Sông Giôđanh

Từ Từ điển tri thức Hội Thánh của Đức Chúa Trời
Phiên bản vào lúc 02:41, ngày 11 tháng 3 năm 2024 của Ngocanh63 (thảo luận | đóng góp)
Bước tới điều hướng Bước tới tìm kiếm
Sông Giôđanh (sông Jordan)
Jordan River
Bản đồ sông Giôđanh
Vị tríPhía đông khu vực Palestine, dọc thung lũng Jordan
Tổng chiều dài320km
Lưu vựcYsơraên, Syria, Bờ Tây Palestine, Jordan
Nơi bắt nguồnNúi Hẹtmôn ở Lebanon và Syria
Điểm cuốiBiển Chết (死海)

Sông Giôđanh (sông Jordan, Jordan River) được hình thành bởi sự hợp lưu của một số con sông ở phía bắc Palestine, khởi nguồn từ núi Hẹtmôn (núi Hermôn) nằm ở biên giới của Lebanon và Syria.[1] Xuyên qua rìa phía đông Palestine từ Bắc xuống Nam, chảy qua Biển Galilê (Sea of Galilee) rồi đến Biển Chết.[2] Là sông có mực nước thấp nhất thế giới với khoảng 250km thấp hơn mực nước biển trong tổng chiều dài 320km.[3]
Sông Giôđanh được chép trong Kinh Thánh Cựu Ước với tên tiếng Hêbơrơ là “Yarden (יַרְדֵּן)”.[4][5] Yarden là từ được kết hợp bởi “Yarad (יָרַד)”[6] nghĩa là “đi xuống”, và “Đan  (דָּן)”[7] là khu vực khởi nguồn của sông,[8] nên Yarden mang ý nghĩa là “chảy xuống”, “dòng suối chảy xuống nhanh”, “chảy ra từ Đan”. Còn trong Kinh Thánh Tân Ước được viết là “Iordanes (Ἰορδάνης)” theo tiếng Hy Lạp.[9][10]
Sông Giôđanh là địa điểm quan trọng trong Kinh Thánh. Vào thời đại Cựu Ước, Giôsuê và người dân Ysơraên đã vượt qua sông Giôđanh và tiến vào xứ Canaan là vùng đất hứa. Naaman, quan tổng binh của Aram cũng đã được chữa lành bệnh phung vì đã tắm mình dưới sông Giôđanh theo lời của Êlisê.[11] Vào thời đại Tân Ước, Đức Chúa Jêsus đã truyền bá Tin Lành Nước Thiên Đàng sau khi chịu phép Báptêm tại sông Giôđanh bởi Giăng Báptít.

Đặc điểm địa lý của sông Giôđanh

Vị trí

Sông Giôđanh nằm dọc thung lũng Jordan, nơi rìa phía đông khu vực Palestine. Thung lũng Jordan là một hẻm núi sâu được hình thành khi đại lục bị chia cắt, từ biển Galilê đến vịnh Aqaba của Biển Đỏ. Nói rộng hơn thì đó là khe nứt (hẻm núi sâu và hẹp) thuộc một phần của thung lũng lớn trải dài từ phía nam Thổ Nhĩ Kỳ đến Biển Đỏ, rồi kéo dài đến Đông Phi. Sông Giôđanh theo khe nứt này, khởi nguồn từ núi Hẹtmôn thuộc vùng biên giới giữa Lebanon và Syria, lần lượt chảy qua hồ Hula và biển Galilê về phía nam, rồi đến Biển Chết. Tổng chiều dài của sông khoảng 130km, nhưng nếu tính cả những khúc quanh thì hơn 320km. Sông được phân chia thành thượng lưu và hạ lưu theo tiêu chuẩn từ biển Galilê, “thượng lưu sông Giôđanh” là từ núi Hẹtmôn đến biển Galilê, còn “hạ lưu sông Giôđanh” được coi là phần lớn sông Giôđanh từ biển Galilê đến Biển Chết.

Khí hậu

Sông Giôđanh vào tháng 1. Nước sông chảy tràn nhiều từ mùa thu đến mùa xuân, là thời điểm mùa mưa.

Sông Giôđanh có cả mùa đông và mùa hè. Núi Hẹtmôn ở phía bắc là nơi khởi nguồn chính, và là đỉnh núi cao nhất của dãy núi Anti-Lebanon, nằm ở biên giới giữa Liban và Syria, có độ cao 2814m so với mực nước biển và địa thế hiểm trở. Đỉnh núi được bao phủ bởi tuyết vạn năm nên được mệnh danh là “núi bạc đầu”, “núi tuyết (Mountain of Snow)”. Nước tan ra và chảy xuống từ đây chính là nguồn của sông Giôđanh.
Nhiều sông bắt nguồn từ núi Hẹtmôn hợp lưu vào sông Giôđanh từ hồ Hula ở phía nam. Hồ Hula là vùng đầm lầy được tạo thành bởi hồ nước cạn và vùng đất ẩm ướt.[12] Mùa hè thì nóng và khô, còn mùa đông thì nằm trong vùng khí hậu Địa Trung Hải ấm áp và ẩm ướt, nhưng vì được bao quanh bởi các dãy núi nên có sự chênh lệch lớn về nhiệt độ tùy theo mùa và ngày.
Sông Giôđanh chảy về phía nam từ hồ Hula, rồi được nhập vào phía bắc của biển Galilê là điểm giao nhau ở giữa. Biển Galilê nằm cách hồ Hula 16km về phía nam, có mực nước thấp hơn mực nước biển khoảng 212m.[13] Lưu vực sông Giôđanh từ hồ Galilê đến Biển Chết có khí hậu ôn hòa quanh năm. “Vùng hạ lưu sông Giôđanh”[14] là đoạn chiếm phần lớn “thung lũng Jordan”, do sự chênh lệch về mực nước hạ thấp giữa biển Galilê và Biển Chết (hơn 200m), nên có nhiều thác nước nhỏ và dòng chảy xiết do độ dốc lớn. Sông Giôđanh có tổng chiều rộng hẹp và đáy sông cạn nên tàu thuyền không thể qua lại, nước sông thường xuyên dâng tràn lên vào mùa mưa.[2]
Khi sông Giôđanh chảy vào Biển Chết thì dừng lại. Biển Chết nằm ở độ sâu 392m dưới mực nước biển, vì vậy nước sông không có chỗ thoát ra nữa.[15] Xung quanh Biển Chết là khí hậu sa mạc nóng và khô hạn quanh năm.

Sông Giôđanh trong Kinh Thánh

Thời đại Cựu Ước

  • Đi qua sông Giôđanh và tiến vào xứ Canaan
Dân Ysơraên vượt qua sông Giôđanh cùng với hòm giao ước.
Tác phẩm của Benjamin West - họa sĩ lịch sử ở Mỹ vào thế kỷ 18-19.

Khoảng 3500 năm trước, người dân Ysơraên ra khỏi xứ Êdíptô bởi sự dẫn dắt của Môise và bắt đầu hành trình hướng đến vùng đất hứa Canaan. Vào lúc kết thúc 40 năm cuộc sống đồng vắng, sau khi Môise qua đời tại xứ Môáp, Đức Chúa Trời đã lập Giôsuê làm người lãnh đạo mới. Và Ngài phán lệnh cho Giôsuê dẫn dắt người dân đi qua sông Giôđanh để tiến vào xứ Canaan.[16]
Khi dân Ysơraên đến trước sông Giôđanh, vì bấy giờ là thời điểm thu hoạch lúa mạch, nên nước sông Giôđanh trong trạng thái tràn lên khỏi bờ. Giôsuê tiếp nhận mạng lịnh của Đức Chúa Trời, đã không hề do dự mà ra lệnh cho người dân tiến vào sông Giôđanh. Và truyền lời của Đức Chúa Trời rằng khi chân của các thầy tế lễ khiêng hòm giao ước chạm vào nước sông, thì nước sông vốn chảy từ trên xuống sẽ bị dừng lại, rồi hãy đi qua sông Giôđanh như đi trên đất cạn. Khi lời của Đức Chúa Trời được phán ra rằng “Hãy đi qua sông Giôđanh”, người dân Ysơraên đã không một ai dao động, mà hết thảy đều đã vâng phục một cách trật tự. Quả thật, ngay khi thầy tế lễ khiêng hòm giao ước vừa bị ướt chân bởi nước sông, thì nước sông vốn chảy tràn đến tận đỉnh đồi bèn dừng lại, và nước vốn chảy từ trên xuống đã lùi xa ra dồn thành một đống. Người dân Ysơraên đã đi qua sông Giôđanh bấy giờ đã trở nên vùng đất khô.

Vả, trọn lúc mùa gặt, sông Giôđanh đang tràn lên khỏi bờ. – Khi các người khiêng hòm đến sông Giôđanh, và chân của những thầy tế lễ khiêng hòm mới bị ướt nơi mé nước, thì nước ở trên nguồn thường chảy xuống bèn dừng lại, dồn thành một đống, xa ra một khoảng đến thành Ađam, là thành ở bên cạnh Xátthan; còn nước chảy đến biển đồng bằng, tức Biển Mặn, đã rẽ đoạn ra; rồi dân sự đi qua đối ngang Giêricô. Những thầy tế lễ khiêng hòm giao ước của Ðức Giêhôva dừng chân vững trên đất khô giữa sông Giôđanh, trong khi cả Ysơraên đi qua trên đất khô, cho đến chừng cả dân đã qua khỏi sông Giôđanh rồi.

- Giôsuê 3:15-17

Ngày mà người dân đi qua sông Giôđanh là ngày 10 tháng 1 thánh lịch sau khi kết thúc cuộc sống 40 năm trong đồng vắng.[17] Sau đó, họ đã chiếm được thành Giêricô và cuộc chinh phục xứ Canaan đã được tiến hành một cách thuận lợi.[18] Đương thời, sông Giôđanh tràn lên khỏi bờ vì mưa nhiều, rất khó để tiếp cận một cách dễ dàng, nhưng người dân không hề lo lắng bởi hiện thực trước mắt, đồng thời họ đã được trải nghiệm kỳ tích và nhận phước lành được đi vào xứ Canaan bởi sự vâng phục tuyệt đối lời phán của Đức Chúa Trời.

  • Naaman - người tắm mình dưới sông Giôđanh và được lành bệnh

Naaman - quan tổng binh của vua Aram là tướng quân xuất chúng, nhưng lại bị bệnh phung. Một hầu gái trẻ xuất thân từ Ysơraên đã cho Naaman biết rằng một đấng tiên tri ở Ysơraên có thể chữa lành bệnh của Naaman. Vua Aram đã gửi thư cho vua Ysơraên mà đề nghị chữa lành bệnh cho Naaman, nhưng vua Ysơraên lại chán nản vì hiểu lầm rằng Aram đang tìm cách xâm lược Ysơraên. Nghe được tin ấy, Êlisê đã mời Naaman đến gặp mình. Khi Naaman đến nhà của Êlisê thì Êlisê sai kẻ tôi tớ mình đến mà truyền lời rằng “Hãy đi tắm mình bảy lần dưới sông Giôđanh thì sẽ được lành bệnh”. Naaman nổi giận vì cách hành xử của Êlisê và quay bước trở về. Song, các đầy tớ khuyên nhủ Naaman hầu cho người làm theo lời của Êlisê mà rằng “Nếu đấng tiên tri đã ra lệnh và biểu phải làm một việc lớn thì ngài há chẳng làm sao? Phương chi người biểu ngài hãy tắm mình thì sẽ được sạch”. Thế nên, khi Naaman thay đổi tấm lòng và ngâm mình bảy lần dưới sông Giôđanh như lời của Êlisê, thì bệnh phung của ông liền được chữa khỏi.[19] Nhận biết được quyền năng của Đức Chúa Trời, Naaman đã tìm đến Êlisê lần nữa để cảm ơn, và hứa rằng sau này sẽ không dâng tế lễ cho bất cứ thần nào khác mà chỉ dâng cho riêng Đức Chúa Trời của Ysơraên mà thôi.[20]

Thời đại Tân Ước

Đức Chúa Jêsus chịu phép Báptêm dưới sông Giôđanh
  • Đức Chúa Jêsus chịu phép Báptêm dưới sông Giôđanh

2000 năm trước, nước Ysơraên từng chịu sự cai trị của đế quốc La Mã. Người dân đã mong đợi sự xuất hiện của Đấng Mêsi sẽ cứu họ khỏi sự áp bức của La Mã. Lúc này, Giăng Báptít nhận sứ mệnh dọn đường cho Đấng Mêsi sẽ xuất hiện vào ngày sau, ông đã làm phép Báptêm của sự ăn năn tội trên sông Giôđanh.[21][22]
Một ngày nọ, khi Giăng Báptít đang làm phép Báptêm cho người dân trên sông Giôđanh, ông đã nhận ra Đức Chúa Jêsus đang đến với mình chính là Đấng Christ[23] và đã làm phép Báptêm cho Ngài.

Khi ấy, Đức Chúa Jêsus từ xứ Galilê đến cùng Giăng tại sông Giôđanh, đặng chịu người làm phép báptêm... Vừa khi chịu phép báptêm rồi, Đức Chúa Jêsus ra khỏi nước...

- Mathiơ 3:13-16

Khi ấy, Đức Chúa Jêsus được 30 tuổi.[24] Từ đó, Đức Chúa Jêsus đã truyền bá Tin Lành Nước Thiên Đàng cho người dân.[25][26]

Xem thêm

Chú thích

  1. "Sông Giôđanh", Encyclopedia.com
  2. 2,0 2,1 A Basic Bible Dictionary, pg. 61, ''Canterbury Press'', 2004
  3. "Jordan River," Encyclopædia Britannica
  4. Strong's #3383 - יַרְדֵּן. Study Light
  5. “Sáng Thế Ký 13:10-11”. Lót bèn ngước mắt lên, thấy khắp cánh đồng bằng bên sông Giôđanh (יַרְדֵּן), là nơi (trước khi Đức Giêhôva chưa phá hủy thành Sôđôm và Gômôrơ) thảy đều có nước chảy tưới khắp đến Xoa... Lót bèn chọn lấy cho mình hết cánh đồng bằng bên sông Giôđanh (יַרְדֵּן)
  6. Strong's #3381 - יָרַד. Study Light
  7. Strong's #1835 - דָּן. Study Light
  8. "Sông Giôđanh", Ancient Hebrew Research Center
  9. “Mác 1:5”. Cả xứ Giuđê và hết thảy dân sự thành Giêrusalem đều đến cùng người (Giăng Báptít), xưng tội mình và chịu người làm phép báptêm dưới sông Giôđanh (Ἰορδάνη).
  10. “2446. Iordanés(Ἰορδάνης)”. Bible Hub.
  11. “II Các Vua 5:1-27”. Naaman, quan tổng binh của vua Syri... người nầy vốn mạnh mẽ và bạo dạn, song bị bịnh phung... Êlisê sai một sứ giả nói với người rằng: Hãy đi tắm mình bảy lần dưới sông Giôđanh... Người bèn xuống sông Giôđanh, và tắm mình bảy lần, theo như lời truyền của người Đức Chúa Trời. Người liền được sạch, và thịt người trở nên như trước, giống như thịt của một đứa con nít nhỏ.
  12. "Hula Valley," Encyclopædia Britannica
  13. "Biển Galilê", Jewish Encyclopedia
  14. Thung lũng Jordan hẹp và sâu với tổng chiều dài khoảng 120km, chiều rộng trung bình 9,6km và chiều rộng tối đa 24km.
  15. The Red Sea, The Formation, Morphology, Oceanography and Environment of a Young Ocean Basin, Springer Berlin Heidelberg, April 2, 2015
  16. “Giôsuê 1:1-2”. Sau khi Môise, tôi tớ của Đức Giêhôva, qua đời, Đức Giêhôva phán cùng Giôsuê, con trai của Nun, tôi tớ của Môise, mà rằng: Môise, tôi tớ ta, đã chết; bây giờ ngươi và cả dân sự nầy hãy đứng dậy đi qua sông Giôđanh, đặng vào xứ mà ta ban cho dân Ysơraên.
  17. “Giôsuê 4:17-19”. Giôsuê bèn truyền lịnh cho những thầy tế lễ rằng: Hãy đi lên khỏi Giôđanh. Khi những thầy tế lễ khiêng hòm giao ước của Đức Giêhôva đã lên khỏi giữa sông, và bàn chân họ dở lên đặng bước trên đất khô rồi, thì nước sông Giôđanh trở lại chỗ cũ, và chảy tràn ra khắp mé như trước. Ngày mồng mười tháng giêng, dân sự đi lên khỏi sông Giôđanh, và đóng trại tại Ghinhganh, ở cuối phía đông Giêricô.
  18. “Giôsuê 5:1”. Vả, các vua Amôrít ở bên kia sông Giôđanh về phía tây, và các vua Canaan ở gần biển vừa hay rằng Đức Giêhôva đã làm cho nước sông Giôđanh bày khô trước mặt dân Ysơraên, cho đến chừng đã đi qua khỏi, thì lòng họ kinh khiếp và nao sờn vì cớ dân Ysơraên.
  19. “II Các Vua 5:1-14”.
  20. “II Các Vua 5:17”. Naaman bèn tiếp rằng: Tuy chẳng nhận lấy, tôi xin ông cho phép người ta ban cho kẻ tôi tớ ông đủ đất bằng hai con la chở nổi; vì từ rày về sau, kẻ tôi tớ ông chẳng muốn dâng của lễ thiêu hay là tế lễ chi cho thần nào khác hơn là Đức Giêhôva.
  21. “Mathiơ 3:1-6”. Lúc ấy Giăng Báptít... rằng: Các ngươi phải ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần! Hãy dọn đường Chúa, ban bằng các nẻo Ngài... Bấy giờ, dân thành Giêrusalem, cả xứ Giuđê, và cả miền chung quanh sông Giôđanh đều đến cùng người; và khi họ đã xưng tội mình rồi, thì chịu người làm phép báptêm dưới sông Giôđanh.
  22. “Mathiơ 3:11”. Về phần ta (Giăng Báptít), ta lấy nước mà làm phép báptêm cho các ngươi ăn năn; song Đấng đến sau ta có quyền phép hơn ta, ta không đáng xách giày Ngài. Ấy là Đấng sẽ làm phép báptêm cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa.
  23. “Giăng 1:29-30”. Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình, thì nói rằng: Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi. Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người đến sau ta, trổi hơn ta, vì người vốn trước ta.
  24. “Luca 3:21-23”. Vả, khi hết thảy dân chúng đều chịu phép báptêm, Ðức Chúa Jêsus cũng chịu phép báptêm... Khi Ðức Chúa Jêsus khởi sự làm chức vụ mình thì Ngài có độ ba mươi tuổi.
  25. “Mác 1:1–9”.
  26. An Xang Hồng, “Chương 9 Tin Lành của giao ước mới là gì?”, <Trái thiện ác và Tin Lành >,  Nhà xuất bản Mênchixêđéc, 2020, trang 44, Lúc mà được chép “Ðầu Tin lành của Ðức Chúa Jêsus Christ, là Con Ðức Chúa Trời” là từ khi Ðức Chúa Jêsus chịu phép Báptêm tại sông Giôđanh.