Kinh Thánh
Kinh Thánh (Bible) hoặc Thánh Thư là sách do những người được cảm động bởi Đức Thánh Linh ghi chép lại sau khi nhận lấy ý muốn và ý tưởng của Đức Chúa Trời;[1] Kinh Thánh đang được sử dụng như quyển sách kinh điển trong Cơ Đốc giáo và Do Thái giáo. Kinh Thánh được ghi chép trải dài khoảng 1600 năm từ khoảng năm 1500 TCN đến khoảng năm 96 SCN, được phân chia thành Kinh Thánh Cựu Ước (39 quyển), ghi lại trước khi Đức Chúa Jêsus giáng sinh và Kinh Thánh Tân Ước (27 quyển) viết sau khi Đức Chúa Jêsus giáng sinh. Kinh Thánh được ghi chép bởi hàng chục người sống trong các thời đại và hoàn cảnh khác nhau, nhưng hết thảy các lời trong Kinh Thánh đều có tính nhất quán và thống nhất. Điều này là bằng chứng cho thấy sự thật rằng tác giả của Kinh Thánh là Đức Chúa Trời.
Kinh Thánh là quyển sách làm chứng về Đấng Christ, là Đấng sẽ cứu rỗi nhân loại, và là sách hướng dẫn để dẫn dắt loài người đến Nước Thiên Đàng bằng cách soi sáng quá khứ và hiện tại cũng như tiên tri về tương lai của nhân loại.
Tác giả của Kinh Thánh
66 quyển Kinh Thánh đã được ghi chép bởi hàng chục người sống trong các thời đại và hoàn cảnh khác nhau trải dài khoảng 1600 năm, từ khoảng năm 1500 TCN đến khoảng năm 96 SCN. Các ký giả của Kinh Thánh đều có xuất thân và nghề nghiệp khác nhau: có người là vua như Đavít, người chăn chiên như Amốt và người đánh cá như Phierơ.
Tuy nhiên, mọi lời trong Kinh Thánh từ Sáng Thế Ký cho đến Khải Huyền đều có tính nhất quán và thống nhất. Điều này bày tỏ sự thật rằng mặc dù Kinh Thánh được ghi chép bởi rất nhiều người, nhưng tác giả thật sự của Kinh Thánh là Đức Chúa Trời.
Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Ðức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Ðức Chúa Trời.
Những người ghi chép Kinh Thánh bày tỏ rằng bản thân đã ghi chép bởi được Đức Thánh Linh cảm động tức là “bởi Đức Chúa Trời”. Điều này có nghĩa là mặc dù đã được chép bởi loài người, nhưng Kinh Thánh chứa đựng y nguyên ý muốn và lời của Đức Chúa Trời. Giả sử một luật sư được ủy nhiệm để viết thay tờ di chúc. Trong trường hợp này, người viết tờ di chúc là luật sư, nhưng tác giả thật sự của tờ di chúc phải là người ủy nhiệm. Bởi vì tờ di chúc ấy ghi lại suy nghĩ và lời của người ủy nhiệm chứ không phải của luật sư. Cũng giống như vậy, tác giả thật sự của Kinh Thánh chính là Đức Chúa Trời.
Vai trò của Kinh Thánh
Mục đích cuối cùng Đức Chúa Trời ban Kinh Thánh là để nhân loại có thể đạt đến Nước Thiên Đàng nhờ đi theo con đường của sự cứu rỗi được chỉ dẫn trong Kinh Thánh. Nói cách khác, có thể gọi Kinh Thánh là “cuốn sách hướng dẫn để dẫn dắt nhân loại đến Nước Thiên Đàng”.
Chứng cớ về sự tồn tại của Đức Chúa Trời
Bởi mắt thường, loài người không thể trông thấy các vi sinh vật nhỏ bé hay là thế giới của hạt quác, cũng không thể nhìn thấy thế giới vũ trụ xa xôi. Nhưng khi sử dụng kính hiển vi thì có thể xác nhận sự tồn tại của vi sinh vật, hoặc có thể quan sát được các ngôi sao trong vũ trụ thông qua kính viễn vọng.
Vậy làm thế nào để có thể xác nhận sự tồn tại của Đức Chúa Trời? Chính là thông qua Kinh Thánh. Kinh Thánh đóng vai trò là kính hiển vi và kính viễn vọng phần linh hồn cho biết về sự tồn tại của Đức Chúa Trời mà chúng ta không trông thấy. Mặc dù loài người không thể biết được việc ngày mai,[2][3] song Kinh Thánh đã tiên tri một cách chính xác về việc Đức Chúa Trời đến trong xác thịt[4][5][6] và kể cả tình huống xảy ra sau sự chết của Ngài.[7][8] Những nội dung về sự hưng vong thịnh suy của nhiều nước trên thế giới[9] đã được tiên tri từ hàng trăm hoặc hàng nghìn năm trước, tất thảy đều đã được ứng nghiệm một cách chính xác. Điều này làm chứng về sự tồn tại của Đức Chúa Trời, Đấng tiên tri trước những việc tương lai và hoàn thành điều ấy y như lời tiên tri.
Nếu ngươi nói trong lòng rằng: Làm sao chúng ta nhìn biết được lời nào là lời Đức Giêhôva không có phán? Khi kẻ tiên tri nhân danh Đức Giêhôva nói, ví bằng lời người nói không xảy đến và không ứng nghiệm, ấy là lời mà Đức Giêhôva chẳng có phán. Kẻ tiên tri đó bởi sự kiêu ngạo mà nói ra: chớ sợ người.
Làm chứng về Đấng Cứu Chúa
Không chỉ những người có tín ngưỡng mà kể cả những người bình thường cũng đang đọc Kinh Thánh với nhiều mục đích khác nhau. Một số người cho rằng Kinh Thánh là cuốn sách lịch sử chứa đựng lịch sử của Ysơraên và cuộc đời của Đức Chúa Jêsus Christ, một số khác lại coi Kinh Thánh là quyển sách đạo đức chứa đựng những bài học mang tính đạo đức và sự khôn ngoan trong cuộc sống. Tuy nhiên, Đức Chúa Jêsus phán dạy rằng Kinh Thánh là quyển sách làm chứng về Đấng Cứu Chúa, Đấng cứu rỗi nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết.
Các ngươi dò xem Kinh thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời: Ấy là Kinh thánh làm chứng về ta vậy.
Vì Nước Thiên Đàng là nơi không có sự chết,[10] nên để đi đến thế giới được gọi là Nước Thiên Đàng thì loài người nhất định phải có được sự sống đời đời. Phương pháp để nhận biết Đấng Cứu Chúa sẽ ban sự sống đời đời cho chúng ta chính là Kinh Thánh. Nhiều lời tiên tri trong Kinh Thánh về Đấng Christ đã được ứng nghiệm thông qua Đức Chúa Jêsus. Điều này cho thấy rằng Đức Chúa Jêsus chính là Đấng Christ, là nguồn nước sự sống.[11] Giống như vậy, Kinh Thánh đang làm chứng về Thánh Linh và Vợ Mới (Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ), là nguồn nước sự sống vào thời đại cuối cùng thông qua vô số lời tiên tri.[12]
Ban giáo huấn và sự khôn ngoan
Trong Kinh Thánh cũng chứa đựng nhiều giáo huấn về việc làm và phẩm tánh ngay thẳng mà các thánh đồ cần phải có. Kinh Thánh là sách chứa đựng sự dạy dỗ đầy tình yêu thương của Đức Chúa Trời, nhờ đó các Cơ Đốc nhân được biến hóa thành hình ảnh đẹp đẽ giống với Đức Chúa Trời và được trị vì đời đời trên Nước Thiên Đàng.[13]
... Kinh thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ. Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.
Ngôn ngữ gốc và tên gọi của Kinh Thánh
Ngôn ngữ gốc của Kinh Thánh
Đa số các sách Cựu Ước được ghi chép bằng tiếng Hêbơrơ, và một số ít được viết bằng tiếng Aram như sách Êxơra, Giêrêmi và Đaniên. Đó là vì sau thời kỳ phu tù Babylôn (Tân Babylôn), người Giuđa đã dần sử dụng tiếng Aram, là ngôn ngữ được sử dụng tại Babylôn và Pherơsơ (BaTư).
Sách Tân Ước được ghi chép bằng tiếng Gờréc (Hy Lạp), vốn là ngôn ngữ thông dụng của đế quốc La Mã lúc bấy giờ. Các sứ đồ đã ghi chép Kinh Thánh bằng tiếng Gờréc với mong muốn rằng những người ngoại bang cũng có thể nhận được sự cứu rỗi. Tuy nhiên, được cho biết rằng sách Tin Lành Mathiơ và Hêbơrơ ban đầu đã được chép bằng tiếng Hêbơrơ vì những người Giuđa.[14][15]
Tên gọi của Kinh Thánh
Từ “Kinh Thánh (Scripture)” xuất hiện trong Kinh Thánh Tân Ước là nói đến Kinh Thánh Cựu Ước mà người Giuđa dò xem vào thời ấy. Trong tiếng Hy Lạp, Kinh Thánh được gọi là “Graphe”, có nghĩa là “Điều đã được ghi chép”. Đức Chúa Jêsus và các sứ đồ cũng biểu hiện Kinh Thánh Cựu Ước là “lời của Môise rồi kế đến mọi đấng tiên tri”,[16] “luật pháp Môise, các sách tiên tri cùng các Thi Thiên”,[17] hay “luật pháp Môise và các đấng tiên tri”.[18]
Ngày nay, từ “Bible” trong tiếng Anh có nghĩa là Kinh Thánh, bắt nguồn từ “Biblos” có nghĩa là “quyển sách” trong tiếng Hy Lạp. Từ “Biblion” có ý nghĩa đồng nhất là quyển sách, được phái sinh bởi từ “Biblos”, và từ “Biblia” trong tiếng Latinh được tạo thành bởi từ “Biblia (các quyển sách)” là hình thức số nhiều của “Biblion (quyển sách)”. Từ “Biblia” trong tiếng Latinh là từ nguyên của “Bible” trong tiếng Anh.
“Biblos” hay “Biblion” cũng được sử dụng trong Kinh Thánh Tân Ước, còn trong Kinh Thánh hiệu đính tiếng Hàn, duy chỉ Hêbơrơ 10:7 được dịch là “cuộn”, nhưng chủ yếu được dịch là “quyển sách”, trong Kinh Thánh tiếng Anh (NIV) thì được dịch là “book (quyển sách)” hoặc “scroll (cuộn)”.
Bố cục của Kinh Thánh
Toàn bộ Kinh Thánh bao gồm tổng cộng 66 quyển sách, được phân loại thành Kinh Thánh Cựu Ước, là sách ghi chép trước thời kỳ Đức Chúa Jêsus và Kinh Thánh Tân Ước được ghi chép sau thời kỳ Đức Chúa Jêsus. Kinh Thánh Cựu Ước gồm có 39 quyển sách từ Sáng Thế Ký đến Malachi, được ghi chép từ khoảng năm 1500 TCN đến khoảng năm 400 TCN. Kinh Thánh Tân Ước có tất cả 27 quyển sách từ Tin Lành Mathiơ đến Khải Huyền.
Kinh Thánh hiện tại mà chúng ta đang dùng không phải được sắp xếp theo thứ tự niên đại, mà được sắp đặt theo từng nhóm có đặc tính giống nhau. Ngoài ra, đã không có sự phân chia chương và câu vào thời điểm Kinh Thánh được ghi chép. Được cho biết rằng việc phân chia các chương như hiện nay là vào khoảng thế kỷ 13 SCN.[19] Việc phân chia các câu Kinh Thánh lần đầu xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ 16, khi nhà kinh doanh ngành in ấn của Pháp là Stephanus xuất bản Kinh Thánh Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp. Kinh Thánh mà chúng ta đang sử dụng ngày nay được phân chia theo chương và câu của Kinh Thánh Geneva xuất bản bằng tiếng Anh vào năm 1560.[20]
Kinh Thánh Cựu Ước: 39 quyển
Sách luật pháp (Ngũ Kinh Môise) – 5 quyển
Sáng Thế Ký, Xuất Êdíptô Ký, Lêvi Ký, Dân Số Ký, Phục Truyền Luật Lệ Ký
Sách lịch sử – 12 quyển
Giôsuê, Các Quan Xét, Rutơ, I Samuên, II Samuên, I Các Vua, II Các Vua, I Sử Ký, II Sử Ký, Exơra, Nêhêmi, Êxơtê
Sách thơ ca – 5 quyển
Gióp, Thi Thiên, Châm Ngôn, Truyền Đạo, Nhã Ca
Sách tiên tri – 17 quyển
Êsai, Giêrêmi, Ca Thương, Êxêchiên, Đaniên, Ôsê, Giôên, Amốt, Ápđia, Giôna, Michê, Nahum, Habacúc, Sôphôni, Aghê, Xachari, Malachi
Kinh Thánh Tân Ước: 27 quyển
Sách Tin Lành (Công việc của Đức Chúa Jêsus) – 4 quyển
Mathiơ, Mác, Luca, Giăng
Sách lịch sử – 1 quyển
Công Vụ Các Sứ Đồ
Thư tín của Phaolô (biểu hiện đối tượng nhận ở tên sách) – 14 quyển
Rôma, I Côrinhtô, II Côrinhtô, Galati, Êphêsô, Philíp, Côlôse, I Têsalônica, II Têsalônica, I Timôthê, II Timôthê, Tít, Philêmôn, Hêbơrơ
Thư tín thông thường (Biểu hiện người gửi ở tên sách) – 7 quyển
Giacơ, I Phierơ, II Phierơ, I Giăng, II Giăng, III Giăng, Giuđe
Sách tiên tri – 1 quyển
Khải Huyền
Quyền uy và bảo tồn của Kinh Thánh
Quyền uy của Kinh Thánh
Kinh Thánh có quyền uy tuyệt đối vì là sách ghi chép lời của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, lời của Đức Chúa Trời được ghi chép trong Kinh Thánh quyết định sự cứu rỗi và sự phán xét đối với loài người. Vì Đức Chúa Trời muốn truyền cho nhân loại y nguyên mọi điều trong Kinh Thánh, là sách liên quan trực tiếp đến sự cứu rỗi, nên Ngài đã phán dặn rằng chớ thêm hoặc bớt dù chỉ một lời trong Kinh Thánh.[21]
Tôi ngỏ cho kẻ nào nghe lời tiên tri trong sách nầy: Nếu ai thêm vào sách tiên tri nầy điều gì, thì Đức Chúa Trời sẽ thêm cho người ấy tai nạn đã ghi chép trong sách nầy. Và kẻ nào bớt điều gì trong những lời ở sách tiên tri nầy, thì Đức Chúa Trời sẽ cất lấy phần họ về cây sự sống và thành thánh, mà đã chép ra trong sách nầy.
Thông qua lời cảnh báo này, chúng ta có thể đoán biết rằng đích thân Đức Chúa Trời đã bảo tồn Kinh Thánh. Bởi vì Đức Chúa Trời mong muốn hết thảy đều đạt đến sự cứu rỗi mà không một ai bị chết mất,[22] nếu Kinh Thánh bị bóp méo hoặc bị thay đổi thì sẽ phát sinh sự việc đáng tiếc là nhân loại không thể nhận được sự cứu rỗi. Do đó, quyền uy của Kinh Thánh được đảm bảo bởi chính Đức Chúa Trời hằng sống.
Ghi chép và bảo tồn của Kinh Thánh
Vào thời đại kỹ thuật xuất bản chưa phát triển, người ta làm sách bằng cách trực tiếp chép tay từng chữ một. Khi thời gian trôi qua và văn bản gốc bị mòn cũ đi, họ nhìn và ghi chép lại văn bản gốc trên đất sét, da động vật hoặc vỏ cây, nên văn bản đó được gọi là bản viết tay hoặc bản sao. Giấy da hoặc giấy cói - loại giấy có thể dễ dàng tìm được bên bờ sông Nile ở Ai Cập, thường được sử dụng phổ biến để làm vật liệu.
- Kinh Thánh Cựu Ước
Bản gốc của Kinh Thánh Cựu Ước hiện không còn tồn tại nữa, song đã được lưu truyền qua các bản chép tay. Ở Ysơraên có các thầy thông giáo là những người có chuyên môn sao chép và kiểm chứng Kinh Thánh. Việc chế tác các bản sao đã được tiến hành hết sức công phu. Khi ghi chép bản sao Kinh Thánh, các thầy thông giáo đã dành hết tâm huyết trong việc lưu giữ bản gốc đến nỗi đếm từng chữ cái một để không làm thay đổi Kinh Thánh.
“ Against Apion Quyển 1 Dù sao chúng ta có thể biết được một cách rõ rệt về thái độ của những người Giuđa đối với sách này, thông qua sự thật rằng dầu nhiều năm tháng trôi qua nhưng không ai thêm hoặc xóa khỏi trong sách này điều gì và cũng không làm biến đổi dù chỉ là một chút. Từ khi sanh ra, người Giuđa không chỉ công nhận những sách này là sách chứa đựng những giáo lý thiêng liêng, mà họ còn luôn ở trong đó, và có tư thế sẵn sàng quyết tử vì những sách này nếu cần thiết. Không phải một, hai phu tù người Giuđa chết sau khi bị đủ loại tra tấn tại nhà thi đấu vì cớ rằng họ không nói lời xúc phạm luật pháp và những ghi chép về luật pháp; đây tuyệt đối không phải là sự việc mới lạ.
“ — Josephus, “Josephus 4: Against Apion”, Kim Ji Chan dịch, Nhà xuất bản Life Book, 2017, trang 85
Mặc dù Kinh Thánh đã được lưu truyền dưới dạng bản sao trong thời gian dài, nhưng Cuộn Biển Chết đã làm sáng tỏ rằng nội dung trong Kinh Thánh không hề bị thay đổi. Vào năm 1947, tại hang Qumran gần Biển Chết, cuộn Kinh Thánh được ghi chép vào khoảng năm 100 TCN đã được phát hiện. Người ta gọi đó là Cuộn Biển Chết hoặc Bản sao Qumran. Bản sao cổ nhất lúc bấy giờ là bản sao Masorah được ghi chép vào khoảng năm 900 TCN. Kết quả sau khi các học giả so sánh hai bản sao, thật đáng ngạc nhiên là chúng đồng nhất đến mức gần như không có sự khác biệt. Giữa hai bản sao có sự chênh lệch thời gian là khoảng 1000 năm.[23]
- Kinh Thánh Tân Ước
Vào thế kỷ thứ 1 SCN, các môn đồ nhận thấy tính cần thiết của việc để lại và lưu giữ những lời dạy dỗ và cuộc đời của Đức Chúa Jêsus như văn bản ghi chép, nên họ đã chép lại công việc của Đức Chúa Jêsus. Đó là các sách Tin Lành ngày nay. Hơn nữa, những người chỉ đạo Hội Thánh gồm cả sứ đồ Phaolô, đã không thể đến thăm từng Hội Thánh ở từng địa phương, nên ông đã viết các bức thư chỉ dẫn để gây dựng đức tin ngay thẳng cho các thánh đồ. Các thư tín đã được công bố trong nhiều Hội Thánh,[24][25][26][27] và về sau các thư tín từng được đọc một cách rộng rãi tại Hội Thánh trong suốt thời gian dài đã được công nhận là Kinh Thánh để các thánh đồ làm theo sự dạy dỗ của Đức Chúa Jêsus và các sứ đồ.
Giải nghĩa Kinh Thánh
Đức Chúa Trời đã soi dẫn các đấng tiên tri bởi Đức Thánh Linh để ghi chép Kinh Thánh.[1]
Khi đọc và giải nghĩa Kinh Thánh, chỉ những người được cảm động bởi đồng một Thánh Linh mới có thể nhận biết ý muốn chân thật của Đức Chúa Trời ghi chép trong Kinh Thánh.[28] Phương pháp để được cảm động bởi Thánh Linh chính là gìn giữ lẽ thật của giao ước mới. Khi mặc lấy sự tinh sạch bởi huyết của Đấng Christ thông qua lẽ thật của giao ước mới,[29] thì Thánh Linh của Đức Chúa Trời mới ngự trong người đó.[30] Khi Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự cùng thì mới nhận được sự khôn ngoan và thông sáng để có thể hiểu biết sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời ẩn chứa trong Kinh Thánh.[31]
Tuy nhiên sau thời đại các sứ đồ, lẽ thật của giao ước mới đã bị biến mất, nên không ai có đức tin chân thật hoặc nhận được sự khôn ngoan và thông sáng từ Đức Thánh Linh nữa.[32] Kinh Thánh, quyển sách được ghi chép vì sự cứu rỗi của nhân loại, đã hoàn toàn bị đóng ấn. Trong tình huống thể này, Kinh Thánh đã tiên tri rằng Đấng sẽ cho loài người hiểu biết được ý nghĩa của Kinh Thánh một cách đúng đắn duy chỉ là chồi của vua Đavít, tức là Đức Chúa Jêsus Tái Lâm mà thôi.
Rồi tôi thấy trong tay hữu Đấng ngồi trên ngôi (Đức Chúa Trời) một quyển sách (Kinh Thánh) viết cả trong lẫn ngoài, có đóng bảy cái ấn. Tôi cũng thấy một vị thiên sứ mạnh mẽ cất tiếng lớn kêu rằng: Ai đáng mở quyển sách nầy và tháo những ấn nầy? Dầu trên trời, dưới đất, bên dưới đất, không ai có thể mở quyển sách ấy hoặc nhìn xem nó nữa. Vì không có ai đáng mở quyển sách ấy hoặc nhìn xem nó nữa, nên tôi khóc dầm dề. Bấy giờ, một người trong các trưởng lão nói với tôi rằng: Chớ khóc, kìa, sư tử của chi phái Giuđa, tức là Chồi của vua Đavít, đã thắng, thì có thể mở quyển sách ấy và tháo bảy cái ấn ra.
Đấng duy nhất có thể giải nghĩa Kinh Thánh một cách đúng đắn và dẫn dắt nhân loại đến sự cứu rỗi chính là Đức Chúa Jêsus Tái Lâm. Ngày nay, rất nhiều người đang giải nghĩa Kinh Thánh trong khi không tiếp nhận chồi của vua Đavít cũng như không vâng giữ lẽ thật của giao ước mới. Tuy nhiên, nếu không phải là chồi của vua Đavít mà lại giải nghĩa Kinh Thánh theo ý riêng thì có thể nói rằng đó là hành vi tự chuốc lấy sự hủy diệt.[33]
Dù là những người giữ gìn lẽ thật của giao ước mới và được mặc lấy sự tinh sạch bởi huyết của Đấng Christ thì cũng không được giải thích Kinh Thánh một cách tùy tiện. Chúng ta phải lắng nghe và làm theo phương pháp của sự sống đời đời được dạy dỗ bởi Kinh Thánh và Đấng Cứu Chúa mà Kinh Thánh làm chứng.[34][35]
Xem thêm
Chú thích
- ↑ 1,0 1,1 “II Phierơ 1:20-21”.
Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Ðức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Ðức Chúa Trời.
- ↑ “Châm Ngôn 27:1”.
Chớ khoe khoang về ngày mai; Vì con chẳng biết ngày mai sẽ sanh ra điều gì.
- ↑ “Luca 12:20”.
Song Đức Chúa Trời phán cùng người rằng: Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của cải ngươi đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai?
- ↑ “Êsai 53:1-5”.
Người đã lớn lên trước mặt Ngài như một cái chồi, như cái rễ ra từ đất khô. Người chẳng có hình dung, chẳng có sự đẹp đẽ; khi chúng ta thấy người, không có sự tốt đẹp cho chúng ta ưa thích được. Người đã bị người ta khinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem... Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương, bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh.
- ↑ “Mathiơ 27:26-30, 35”.
và khiến đánh đòn Đức Chúa Jêsus, đoạn giao Ngài ra để đóng đinh trên cây thập tự... Họ cởi áo Ngài ra, lấy áo điều mà khoác cho Ngài. Đoạn, họ đương một cái mão gai mà đội trên đầu, và để một cây sậy trong tay hữu Ngài; rồi quì xuống trước mặt Ngài mà nhạo báng rằng... Họ nhổ trên Ngài và lấy cây sậy đánh đầu Ngài.
- ↑ “Giăng 19:34”.
nhưng có một tên lính lấy giáo đâm ngang sườn Ngài, tức thì máu và nước chảy ra.
- ↑ “Êsai 53:9”.
Người ta đã đặt mồ người với những kẻ ác, nhưng khi chết, người được chôn với kẻ giàu; dầu người chẳng hề làm điều hung dữ và chẳng có sự dối trá trong miệng.
- ↑ “Mathiơ 27:38, 57-60”.
Cũng lúc đó, họ đóng đinh hai tên trộm cướp với Ngài, một tên ở cây thập tự bên hữu, một tên ở cây thập tự bên tả... có một người giàu, ở thành Arimathê, tên là Giôsép, chính là một môn đồ của Đức Chúa Jêsus, đến nơi Philát mà xin xác Đức Chúa Jêsus. Philát bèn truyền cho. Giôsép lấy xác Ngài bọc trong tấm vải liệm trắng, và đưa để trong một cái huyệt mới mà người đã khiến đục cho mình trong hòn đá; đoạn, lăn một hòn đá lớn đến trước cửa mồ, rồi đi.
- ↑ “Đaniên 8:1, 20-22”.
Năm thứ ba, đời vua Bênxátsa, có sự hiện thấy tỏ ra cho ta, là Đaniên, sau sự hiện thấy đã tỏ ra cho ta khi trước... Con chiên đực mà ngươi đã thấy, có hai sừng, đó là các vua nước Mêđi và Pherơsơ. Con dê xờm đực, tức là vua nước Gờréc; và cái sừng lớn ở giữa hai con mắt, tức là vua đầu nhứt. Về sừng đã gãy đi, có bốn sừng mọc lên trong chỗ nó: tức là bốn nước bởi dân tộc đó dấy lên, song quyền thế không bằng sừng ấy.
- ↑ “Khải Huyền 21:4”.
Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi.
- ↑ “Giăng 4:14”.
nhưng uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó, văng ra cho đến sự sống đời đời.
- ↑ “Khải Huyền 22:17”.
Thánh Linh và vợ mới cùng nói: Hãy đến! Kẻ nào nghe cũng hãy nói rằng: Hãy đến! Ai khát, khá đến. Kẻ nào muốn, khá nhận lấy nước sự sống cách nhưng không.
- ↑ “Khải Huyền 22:5”.
... Đêm không còn có nữa, và chúng sẽ không cần đến ánh sáng đèn hay ánh sáng mặt trời, vì Chúa là Đức Chúa Trời sẽ soi sáng cho; và chúng sẽ trị vì đời đời.
- ↑ Eusebius Pamphilus, 《Sử Hội Thánh của Eusebius》, dịch bởi Eom Seong Ok, NXB Eunseong, 2003, trang 169, “Mathiơ đã ghi chép sách Tin Lành theo tiếng Hêbơrơ. Rồi những người có năng lực biên dịch đã dịch lại hết thảy.”
- ↑ Eusebius Pamphilus, 《Sử Hội Thánh của Eusebius》, dịch bởi Eom Seong Ok, NXB Eunseong, 2003, trang 289,
Ông ấy (Clement) cho rằng Phaolô đã viết thư bằng tiếng Hêbơrơ để gửi cho người Hêbơrơ, Luca đã dịch lại và phổ biến trong xã hội Hy Lạp, vì vậy văn phong và ngữ pháp đồng nhất với cách viết được sử dụng trong Công Vụ Các Sứ Đồ đã được phát hiện trong bức thư tín đó.
- ↑ “Luca 24:27”.
Ðoạn, Ngài bắt đầu từ Môise rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh thánh.
- ↑ “Luca 24:44”.
Ðoạn, Ngài phán rằng: Ấy đó là điều mà khi ta còn ở với các ngươi, ta bảo các ngươi rằng mọi sự đã chép về ta trong luật pháp Môise, các sách tiên tri, cùng các thi thiên phải được ứng nghiệm.
- ↑ “Công Vụ Các Sứ Đồ 28:23”.
từ buổi sáng đến chiều, người cứ làm chứng và giảng giải với họ về nước Ðức Chúa Trời, lấy luật pháp Môise và các đấng tiên tri mà gắng sức khuyên bảo họ về Ðức Chúa Jêsus.
- ↑ "Stephen Langton and the modern chapter divisions of the bible," Roger Pearse, Jun. 21. 2013., "Trong quá trình thu thập chứng cớ của bản sao Kinh Thánh, Otto Schmid có thể suy luận một cách rõ ràng rằng Stephen Langton đã phân chia các chương. Stephen Langton đã tiến hành công việc này vào năm 1204 - 1205, khi ông làm việc với tư cách là giáo sư tại trường đại học Paris."
- ↑ “[Tôn giáo của thế giới (12)] Ai đã phân chia chương và câu của Kinh Thánh?”. Economy Talk News. 8 tháng 9 năm 2016.
Năm 1553 SCN, giáo sư Robert Estienne đã in ấn Kinh Thánh Tân Cựu Ước, tức Kinh Thánh ngày nay bằng cách tổng hợp 66 quyển Kinh Thánh gồm Cựu Ước bằng tiếng Hêbơrơ và Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp, cũng như tổng hợp các chương và câu trong 66 quyển Kinh Thánh. Bản gốc được in bằng tiếng Pháp, là quyển Kinh Thánh đầu tiên có sự thống nhất về chương và câu Kinh Thánh như ngày nay.
- ↑ “Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:2”.
Các ngươi chớ thêm chi và đừng bớt chi về điều ta truyền cho, để giữ theo các điều răn của Giêhôva Đức Chúa Trời các ngươi mà ta đã truyền.
- ↑ “II Phierơ 3:9”.
Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.
- ↑ Henry H. Halley, 《Halley’s Bible Handbook》, dịch bởi Park Yang Jo, NXB Cơ Đốc giáo, 2006, trang 336-337, "Kinh Thánh Cựu Ước lâu đời nhất còn tồn tại đến nay là sách được làm ra vào khoảng năm 900. Quyển sách này có nền tảng dựa trên nguyên bản Masorah của Kinh Thánh Cựu Ước tiếng Hêbơrơ. ... Các học giả Hêbơrơ nói rằng Kinh Thánh của chúng ta ngày nay được sao chép từ bản gốc này và giống với bản gốc đầu tiên về mặt bản chất. Vào năm 1947... hai người Bedouin của Ả Rập đang đi tìm con dê bị mất... phát hiện ra nhiều cái chum bị vỡ có đựng nhiều cuộn sách trong hang động. Những người Bedouin lấy cuộn sách ấy ra và đem đến Tu viện Mark thuộc Chính thống giáo Syria tại Giêrusalem. Họ đã gửi đến Hiệp hội Đông phương Hoa Kỳ. Một trong các cuộn sách ấy được xác nhận là sách Êsai được ghi chép cách đây 2000 năm. Sách này ghi chép trước 1000 năm so với Kinh Thánh Cựu Ước tiếng Hêbơrơ từng được biết đến cho đến ngày nay. Quả là sự phát hiện đáng ngạc nhiên biết bao? Cuộn sách này... được ghi chép bằng tiếng Hêbơrơ cổ đại, được xác nhận là sách thuộc thế kỷ thứ 2 TCN. ... Sách này về cơ bản giống với sách Êsai trong Kinh Thánh của chúng ta. Tiếng nói của 2000 năm trước được bảo tồn bởi sự quan phòng đáng ngạc nhiên của Đức Chúa Trời và khẳng định được quyền uy của Kinh Thánh. W. F. Albright nói rằng đây là “sự phát hiện bản gốc vĩ đại nhất thời hiện tại."
- ↑ “II Phierơ 3:15-16”.
Lại phải nhìn biết rằng sự nhịn nhục lâu dài của Chúa chúng ta cốt vì cứu chuộc anh em, cũng như Phaolô, anh rất yêu dấu của chúng ta, đã đem sự khôn ngoan được ban cho mình mà viết thư cho anh em vậy.
- ↑ “Côlôse 4:16”.
Anh em đọc thơ nầy rồi, hãy đưa cho Hội thánh Laođixê đọc với, anh em cũng phải đọc thơ ở Laođixê gởi đến nữa.
- ↑ “I Têsalônica 5:27”.
Tôi nhân Chúa nài xin anh em hãy đọc thơ nầy cho hết thảy anh em đều nghe.
- ↑ “II Têsalônica 2:15”.
Hỡi anh em, vậy thì hãy đứng vững, hãy vâng giữ những điều dạy dỗ mà chúng tôi đã truyền cho anh em, hoặc bằng lời nói, hoặc bằng thơ từ của chúng tôi.
- ↑ “I Côrinhtô 2:10”.
Đức Chúa Trời đã dùng Đức Thánh Linh để bày tỏ những sự đó cho chúng ta, vì Đức Thánh Linh dò xét mọi sự, cả đến sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời nữa.
- ↑ “Luca 22:7-20”.
Đến ngày lễ ăn bánh không men, là ngày người ta phải giết con sinh làm lễ Vượt qua... Đoạn, Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn xong, bẻ ra phân phát cho môn đồ, mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, đã vì các ngươi mà phó cho; hãy làm sự nầy để nhớ đến ta. Khi ăn xong, Ngài cũng làm như vậy, lấy chén đưa cho môn đồ, mà phán rằng: Chén nầy là giao ước mới trong huyết ta vì các ngươi mà đổ ra.
- ↑ “Giăng 6:53-56”.
Ðức Chúa Jêsus bèn phán cùng họ rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không ăn thịt của Con người, cùng không uống huyết Ngài, thì chẳng có sự sống trong các ngươi đâu. Ai ăn thịt và uống huyết ta thì được sự sống đời đời; nơi ngày sau rốt, ta sẽ khiến người đó sống lại... Người nào ăn thịt ta và uống huyết ta, thì ở trong ta, và ta ở trong người.
- ↑ “Êphêsô 1:7-9”.
Ấy là trong Ðấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài, mà Ngài đã rải ra đầy dẫy trên chúng ta cùng với mọi thứ khôn ngoan thông sáng, khiến chúng ta biết sự mầu nhiệm của ý muốn Ngài...
- ↑ “Luca 18:8”.
Song khi Con người đến, há sẽ thấy đức tin trên mặt đất chăng?
- ↑ “II Phierơ 3:16”.
Ấy là điều người đã viết trong mọi bức thơ, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và tin không quyết đem giải sai ý nghĩa, cũng như họ giải sai về các phần Kinh thánh khác, chuốc lấy sự hư mất riêng về mình.
- ↑ “Giăng 5:39”.
Các ngươi dò xem Kinh thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời: Ấy là Kinh thánh làm chứng về ta vậy.
- ↑ “II Timôthê 3:15-17”.
... Kinh thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ. Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.