa sả vì không có trái. Khi đói, Đức Chúa Jêsus thấy một cây vả ở bên đường, bèn đến xem nó có trái không. Thế nhưng cây vả chỉ có lá mà không có trái. Đức Chúa Jêsus đã phán rằng cây vả ấy sẽ chẳng bao giờ sanh ra trái nữa.
Sáng mai, khi trở lại thành thì Ngài đói. Thấy một cây vả ở bên đường, Ngài bèn lại gần, song chỉ thấy những lá mà thôi, thì Ngài phán cùng cây vả rằng: Mầy chẳng khi nào sanh ra trái nữa! Cây vả tức thì khô đi.
Sách Tin Lành Mác đã ghi lại rằng bấy giờ không phải mùa vả. Thế nhưng Đức Chúa Jêsus lại rủa sả cây vả không có trái khiến nó khô cho tới rễ.
Sáng ngày, khi đã lìa làng Bêthani rồi, thì Ngài đói. Vừa thấy đàng xa một cây vả có lá, Ngài đến đó xem hoặc có chi chăng; song, tới gần rồi, chỉ thấy có lá mà thôi, vì bấy giờ không phải mùa vả. Ngài bèn cất tiếng phán cùng cây vả rằng: Chẳng hề có ai ăn trái của mầy nữa!... Sáng hôm sau, khi đi ngang qua, thấy cây vả đã khô cho tới rễ; bấy giờ Phierơ nhớ lại chuyện đã qua, thưa cùng Ngài rằng: Thầy, coi kìa! Cây vả thầy đã rủa nay khô đi rồi.
Ví dụ về cây vả không có trái
Ví dụ về cây vả không có trái trong sách Tin Lành Luca chính là câu chuyện mà Đức Chúa Jêsus đã phán.
Ngài lại phán thí dụ nầy: Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình, đến hái trái mà không thấy; bèn nói cùng kẻ trồng nho rằng: Kìa đã ba năm nay ta đến hái trái nơi cây vả nầy mà không thấy: Hãy đốn nó đi; cớ sao nó choán đất vô ích? Kẻ trồng nho rằng: Thưa chúa, xin để lại năm nầy nữa, tôi sẽ đào đất xung quanh nó rồi đổ phân vào. Có lẽ về sau nó sẽ ra trái; bằng không, chúa sẽ đốn.
Một người kia đã trồng cây vả và chờ đợi ra trái. Nhưng cây vả đã không ra trái trong suốt 3 năm. Người bèn nói với kẻ giữ vườn rằng hãy đốn cây vả đi, nhưng kẻ giữ vườn xin để lại cây vả mà nói rằng sẽ bón phân và chăm sóc cho. Dầu vậy mà cây vả vẫn không ra trái trong năm tới thì sẽ đốn nó đi.
Công việc của Đức Chúa Jêsus và Giải thích ví dụ
Cây vả
Cây vả là cây phổ biến ở nước và là loài cây đại diện cho nước Ysơraên. Đức Chúa Jêsus đã giáng sinh và sinh sống hơn 30 năm tại Ysơraên nên không lý nào không biết đến mùa vả. Việc Đức Chúa Jêsus đã rủa sả cây vả không có trái dù bấy giờ không phải mùa vả là vì có ý nghĩa tiên tri.
Trong Kinh Thánh, cây vả được ví với nước Ysơraên.[4] Trái mà Đức Chúa Jêsus tìm kiếm nơi cây vả nghĩa là người có đức tin chân thật theo Đức Chúa Jêsus và Tin Lành ở nước Ysơraên.
Người tìm trái vả
Trong lời ví dụ về cây vả không có trái ở sách Tin Lành Luca, người đã tìm trái nơi cây vả suốt ba năm mà không thấy chính là Đức Chúa Jêsus. Đức Chúa Jêsus đã rao truyền Tin Lành tại đất nước Ysơraên trong suốt 3 năm. Sau khi Đức Chúa Jêsus thăng thiên, các thánh đồ Hội Thánh sơ khai đã rao truyền Tin Lành của Đức Chúa Jêsus Christ, nhưng người Giuđa vẫn không tiếp nhận.
Cây vả không có trái
Nước Ysơraên không tiếp nhận Tin Lành được ví với cây vả không có trái. Giống như cây vả không có trái đã bị khô cho tới rễ và bị đốn đi, thì nước Ysơraên đối nghịch với Đức Chúa Jêsus cũng đã bị diệt vong bởi La Mã.
Nước Ysơraên bị diệt vong và lập lại đất nước
Lời tiên tri
Trong sách Tin Lành Luca chương 21 đã ghi chép lời tiên tri về sự diệt vong của nước Ysơraên một cách chi tiết.
Vả, khi các ngươi sẽ thấy quân lính vây thành Giêrusalem, hãy biết sự tàn phá thành ấy gần đến... Trong những ngày ấy, khốn cho đàn bà có thai, và đàn bà cho con bú! Vì sẽ có tai nạn lớn trong xứ, và cơn thạnh nộ nghịch cùng dân nầy. Họ sẽ bị ngã dưới lưỡi gươm, sẽ bị đem đi làm phu tù giữa các dân ngoại, thành Giêrusalem sẽ bị dân ngoại giày đạp, cho đến chừng nào các kỳ dân ngoại được trọn.
Như đã được tiên tri, vào năm 70 SCN, thành Giêrusalem là thủ đô của Ysơraên đã bị bao vây và diệt vong bởi quân đội La Mã. Tuy nhiên, trong lời tiên tri này cũng ám chỉ sự hồi sinh của nước Ysơraên. Trong sách Luca 21:24 của Kinh Thánh bản dịch mới có chép rằng “Giêrusalem sẽ bị giày đạp bởi các dân ngoại cho đến khi thời kỳ của dân ngoại được trọn.”[5] Trên thực tế, vùng đất Ysơraên đã bị cai trị bởi La Mã, Byzantium, Hồi giáo, quân Thập tự chinh, sau đó là quân đội Hồi giáo Mamluk và đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ.[6] Song khi thời kỳ dân ngoại kết thúc, vùng đất Ysơraên lại được khôi phục cho người Giuđa.
Nước Ysơraên bị diệt vong[7]
Hoàng đế La Mã Nero đã cử tướng quân Vespasianus đến Ysơraên để dập tắt các cuộc bạo động đã lan rộng toàn lãnh thổ Ysơraên. Quân đội của Vespasianus đã chiếm được thành trì chủ chốt của Ysơraên và hành quân đến thành Giêrusalem vào năm 68 SCN. Ngay trước cuộc tấn công vào thành Giêrusalem, tin tức Nero tự sát đã được truyền đến từ La Mã. Vespasianus đã trở về La Mã và lên ngôi hoàng đế mới. Vào năm 69 SCN, con trai ông là Titus tiếp tục cuộc tấn công vào thành Giêrusalem. Titus đã bày ra kế sách xây một bức tường vây xung quanh thành Giêrusalem để phong tỏa mọi lối ra vào thành và bỏ đói những người Giuđa trong thành. Những người dân ở trong thành Giêrusalem bị cô lập đã chết vì đói. Sau 4 tháng bao vây, quân đội La Mã đã đột kích vào thành Giêrusalem và giết người Giuđa bất kể già trẻ lớn bé.[8] Thành và đền thờ bị đốt cháy, đền thờ bị sụp đổ, không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào.[9]
Vào năm 70, thành Giêrusalem bị chiếm, nước Ysơraên bị diệt vong. Trong cuộc bao vây thành Giêrusalem, ước tính có 1.100.000 người Giuđa bị giết chết và 97.000 người bị bắt đi làm nô lệ theo y như lời tiên tri “Họ sẽ bị ngã dưới lưỡi gươm, sẽ bị đem đi làm phu tù giữa các dân ngoại”.
Ysơraên lập lại đất nước
Sau khi Giêrusalem bị diệt vong, người Giuđa bị trục xuất khỏi quê hương, họ bị mất nước rồi lưu vong ở châu Âu và khắp các nước trên thế giới. Trong số đó, những người Giuđa tin lời tiên tri nước Ysơraên sẽ hồi sinh[10][11] đã không quên quê hương Giêrusalem của họ và chờ đợi ngày lời tiên tri ấy được ứng nghiệm.[12] Vào cuối thế kỷ 19, những người Do Thái sống rải rác ở khắp nơi trên thế giới bắt đầu Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái (Zionism, Chủ nghĩa Siôn) để lập lại quốc gia trên vùng đất của tổ tiên họ. Trên thực tế cũng xuất hiện những người Do Thái di cư đến Palestine trong khi ôm ấp ước mơ xây dựng đất nước.[13]
Vào thời kỳ này đã xảy ra cuộc diệt chủng lớn nhất trong lịch sử thế giới đối với người Do Thái ở châu Âu. Đó là Holocaust, một cuộc diệt chủng của Đức Quốc xã bắt đầu từ năm 1933 và kết thúc vào năm 1945. Trong 12 năm, 6 triệu người Do Thái, trong đó có 1,5 triệu trẻ em đã tử vong tại 15 quốc gia châu Âu như: Ba Lan, Nga, Áo, Tiệp Khắc, Hungary, Pháp, Bỉ, Luxembourg, Ý, Hà Lan, Na Uy, Romania, Nam Tư và Hy Lạp. Họ bị chết bởi lao động cưỡng bức, đói khát, bệnh tật, bị bắn hoặc treo trên giá treo cổ và bị thảm sát trong buồng hơi ngạt.[14]
Nạn diệt chủng người Do Thái cũng chấm dứt bởi sự thất bại của nước Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945). Người Do Thái trở về Palestine, vùng đất của tổ phụ họ với suy nghĩ rằng “phải có quốc gia thì dân tộc mới có thể sống được”, và tuyên bố sự độc lập của Ysơraên vào ngày 14 tháng 5 năm 1948.[15][16]
Sự tái lâm của Đức Chúa Jêsus
Mùa đông, cây rụng lá và cành khô đi trông như thể đã chết. Thế nhưng đến mùa xuân và mùa hè lại có nhành non, lá mới đâm. Đất nước Ysơraên được biểu tượng bởi cây vả cũng giống như vậy. Sau khi bị diệt vong vào năm 70 SCN, nước Ysơraên tưởng chừng như đã chết suốt 1900 năm đã khôi phục chủ quyền vào năm 1948 và xây dựng lại đất nước.[17] Sự sống lại của một đất nước đã từng biến mất từ thời cổ đại, việc một dân tộc bị bại vong được lập lại đất nước sau gần 2000 năm là điều chưa từng có trong lịch sử. Đây là dấu hiệu cho biết về sự xuất hiện của Đấng Christ Tái Lâm.
Khi ấy, điềm Con người sẽ hiện ra ở trên trời, mọi dân tộc dưới đất sẽ đấm ngực, và thấy Con người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà xuống. Ngài sẽ sai thiên sứ mình dùng tiếng kèn rất lớn mà nhóm lại những kẻ đã được lựa chọn của Ngài ở khắp bốn phương, từ cuối phương trời nầy cho đến tận phương kia. Hãy nghe lời ví dụ về cây vả, vừa lúc nhành non, lá mới đâm, thì các ngươi biết mùa hạ gần tới. Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy, khá biết rằng Con người gần đến, Ngài đương ở trước cửa.
Đã được tiên tri rằng Đấng Christ Tái Lâm phải bắt đầu chức vụ Tin Lành vào năm 1948, là thời điểm độc lập của nước Ysơraên được ví với cây vả để nhóm lại các thánh đồ đã được lựa chọn. Vì vậy, đấng tiên tri Michê nói rằng vào những ngày sau rốt, tức là vào thời đại cuối cùng khi Đức Chúa Trời đến, Ngài sẽ dạy dỗ người dân con đường lẽ thật và nhóm họ lại tại Siôn. Siôn là nơi gìn giữ các kỳ lễ trọng thể của Đức Chúa Trời,[18] tức là Hội Thánh lẽ thật.
Xảy ra trong những ngày sau rốt, núi của nhà Đức Giêhôva sẽ lập lên trên chót các núi, và sẽ được nhắc cao lên hơn các đồi. Các dân sẽ chảy về đó; và nhiều nước sẽ đi đến đó, mà rằng: Hãy đến, chúng ta hãy lên núi của Đức Giêhôva, nơi nhà của Đức Chúa Trời Giacốp! Ngài sẽ dạy chúng ta về đường lối Ngài, và chúng ta sẽ đi trong các nẻo Ngài. Vì luật pháp sẽ ra từ Siôn, lời của Đức Giêhôva từ Giêrusalem.
Khi nước Ysơraên được lập lại, chính Đấng An Xang Hồng đã khôi phục lại lẽ thật Kinh Thánh đã từng bị biến mất suốt thời gian dài và dạy dỗ con đường của sự cứu rỗi. Đấng An Xang Hồng giáng sinh vào năm 1918, chịu phép Báptêm vào năm 1948 lúc 30 tuổi theo lời tiên tri về ngôi vua Đavít, và bắt đầu rao truyền bá Tin Lành. Tin Lành của Hội Thánh sơ khai vốn không được giữ sau thời đại các sứ đồ như 3 kỳ 7 lễ trọng thể bắt đầu từ Lễ Vượt Qua và ngày Sabát, đã được khôi phục lại bởi Đấng An Xang Hồng. Đấng An Xang Hồng là Đấng Christ Tái Lâm đã đến và rao truyền lẽ thật của sự sống vào năm 1948, năm đất nước Ysơraên được lập lại như thể kỳ tích sau khoảng 1900 năm giống như cây vả đã chết khô lại được hồi sinh.
Video liên quan
- Giảng đạo: Ví dụ về cây vả và Ðấng An Xang Hồng
Xem thêm
Liên kết ngoài
Chú thích
- ↑ “Luca 21:27–28”.
Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con người dùng đại quyền đại vinh mà ngự đến trên đám mây. Chừng nào các việc đó khởi xảy đến, hãy đứng thẳng lên, ngước đầu lên, vì sự giải cứu của các ngươi gần tới.
- ↑ “II Phierơ 3:12–13”.
Trong khi chờ đợi trông mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến, là ngày các từng trời sẽ bị đốt mà tiêu tán, các thể chất sẽ bị thiêu mà tan chảy đi! Vả, theo lời hứa của Chúa, chúng ta chờ đợi trời mới đất mới, là nơi sự công bình ăn ở.
- ↑ “Mathiơ 24:3”.
Ngài đương ngồi trên núi Ôlive, môn đồ tới riêng cùng Ngài, và nói rằng: Xin Chúa phán cho chúng tôi biết lúc nào những sự đó sẽ xảy ra? Và có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận thế.
- ↑ “Giêrêmi 24:5”.
Giêhôva Ðức Chúa Trời của Ysơraên phán như vầy: Như những trái vả tốt nầy, ta cũng sẽ xem những kẻ phu tù Giuđa, mà ta đã sai từ nơi nầy đến trong đất người Canhđê, cho chúng nó được ích.
- ↑ “Luca 21:24”.
... Giêrusalem sẽ bị dân ngoại giày đạp, cho đến chừng nào các kỳ dân ngoại được trọn.
- ↑ Được xếp vào các nước tiên tiến dù ở trong mọi loại bức hại... Bản thân sự lập lại đất nước này đã là một kỳ tích, JoongAng Ilbo, 14 tháng 5 năm 2018,
Người Do Thái đã bị trục xuất khỏi vùng đất Ysơraên và bị cai trị bởi La Mã, Byzantium, Hồi giáo, quân Thập tự chinh, sau đó là quân đội Hồi giáo Mamluk và đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ.
- ↑ Flavius Josephus, "Josephus 3: Lịch sử Chiến tranh Do Thái", Kim Ji Chan dịch, NXB Lời sự sống, 2014
- ↑ Simon Sebag Montefiore, “Giêrusalem truyền kỳ”, Yu Dal Seung dịch, NXB Sigongsa, 2012, trang 35,
Cuối tháng 7 năm 70 SCN, nhằm ngày 8 tháng Ab theo lịch Do Thái, Titus, con trai của Hoàng đế La Mã Vespasianus, đã ra lệnh cho toàn bộ quân đội tấn công vào đền thờ lúc rạng sáng sau 4 tháng bao vây thành Giêrusalem.
- ↑ “Mathiơ 24:1–2”.
Khi Đức Chúa Jêsus ra khỏi đền thờ, đương đi, thì môn đồ đến gần để chỉ cho Ngài xem các nhà thuộc về đền thờ... Quả thật, ta nói cùng các ngươi, đây sẽ không còn một hòn đá nào chồng trên một hòn khác mà không bị đổ xuống.
- ↑ “Giêrêmi 30:3”.
Ðức Giêhôva phán: Nầy, những ngày đến, bấy giờ ta sẽ đem những kẻ bị phu tù của dân Ysơraên và dân Giuđa ta trở về. Ðức Giêhôva phán: Ta sẽ khiến chúng nó về trong đất mà ta đã ban cho tổ phụ chúng nó, và chúng nó sẽ được đất ấy làm sản nghiệp.
- ↑ “Giêrêmi 50:4–5”.
Ðức Giêhôva phán: Trong những ngày đó, trong kỳ đó, con cái Ysơraên và con cái Giuđa cùng nhau trở lại, vừa đi vừa khóc, tìm kiếm Giêhôva Ðức Chúa Trời mình. Chúng nó hướng mặt về Siôn, hỏi thăm về nó mà rằng: Hãy đến, liên kết với Ðức Giêhôva bởi một giao ước đời đời sẽ không quên!
- ↑ Simon Sebag Montefiore, “Giêrusalem truyền kỳ”, Yu Dal Seung dịch, NXB Sigongsa, 2012, trang 251, “Niềm khát vọng của người Do Thái đối với Giêrusalem không bao giờ bị lay động. Trong nhiều thế kỷ sau, những người Do Thái dù đang sống ở đâu cũng luôn cầu nguyện một ngày 3 lần. “Xin ý muốn của Ngài được nên, hầu cho đền thờ sớm được dựng lại vào thời đại của chúng con!” ... Bữa tối của Lễ Vượt Qua luôn được kết thúc bởi câu nói “Sang năm chúng ta sẽ giữ tại Giêrusalem.” Khi những người Do Thái đến gần Giêrusalem, vừa trông thấy thành phố bị hoang tàn, họ đã thực hiện nghi thức xé áo mình. Ngay cả những người Do Thái sinh sống ở xa thành Giêrusalem cũng mong muốn được chôn cất gần đền thờ để có thể sống lại trước hết vào ngày phán xét.”
- ↑ Giêrusalem, vùng đất thiêng liêng bị nhuốm máu, Chosun Ilbo, 26 tháng 12 năm 2017,
Dù những người Do Thái đang sống rải rác khắp châu Âu, nhưng ở đó họ cũng không tránh khỏi việc bị khinh miệt và áp bức. ... Bất chấp những hoàn cảnh đó, những người Do Thái vẫn không đánh mất đức tin rằng “Chúng tôi là dân tộc được Chúa chọn và một ngày nào đó sẽ trở lại Palestine.” Và vào khoảng thế kỷ 19, đã có một phong trào biến giấc mơ này thành hiện thực. ... Đối với những người Do Thái tiến hành phong trào này, còn được gọi là Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái (Zionism·có nghĩa là trở về Siôn, ngọn núi nơi Đất Thánh nằm ở trung tâm Giêrusalem), Chiến tranh thế giới thứ nhất là một cơ hội để thành lập quốc gia dân tộc. Vào năm 1917, Bộ trưởng Ngoại giao Arthur Balfour của nước Anh, đất nước đang chiến tranh với Đế quốc Ottoman, đã viết thư cho Rothschild là người Do Thái sống ở Anh rằng “Nước Anh cam kết công nhận quốc gia dân tộc cho người Do Thái ở vùng lãnh thổ Palestine.” ... Sau “Tuyên bố Balfour”, nước Anh đã giành chiến thắng trong cuộc chiến với sự ủng hộ của người Do Thái và Mỹ, đồng thời hợp nhất các lãnh thổ Palestine vốn do Đế chế Ottoman kiểm soát, trở thành thuộc địa của Anh. Sau đó, số lượng người Do Thái di cư đến Palestine bắt đầu tăng lên nhanh chóng.
- ↑ “Ghi chép về số nạn nhân trong cuộc thảm sát Holocaust và Đức Quốc Xã”. Bách khoa toàn thư Holocaust. United States Holocaust Memorial Museum.
- ↑ “Năm 1948, Ysơraên xây dựng lại đất nước”. DongA Ilbo. 14 tháng 5 năm 2007.
“Đất nước Ysơraên, nơi sinh ra người Do Thái. Tại đây, họ đã xây dựng nên quốc gia đầu tiên và mang quyển sách tuyệt vời (Kinh Thánh) ra thế giới. Ngay cả sau khi bị trục xuất, họ vẫn hướng về nơi này để cầu nguyện cho sự khôi phục tự do chính trị. … Tại nơi này, chúng tôi xin tuyên bố thành lập nhà nước Do Thái gọi là Nhà nước Ysơraên.” Vào chiều ngày 14 tháng 5 năm 1948, tại Bảo tàng Nghệ thuật Tel Aviv, Thủ tướng đầu tiên David Ben-Gurion tuyên bố thành lập nhà nước Ysơraên. Bảo tàng tràn ngập tiếng reo hò và nước mắt khi các giáo sĩ Do Thái nâng ly chúc mừng, lễ ký kết Bản Tuyên ngôn Độc lập và Quốc Ca đồng thanh được tiếp nối.
- ↑ "The Declaration of the Establishment of the State of Israel," Israel Ministry of Foreign Affairs
- ↑ Được xếp vào các nước tiên tiến dù ở trong mọi loại bức hại... Bản thân sự lập lại đất nước này đã là một kỳ tích, JoongAng Ilbo, 14 tháng 5 năm 2018,
Bản thân việc xây dựng nước Ysơraên hiện đại là một kỳ tích. Dân tộc Do Thái đã mất nước vào tay La Mã cách đây 1900 năm hầu hết đã bị trục xuất khỏi quê hương nay đã trở về và xây dựng đất nước của riêng họ. ... Việc Ysơraên được xây dựng lại giống như sự hồi sinh của một dân tộc, một quốc gia đã bị biến mất từ lâu.
- ↑ “Êsai 33:20–21”.
Hãy nhìn xem Siôn, là thành của các kỳ lễ trọng thể chúng ta!... Vì Đức Giêhôva sẽ ở đó với chúng ta trong sự oai nghi...