Linh hồn

Từ Từ điển tri thức Hội Thánh của Đức Chúa Trời
Phiên bản vào lúc 06:29, ngày 16 tháng 12 năm 2024 của Pyc1948 (thảo luận | đóng góp) (Pyc1948 đã đổi Draft:Linh hồn thành Linh hồn)
(khác) ← Phiên bản cũ | Phiên bản mới nhất (khác) | Phiên bản mới → (khác)
Bước tới điều hướng Bước tới tìm kiếm
Con trai của người đàn bà góa Sarépta đã chết nhưng được sống lại bởi sự trở lại của linh hồn. Tác phẩm của Julius Schnorr von Carolsfeld

Linh hồn (靈魂, soul, spirit) là nguồn động lực giúp con người sống và hoạt động. Đó cũng là căn nguyên của sự sống được tạo ra bởi khí sống của Đức Chúa Trời. Vấn đề linh hồn là đề tài khơi dậy tính hiếu kỳ và sự tranh luận kể cả giữa những người vô thần, nhưng kể cả giới tôn giáo cũng đang dạy theo nhiều khái niệm khác nhau vì không thiết lập được nguyên tắc chính xác về vấn đề này. Có thời điểm dự án NHẬN THỨC (AWARE project)[1][2] đã được tiến hành trong nỗ lực chứng minh sự tồn tại của linh hồn thông qua y học hay khoa học.
Trong Kinh Thánh Tân Cựu Ước có nhiều ghi chép về linh hồn. Khi nghiên cứu bằng cách liên kết Tân ƯớcCựu Ước thì có thể phát hiện ra nguyên lý cơ bản về linh hồn. “Linh hồn của loài người từ đâu đến?”, “Tại sao linh hồn lại mặc xác thịt mà sống trong thế gian tội ác này?”, “Khi rời khỏi thế gian này thì linh hồn sẽ đi về đâu?”, ba vấn đề này là lẽ thật cốt lõi phải được giải đáp vì sự trông mong của nhân loại, những người không tránh khỏi sự chết sau khi sống cuộc đời xác thịt ngắn ngủi trên đất này. Phải biết chính xác linh hồn loài người từ đâu đến và sẽ đi về đâu thì mục đích và niềm hy vọng của đức tin mới trở nên rõ ràng.

Ý nghĩa của linh hồn

Định nghĩa theo từ điển thì linh hồn là “một thực thể phi vật chất được cho là đang trú ngụ trong xác thịt, chịu trách nhiệm tác động đến tâm trí và đem lại sự sống”.[3] Kinh Thánh biểu hiện linh hồn bằng nhiều thuật ngữ khác nhau như sanh khí,[4] thần (神),[5][6] linh (靈),[7][8] hồn (魂),[9][10][11] v.v...
Trong Kinh Thánh Cựu Ước được viết bằng tiếng Do Thái, có các thuật ngữ được sử dụng để chỉ về linh hồn như “Neshama (נְשָׁמָה)”,[12] “Nephesh(נֶפֶשׁ)”,[13] “Ruach(רוּחַ)”[14] hoặc “Nishmat Haim (נִשְׁמַת חַיִּים)”, là sự kết hợp giữa Neshama và Haim (sự sống). Neshama và Ruach tương ứng với “spirit (thần linh)” trong tiếng Anh, được dịch là “Pneuma (πνεῦμα)”[15] trong tiếng Hy Lạp, còn từ Nephesh tương ứng với “soul (linh hồn)” trong tiếng Anh, được dịch là “psyche (Ψυχή)”[16] trong tiếng Hy Lạp. Ngoài việc là thuật ngữ chỉ về linh hồn, Nephesh còn được dùng để diễn tả sự khao khát, mưu cầu và cảm xúc.
Trong Kinh Thánh, “linh hồn” được chép theo hai nghĩa. Kinh Thánh Cựu Ước gọi sanh mạng của hầu hết những người đang sống là linh hồn, còn trong Kinh Thánh Tân Ước thì linh hồn chỉ về linh hồn của người chết theo nghĩa đen. Thông thường, linh hồn nói về những tồn tại lìa khỏi xác thịt sau khi chết, nhưng lý do người sống cũng có thể được gọi là linh hồn là bởi có linh hồn bên trong người sống.

Sự tồn tại của linh hồn

Đức Chúa Trời tạo ra Adam bằng bụi đất và sanh khí

Đức Chúa Trời, Đấng dựng nên trời đất đã dựng nên loài người vào ngày thứ sáu. Kinh Thánh mô tả quá trình loài người được tạo ra như sau:

Giêhôva Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh.

- Sáng Thế Ký 2:7


Bụi đất nghĩa là xác thịt, còn sanh khí là linh hồn. Một con người sống được tạo ra bởi sự kết hợp của xác thịt và linh hồn. Rồi khi con người chết thì linh hồn và xác thịt bị tách rời.[5] Linh hồn là khí sống mà Đức Chúa Trời đã thổi vào, khi khí sống ấy bị rút ra khỏi thì người đó chết; còn khi khí sống ấy được đặt vào lại thì người đó được sống..[17][18] Do đó, Đức Chúa Jêsus đã phán rằng “Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của cải ngươi đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai?”.[19]
Linh hồn là tồn tại độc lập với xác thịt, có thể mặc lấy xác thịt và cũng có thể cởi bỏ xác thịt. Thân thể thuộc về bụi đất giống như ngôi nhà cho linh hồn trú ngụ tạm thời. PhierơPhaolô đã ví thân thể của xác thịt với đền tạm, tức là nhà tạm (tent).[20][21] Đặc biệt, Phaolô đã lấy chính mình làm chứng bằng cách chỉ về linh hồn chứ không phải thân thể mà nói rằng linh hồn có thể ở trong thân thể, và cũng có thể rời khỏi thân thể.[22][23] Như vậy, bản chất của loài người là linh hồn chứ không phải xác thịt, và đối tượng của sự cứu rỗi cũng là linh hồn.[24]
Linh hồn hiện ra một cách rõ ràng trước mặt Đức Chúa Trời, nhưng bằng mắt của loài người thì không trông thấy được. Lý do sự tồn tại của linh hồn trở thành vấn đề tranh luận là bởi linh hồn không được trông thấy bằng mắt xác thịt của loài người. Tuy nhiên, Kinh Thánh không chỉ làm chứng về sự tồn tại của linh hồn mà còn tiết lộ kể cả những việc liên quan đến thế giới đời trước và đời sau, bằng cách cho biết loài người đã được dựng nên như thế nào.

Cuộc sống phần linh hồn

Thế giới đời trước

Cuộc sống phần linh hồn đã được bắt đầu từ thế giới đời trước. Linh hồn không phải được hình thành cùng lúc với sự sanh ra của xác thịt, mà linh hồn đã nhận lấy sự sống từ Đức Chúa Trời, là Cha Mẹ phần linh hồn ở trên trời và đã tồn tại trước khi được sanh ra trong xác thịt.[25][26][27]
Salômôn - vua của sự khôn ngoan, đã chép rằng bản thân mình đã có trước khi Đức Chúa Trời làm công việc vào buổi ban đầu,[28] và trong cuộc trò chuyện với Gióp, Đức Chúa Trời đã khiến Gióp thức tỉnh về sự thật rằng linh hồn mình đã được tạo ra trước khi trái đất được dựng nên.[29] Hơn nữa, Đức Chúa Trời còn cho biết rằng vua Tyrơ, người từng sống trên trái đất này, chính là thiên sứ chêrubim đã từng sống trong vinh hiển trên trời lúc thuở xưa.[30] Những lời này nghĩa là nhân loại đang sống trên đất này đều đã ở cùng Đức Chúa Trời trên trời trước khi sanh ra trên thế gian này. Do đó, Giacốp đã xưng mình và tổ tiên của mình, những người đã từng mặc xác thịt mà sống trên đất này là khách bộ hành.[31] Kinh Thánh Tân Ước cũng làm chứng rằng các tổ phụ đức tin đều coi thế gian này như là cuộc sống của kẻ khách tạm thời và trông mong về quê hương trên trời.


Hết thảy những người đó đều chết trong đức tin, chưa nhận lãnh những điều hứa cho mình; chỉn trông thấy và chào mừng những điều đó từ đằng xa, xưng mình là kẻ kháchbộ hành trên đất. Những kẻ nói như thế, tỏ rõ rằng mình đương đi tìm nơi quê hương. Ví thử họ đã tưởng đến nơi quê hương mà mình từ đó đi ra, thì cũng có ngày trở lại, nhưng họ ham mến một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời.

- Hêbơrơ 11:13-16

Thế giới đời này

〈Người chăn chiên thiện lành〉, tác phẩm của James Tissot, 1886-1894. Ví dụ về con chiên bị mất chứa đựng lẽ thật về linh hồn.

Thế gian hiện tại là nơi trú ngụ của các linh hồn bị đuổi khỏi Nước Thiên Ðàng. Thông qua sự dạy dỗ và lời ví dụ của Đức Chúa Jêsus, chúng ta có thể hiểu vì sao linh hồn của nhân loại, những người vốn được hưởng vinh hiển ở trên trời với tư cách là con cái của Đức Chúa Trời, đã phải xuống trái đất này. Đức Chúa Jêsus đã bày tỏ những điều được giấu kín từ buổi sáng thế thông qua các lời ví dụ,[32] trong số đó, “Ví dụ về con chiên bị mất” chứa đựng lẽ thật về phần linh hồn.


Trong các ngươi ai là người có một trăm con chiên, nếu mất một con, mà không để chín mươi chín con nơi đồng vắng, đặng đi tìm con đã mất cho kỳ được sao? Khi đã kiếm được, thì vui mừng vác nó lên vai; đoạn, về đến nhà, kêu bạn hữu và kẻ lân cận, mà rằng: Hãy chung vui với ta, vì ta đã tìm được con chiên bị mất. Ta nói cùng các ngươi, trên trời cũng như vậy, sẽ vui mừng cho một kẻ có tội ăn năn hơn là chín mươi chín kẻ công bình không cần phải ăn năn.

- Luca 15:4-7


Người chăn đi tìm con chiên bị mất chính là Đức Chúa Jêsus.[33] Nếu Đức Chúa Jêsus đã đến đất này với tư cách là người chăn để tìm con chiên bị mất, thì nhân loại đang sống trên trái đất này chính là con chiên bị mất ấy. Vì niềm vui tìm được con chiên bị mất được ví như sự ăn năn của một tội nhân, nên có thể đưa ra kết luận rằng loài người đã bị lạc mất trên Nước Thiên Đàng mà xuống thế gian này vì tội lỗi. Vì thế, Đức Chúa Jêsus đã nói về lý do Ngài đến trái đất này rằng “Ta đến để tìm và cứu kẻ bị mất”,[34] lại cũng phán rằng “Ta đến để kêu kẻ có tội”.[35]
Ban đầu, hết thảy mọi người sống trên đất này đều đã được dựng nên với tư cách là người thiêng liêng, nhưng vì phạm tội ở trên trời nên đã phải mặc lấy hình thể của tội nhân, tức là xác thịt mà đến thế gian này. Vì vậy, trái đất này giống như nhà tù dành cho những linh hồn đã phạm tội. Xác thịt tương ứng với bộ quần áo hạn chế sự tự do của linh hồn khi sinh sống trên trái đất này.

Thế giới đời sau

〈Êtiên bị ném đá〉, tác phẩm của Hans von Aachen, 1600. Vì đã xác tín về linh hồn và thế giới sau khi chết, Êtiên đã không hề sợ hãi kể cả việc bị ném đá cho đến chết.

Kinh Thánh giải thích rằng sự chết là sự phân ly giữa xác thịt và linh hồn, chứ không phải là sự tuyệt diệt mãi mãi của xác thịt và linh hồn. Vì linh hồn là sự tồn tại riêng biệt với xác thịt, nên linh hồn vẫn còn sống dầu xác thịt đã chết. Nếu linh hồn được hình thành cùng lúc với sự sanh ra của xác thịt, thì linh hồn cũng phải biến mất khi xác thịt chết đi. Tuy nhiên, nếu linh hồn đã tồn tại ở thế giới đời trước, trước khi mặc lấy xác thịt, thì linh hồn phải còn sống kể cả khi xác thịt đã chết và không còn nữa, như vậy mới đúng theo nguyên lý.

và bụi tro (xác thịt) trở vào đất y như nguyên cũ, và thần linh (linh hồn) trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó.

- Truyền Đạo 12:7

Đừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn; nhưng thà sợ Đấng làm cho mất được linh hồn và thân thể trong địa ngục.

- Mathiơ 10:28


Thông thường, xác thịt không thể sống quá 100 năm, rồi bị chôn vùi trong lòng đất và tiêu mất đi. Nhưng linh hồn sẽ trở về nơi Đức Chúa Trời sau khi rời khỏi xác thịt vào thời điểm xác thịt ngừng hô hấp. Đức Chúa Jêsus đã phán về sự chết của Laxarơ rằng “Laxarơ chết rồi”, và lại cũng phán rằng “Laxarơ đương ngủ”.[36] Lý do Ngài đã biểu hiện sự chết như là sự ngủ là vì có thế giới đời sau. Sau khi qua đời, nếu không còn sự tồn tại của sự sống thì cũng không có sự thức dậy nữa. Sau khi nhận thức được điều này, các sứ đồ đã không hề sợ hãi sự chết, cũng không đón nhận cái chết một cách tuyệt vọng.[37][20][38][39]

Sự phán xét và sự phục sinh

Sự phán xét

Kinh Thánh cho biết rằng khi các ngày của xác thịt đã mãn, thì linh hồn sẽ phải chịu sự phán xét trước mặt Đức Chúa Trời.

Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét,

- Hêbơrơ 9:27

Những linh hồn đã đến với Đức Chúa Trời sẽ được khen thưởng hoặc chịu hình phạt tùy theo hành vi của bản thân.[40][41][42][43] Linh hồn của loài người đã phạm tội và bị đuổi khỏi Nước Thiên Đàng, nếu nhận được sự tha tội thì sẽ được trở về Nước Thiên Đàng là quê hương trên trời, nhưng nếu không nhận được sự tha tội thì không được trở về Nước Thiên Đàng mà phải chịu hình phạt địa ngục, rồi cuối cùng rơi vào sự chết.[44] Đây là sự chết về phần linh hồn, tức là sự chết thứ hai.[45]

Phục sinh và biến hóa

Linh hồn của các thánh đồ nhận được sự tha tội nhờ mang lấy huyết của Đấng Christ bởi sự giữ giao ước mới, sẽ được biến hóa thành thể thiêng liêng[46][47][48] vào ngày phán xét cuối cùng, khi công việc cứu chuộc của Đức Chúa Trời kết thúc, họ sẽ được sống ở trời mới và đất mới, là Nước Thiên Đàng.[49] Họ sẽ trị vì đời đời mãi mãi ở nơi không có sự chết, đau đớn hay nỗi buồn nữa.[50][51]

chúng sẽ không cần đến ánh sáng đèn hay ánh sáng mặt trời, vì Chúa là Đức Chúa Trời sẽ soi sáng cho; và chúng sẽ trị vì đời đời.

- Khải huyền 22:5

Những người mang xác thịt, là cái lúp của tội lỗi, khó mà hình dung được vinh hiển trên Nước Thiên Đàng dù có vận dụng trí tưởng tượng đến đâu đi chăng nữa, vì ký ức của họ về đời trước đã bị cắt đứt.[52][53] Tuy nhiên, những người đã nhận ra nguyên tắc phần linh hồn thì siêng năng chạy hướng về thế giới phần linh hồn sẽ đến trong tương lai, dù không trông thấy ngay trước mắt.[54] Thân thể phần xác thịt chỉ là đời sống trong thời gian ngắn ngủi cùng lắm là 70 hay 80 năm trên trái đất đầy nỗi thống khổ,[55] nhưng thân thể thiêng liêng được biến hóa thành hình thể vinh hiển của Đấng Christ thì dành cho sự sống đời đời trong thế giới đầy niềm vui và khoái lạc.

Câu hỏi thường gặp về linh hồn

  • Hỏi: Khi cơ thể chết, linh hồn cũng chết theo phải không?
    Đáp: Đức Chúa Jêsus vốn là Đức Chúa Trời, Đấng Sáng Tạo, đã trực tiếp phán rằng linh hồn vẫn tồn tại dù cơ thể chết đi.[56] Sứ đồ Phierơ nói rằng Đức Chúa Jêsus rao giảng Tin Lành cho các linh hồn đã chết trong cơn nước lụt vào thời Nôê và đang bị giam trong ngục.[57] Nếu linh hồn bị hủy diệt sau khi chết thì không thể bị giam trong ngục, và Đức Chúa Jêsus cũng không thể rao giảng Tin Lành cho họ được.[58] Hơn nữa, Kinh Thánh nói rằng linh hồn của những người tử vì đạo đã chết trước đó đang ở cạnh bàn thờ trên trời. Do đó, thật sai lầm khi chủ trương rằng nếu xác thịt chết thì linh hồn cũng chết.
  • Hỏi: Kinh Thánh Cựu Ước đã chép rằng không có linh hồn phải không?
① Thi Thiên 6:5 “Vì trong sự chết chẳng còn nhớ đến Chúa nữa; Nơi Âm phủ ai sẽ cảm tạ Chúa?”
② Thi Thiên 115:17 “Kẻ chết hoặc kẻ xuống cõi nín lặng chẳng ngợi khen Đức Giêhôva.”
③ Thi Thiên 146:4 “Hơi thở tắt đi, loài người bèn trở về bụi đất mình; Trong chánh ngày đó các mưu mô nó liền mất đi.”
④ Truyền Ðạo 9:5 “Kẻ sống biết mình sẽ chết; nhưng kẻ chết chẳng biết chi hết, chẳng được phần thưởng gì hết; vì sự kỷ niệm họ đã bị quên đi.”
⑤ Truyền Ðạo 9:10 “vì dưới Âm phủ, là nơi ngươi đi đến, chẳng có việc làm, chẳng có mưu kế cũng chẳng có tri thức hay là sự khôn ngoan.”
⑥ Truyền Ðạo 3:19-20 “Vì việc xảy đến cho con loài người làm sao, thì xảy đến cho loài thú cũng vậy; sự xảy đến cho hai loài giống hẳn với nhau. Sự chết của loài này cũng như sự chết của loài kia, hai loài đều thở một thứ hơi, loài người chẳng hơn gì loài thú; vì thảy đều hư không. Cả thảy đều qui vào một chỗ; cả thảy do bụi đất mà ra, cả thảy sẽ trở về bụi đất.”
Đáp: ① Lời này không có nghĩa là không có linh hồn sau khi chết, mà là nếu không được cứu rỗi thì trong âm phủ không thể cảm tạ Đức Chúa Trời.[59] ② Lời này cũng có nghĩa là nếu không được cứu rỗi, thì trong địa ngục không thể ngợi khen Đức Chúa Trời.[60] ③Lời này có nghĩa là không thể nhờ cậy vào bất cứ ai khác ngoài Đức Chúa Trời. Tức là dù là vua chúa có quyền thế ở thế gian này chăng nữa, nhưng sau khi chết và được chôn vào đất rồi thì mọi kế hoạch mình đã từng nhờ cậy cũng sẽ bị mất đi.[61] Nếu chỉ xem ④, ⑤, ⑥ theo nguyên văn thì có thể hiểu là con người khi chết rồi thì linh hồn cũng không còn, hoặc dù là động vật hay loài người thì sau khi chết đều ở trạng thái giống nhau. Thế nhưng, cùng trong sách Truyền Đạo, nội dung về phần linh hồn đã được ghi chép một cách riêng biệt.[10][5] Chỉ là có lời về xác thịt và lời về linh hồn riêng rẽ thôi.

Video liên quan

  • Linh hồn


  • Linh hồn có tồn tại?

Tham khảo

Chú thích

  1. AWARE NDE Study, Psi Encyclopedia
  2. What do people experience at the border between life and death?, Medical News Today
  3. "Linh hồn", dictionary.com
  4. “Êxêchiên 37:9”. Bấy giờ Ngài phán cùng ta rằng: Hỡi con người, hãy nói tiên tri cùng gió; hãy nói tiên tri và bảo gió rằng: Chúa Giêhôva phán như vầy: Hỡi hơi thở, khá đến từ gió bốn phương, thở trên những người bị giết, hầu cho chúng nó sống.
  5. 5,0 5,1 5,2 “Truyền đạo 12:7”. và bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và thần-linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó.
  6. “Gióp 26:4”. Người đã giảng luận cho ai? Linh hồn của ai bởi người mà ra?
  7. “Gióp 12:10”. Trong tay Ngài cầm hồn của mọi vật sống, Và hơi thở của cả loài người.
  8. “I Têsalônica 5:23”. Nguyền xin chính Đức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyền xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta đến!
  9. “Gióp 33:18”. Cứu linh hồn họ khỏi cái huyệt, Và mạng sống khỏi bị gươm giết,
  10. 10,0 10,1 “Truyền đạo 3:21”. Ai biết hoặc thần của loài người thăng lên, hoặc hồn của loài thú sa xuống dưới đất?
  11. “Công vụ các Sứ đồ 5:10”. Chính lúc đó, nàng té xuống nơi chơn Phierơ và tắt hơi. Các gã tuổi trẻ trở về, thấy nàng đã chết, bèn khiêng đi chôn bên chồng nàng.
  12. Strong's #5397 - נְשָׁמָה, StudyLight
  13. Strong's #5315 - נֶפֶשׁ, StudyLight
  14. Strong's #7307 - רוּחַ, StudyLight
  15. Strong's #4151 - πνεῦμα, StudyLight
  16. Strong's #5590 - ψυχή, StudyLight
  17. “Luca 8:53-55”. Họ biết nó thật chết rồi, bèn nhạo báng Ngài. Nhưng Đức Chúa Jêsus cầm lấy tay con ấy, gọi lớn tiếng lên rằng: Con ơi, hãy chờ dậy! Thần linh bèn hoàn lại, con ấy chờ dậy liền; rồi Ngài truyền cho nó ăn.
  18. “I Các Vua 17:21-22”. Người nằm ấp trên mình con trẻ ba lần, lại kêu cầu cùng Đức Giêhôva nữa mà rằng: Ôi Giêhôva Đức Chúa Trời tôi! xin Chúa khiến linh hồn của đứa trẻ này trở lại trong mình nó. Đức Giêhôva nhậm lời của Êli; linh hồn của đứa trẻ trở lại trong mình nó, và nó sống lại.
  19. “Luca 12:20”. Song Đức Chúa Trời phán cùng người rằng: Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của cải ngươi đã sắm-sẵn sẽ thuộc về ai?
  20. 20,0 20,1 “II Phierơ 1:13-14”. Nhưng tôi còn ở trong nhà tạm(xác thịt) nầy bao lâu, thì coi sự lấy lời răn bảo mà tỉnh thức anh em, là bổn phận của tôi vậy; vì tôi biết tôi phải vội lìa nhà tạm(xác thịt) nầy, như Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta đã bảo cho tôi.
  21. “II Côrinhtô 5:4”. Bởi chưng chúng ta ở trong nhà tạm(xác thịt) nầy, than thở dưới gánh nặng, vì chúng ta không cầu cho bị lột trần, song cầu cho được mặc lại, để sự gì hay chết trong chúng ta bị sự sống nuốt đi.
  22. “II Côrinhtô 5:8-9”. Vậy tôi nói, chúng ta đầy lòng tin cậy, muốn lìa bỏ thân thể nầy đặng ở cùng Chúa thì hơn. Cho nên chúng ta dầu ở trong thân thể nầy, dầu ra khỏi, cũng làm hết sức để được đẹp lòng Chúa.
  23. “Philíp 1:21-24”. Vì Đấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là đều ích lợi cho tôi vậy. ... Tôi bị ép giữa hai bề, muốn đi ở với Đấng Christ, là đều rất tốt hơn; nhưng tôi cứ ở trong xác thịt, ấy là sự cần hơn cho anh em.
  24. “I Phierơ 1:9”. nhận được phần thưởng về đức tin anh em, là sự cứu rỗi linh hồn mình.
  25. “Hêbơrơ 12:9”. Cha về phần xác sửa phạt, mà chúng ta còn kính sợ thay, huống chi Cha về phần hồn, chúng ta há chẳng càng nên vâng phục lắm để được sự sống sao?
  26. “Mathiơ 6:9”. Vậy các ngươi hãy cầu như vầy: Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; Danh Cha được thánh;
  27. “Galati 4:26”. Nhưng thành Giêrusalem ở trên cao là tự do, và ấy là mẹ chúng ta.
  28. “Châm Ngôn 8:22-30”. Trong buổi Đức Giêhôva khởi cuộc tạo hóa, Và thời thái cổ, trước khi chưa dựng nên muôn vật thì Ngài đã có ta. ... Thì ta ở bên Ngài làm thợ cái, Hằng ngày ta là sự khoái lạc Ngài, Và thường thường vui vẻ trước mặt Ngài.
  29. “Gióp 38:4, 21”. Khi ta đặt nền trái đất, thì ngươi ở đâu? Nếu ngươi thông sáng, hãy tỏ bày đi. ... Không sai, người biết mà! Vì ngươi đã sanh trước khi ấy, Số ngày ngươi lấy làm nhiều thay
  30. “Êxêchiên 28:11-17”. Lại có lời Đức Giêhôva phán cùng ta như vầy: Hỡi con người, hãy làm một bài ca thương về vua Tyrơ và nói cùng người rằng: Chúa Giêhôva phán như vầy: Ngươi gồm đủ tất cả, đầy sự khôn ngoan, tốt đẹp trọn vẹn. ... lòng ngươi đầy sự hung dữ, và ngươi đã phạm tội; vậy ta đã xô ngươi như là vật ô uế xuống khỏi núi Đức Chúa Trời; hỡi chêrubin che phủ kia, ta diệt ngươi giữa các hòn ngọc sáng như lửa! Lòng ngươi đã kiêu ngạo vì sự đẹp ngươi, và sự vinh hiển của ngươi làm cho ngươi làm hư khôn ngoan mình. Ta đã xô ngươi xuống đất, đặt ngươi trước mặt các vua, cho họ xem thấy.
  31. “Sáng Thế Ký 47:8-9”. Pharaôn hỏi Giacốp rằng: Ngươi hưởng thọ được bao nhiêu tuổi? Giacốp tâu rằng: Những năm tôi sống ở đời phiêu lưu hết thảy là một trăm ba mươi năm; các năm của đời tôi lấy làm ngắn ngủi và lại nhọc nhằn, chẳng bằng những năm bình sanh của tổ phụ tôi khi người ở phiêu lưu đó.
  32. “Mathiơ 13:34-35”. Đức Chúa Jêsus lấy lời ví dụ mà phán những đều đó cùng đoàn dân, Ngài chẳng phán đều gì cùng họ mà không dùng lời ví dụ, để được ứng nghiệm lời đấng tiên tri rằng: Ta sẽ mở miệng ra mà nói lời ví dụ, Ta sẽ rao bảo những đều kín-nhiệm từ khi dựng nên trời đất.
  33. “Giăng 10:10-11”. Kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và hủy diệt; còn ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống, và được sự sống dư dật. Ta là người chăn hiền lành; người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình.
  34. “Luca 19:10”. Bởi Con người đã đến tìm và cứu kẻ bị mất.
  35. “Mathiơ 9:13”. Hãy đi, và học cho biết câu nầy nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, nhưng chẳng muốn của lễ. Vì ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội.
  36. “Giăng 11:11-14”. Ngài phán như vậy, rồi tiếp rằng: Laxarơ, bạn ta, đương ngủ; nhưng ta đi đánh thức người. ... Đức Chúa Jêsus bèn nói tỏ tường cùng môn đồ rằng: Laxarơ chết rồi.
  37. “II Côrinhtô 5:8”. Vậy tôi nói, chúng ta đầy lòng tin cậy, muốn lìa bỏ thân thể nầy đặng ở cùng Chúa thì hơn.
  38. “Philíp 1:23”. Tôi bị ép giữa hai bề, muốn đi ở với Đấng Christ, là đều rất tốt hơn;
  39. “Công vụ các Sứ đồ 7:59-60”. Chúng đang ném đá, thì Êtiên cầu nguyện rằng: Lạy Đức Chúa Jêsus, xin tiếp lấy linh hồn tôi. Đoạn, người quì xuống, kêu lớn tiếng rằng: Lạy Chúa, xin đừng đổ tội nầy cho họ! Người vừa nói lời đó rồi, thì ngủ.
  40. “Khải Huyền 20:12”. Tôi thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước tòa, và các sách thì mở ra. Cũng có mở một quyển sách khác nữa, là sách sự sống; những kẻ chết bị xử đoán tùy công việc mình làm, cứ như lời đã biên trong những sách ấy.
  41. “Khải huyền 22:12”. Nầy, ta đến mau chóng, và đem phần thưởng theo với ta, để trả cho mỗi người tùy theo công việc họ làm.
  42. “Luca 12:47-48”. Đầy tớ nầy đã biết ý chủ mình, mà không sửa soạn sẵn và không theo ý ấy, thì sẽ bị đòn nhiều. Song đầy tớ không biết ý chủ, mà làm việc đáng phạt, thì bị đòn ít. Vì ai đã được ban cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều; và ai đã được giao cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều hơn.
  43. “Rôma 2:6”. là Đấng sẽ trả lại cho mỗi người tùy theo công việc họ làm:
  44. “Rôma 6:23”. Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta.
  45. “Khải Huyền 20:13-14”. Biển đem trả những người chết mình chứa; Sự chết và Âm phủ cũng đem trả những người chết mình có. Mỗi người trong bọn đó bị xử đoán tùy công việc mình làm. Đoạn, Sự chết và Âm phủ bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai.
  46. “I Côrinhtô 15:51-52”. Nầy là sự mầu nhiệm tôi tỏ cho anh em: Chúng ta không ngủ hết, nhưng hết thảy đều sẽ biến hóa, trong giây phút, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót; vì kèn sẽ thổi, kẻ chết đều sống lại được không hay hư-nát, và chúng ta đều sẽ biến hóa.
  47. “I Côrinhtô 15:42-44”. Sự sống lại của kẻ chết cũng như vậy. Thân thể đã gieo ra là hay hư nát, mà sống lại là không hay hư nát; đã gieo ra là nhục, mà sống lại là vinh; đã gieo ra là yếu, mà sống lại là mạnh; đã gieo ra là thể huyết khí, mà sống lại là thể thiêng liêng. Nếu đã có thể huyết khí, thì cũng có thể thiêng liêng;
  48. “Philíp 3:21”. Ngài sẽ biến hóa thân thể hèn mạt chúng ta ra giống như thân thể vinh hiển Ngài, y theo quyền phép Ngài có để phục muôn vật.
  49. “Khải Huyền 21:1”. Đoạn, tôi thấy trời mới và đất mới; vì trời thứ nhứt và đất thứ nhứt đã biến đi mất, và biển cũng không còn nữa.
  50. “Khải Huyền 21:4”. Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa; vì những sự thứ nhứt đã qua rồi.
  51. “Khải Huyền 20:6”. Phước thay và thánh thay những kẻ được phần về sự sống lại thứ nhứt! Sự chết thứ nhì không có quyền gì trên những người ấy;
  52. “I Côrinhtô 2:9”. Song le, như có chép rằng: Ấy là sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe, Và lòng người chưa nghĩ đến, Nhưng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn đều ấy cho những người yêu mến Ngài.
  53. An Xang Hồng, “Chương 3 Hoạt động và sinh hoạt trong thế giới thiên sứ”, 《Khách khứa đến từ thế giới thiên sứ》, NXB Mênchixêđéc, năm 2011, trang 22, bởi sự khôn ngoan của loài người hoặc bộ não được cho là thông sáng, thì cũng không thể nào hình dung ra được, cũng không thể biểu hiện ra được dù chỉ là một phần mười nghìn sự vinh hiển ấy của thế giới thiên sứ. Đó chính là cuộc đời loài người.
  54. “II Côrinhtô 4:18”. bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy.
  55. “Thi Thiên 90:9-10”. Bởi cơn giận của Chúa, các ngày chúng tôi đều qua đi; Năm chúng tôi tan mất nơi hơi thở. Tuổi tác của chúng tôi đến được bảy mươi, Còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi; Song sự kiêu căng của nó bất quá là lao khổ và buồn thảm, Vì đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi.
  56. “Mathiơ 10:28”. Đừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn; nhưng thà sợ Đấng làm cho mất được linh hồn và thân thể trong địa ngục.
  57. “I Phierơ 3:19-20”. Ấy bởi đồng một linh hồn đó, Ngài đi giảng cho các linh hồn bị tù, tức là kẻ bội nghịch thuở trước, về thời kỳ Nôê, khi Đức Chúa Trời nhịn nhục chờ đợi, chiếc tàu đóng nên, trong đó có ít người được cứu bởi nước, là chỉ có tám người.
  58. “Khải huyền 6:9-11”. Khi Chiên Con mở ấn thứ năm, tôi thấy dưới bàn thờ có những linh hồn của kẻ đã chịu giết vì đạo Đức Chúa Trời và vì lời chứng họ đã làm. Chúng đều kêu lên lớn tiếng rằng: Lạy Chúa là Đấng thánh và chơn thật, Chúa trì huỡn xét đoán và chẳng vì huyết chúng tôi báo thù những kẻ ở trên đất cho đến chừng nào? Có kẻ bèn cho họ mỗi người một cái áo trắng dài; và có lời phán rằng phải ở yên ít lâu nữa, cho đến khi được đủ số người cùng làm việc và anh em mình phải bị giết như mình vậy.
  59. “Thi Thiên 6:1-4”. Đức Giêhôva ôi! xin chớ nổi thạnh nộ mà trách tôi, Chớ sửa phạt tôi trong khi Ngài giận phừng, Hỡi Đức Giêhôva, xin thương xót tôi, vì tôi yếu mỏn; Lạy Đức Giêhôva, xin chữa tôi, vì xương cốt tôi run rẩy. Đức Giêhôva ôi! linh hồn tôi cũng bối rối quá đỗi; Còn Ngài, cho đến chừng nào? Lạy Đức Giêhôva, xin hãy trở lại, giải cứu linh hồn tôi; Hãy cứu tôi vì lòng nhơn từ Ngài.
  60. “Thi Thiên 115:18”. Nhưng chúng tôi sẽ ngợi khen Đức Giêhôva, Từ bây giờ cho đến đời đời. Halêlugia!
  61. “Thi Thiên 146:3-4”. Chớ nhờ cậy nơi các vua chúa, Cũng đừng nhờ cậy nơi con loài người, là nơi không có sự tiếp trợ. Hơi thở tắt đi, loài người bèn trở về bụi đất mình; Trong chánh ngày đó các mưu mô nó liền mất đi.